Suy nghĩ từ hình thức đào tạo tín chỉ
Từ năm 2001, Bộ GD&ĐT đã quyết định tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ chính quy cho sinh viên theo học chế tín chỉ. Và Bộ cũng đã yêu cầu các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, đến năm 2010 hoàn thiện chương trình đào tạo mới này để thay thế cho hình thức đào tạo theo niên chế hiện nay. Tuy nhiên, tính đến năm học 2006 – 2007, trong cả nước có khoảng 6 trường đại học áp dụng theo hình thức tín chỉ này (ở Hà Nội có 2 trường là ĐH Xây dựng, ĐH Dân lập Thăng Long, 4 trường còn lại của thành phố Hồ Chí Minh là ĐH Thủy sản Nha Trang, ĐH Đà Lạt, ĐH Khoa học tự nhiên- ĐHQG, ĐH Bách Khoa). Bởi thế cho nên cũng không có gì ngạc nhiên khi người dân và một phần sinh viên đến thời điểm này vẫn còn bỡ ngỡ, chưa hiểu (thậm chí xa lạ) với hình thức đào tạo mới này. Vậy tín chỉ là gì? Nền giáo dục nước ta sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn nào khi thực hiện công cuộc chuyển đổi này?
(1). Thời gian học tập trên lớp
(2). Thời gian học tập trong phòng thí nghiệm, thực tập hoặc làm các phần việc khác đã được quy định ở đề cương môn học
(3). Thời gian dành cho việc tự học ngoài lớp như đọc sách, nghiên cứu, giải quyết vấn đề hoặc chuẩn bị bài.
Như vậy, căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ đào tạo của từng khoa, từng trường, mỗi sinh viên phải hoàn thành ít nhất từ 120 – 140 tín chỉ. Ở trường ĐH Tokyo Nhật Bản, sinh viên ngành khoa học nhân văn phải hoàn thành 136 tín chỉ, với sinh viên khoa học tự nhiên là 144 tín chỉ. Một tín chỉ tương đương với 15 tiết học lý thuyết, 30 tiết thảo luận và làm bài tập, thí nghiệm, 45 – 60 tiết thực tập (như khung đào tạo của ĐH Xây dựng). Lượng kiến thức dành cho sinh viên gồm 2 khối cơ bản: giáo dục đại cương và giáo dục chuyên môn. Mỗi khối kiến thức ấy cụ thể chia thành 2 nhóm học phần: học phần bắt buộc và học phần tự chọn. Học phần bắt buộc là khối kiến thức tiên quyết bắt buộc sinh viên phải học và thi đạt mới được học tiếp sang học phần khác. Và học phần tự chọn là những kiến thức cần thiết nhưng sinh viên được chọn theo hướng dẫn của nhà trường.
Hiện nay, học chế tín chỉ là hình thức đào tạo được xem là tiên tiến trên thế giới vì mục đích đào tạo của nó là hướng vào sinh viên, coi người học là trung tâm trong quá trình dạy – học. Với hình thức này, người học chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức và quản lý thời gian (chủ động lựa chọn môn học, giáo viên, giờ học…), nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu. Đồng thời đào tạo theo học chế tín chỉ sẽ hạn chế được tình trạng dạy và học theo lối kinh viện (điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương đổi mới phương pháp dạy và học, đẩy nhanh quá trình hội nhập thế giới). Đây là một phương thức đào tạo đem lại hiệu quả giáo dục cao, tạo tính mềm dẻo và khả năng thích ứng, hơn nữa cũng tạo được hiệu quả cao về quản lý và giảm được giá thành đào tạo.
Tuy nhiên, đứng trước công cuộc cách mạng giáo dục này, chúng ta không thể không có những băn khoăn, trăn trở xung quanh việc chuyển đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ. Bài viết xin xin đề cập một số giả định:
Thứ nhất, đào tạo tín chỉ có phải là hình thức đào tạo duy nhất và tân tiến nhất hiện nay hay không? Xin trả lời ngay, ít nhất, duy nhất thì không. Bởi trên thực tế toàn bộ nền giáo dục của châu Âu vẫn đào tạo theo kiểu niên chế. Trung Quốc và Nga cũng vậy. Còn ưu việt nhất? Không phủ nhận là Mỹ và Nhật rất thành công. Nhưng cũng không thể phủ nhận được là giáo dục đại học của những nước không tín chỉ là không thành công. Vậy có thể khẳng định: tín chỉ không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công của giáo dục đại học. Từ những lập luận ấy dẫn đến chuyện chúng ta phải lựa chọn. Nếu chỉ có một thành tố mà cái đó thành công thì tất yếu không phải chọn. Còn nếu có hai thành tố mà cả hai đều thành công thì bắt buộc phải có sự cân nhắc, chọn lựa. Và nguyên tắc là chọn cái nào hợp với mình.
Thứ hai, về nguyên tắc lựa chọn, có mấy tiêu chí:
(1). Hình thức nào thành công hơn?
(2). Hình thức nào phù hợp với mình hơn?
(3). Hình thức nào mình có thể làm được?
– Ở tiêu chí thứ nhất, không thể nói là giáo dục của Pháp thì tốt hơn của Mỹ hay ngược lại. Chỉ có điều khi chúng ta quyết định từ bỏ cái cũ để chuyển sang cái mới thì chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Tại sao phải có sự thay đổi đó? Không thể trả lời một cách chung chung bằng những câu như “để đuổi kịp thế giới” vì hiện nay trên thế giới có những nước không đào tạo theo hình thức học chế tín chỉ (như trên đã nói). Và hơn nữa đuổi kịp đâu đơn giản chỉ là đuổi phương thức đào tạo mà quan trọng hơn cả là phải đuổi chất lượng đào tạo. Cũng không thể trả lời rằng “để nâng chất lượng giáo dục”. Một câu hỏi đặt ra là chất lượng kém thực chất ở đâu? Cần thẳng thắn nhìn nhận sự thực là trước hết ở chính giáo viên. Một giáo viên cả quãng đời dạy học không viết, không tham gia một báo cáo khoa học nào thì tín chỉ hay không tín chỉ chất lượng cũng vẫn dẫm chân tại chỗ, không thể thay đổi được. Nói rộng ra, một trường đào tạo khoa học cơ bản, muốn nâng chất lượng thì mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu là đào tạo phải đi đôi với nghiên cứu. Nghiên cứu kém thì đào tạo cái gì. Gốc của vấn đề là ở đấy chứ không phải ở việc đào tạo theo hình thức nào, tín chỉ hay không tín chỉ. Đuổi theo tín chỉ để mong chất lượng nâng lên là một sự lừa dối, là “đuổi mồi bắt bóng”, là làm ngược vì lẽ ra phải nâng đội ngũ cán bộ, chuẩn hóa trước để khi đã “có bột” rồi thì “gột hồ” gì chả được và chả tốt.
– Ở tiêu chí thứ hai, về chuyện có hợp với mình hay không thì phải đặt giáo dục đại học trong quan hệ với tổng thể nền giáo dục và tổng thể xã hội. Cả nền giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 có đào tạo con người chủ động không mà lại yêu cầu lên đại học sinh viên phải chủ động? Đào tạo tín chỉ chỉ thực sự đem lại kết quả tối ưu khi nó phù hợp với những nước mà nền giáo dục gắn chặt với thị trường lao động và tính thực chất của học vấn (học thật, thi thật, điểm thật, kiến thức thật). Ở một nước như Việt Nam (học để lấy bằng) thì e rằng khó có thể nghĩ đến chuyện thành công. Nếu áp dụng phương pháp này, khi đó kết cục tất yếu là đào tạo tín chỉ sẽ phát huy cái tiêu cực. Phần lớn sinh viên sẽ chọn môn nào dễ, thầy nào dễ để học, để có một kết quả cao, một tấm bằng “đẹp” khi đi xin việc chứ không chọn môn có hàm lượng khoa học cao và thầy giỏi để học.
– Ở tiêu chí thứ ba, đào tạo tín chỉ đòi hỏi phải có những yêu cầu về vật chất và nguồn nhân lực thỏa mãn cho nó. Như quy định về giờ tín chỉ, giờ học lý thuyết chỉ chiếm 1/3, còn lại là giờ thực hành, tự học của sinh viên. Bởi vậy nhà trường phải có hệ thống hỗ trợ sinh viên tự học rất mạnh như thư viện, phòng vi tính, phòng học và phòng tự học…, những điều kiện về cơ sở vật chất ấy chúng ta đã có đủ chưa? Bên cạnh đó là phải có hệ thống quản lý, chúng ta đã có chưa? (Thực ra yêu cầu này không khó, các trường có thể khắc phục được). Và một điều nhức nhối nữa cần nhìn nhận lại là các cơ quan có thẩm quyền đã trả lương cho giáo viên thích đáng chưa? Nếu nói rằng mỗi giáo viên dạy một môn học phải soạn giáo trình, xây dựng đề cương môn học, lên lớp, kiểm tra, phải chấm rất nhiều bài để đánh giá kết quả học tập của sinh viên… song họ lại chỉ được trả một đồng lương rẻ mạt (15000đ/ tiết, không bằng cấp III) thì ai sẽ làm tốt từng ấy công việc?
Nhắc đến lựa chọn thì chúng ta phải biết đầy đủ về cái hay cũng như cái dở của cả 2 hình thức đào tạo: tín chỉ và niên chế. Khi quyết định chuyển đổi, dường như không một báo cáo nào nói đến cái dở của hình thức mới. Phải chăng nó không có cái dở? Hay là chúng ta không dám nhìn thẳng vào cái dở, trốn tránh cái dở? Và nếu thế thì sự lựa chọn trong điều kiện thiếu thông tin có công bằng, hợp lí hay không, có dẫn đến thành công hay không?
Thứ ba, một hệ thống đem ra thí nghiệm thì phải có một lộ trình bao gồm: làm thử – rút kinh nghiệm – làm thật. Chúng ta đã làm đúng lộ trình ấy chưa? Không thể nói là người khác làm thành công nên chúng ta có thể yên tâm. Một sự thật hiển nhiên là người khác có thể thành nhưng chúng ta vẫn có thể thất bại. Đấy là tư duy biện chứng. Trên thế giới, các nước đều mất khoảng gần 10 năm để chuyển đổi nhưng ở nước ta thì sao? Như ĐHQG Hà Nội, từ khi tổ chức tập huấn về chuyển đổi, hoàn chỉnh các chương trình, thẩm định và đến khi áp dụng chỉ vẻn vẹn có 2 – 3 năm. Hay như một chương trình phân ban cũng còn phải làm thí điểm vậy tại sao đào tạo tín chỉ không qua bước thí điểm, rút kinh nghiệm mà làm thật luôn? Đấy có phải là một cách làm khoa học? Và nếu nó thất bại thì sao? Câu hỏi này đã được đặt ra trong rất nhiều cuộc họp triển khai chuyển đổi hình thức đào tạo song không hiểu sao các nhà lãnh đạo có trách nhiệm vẫn im hơi lặng tiếng (nếu không muốn nói thẳng là họ đã lấp liếm đi). Từ trước đến nay, ở các trường đã có bao nhiêu cuộc thí nghiệm? Cả nền giáo dục đã có bao nhiêu cuộc thí nghiệm? Và cuối cùng thì thế nào? Không nói cũng đủ biết.
Trước thực tế đặt ra như vậy, vấn đề có nên áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ hay không, cho đến nay, vẫn là một bài toán khó mà các nhà quản lý giáo dục chưa tìm được đáp án.