Trách nhiệm không chỉ của nền giáo dục

Cuộc khảo sát “Liêm chính trong thanh niên Việt Nam” do Tổ chức Hướng tới minh bạch và trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng công bố mới đây  đã bộc lộ những dấu hiệu rõ ràng của một “dịch bệnh” trong xã hội chúng ta, bệnh sẵn sàng đặt tiền bạc lên trên liêm chính.

Cuộc khảo sát được tiến hành với 1.022 thanh niên từ 15 – 30 tuổi và 524 người lớn ở 11 tỉnh thành. Dù về nhận thức, 95% thanh niên cho rằng, tính liêm chính quan trọng hơn giàu có, nhưng về hành động có đến 40% thanh niên được hỏi nói sẵn sàng tham nhũng, hối lộ, nếu mang lại lợi ích cho bản thân; 38% số thanh niên cho rằng họ sẵn sàng vi phạm nguyên tắc liêm chính để được nhận vào một công ty tốt; tỉ lệ này ứng với những người lớn được hỏi là 43%. Rất nhiều người cho rằng việc tố cáo tham nhũng không có tác dụng, hoặc cho rằng “đó không phải là việc của tôi”.

Tại sao chúng ta kêu gọi chống tham nhũng, khuyến khích tố cáo tham nhũng mà thế hệ trẻ lại có một tỷ lệ đông đảo như vậy sẵn sàng thỏa hiệp, thậm chí tiếp tay với tham nhũng như vậy?

Căn bệnh tham nhũng này còn đang “di căn” vào cả lứa tuổi tiểu học trong trắng. Có một bà mẹ trẻ đang là cô giáo đã kể câu chuyện như sau về đứa con gái 8 tuổi đang học lớp 3. Một hôm về cháu xin tiền của mẹ để mua quà ăn vặt trong giờ ra chơi vì “bạn nào cũng có tiền mua quà mà con thì không, con thèm quá hà”. Người mẹ giải thích về hậu quả của ăn quà trôi nổi và quyết định không chiều theo ý con. Từ đó không thấy con đòi tiền ăn quà nữa. Qua một thời gian, mẹ xét cặp của con thì giật mình thấy có mấy trăm ngàn đồng. Được mẹ hỏi mãi tiền đâu mà nhiều vậy, đứa bé mới khai là: “con làm lớp trưởng, cô giáo biểu ghi vào sổ cô đưa tên bạn nào phá phách, vi phạm nội quy. Bạn nào làm sai mà không muốn bị con ghi tên vô sổ phải… nộp cho con 10.000 đồng, vậy là con dư tiền mua quà vặt, chứ con đâu có ăn cắp của ai đâu!”

Câu chuyện nhỏ của những đứa trẻ mới 8 tuổi này khiến người lớn nào nghe cũng thấy vừa ngỡ ngàng, đau xót, vừa gợi ra những câu hỏi nhức nhối. Những đứa trẻ rất ngây thơ mới 8 tuổi mà biết kiểu ứng xử như vậy thì sau này thành người lớn sẽ như thế nào đây? Các cháu học từ ai vậy? Ai, tổ chức nào có lỗi? Bởi chỉ cần “một bộ phận nhỏ” – vài phần trăm – công chức hành xử kiểu này thì lòng tin của dân vào chính quyền sẽ thấp đến mức nào, xã hội Việt Nam mình sẽ trôi về đâu? Sự xuống cấp về đạo đức, về văn hóa này xuất phát từ đâu? Ta hãy lần lượt xem xét từng nguyên nhân.

Trước hết nguyên nhân từ giáo dục. Từ hàng chục năm nay, giáo dục mải mê lo dạy chữ, chạy theo các chỉ tiêu lên lớp, thi tốt nghiệp, phổ cập giáo dục, đậu vào đại học mà coi nhẹ, thậm chí quên luôn việc dạy làm người, làm công dân. Kết quả là học sinh lớp 12 có thể thành thạo cách giải bài toán về tích phân nhưng lại không hề biết cách ứng xử văn minh giữa người với người trong khi gặp tình huống xung đột; học sinh lớp 3 có thể được điểm 10 khi trả bài “đoàn kết với thiếu nhi quốc tế” trong giờ đạo đức nhưng lại sẵn sàng đánh nhau với bạn trong lớp để giành đọc một truyện tranh. Đã xa rồi thời kỳ đẹp đẽ mà mỗi giáo viên chủ nhiệm đều thực hiện mệnh lệnh từ trái tim là đến nhà học sinh cá biệt để tìm hiểu gia đình, hoàn cảnh sống nhằm phối hợp ba môi trường để giáo dục em đó. Nay chỉ thấy dạy tăng tiết, tăng tiết và tăng tiết, bắt học sinh học thuộc bài, thuộc chiêu để làm bài kiểm tra, thi đạt điểm cao. Tại một trường phổ thông trung học có tiếng dạy tốt học tốt ở thành phố, cô giáo tuyên bố thẳng với học sinh lớp chọn: “Các em vô đây rồi là không còn thể thao văn nghệ, không hoạt động xã hội đoàn thể gì nữa hết, chỉ có học và học thêm để thi đậu đại học. Chỉ một mục tiêu đó mà thôi”. Nhà trường chúng ta hình như quên mất rằng mục tiêu đào tạo của giáo dục là con người biết “hỷ, nộ, ái, ố” và biết cách chế ngự các tình cảm đó, chứ không phải là cái máy nhớ, máy “trả” bài. Học sinh sau này ra đời nhớ đến thầy cô, nhắc đến thầy cô chủ yếu qua những câu chuyện mà thầy cô dạy các em nên người chứ không phải dạy viết câu văn sao cho hay hoặc cân bằng một phương trình hóa học sao cho đúng. Lý do đơn giản: bài học về kiến thức bộ môn nào đó chúng có thể quên vì không gắn với nghề nghiệp đang làm nhưng bài học về làm người thì ai cũng phải ôn và luyện hàng ngày và suốt đời.

Tuy nhiên trút hết tội lỗi lên giáo dục là sai lầm. Quy luật 25/75 về học tập cho biết rằng con người học ở ngoài nhà trường nhiều khoảng gấp ba lần so với trong trường. Nghĩa là những điều đứa trẻ thấy ba mẹ chúng làm gì ở nhà, người lớn làm gì ngoài đường, công chức làm gì ở công đường, chúng đều học hết đấy. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Có sách giáo khoa nào lại đi ca ngợi sự giả dối, có thầy cô nào, cha mẹ nào lại khuyến khích con mình thiếu trung thực? Vậy mà theo TS Đặng Cảnh Khanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, điều đáng buồn và đáng báo động hiện nay là nhiều người cho rằng sự trung thực gắn liền với sự thiệt thòi, người trung thực bị coi là “kẻ ngốc”. Ông Khanh cho rằng thanh niên không có lỗi khi suy nghĩ như vậy mà trách nhiệm thuộc về xã hội, thuộc về các cơ chế tạo ra sự giả dối và “giáo dục thanh niên rất quan trọng trong nhà trường, trên phương tiện truyền thông,… nhưng bản thân xã hội, đặc biệt là người lớn phải ngăn chặn tính gian dối. Không thể kêu gọi thanh niên trung thực khi xã hội đầy rẫy sự gian dối, tham ô, tham nhũng”.

Không thừa nhận thực tế đau lòng này mà lại chỉ nhìn vào thành tích của các tổ chức và cá nhân, nhất là thành tích một thời nào đó để khen nhau là hay, tâng bốc nhau là giỏi bằng các loại danh hiệu, huân chương, ta sẽ thành con đà điểu rúc đầu trong cát để tránh hiểm nguy. Phải biết nghe dư luận trong dân, trong gia đình, ý thức tính nguy cấp của vấn đề. Vấn nạn xuống cấp về đạo đức, về văn hóa trong xã hội, trong gia đình đã di căn vào nhà trường, vào thế hệ học sinh. Do vậy mà không thể giải quyết bằng các biện pháp của ngành giáo dục, cho dù giáo dục có đổi mới căn bản và toàn diện, cho dù phổ cập được đại học trong dân cư. Vấn nạn này đã không còn là của riêng của giáo dục nữa rồi. Phải có một giải pháp tổng thể thủ tiêu cái cơ chế đẻ ra vấn nạn đó.
—-
(1) Được công bố trên vietnamnet 8/2011

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)