Thư viện làng
Tình huống này xảy ra ở một làng hẻo lánh bên xứ Phi Châu nên có thể hơi hơi giống miệt Chắc Cà Đao ở xứ mình: Dưới mái trường lợp lá tả tơi, một thầy một cô cùng lũ trẻ mặt mũi lem nhem áo quần xốc xếch hè nhau đọc to các bài đọc từ những cuốn sách giáo khoa cũ mèm.
Phòng hờ có người vặn vẹo tôi là làm gì có nơi nào tệ dữ vậy, tôi phải nêu chính xác tên làng là Nkhanga ở phía đông nước Zambia. Và nhân chứng là giáo sư Mwizenge Tempo. Ông là một trong những đứa học trò đó, vào thập niên 1960. Phải học hết trường làng, trường huyện, trường tỉnh, rồi vào đại học quốc gia Zambia, Tempo mới có cơ hội đọc sách trong một thư viện đàng hoàng. Chàng trai làng hiếu học tìm được cơ hội du học ở trường Đại học tiểu bang Michigan, Mỹ, lấy bằng tiến sĩ năm 1987, trở thành giáo sư khoa xã hội học của một trường đại học tư, Bridgewater, ở tiểu bang Virginia. Vào năm 2006, Tempo “áo gấm về làng”. Sau khi dạo khắp làng, ông giáo sư “Zambia kiều” phát hiện rằng làng mình vẫn như xưa, nửa thế kỷ trôi qua ở đâu đâu, chứ những đứa trẻ thuộc thế hệ cháu nội ông vẫn chỉ có mấy cuốn sách giáo khoa cũ mèm để tập đọc, như ông 50 năm về trước.
Không rõ gia đình giáo sư Tempo có vai vế như thế nào trong làng, cũng không rõ trong lĩnh vực chuyên môn ông có được giải thưởng quốc tế nào không. Nhưng sau cú sốc, Tempo bình tâm lại và thấy rằng muốn có sự thay đổi thì phải có ai đó làm điều gì đó. Một điều gì đó, đơn giản, chẳng hạn đem về làng những cuốn sách khác hơn sách giáo khoa để cho dân làng đọc miễn phí. (Ở đâu sách cũng mắc mỏ, luôn phải nhường ưu tiên cho gạo, củi, mắm, muối). Tức là lập một thư viện công cộng cho ngôi làng đã sản sinh ra ông tiến sĩ giáo sư Mỹ.
Sau khi bàn bạc với các vị tiên chỉ làng để ý tưởng được tán thành và được cam đoan ủng hộ (suông), Tempo về Mỹ. Bridgewater là một cộng đồng dân trung lưu trí thức Mỹ khoảng 5.200 người, phần lớn là sinh viên và giáo sư, cán bộ, công nhân viên của trường đại học. Tempo đem câu chuyện làng mình kể cho sinh viên và đồng nghiệp nghe, để xin họ những quyển sách mà họ không muốn giữ chật văn phòng. Gì chứ sách thì người Mỹ rất sẵn lòng cho không, biếu không. Nhứt là các giáo sư, họ thường nhận được sách biếu của các nhà xuất bản để điểm sách, nhiều cuốn để cả năm trên bàn chưa xé lớp nhựa bọc. Trong hành lang gần văn phòng các khoa thường có những thùng giấy đựng sách các giáo sư và sinh viên thải ra, dán miếng giấy thông báo “Free”. Tempo chịu khó lục lọi, lượm lại những quyển ông cho là đáng gởi về cho trẻ em làng mình đọc.
Vấn đề tất yếu nảy sinh là làm sao gởi sách về quê? Rồi ở quê nhà kiếm đâu ra tiền xây cái nhà chứa mấy ngàn quyển sách đó? Phải nói rõ đó là những quyển sách có giá trị, một kho tàng tri thức được chọn lọc, trong đó có trọn bộ 100 tác phẩm văn học bất hủ của nhân loại do một vị giáo sư Anh văn đồng nghiệp của Tempo tặng. Một chiến dịch quyên góp mở ra, người góp 20 đô, người góp 50 đô. Sinh viên còn bày ra những buổi hòa nhạc, những cuộc đấu giá để quyên góp trong cộng đồng dân cư ngoài trường Bridgewater. Được bao nhiêu chuyển về làng Nkhanga bấy nhiêu.
Tôi chưa từng tới xứ Zambia, nhưng nhắm tình hình văn hóa giáo dục thì suy ra trình độ xây dựng có lẽ tường đương xứ Chắc Cà Đao của tôi, nơi ba năm mới xây xong cái cầu bắc qua con kênh mà con nít bơi qua bơi lại cái một. Cái thư viện làng Nkhanga (được tài trợ từ cộng đồng Bridgewater) xây xong nền móng năm 2007, dựng các bức tường năm 2008, lợp xong mái năm 2009. May là cuối cùng cũng xong! Và làng Nkhanga có lẽ là làng “trí thức” nhứt châu Phi vì có một thư viện công cộng với mấy ngàn cuốn sách trình độ (đa số) từ đại học trở lên. Đừng hỏi tôi ai trong làng (trừ tiến sĩ Tempo thỉnh thoảng vinh qui bái tổ) vào thư viện làng đọc những cuốn sách đó và đọc để làm gì.
Cũng đừng hỏi tôi kể câu chuyện này để làm gì? Chẳng qua tôi chợt nhớ một ngôi làng ở tuốt vùng U Minh Hạ. Cách đây vài năm tôi đi qua đó, trường làng chỏng chơ mấy chiếc bàn ghế vẹo vọ. Trên lý thuyết trường có thư viện, nhưng vì mái dột, sách bị ẩm ướt, mối mọt ăn hết. Cả làng chẳng ai đọc sách báo gì cả. Mà làng ấy từng sinh ra một nhà văn và một nhà thơ xuất sắc của văn học miền Nam Việt Nam. Có người gợi ý với những người từng ngưỡng mộ nhà văn quê xứ ấy vừa qua đời rằng: lập một thư viện ở làng của ông, mang tên ông để kỷ niệm càng tốt, ít nhứt thì cũng chưng lên mấy cuốn sách ông viết về quê hương mình. Ai cũng bảo: Ý kiến hay, tiền bạc không hiếm, sách cũng thừa. Tới nay chưa có gì xảy ra cả.
Nhưng, xứ mình khác với xứ người ta chứ bộ!