Tôi thật sự ấn tượng về ông

Cách đây hơn 5 năm, GS Taketomo Mitsui (ĐH Nagoya, Nhật Bản) có bài viết về GS Hoàng Tụy với đầy sự khâm phục, kính trọng trên tạp chí The Optimization Research Bridge (số 7, tháng 9/2002).

Lần đầu tiên tôi được nghe tên GS  Hoàng Tụy, có thể là do Kyoji Saito, người đồng nghiệp thân thiết của tôi ở Kyoto nói với tôi về những thành quả nghiên cứu của ông từ hồi đầu thập niên 80. Đến khi bắt đầu bước vào nghiên cứu lĩnh vực toán ứng dụng, Saito đưa tôi một tập công bố nghiên cứu của GS Tụy, nhờ đó mà tôi biết rõ hơn những thành tựu lớn lao của ông trong lĩnh vực lý thuyết tối ưu-lĩnh vực có mối liên hệ gần gũi với lĩnh vực giải tích số tôi đang nghiên cứu. Vì vậy, tôi mong mỏi có ngày được gặp mặt ông.
May mắn là giữa năm 1987, tôi nhận được thư mời có chính chữ ký của GS Tụy. GS thân tình mời tôi đến Hội nghị quốc tế  (ICOMIDC – Hội nghị về Toán học trong Máy tính) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh tháng 4/1988. Tất nhiên là tôi lập tức nhận lời.
Trưa 24/4/1988, tôi đã được gặp GS Tụy trong một khách sạn ở TP Hồ Chí Minh. GS Tụy nhỏ nhắn, lộ rõ vẻ thông minh. Với tư cách là người dẫn đầu cộng đồng Toán học Việt Nam, GS Tụy rất bận bịu với việc khuyến khích, khuyên bảo những người tổ chức hội nghị. Dầu vậy ông vẫn quan tâm tới tôi bằng việc chỉ định một đồng nghiệp trẻ lo hướng dẫn cho tôi. Thêm nữa, sau khi kết thúc hội nghị, GS Tụy và tôi lại cùng chuyến bay ra Hà Nội. Ở đây, GS Tụy đã bố trí cho tôi tới thăm Viện Toán, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Đó là dịp tôi được gặp gỡ những đồng nghiệp Việt Nam ở rất nhiều lĩnh vực. Và cũng với sự quan tâm của GS Tụy, tôi và R. Gorenflo – một GS ở Berlin – được đi thăm Hạ Long, một kỳ quan thiên nhiên.
Tháng 9 năm đó, sau khi kết thúc Hội nghị quốc tế lần thứ 13 về Quy hoạch Toán học (Mathematical Programming) ở Tokyo, GS Tụy đến Nagoya và nghỉ ở nhà tôi gần nửa tháng. Trong quãng thời gian đó, tôi với ông thảo luận với nhau rất lâu về nhiều vấn đề. Tôi cũng giới thiệu với ông đồng nghiệp của tôi, những người rất gần với lĩnh vực tối ưu. Đó là lần đầu tiên GS Tụy đến Nhật, điều đó có nghĩa là tôi cũng có chút công sức trong việc phát triển mối liên hệ của ông với các đồng nghiệp Nhật Bản. Từ đó, GS Tụy đã vài lần tới thăm Nhật, và lần nào tôi cũng vui mừng được gặp ông, để nghe ông nói và thảo luận về nhiều vấn đề, từ nghiên cứu học thuật, hệ thống giáo dục đến cộng đồng toán ứng dụng… Qua những thảo luận đó, tôi nhận thấy GS Tụy không chỉ là nhà Toán học đầy kinh nghiệm mà còn là một nhà khoa học với tầm nhìn quốc tế.
Tôi muốn nói đến vài mẩu chuyện thú vị về GS Tụy. Năm 1990, chiếc máy xử lý văn bản (word-processor) của Viện Toán mà GS Tụy mang về từ Tokyo bị trục trặc (một bảng mạch điện tử nào đó bị hỏng). Ông hỏi tôi liệu tôi có thể tìm được đồ thay thế ở Nhật không. Tôi cố tìm đúng loại ông cần và gửi đi Hà Nội. Không may, loại bảng mạch mà tôi xác định đó không đúng. Tôi biết điều đó qua Email từ Graz (thành  phố lớn thứ 2 của Áo – ND): “Một chuyên gia điện tử mà tôi nhờ giúp, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, nói với tôi rằng phần đầu của bảng mạch cao hơn cái cũ một chút nên không lắp vừa với máy”. Mẩu chuyện cho thấy GS Tụy rất nhiệt tình học hỏi công nghệ hiện đại, cho dù chỉ với chiếc máy xử lý văn bản.
Lần gặp ông gần đây nhất ở Hà Nội là khi tôi dự một hội nghị quốc tế (DEAA 2001). Ở hành lang khách sạn tôi ở, ông xuất hiện với nụ cười và vẻ điềm tĩnh như thường lệ. Tôi biết ông đã ngoài 70, nhưng ông vẫn hoạt bát và nói với tôi chi tiết về kế hoạch tương lai. Tôi thực sự ấn tượng về ông- người có uy tín lớn trong cộng đồng toán học Việt Nam, châu Á và thế giới bằng tài năng xuất chúng cũng như nhân cách cao đẹp của mình. Tôi cầu mong cho ông sức khỏe và trường thọ.

VIỆT ANH dịch

——–
CHÚ THÍCH ẢNH”: GS Hoàng Tụy, TS Phạm Thiên Thạch và GS Taketomo Mitsui ở Hà Nội, 2001

GS Taketomo Mitsui

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)