Trẻ em và phụ huynh cần được tiếp cận STEM nhiều hơn qua những ngày hội như thế này

Say mê, sôi động, và lôi cuốn là những cảm xúc của hàng nghìn em học sinh tham dự Ngày hội STEM TP HCM 2016, diễn ra trong hai ngày 16, 17 tháng 1 năm 2016, qua gần 90 tiết học do cộng đồng giáo dục STEM ở cả TP HCM và Hà Nội tổ chức, với những chủ đề phong phú đa dạng trên nhiều lĩnh vực, từ khoa học sự sống, khoa học vật liệu, công nghệ thông tin, chế tạo robot, toán logic...

Mỗi tiết học là cơ hội để trí tò mò của các em nhỏ được kích thích bằng những câu hỏi khoa học hấp dẫn do các thày cô đưa ra, đồng thời bản thân các em cũng tự đặt ra những câu hỏi thú vị, như “vì sao các hành tinh lại lơ lửng trong vũ trụ”, hay “vì sao tã giấy hút nước”… Ngoài việc được giải đáp những câu hỏi khoa học bổ ích, các em còn được trực tiếp thực hành với những thí nghiệm lập trình robot lego, tạo ra nguồn điện bằng trái cây, thiết kế chiếc thuyền giấy bạc sao cho chịu được trọng lượng lớn nhất…
Mô hình giáo dục STEM đã được nhiều nước phát triển áp dụng triển khai do những ưu điểm vượt trội so với phương thức giáo dục khoa học truyền thống thiên về kinh viện khô khan. Ở Việt Nam, giáo dục STEM đã bắt đầu được một số doanh nghiệp, tổ chức triển khai ở Hà Nội, TP HCM, cùng một vài địa phương khác trong vài năm qua. Thách thức chung mà những đơn vị này gặp phải là giáo dục STEM đòi hỏi những thày cô hết sức tâm huyết, có năng lực chuyên môn cao. Giảng viên Dương Minh Tới của Titan Education, một trong những đơn vị cùng tham dự Ngày hội STEM TP HCM lần này, để có khả năng đứng lớp, cho biết mỗi giảng viên trẻ sau khi tốt nghiệp đại học thường phải được đơn vị đào tạo tiếp 1-2 năm. Bên cạnh đó, các lớp học STEM thường không thể quá đông mà chỉ có thể tổ chức thành nhóm nhỏ, đảm bảo sự tương tác sâu giữa giảng viên và học sinh.

Ngoài những khó khăn trên, trở ngại lấn nhất hiện nay là ở Việt Nam mới chỉ có một số ít người biết đến giáo dục STEM. Chính vì vậy, những ngày hội STEM được tổ chức trước hết với kỳ vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM. Ông Vũ Tuấn Anh, Tổng thư ký của Hội Tin học TP HCM, Trưởng ban Tổ chức Ngày hội STEM TP HCM chia sẻ hi vọng rằng tới đây ngày hội STEM sẽ tiếp tục lan tỏa tới các địa phương khác, để trẻ em cùng phụ huynh ở những vùng sâu, vùng xa vốn đang rất thiếu thông tin, cũng sẽ có cơ hội được tiếp cận giáo dục STEM. 

Bên cạnh đó, một ý nghĩa quan trọng khác của ngày hội STEM là tạo cơ hội cho các học sinh và phụ huynh được trải nghiệm những mô hình giáo dục STEM do các đơn vị trong nước đang triển khai. Như vậy, tới đây nếu các bậc phụ huynh quan tâm tới giáo dục STEM thì họ hoàn toàn có thể đưa con em mình đến những địa chỉ cụ thể đáng tin cậy.

Với ý nghĩa như vậy, chuỗi ngày hội STEM đã được triển khai từ năm ngoái, bắt đầu bằng Ngày hội STEM lần thứ nhất tại Hà Nội. Sự kiện được sự bảo trợ của Bộ KH&CN, đã thu hút sự tham dự của hơn 3000 học sinh cùng các bậc phụ huynh. Kế thừa thành công của sự kiện trên, Ngày hội  STEM TP HCM 2016 được phát động, với sự phối hợp tổ chức của Hội Tin học TP HCM, Trung tâm Khoa học Công nghệ trẻ Thành đoàn TP HCM, và Tạp chí Tia Sáng. Cũng giống như ngày hội STEM lần đầu tại Hà Nội, sự kiện tại TP HCM lần này có sự bảo trợ của Bộ KH&CN, nhưng hoàn toàn dựa trên nguồn lực xã hội hóa.

Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội STEM TP HCM 2016, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đánh giá cao ý nghĩa của sự kiện trong việc khơi dậy niềm đam mê khoa học ở trẻ em, tác nhân quan trọng đem lại nguồn nhân lực cùng những sản phẩm KH&CN đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước trong tương lai. Bộ trưởng cũng khẳng định cam kết của Bộ KH&CN trong việc tiếp tục bảo trợ cho những ngày hội STEM tiếp theo ở Việt Nam trong thời gian tới.
 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)