Thi tốt nghiệp và OTK hàng xuất xưởng

Thực tế của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua – một kỳ thi được coi là bản lề trước khi có một bước đổi mới cực kỳ quan trọng vào năm 2009: tổ chức thi tuyển “2 trong 1”- khiến nhiều người thực sự không mấy tin tưởng kỳ thi như vậy có thể cùng một lúc làm tốt nhiệm vụ xét tốt nghiệp và tuyển đại học, Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với GS Hồ Ngọc Đại – người có quan điểm về thi cử khác với các nhà quản lý giáo dục hiện nay.

Quan điểm của GS về tính khả thi của đề án “2 trong 1”?

Tôi xin lấy một ví dụ để trả lời cho câu hỏi này.

Ông chủ B. bước vào phòng mới, đã dọn sạch, thế mà chềnh ềnh ra hai bình lưng lửng nước trong veo, chướng mắt, với trí khôn và quyền lực của mình, B. nghĩ bụng, sao mà ngốc thế, rồi B. quát: đổ vào một bình, chỉ cần một thôi, bỏ đi một bình.

Bà lao công quét dọn không dám ho he, bà biết, dù trông bề ngoài giống hệt nhau, nhưng bình này là nước lọc, bình kia là xăng, nếu là nhà khoa học, bà sẽ nói chữ là hai khái niệm khác nhau.

Nghĩ nói chữ là tư duy. Tư duy là lao động trí óc. Lao động văn minh thì phải dùng phương tiện và công cụ. Người lớn thất học thì dùng kinh nghiệm, tư duy bằng các khái niệm kinh nghiệm chủ nghĩa. Người làm khoa học thì tư duy bằng khái niệm khoa học. Hai kỳ thi là hai khái niệm khác nhau.
 

Về bản chất, các cách thi cử hiện nay (thi viết, thi vấn đáp, thi trắc nghiệm…) đều cùng dòng huyết thống trực hệ với cách thi cử ngàn đời nay. Trước đây, chỉ có 5% dân cư đi học thì việc thi cử là việc riêng của đám sĩ tử 5% ấy, may rủi, đỗ trượt… cũng chỉ vẻn vẹn có một nhúm 5% ấy. Họ cứ việc ngong ngóng chờ “xâu mũi” dắt đến trường thi. Số còn lại, 95% dân cư, suốt đời ai ở đâu vẫn đấy, cặm cụi làm ăn để nuôi mình và nuôi không số 5% kia.


Ngày nay, thế kỷ XXI, cả 100% dân cư đều đến trường, ai ai cũng được học. Việc học trở nên bình thường, tự nhiên như việc ăn, việc uống, hít thở không khí… việc nào cũng “thi” ngay lập tức, “thi” ngay tại chỗ, chẳng có gì ly kỳ, thế mà rất nghiêm. Ấy là sự nghiêm vì cuộc sống thực, sự nghiêm này nghiêm hơn triệu lần cái sự nghiêm hình thức dễ làm giả của các kỳ thi định kỳ có giám thị coi. Phải tỉnh táo lắm thì mới dám thừa nhận rằng tuềnh toàng chiếc xà lỏn trong phòng ngủ lại “nghiêm” hơn triệu lần diện com lê, thắt ca vát, đi giày da, trèo lên giường.

Nếu ví dụ xăng dầu/nước lọc chưa đủ sức thuyết phục sự khác nhau về khái niệm giữa hai kỳ thi, thì xin dùng thêm ví dụ về thể dục thể thao. Học sinh phổ thông chỉ cần phải nhảy qua 1,1m. Ai nhảy qua 1,1m là đạt (đỗ). Có lần thi đấu quốc tế, người đã nhảy qua 2,44m mà bị loại (trượt), vì có người nhảy qua 2,45m.

Còn việc tổ chức thi trắc nghiệm hiện nay của ta?

Từ ngày T.V mở nhiều trò chơi có thưởng, cậu sinh viên đói ăn nọ sau mươi phút trở thành triệu phú. Cách thi của T.V gợi cho ba em học sinh lớp Một xin cùng thi tốt nghiệp với các anh chị lớp Mười hai. Kết quả, cả ba em đạt điểm tuyệt đối 100. Bí mật thành công hết sức đơn giản. Trò chơi trắc nghiệm đưa ra 3 phương án, có một phương án đúng. Biết thì nói chắc, không biết thì nói hú họa, nói liều. Các em chia nhau, mỗi em trả lời đúng chỉ cho một phương án ở cả 100 câu hỏi thi: Tèo – phương án A, Tý – B. Cún – C.

Giáo dục không phải là Trò chơi may rủi, giáo dục là máu thịt của mỗi cá nhân trẻ em. Giáo dục làm nên trí tuệ của em, làm nên niềm tin đạo đức của em, làm nên giá trị đích thực của cá nhân em, để em tự phân biệt mình với tất cả các cá nhân còn lại trên đời. Lẽ sống và Sức sống của em, sao lại đem ra làm trò chơi đánh đố may rủi như thế?

Có thể nói việc tổ chức thi trắc nghiệm hiện nay của ta là do các nhà quản lý giáo dục không thấy sự khác nhau về khái niệm giữa Thi tốt nghiệp và OTK hàng xuất xưởng.

Vậy sự khác nhau của hai khái niệm này thế nào, thưa GS?

Một hàng hoá không đạt chuẩn cần phải loại bỏ, vì lợi ích của khách hàng, kẻ xa lạ với nhà máy. Học sinh đi học trước hết và sau cùng luôn luôn gắn với sự sống của mình vì lợi ích của chính mình, lợi ích trải ra ngày ngày, trải ra tháng tháng, trải ra năm năm, ở ngay tại mỗi thời điểm sống, sao lại phải chờ đến phút cuối cùng, sau 12 năm học mới OTK, đỗ hay trượt.

Sự khác nhau giữa thi tốt nghiệp và OTK hàng xuất xưởng giống như sự khác nhau về khái niệm giữa mùa thi và vụ gặt. Vụ gặt có thể được mùa hay thất bát, vì nhà nông chỉ có trong tay cái công thức rất chung chung “nước – phân – cần – giống” nhưng lại chịu những tác động rất cụ thể của đất đai, lụt lội, hạn hán… đành phải cầu may, lạy trời mưa xuống…

Mùa thi đâu phải là vụ gặt, vì suốt quá trình học sinh đều yên lành trong “4 bức tường” kín mít, nghe lời thầy giảng đều đều, ngày ngày đều đều, tháng tháng đều đều, năm năm đều đều… thế mà mùa thi thì lại không đỗ đều đều! Trước đây, chỉ có 5 % dân cư đi học, thi đỗ hay trượt là việc riêng của 5% ấy, chẳng may tất cả 5% ấy đều trượt tuốt, thì 95% dân cư còn lại vẫn yên lành, vẫn có thể được mùa!

Ngày nay, cả 100% dân cư đều đi học. Mỗi học sinh hiện đại là một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này. Cùng em vào lớp Một, rồi cùng em thi tốt nghiệp lớp 12, ví dụ, cả thảy có 100 học sinh, nếu B. biết về giáo dục, mà là giáo dục hiện đại và nếu B. biết tư duy bằng khái niệm khoa học, thì trong số 100 em ấy, em nào cũng toàn vẹn cả 100%, chứ không phải chỉ là 1%, cho nên, dù 95 em, tức là 95% thi đỗ thì đừng vội coi là “thành tích lớn”, mà nên nghĩ sâu hơn, Vì sao 100 em được học mà chỉ có 95 em học được? Vì sao? Có phải khẩu hiệu 100% dân cư được học là chuyện hão huyền? Hay khẩu hiệu ấy đã bị vô hiệu hóa?

Nhưng nhiều nhà quản lý giáo dục của chúng ta nói việc thi trắc nghiệm như của ta hiện nay giống như ở nhiều nước có nền giáo dục hiện đại?

Thi trắc nghiệm chỉ cần đến kết quả cuối cùng và để có kết quả ấy chỉ cần nhớ lại, nhớ ra, nhận ra, tức là cái trình độ thấp nhất của Việc học hiện đại.

Trong giáo dục, quan trọng đã đành là kết quả cuối cùng, nhưng còn quan trọng hơn nhiều, hơn rất nhiều, hơn nhiều hơn rất nhiều là cách làm ra kết quả ấy, làm như thế nào để có kết quả ấy. Có một thực nghiệm này với học sinh lớp Một: Hãy tính 6 + 4 = ? Không được dùng que tính. Hai em đứng tại chỗ tính.

Em trai: 6 + 4 = 11

Em gái: 6 + 4 = 10

Thi trắc nghiệm thì em gái đúng, em trai sai. Hãy tìm hiểu cách làm sẽ thấy cả hai cùng một cách làm như nhau, đều dùng que tính dưới hình thức các ngón tay, đều cho tay vào hai túi quần.

Thi trắc nghiệm cũng có ích trong một số trường hợp, vì lợi ích của người chấm thi, kẻ ngoài cuộc.

Thi trắc nghiệm cũng có ích phần nào cho học sinh, nó gợi lại quá trình (cách làm) trước đó và các điều kiện để có lời giải đó.

Thi trắc nghiệm về bản chất là dựa vào trí nhớ, dựa vào cái đã có, thẩm định trí nhớ, không có ích mấy cho tư duy: Tư duy, cách làm việc trí óc, nói chặt chẽ hơn, tư duy khoa học, cách làm việc trí óc bằng các khái niệm khoa học, mới là cốt lõi của quá trình giáo dục hiện đại.

Tôi mong các nhà quản lý giáo dục hãy đặt Lẽ sống và Sức sống của giáo dục lên mọi “mẹo”, mọi thứ đố, mọi thứ cầu may, mọi cái cớ chỉ có lợi cho người chấm thi… Đừng mở rộng tràn lan Thi trắc nghiệm sang các môn học.

Xin cảm ơn ông.

P.V thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)