Tăng học phí đại học dựa trên mức tăng GDP/người hằng năm

Trong bối cảnh ngân sách của các trường ĐH và CĐ công lập từ kinh phí của Nhà nước  và học phí của sinh viên còn rất hạn hẹp so với nhu cầu thiết yếu của các hoạt động dạy – học, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo, việc chủ trương tăng học phí đại học là cần thiết. Vấn đề là việc tăng học phí phải bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những người có thu nhập thấp và tăng chất lượng đại học.

Vì sao phải điều chỉnh theo hướng tăng sự đóng góp của người học?
Được biết, ở Hoa Kỳ, cơ cấu thu của một đại học công, phần đóng góp từ học phí chiếm dưới 20 % nhỏ hơn ½ nguồn kinh phí cấp từ Nhà nước (chính quyền địa phương, bang và liên bang); phần thu từ nghiên cứu khoa học, từ sự đóng góp của các mạnh thường quân, cựu sinh viên, từ cộng đồng khoảng 20 – 30% tổng nguồn thu của một đại học. Ở Việt Nam, một số đại học công có nguồn thu lớn và tương đối ổn định đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền tự chủ tài chính theo Nghị định 10 từ năm 2004 và từ năm 2007 đến nay theo Nghị định 43. Theo số liệu mà chúng tôi có được, phần đóng góp từ học phí, nếu chỉ tính trong hệ đào tạo chính qui thì chỉ chiếm khoảng 15 – 30% tùy trường đại học (ở các trường công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lí, các trường được giao tự chủ tài chính theo Nghị định 43 có thể ở mức trên hoặc cao hơn; ở những trường không được giao tự chủ tài chính, mức thu học phí chiếm thấp hơn 20% tổng thu của một trường); kinh phí thu từ hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ rất nhỏ, kinh phí từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, từ cựu sinh viên và từ cộng đồng chiếm một tỉ lệ rất thấp; kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước vẫn chiếm từ 60 – 70% đến 80 – 90% hoặc cao hơn.
Mức thu học phí của ta từ năm 1998 đến nay vẫn không thay đổi với các trường công lập trong khi cũng trong thời gian này, GDP tính theo đầu người của Việt Nam đã không ngừng tăng từ 364 USD/người/năm 1998 lên 643 USD/người/2008.
Không ít quốc gia trên thế giới lấy sự tăng trưởng GDP/người làm một trong những tiêu chí xem xét mức đóng góp của người học. Do vậy, theo tôi, ở nước ta vào thời điểm hiện nay có thể lấy thu nhập bình quân đầu người làm một trong những tiêu chí để xem xét lại mức học phí đại học trong trường công lập. Đứng trên góc độ này, việc điều chỉnh học phí trong các trường đại học và cao đẳng công lập vào thời điểm hiện nay là cần thiết. Và trong thời gian tới, hãy áp dụng việc điều chỉnh học phí dựa trên mức tăng GDP/người hằng năm để điều chỉnh học phí đại học và cao đẳng công lập (có thể bằng ½ mức tăng GDP/người chẳng hạn), mức tăng này sẽ dừng khi đạt đến mức qui định của Chính phủ về tỉ lệ học phí trong phần thu của một đại học. Mức đóng góp của người học trong cơ cấu nguồn thu đại học theo chúng tôi cũng nên ở khoảng 35 – 40% như ở các nước phát triển. Về phía các đại học sẽ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tạo nguồn thu (trong đó có khung học phí cho từng ngành đào tạo) và kế hoạch sử dụng nguồn thu để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Các trường đại học phải chịu sự kiểm tra và kiểm soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của người học. Các đại học công ở Hoa Kỳ đều có báo cáo tài chính hằng năm với đầy đủ những số liệu về sinh viên, nguồn thu từ học phí, kinh phí cấp từ Chính phủ, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và nguồn thu từ các mạnh thường quân, từ cựu sinh viên, doanh nghiệp và cộng đồng. Báo cáo tài chính hằng năm của các đại học công Hoa Kỳ cũng nêu rõ những khoản mà nhà trường đã chi cho lương giảng viên, lương đội ngũ công chức; chi phí cho các hoạt động thực hành thí nghiệm, sửa chữa, mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất và quĩ phát triền trường… Chế độ làm việc, lương – thưởng và các phụ cấp làm thêm của giảng viên, công chức cũng được công khai. Về phía sinh viên, các đại học cũng công khai học phí mà sinh viên phải đóng góp, những điều kiện phục vụ học tập mà sinh viên được hưởng…
Từ năm 1998 đến nay, mức lương tối thiểu của công chức trong khu vực Nhà nước đã tăng từ 210.000 đồng lên 650.000/hệ số – tăng gần 3,1 lần. Chi phí mà Nhà nước đầu tư vào đại học và cao đẳng công lập cũng đã tăng nhiều lần nhưng phần lớn chỉ đủ bù vào đảm bảo mức tăng của hệ số lương cán bộ công chức. Hiện tại, các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng công lập gặp không ít khó khăn khi phải dành dụm phần kinh phí Nhà nước và học phí cho các hoạt động dạy – học, nhiều chi phí cần thiết cho các hoạt động này đã phải giảm bớt, gây khó khăn không ít cho việc đào tạo và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Vì vậy việc chủ trương tăng học phí đại học là cần thiết. Vấn đề là việc tăng học phí phải bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những người có thu nhập thấp và tăng chất lượng đại học.

Tăng học phí có làm “giảm cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH”?
Câu trả lời là không. Vì, như trên đã phân tích, thu nhập quốc dân đầu người ở nước ta lúc này đã có đủ điều kiện để người học có thể chi trả học phí với mức đề án học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Quốc hội xem xét và quyết định. Tất nhiên, thu nhập bình quân đầu người không phải là thu nhập thực của mỗi cá nhân, người dân trong các khu ổ chuột ở đô thị, người dân nông thôn và miền núi, hải đảo có thu nhập thấp hơn nhiều lần mức bình quân theo đầu người. Để giải quyết chính sách với người nghèo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ người nghèo có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học như chính sách miễn giảm học phí, chính sách tín dụng cho học sinh sinh viên vay (mức vay hiện nay là 800.000 đồng/tháng – cao gấp hơn 4 lần mức học phí hiện nay), chính sách miễn trừ vốn và lãi vay đối với sinh viên ngành sư phạm… Những chính sách đó và những qui định cần phải có đối với sinh viên nghèo, sinh viên diện chính sách cũng đã được đưa vào phần giải pháp. Những chính sách như vậy sẽ giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học như nhiều tầng lớp giàu có khác.

Tăng học phí – có thể kiểm soát và có tăng chất lượng đào tạo?
Câu hỏi này được nhiều người đặt ra và nó thực sự có ý nghĩa nếu như tăng học phí đáp ứng được yêu cầu tăng chất lượng đào tạo cũng như tăng học phí đi kèm với việc Nhà nước và cộng đồng tham gia vào quá trình kiểm soát, giám sát đại học nói chung và sử dụng nguồn học phí nói riêng. Tăng học phí phải đi đôi với tăng chất lượng đào tạo – đó là đòi hỏi chính đáng của người học và cộng đồng. Cho đến hiện nay, vẫn chưa có những nghiên cứu nào cho thấy có một tương quan giữa tăng học phí và tăng chất lượng đào tạo. Việc tăng học phí, gián tiếp tăng chất lượng đào tạo thông qua việc các cơ sở đào tạo có khả năng tăng cường cơ sở vật chất (phòng học, thiết bị dạy – học, phòng thí nghiệm, lương và thu nhập khác của giảng viên và đội ngũ công chức…). Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng trong quản lí các cơ sở giáo dục đại học như ban hành những qui định về kiểm định đại học, kiểm định ngành, ban hành chuẩn đầu ra cho từng chuyên ngành đào tạo… Bộ cũng đã yêu cầu các đại học công lập phải công khai các hoạt động của mình từ việc cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra trong đào tạo, công khai đội ngũ giảng viên; công khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, những hỗ trợ cho người học; công khai học phí và báo cáo tài chính…. Tất cả những việc trên thể hiện tinh thần trách nhiệm về quản lí Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời cũng tạo điều kiện cho người học và xã hội giám sát các hoạt động của một trường đại học – đó cũng là những chính sách quản lí nhằm từng bước nâng cao chất lượng đại học, đáp ứng mong mỏi của người học, của cộng đồng.
Nguồn kinh phí hoạt động của các đại học như đã nói ở trên bao gồm phần kinh phí từ ngân sách Nhà nước, từ học phí của người học và từ sự đóng góp của cộng đồng (doanh nghiệp, nhà tài trợ, cựu sinh viên…) và từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đảm bảo chất lượng giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục, trách nhiệm trước tiên thuộc về các đại học nhưng cũng không thể thiếu sự chăm lo của Nhà nước, người học và cộng đồng. Hãy cùng nhau làm thay đổi nhận thức và hành động của toàn xã hội vì sự phát triển của đại học Việt Nam.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)