“… Tôi phải lãnh đạo nhà trường trong bối cảnh lo lắng và bất an…”

Bà Drew Faust -  Nhà nghiên cứu Lịch sử đồng thời là Chủ tịch Đại học Harvard trả lời phỏng vấn Tạp chí “Tấm Gương” của Đức  về tình trạng tài chính suy giảm của trường Đại học Harvard, về việc quản lý tiền quỹ của các nhà tài trợ và về vai trò lãnh đạo của mình, một người phụ nữ, tại một trường đại học hàng đầu thế giới.

Spiegel: Thưa bà Faust, ông Barack Obama từng tốt nghiệp Đại học Harvard, hiện ông ấy đang phải hết sức nỗ lực để cứu vãn tất cả các lĩnh vực khỏi tình trạng chìm xuồng. Bà có gặp ông ấy và xin Nhà nước cứu trợ?
Faust: Không. Rất tiếc là thời gian qua tôi không có hân hạnh được tiếp kiến Tổng thống.

Nhưng bà không phủ nhận trường đại học của bà đang đứng trước khó khăn tài chính hết sức lớn lao?
Giá trị  tài sản của chúng tôi trong năm tài chính này bị sụt giảm khoảng 30%, nghĩa là chúng tôi mất 11 tỷ USD. Cũng như Tổng thống Obama, tôi cũng phải lãnh đạo nhà trường trong bối cảnh đầy lo lắng và bất an.

Nhiều người trong đó có cả những người của trường bà cũng cho rằng, nguyên nhân chính khiến Harvard lâm vào tình trạng này là do Công ty quản lý Harvard (Harvard Management Company – HMC) đã tiến hành kinh doanh Derivat đầy mạo hiểm. Tạp chí  “Forbes” từng mô tả  HMC là một  “Hedgefonds khổng lồ”.
Chiến lược quản lý tài sản của chúng tôi rất giống với với các trường đại học khác, thí dụ như với Yale. Và kết quả thì có thể nói là tuyệt vời: 15 năm liền lợi nhuận bình quân đạt 15,7 %. Vấn đề là ở chỗ các điều kiện kinh tế thay đổi quá nhanh và đột ngột.

Ngay trong những năm làm ăn phát đạt nhất cũng có những ý kiến cho rằng: Các nhà quản lý HMC có đáng được hưởng tới 35 triệu USD mỗi năm – cao hơn nhiều so với mức mà bản thân bà có thể chấp nhận trả cho các vị giáo sư tài ba nhất. Vậy giờ đây bà có định hạn chế khoản tiền lương trả cho các nhà quản lý của trường hay không?
Tất nhiên hiện nay mọi vấn đề tài chính đều phải xem xét lại. Ví dụ, mức học phí cao nhất là bao nhiêu? Kinh phí dành cho nghiên cứu do Nhà nước cấp sẽ là bao nhiêu? Và nhất là tiền ủng hộ, tài trợ của các “Mạnh Thường Quân” sẽ như thế nào?  Điều gì sẽ xảy ra khi bản thân những người bạn và các nhà tài trợ của Harvard cũng đang bị áp lực về tài chính?

Thế câu trả lời của bà là gì?
Chúng tôi phải giảm chi phí và phải tìm cách dựa nhiều hơn vào các nguồn thu khác.

Thưa bà, bà sẽ dựa vào những nguồn thu nào? Sẽ tiếp tục tăng học phí? Nếu tính cả tiền ăn, ở thì chi phí cho một năm học ở Harvard giờ đây đã lên đến khoảng 50.000 USD – khoản tiền này tương đương với thu nhập bình quân của một hộ gia đình loại trung bình ở nước Mỹ…
… Vì thế nên chúng tôi đã cam kết giữ nguyên sự hỗ trợ của mình cho các em sinh viên thuộc diện các gia đình có thu nhập thấp. Chúng tôi nghĩ rằng, một nhiệm vụ quan trọng đối với Harvard là bảo đảm để các sinh viên có tài năng được tiếp cận với sự đào tạo tốt nhất.

Dù sao Harvard vẫn thuộc diện trường đại học giàu có bậc nhất thế giới với nguồn tài sản lên tới 26 tỷ USD. Vậy thì bà có thể yên tâm lắm chứ?
Hiện nay chúng tôi buộc phải lấy một số tiền từ khối tài sản của mình để trang trải các khoản chi thường xuyên. Nhưng đây không phải là khoản tiền để dành mà bà Chủ tịch muốn lấy ra bao nhiêu cũng được. Đấy là vốn liếng để chi cho các dự án, các công trình, các phòng ban và cho những đề xuất của chúng. Vả lại chúng tôi đâu có quyền tự do quyết định về việc sử dụng nguồn tài sản của mình.

Thưa bà, tại sao lại như vậy?
Tài sản của Harvard không chỉ đơn giản là một bọc tiền lớn. Nó gồm hơn 11.000 khoản riêng lẻ và  trên 70 % nguồn tài sản đó là để phục vụ cho những mục đích đã được xác định. Thí dụ nhà tài trợ bảo, chúng tôi muốn chi cho bộ môn tiếng Pháp, thì luật không cho phép chúng tôi sử dụng khoản tài trợ hoặc hoa lợi từ khoản này cho lĩnh vực sinh học hoặc để tu bổ ký túc xá sinh viên.

Nói khác đi, bà buộc phải dè xẻn, tiết kiệm ở những lĩnh vực nào?
Sáng hôm nay tôi có mặt tại một cuộc gặp gỡ, trên bàn bày một số đồ ăn nguội như Sandwiches và Bagels. Tôi thực sự không còn tin vào mắt mình nữa. Có lẽ nhầm lẫn gì chăng vì từ tháng 11 chúng tôi đã có quyết định trong tất cả các cuộc gặp gỡ trong trường sẽ không có khoản ăn uống. Chúng tôi muốn tiết kiệm các khoản chi không cần thiết, không phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu.

Tôi không phải là Chủ tịch nữ của Harvard. Mà đơn giản tôi là Chủ tịch Harvard. Tôi cũng phải đáp ứng mọi yêu cầu như những người khác; tôi phải tốt, phải làm được những gì to lớn, tuyệt vời. Nhưng tôi đã sớm nhận ra rằng, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với thế giới, khi một người phụ nữ ở cương vị này. Tôi đã nhận được những bức thư của các cô gái Trung Quốc, các em viết: Giờ thì cháu hiểu rằng, cháu cũng có thể trở thành một nhà khoa học. Có những ông bố đã nói với tôi: Giờ thì tôi tin rằng đứa con gái bé bỏng của  tôi  cũng có thể đạt được tất cả. Một cụ bà 97 tuổi, tốt nghiệp trường Đại học Radcliffe – từng là trường đại học dành cho phụ nữ, và là một bộ phận của  Harvard  – đã viết, bà ấy chưa bao giờ cảm thấy được đối xử bình đẳng trong thế giới  Harvard: “Nhưng giờ thì tôi đã hiểu, vì sao tôi lại sống lâu đến thế này.”

Cán bộ nhân viên của bà đâu có quan tâm đến vài ba cái bánh mì. Họ lo lắng vì các nhà nghiên cứu trẻ, kế cận không được tuyển để làm việc lâu dài và nhà trường sẽ không thể tuyển thêm người mới.
Chúng tôi không có chủ trương đình chỉ việc tuyển người. Nhưng chúng tôi cân nhắc rất kĩ về từng trường hợp một, chúng tôi phải xem xét kĩ, liệu vị trí đang bị trống này có nhất thiết phải có người thay thế hay không. 

Harvard luôn là vị chủ nhà rất hào phóng, rộng rãi đối với các nhà nghiên cứu trên thế giới. Thí dụ  nhà khoa học nào được trình bày một báo cáo tại nhà trường thì được ở ba ngày trong một khách sạn sang trọng ở Boston. Thưa bà, sự xa xỉ đó giờ đây chắc không còn nữa?
Vị khách đó sẽ vẫn có thể trình bày bản báo cáo lý thú của mình nếu chấp nhận chỉ ở một ngày trong một khách sạn sang trọng.

Những năm qua khoảng 40% học viên tốt nghiệp ở Harvard thường làm việc tại các công ty tư vấn và trong lĩnh vực tài chính. Trong một cuộc nói chuyện trước sinh viên hồi năm ngoái, bà đã tỏ thái độ không đồng tình với thực trạng này. Bà nói: “Các em hãy tìm những công việc mà mình yêu thích”. Liệu trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay người ta có chịu làm như vậy không?
Phần lớn những em sinh viên tốt nghiệp năm nay đằng nào cũng buộc phải tìm những công việc khác vì ngành tài chính đã teo lại đáng kể. Một số em nói với tôi cuộc khủng hoảng tài chính làm cho họ có điều kiện để chấp nhận làm những việc mà bình thường họ không hề nghĩ tới.  

Thưa bà, có phải những người tốt nghiệp Harvard là những người tham lam?
Không phải thế. Nhưng ở trường chúng tôi, cứ mùa thu đến là lại rộ lên chiến dịch tuyển mộ rất rầm rộ: Các hãng tài chính đến đây và chèo kéo sinh viên với những hứa hẹn đầy hấp dẫn, và khó có thể từ chối những công việc được trả lương cực kỳ hậu hĩnh. Xin các vị cũng đừng quên, đây còn là vấn đề thể diện nữa, cho dù hiện giờ vấn đề này phần nào có bị giảm sút.

Trong quá trình diễn ra cuộc khủng hoảng hiện nay bà có thấy sự quan niệm về giá trị trong sinh viên của trường đang có sự thay đổi ?
Có đấy. Chưa năm nào số lượng sinh viên tốt nghiệp lại đăng ký tham gia “Teach for America” đông đúc như năm nay, các em đó tình nguyện tham gia dạy học hai năm liền tại các trường quốc lập. Có lẽ một phần cũng vì Tân Tổng thống Barack Obama, người thực sự muốn cải thiện thế giới này.

James Watson người được giải thưởng Nobel và là đồng tác giả phát hiện cấu trúc – DNA đã cảnh báo, ngày nay những sinh viên Mỹ tài ba nhất không còn muốn theo học các ngành khoa học tự nhiên. Họ thích kiếm được nhiều tiền hơn trên thị trường chứng khoán. Số nghiên cứu sinh làm việc tại nhiều phòng thí nghiệm ở Harvard hay  Massachusetts Institute of Technology phần lớn đều đến từ châu Âu và châu Á.
Các bạn nói đúng. Người Mỹ chúng tôi cần phải suy nghĩ lại một cách toàn diện xem có thể hỗ trợ như thế nào đối với ngành khoa học tự nhiên.

Với tư cách là Chủ tịch Harvard, bà có trách nhiệm đặc biệt gì để không chỉ động viên khích lệ sinh viên Trung Quốc hoặc sinh viên Đức mà cả giới trẻ Mỹ say mê với các môn vật lý hoặc sinh học?
Chúng tôi muốn tiếp tục thu hút những người tài ba nhất trên khắp thế giới đến đây. Mặc dù vậy chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai sẽ có nhiều nghiên cứu sinh là người Mỹ đến với Harvard.

Harvard từng có kế hoạch xây dựng một cơ sở dành cho khoa học tự nhiên lớn nhất Hoa Kỳ ở Boston. Công trình xây dựng đầu tiên trị giá khoảng 1 tỷ USD, và  Viện Nghiên cứu về Tế bào gốc sẽ đặt tại đây. Nhưng hiện bà đã đình chỉ dự án này, vì sao?
Khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát, chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng một lần nữa về dự án đầu tư hết sức to lớn đó. Chúng tôi tự hỏi, liệu thực sự có kham nổi hay không ? Trước mắt chúng tôi thấy phải ưu tiên đầu tư cho con người và cho các chương trình, chứ chưa đầu tư cho các dự án hạ tầng.  

Harvard phải mất 370 năm để có một phụ nữ ở vị trí lãnh đạo cao nhất. Thưa bà, trước đây các cụ nhà muốn bà sẽ trở thành một người như thế nào?
Bố mẹ tôi muốn tôi trở thành vợ của một người chồng giàu có.

Và cuối cùng bà lại trở thành người kế nhiệm ông Larry Summers – người đã bị thay thế vì những lời lẽ gây nhiều tranh cãi như: Đối với các môn khoa học tự nhiên, phụ nữ không thể có tài năng như nam giới… Như vậy là cho đến nay bà đã ở cương vị Chủ tịch được hai năm. Nhưng Harvard vẫn còn là một thế giới của đàn ông?
Tôi không tin như vậy. Tôi muốn rằng, nó sẽ là thế giới của bất kỳ ai – không lệ thuộc vào giới tính, chủng tộc hay khuynh hướng tình dục nào. 
                          HOÀI TRANG  Spiegel 12.6.09

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)