Sự cần thiết xem xét lại kế hoạch

Ở thời điểm chỉ còn sáu năm nữa là đến kỳ hạn 2020, có lẽ đã đến lúc các nhà quản lý giáo dục ở nước ta thẳng thắn và tỉnh táo xem xét lại các kế hoạch đã đặt ra cũng như các định hướng, chỉ tiêu trong tương lai, trong đó kể cả việc xem xét lùi lại mục tiêu 2020 hoặc nới lỏng mục tiêu Top 200.

Đại học đẳng cấp quốc tế không phải là một “kỳ thi đạt chuẩn” như kiểu kiểm định chất lượng mà cứ đại học nào đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu thì sẽ được nhận danh xưng này; “đại học đẳng cấp quốc tế” cũng không giống kỳ thi PISA hay Olympic quốc tế mà có thể ôn luyện để đạt thứ hạng cao, “đại học đẳng cấp quốc tế” là một cuộc marathon tiếp sức đường dài, một “cuộc chơi có tổng không đổi” (zero-sum game) mà bất kỳ đại học nào muốn chen chân vào top đầu, tức là sẽ có một đại học khác bị “bật bãi” để nhường chỗ. Nói cách khác, nếu Việt Nam muốn có “đại học đẳng cấp quốc tế”, chúng ta phải đầu tư mạnh hơn, thu hút được nhiều nhân lực trình độ cao hơn và có bộ máy quản trị hiệu quả hơn chính những đại học đang nằm trong các Top 100, 200 hay 500 tại các bảng xếp hạng trên thế giới hiện nay. Vậy thì phải chăng giấc mơ “đẳng cấp quốc tế” là quá xa vời? Hay chúng ta có nên chấp nhận thua cuộc và dừng cuộc chơi?

GS. Simon Marginson từ Viện Giáo dục, Anh Quốc có lẽ là một trong những chuyên gia quốc tế đầu tiên cho Việt Nam một lời khuyên hữu ích nhất để trả lời những câu hỏi kể trên. Trong một bài phỏng vấn nhân dịp tham dự một hội thảo về xếp hạng đại học tổ chức tại Đại học Quốc Gia Hà Nội năm 2008, GS. Simon Marginson đã từng nhận định việc có một “đại học đẳng cấp quốc tế” vào năm 2060 hoặc muộn hơn có lẽ là mục tiêu khả thi hơn đối với thực tế ở Việt Nam.

Việc xây dựng thành công “đại học đẳng cấp quốc tế” đóng vai trò đầu tàu cho cả hệ thống giáo dục đại học và dẫn dắt các thành phần kinh tế khác ở Việt Nam nói riêng cũng như ở các nước đang phát triển nói chung là yêu cầu sống còn để có thể bắt kịp với các nước phát triển trong nền kinh tế tri thức. Tuy vậy, ở thời điểm chỉ còn 6 năm nữa là đến kỳ hạn 2020, có lẽ đã đến lúc các nhà quản lý giáo dục ở nước ta thẳng thắn và tỉnh táo xem xét lại các kế hoạch đã đặt ra cũng như các định hướng, chỉ tiêu trong tương lai, trong đó kể cả việc xem xét lùi lại mục tiêu 2020 hoặc nới lỏng mục tiêu Top 200.

Trước Việt Nam, rất nhiều nước khác cũng đã từng thất bại với các chương trình tương tự. Ví dụ như tại Hàn Quốc, sau khi thất bại với chương trình BK21 trong những năm 1990, nước này đã có những điều chỉnh nhất định và qua đó, thu được nhiều kết quả khả quan hơn với chương trình WCU từ đầu những năm 2000. Sẽ không có gì đáng xấu hổ nếu chúng ta thất bại với những nỗ lực đầu tiên trong việc xây dựng “đại học đẳng cấp quốc tế”; thậm chí, ở một chừng mực nào đó, thất bại ở cuộc đua này lại chính là thành công ở một cuộc đua khác, lớn hơn.
 

Tác giả