Tạo tinh thần dấn thân cho người học môn Khoa học lịch sử

Về thái độ với lịch sử và khoa học lịch sử, nhóm Cánh Buồm quan niệm như sau: đối với lịch sử thì trung thực, đối với khoa học lịch sử phải dấn thân. Dựa trên quan niệm này, nhóm Cánh Buồm đã có một số triển khai sư phạm đối với học sinh tiểu học và thu được kết quả tích cực.

Trước hết, có một thực tế phải thừa nhận là chúng ta không thể giải thích cho học sinh về lịch sử một cách rõ ràng như những gì chúng nhìn thấy. Lịch sử là những gì đã qua, làm sao có thể xác định chính xác những gì đã diễn ra hàng triệu năm về trước? Khi có những người làm công việc ghi chép sử, ta bắt đầu có được thông tin rõ ràng hơn nhưng lại rơi vào một mê cung khác là “tính cá nhân” của những tài liệu sử. Mỗi người viết sử có những ràng buộc riêng đối với xã hội người đó sống nên không thể khẳng định những gì họ viết ra trăm phần trăm là khách quan và hồn nhiên. Trẻ em, đứng trước những đúng sai, tốt xấu, nên và không nên đó của lịch sử sẽ vô cùng hoang mang. Vậy phải dạy những gì? “Dấn thân” là như thế nào? Việc học lịch sử nên bắt đầu và kết thúc ở độ tuổi nào? Làm cách nào để chúng ham thích chứ không phải thái độ học cho xong, học để lấy điểm, học để thi tốt nghiệp? Nhóm Cánh Buồm có câu trả lời cho những câu hỏi này như sau.

Học sinh cần được học lịch sử ngay từ những năm đầu tiên em đến trường nhưng không phải là học sự kiện lịch sử với các thông số: diễn ra năm này, mang ý nghĩa này. Khi ở bậc tiểu học, các em sẽ được đến với những điều kì diệu, lung linh nhất của lịch sử thông qua các câu chuyện truyền thuyết, các giai thoại lịch sử, có thể có thật hoặc không có thật. Ở đó, em được trở thành những nhân vật lịch sử, nói lời nói của những anh hùng, trở nên lớn lao phi thường như những nhân vật đó. Em sẽ hóa thân thành Hai Bà Trưng cao giọng quát thái thú Tô Định “Nước ta, sao mày cướp ? Chồng ta, sao mày giết?”, em sẽ thành tướng Giang Văn Minh khảng khái nhắc lại bài học thua trận của người phương Bắc trên khúc sông Bạch Đằng “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”, hay sẽ trở thành chàng Thánh Gióng dũng cảm của dân làng Phù Đổng “Cho tôi xin một nong cơm làng ta! Cho tôi xin một vại cà làng ta! Cho tôi làm một chàng kỵ sĩ!”.

Nhóm Cánh Buồm đã đưa vào sách học Văn và sách học Tiếng Việt những câu chuyện lịch sử hào hùng như thế dưới dạng những vở kịch ngắn, để ngay từ lớp 1 các em có thể học lịch sử. Thật cảm động khi một phụ huynh sử dụng sách và chia sẻ nội dung câu chuyện chị cho con cháu mình đóng vai nhân vật Trần Bình Trọng. Đầu tiên, chị kể cho cháu nghe câu chuyện về nhân vật này, rồi cho cháu đọc đoạn kịch ngắn trong sách học Văn lớp 2:

Tướng giặc: Nhà ngươi bị bắt rồi! Nhà ngươi sẽ bị giết!

Trần Bình Trọng: Ta không sợ!

Tướng giặc: Nhà ngươi đầu hàng đi thì sẽ được quyền cao chức trọng!

Trần Bình Trọng: Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không them làm vương đất Bắc!

Sau đó, vở kịch của cháu nhỏ đã được biến đổi và trở nên linh hoạt:

Tướng giặc: Nói mau! Vua Trần đâu?

Trần Bình Trọng: Ta không nói!

Tướng giặc: Nhà ngươi muốn chết à?

Trần Bình Trọng: Ta không sợ!

Như vậy, Trần Bình Trọng đã được tái sinh thành người anh hùng nhỏ tuổi, và biết đâu sau này, người anh hùng nhỏ tuổi đó sẽ nói những lời hào sảng hơn, tự tôn hơn trên khắp nẻo đường cậu bé sẽ đi. Ngoài những vở kịch ngắn, các em sẽ được học những bài hát, xem những bộ phim, xem triển lãm tranh, đi thăm bảo tàng, thậm chí em có thể tự sáng tác đồng dao, tự vẽ tranh về những nhân vật lịch sử mình yêu thích rồi tổ chức những triển lãm của chính các em. Tất cả những hoạt động đó đều hướng đến nội dung tạo ra một tình cảm lịch sử trong những năm học này, đó chính là tình yêu với lịch sử, ham thích môn học lịch sử, là cơ sở cho em học môn khoa học lịch sử ở những bậc học trên.

Với cách học như trên, kết thúc bậc tiểu học, đọng lại trong tâm trí các em sẽ là hình tượng những người anh hùng với hào quang lung linh, là lòng tự hào và ngưỡng mộ thật hồn nhiên, trong sáng về những người anh hùng đó.

Lên bậc Trung học, nhiệm vụ của các em sẽ là tự mình tìm hiểu để giải mã những lung linh huyền hoặc trong các câu chuyện truyền thuyết hay thần thoại dân gian mà em đã được học từ thời tiểu học. Em sẽ được làm việc như một nhà sử học, “dấn thân” vào công việc này, đi lại con đường nhà sử học đã đi dưới sự giúp đỡ của các thầy giáo, cô giáo. Nếu như trước đây em được đóng vai nhân vật Hai Bà Trưng và thái thú Tô Định thì nay em được giáo viên giao đề tài Những người phụ nữ nào đã có công đánh giặc? Giáo viên chỉ làm nhiệm vụ giao đề tài và hướng dẫn cách tìm tư liệu, còn cách trình bày vấn đề là do các em hoàn toàn chủ động quyết định. Em có thể thuyết trình một bức tranh, đọc một bài thơ, dựng một đoạn phim, trình bày một bài viết hoặc thậm chí tổ chức một phiên tòa xét xử kẻ đã đến cướp, đã gieo rắc đau thương trên đất nước của các em. Khi em tự mình làm việc chính là em đã dấn thân vào việc học lịch sử một cách khoa học.

Lên bậc đại học, em có những nghiên cứu riêng, phát hiện và tìm tòi riêng. Đây là thời gian cho các em trả lời những câu hỏi tại sao trong lịch sử. Tại có người đến cướp nước? Tại sao phụ nữ có thể đánh đuổi giặc? Tại sao cùng một sự kiện có người ủng hộ có người phản đối? Với những câu hỏi tại sao như thế này, có lẽ môn sử ở bậc đại học sẽ chỉ dành cho những sinh viên thực sự yêu thích môn khoa học lịch sử. Họ sẽ có cơ hội để góp phần giải mã những bí ẩn của lịch sử để định hướng cho tương lai của cả một dân tộc.

* * *

Thực tế học lịch sử trong nhà trường hiện nay cho thấy, bên cạnh những con số thống kê đáng buồn vẫn có những học sinh giỏi sử, yêu sử. Đó là những trường hợp cá biệt mà vô tình các em đi đúng vào con đường dấn thân đối với môn khoa học này. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào tất cả các trẻ em đến trường đều đi được đúng con đường dấn thân một cách chủ động và có sự hướng dẫn của thầy giáo cô giáo? Câu trả lời nằm trong cách hướng dẫn sư phạm hiện đại và cách tổ chức những cuốn sách giáo khoa hiện đại mà nhóm Cánh Buồm đang đeo đuổi.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)