“Trở lại” mô hình phi lợi nhuận

Mới đây, Đại học Phan Châu Trinh (TP Hội An) đã tổ chức công bố mô hình đại học phi lợi nhuận và lộ trình thực hiện. Nhân dịp này, nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường, trả lời phỏng vấn tạp chí Tia Sáng cho biết vì sao mặc dù trường muốn đi con đường bất vụ lợi ngay từ đầu nhưng phải đến bây giờ mới có thể “trở lại” với mô hình đó.

Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, được biết sau một thời gian hoạt động, Đại học Phan Châu Trinh đang có xu hướng chuyển sang mô hình hoạt động phi vụ lợi. Xin ông cho biết lý do của sự chuyển đổi này?

Công việc chuẩn bị cho sự ra đời của một trường đại học ở Quảng Nam đã bắt đầu từ năm 2004 (đến cuối năm 2007 mới có giấy phép chính thức của Chính phủ). Ngay từ đầu, những người sáng lập đã xác định: 1/ Trường sẽ mang tên Phan Châu Trinh, mong muốn góp phần tiếp tục sự nghiệp khai dân trí còn bị dở dang của nhà duy tân vĩ đại, đào tạo con người tự do và tự chủ cho xã hội mới (Phan Châu Trinh gọi là “tự trị” (autonomie); 2/ Sẽ là một trường đại học tư; 3/ Mô hình cơ bản là hướng đến xây dựng một trường đại học phi vụ lợi.

Như vậy ý tưởng bất vụ lợi đã có từ đầu, là “xu hướng” từ đầu, nếu bạn muốn dùng từ ấy. Lý do thì cũng dễ hiểu: chúng tôi nghĩ đấy là mô hình duy nhất phù hợp với lý tưởng giáo dục mà trường muốn đeo đuổi. Thật khó đồng nhất một trường đại học được coi và được vận hành như một hội buôn với một lý tưởng giáo dục cao quý mà chúng ta thiết tha đeo đuổi.

Như vậy có thể nói không phải chúng tôi “chuyển sang” mô hình bất vụ lợi mà là “trở lại” với mô hình được xác định từ đầu.

Vậy tại sao việc chuyển đổi bây giờ mới được đặt ra?

Muốn đi con đường bất vụ lợi, nhưng ngay từ đầu chúng tôi, đúng ra là tất cả chúng ta, vấp ngay vào một mô hình tổ chức giáo dục hoàn toàn ngược với tư tưởng cơ bản đó. Quyết định 61 về Quy chế đại học tư thục coi trường đại học tư thục hoàn toàn là một công ty cổ phần, hoạt động hoàn toàn theo luật doanh nghiệp. Nói gọn là ở đấy người giàu góp vốn nhiều nhất toàn quyền chỉ huy và quyết định tất cả. Và hầu như chắc chắn họ sẽ dắt dẫn trường theo mục đích tối cao là sinh lợi tối đa và tối nhanh, mặc xác giáo dục. Cho phép tôi nói rằng, theo tôi, chính tư duy đó, chủ trương đó, cách làm đó đã và đang xé nát các trường đại học tư thục, ngay đến cả một trường hàng đầu nổi tiếng như Đại học Hoa Sen. Trong khi tất cả các chủ trương nghiêm trang và hùng hồn của Đảng và Nhà nước đều coi mảng giáo dục đại học ngoài công lập là một bộ phận quan trọng của nền giáo dục quốc dân, có nhiệm vụ đảm trách đến 40% đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Thôi thì cứ phải nói cho thật, cho rõ: quyết định nói trên là sai lầm, và sai lầm lớn. Nhất thiết phải thay đổi. Chúng tôi cũng đã từng chịu đau khổ triền miên vì quyết định này gần chục năm nay, và đã đến lúc chúng tôi quyết thay đổi. Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng mô hình chuyển đổi. Trong khi chờ đợi luật được thay đổi, chúng tôi muốn đề nghị cho chúng tôi làm thí điểm, mong có thể góp phần mở đầu cho một sự thay đổi đã đến lúc cấp bách.

Đại học Phan Châu Trinh vốn rất kém ở đầu vào, thất bại này có liên quan gì đến mô hình đại học tư thục trước đây không và sẽ được khắc phục bởi mô hình mới như thế nào?

Mới hôm qua tôi có đọc một bài báo nói rằng chất lượng giáo dục của chúng ta thấp không phải vì không kiểm soát chặt đầu vào, mà trái lại vì hầu như hoàn toàn thả rông đầu ra. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định đó.

Thú thật tôi không sợ một đầu vào được coi là “kém”. Thế nào là kém? Có lần tôi đã nói tôi không tin có sinh viên kém, trừ một số rất ít trường hợp cá biệt, có tính chất bệnh lý bẩm sinh. Theo tôi, giáo dục cần bắt đầu từ niềm tin rằng mỗi con người đều giỏi, mỗi người đều giỏi về một cái gì đó, trong mỗi người đều có những khả năng tiềm ẩn nhất định. Sở dĩ ta thấy họ dở, dốt, là vì ta đòi hỏi mọi người đều phải giỏi đúng cái mà ta muốn, chỉ cái ấy thôi, trong khi cuộc sống và xã hội thì có muôn vàn nhu cầu khác nhau, vô cùng phong phú. Thứ hai nữa, chính ta dở, người thầy dở, không phát hiện ra được và đánh thức được cái hay, cái giỏi ở mỗi người học. Nói theo một cách nào đó, giáo dục là đánh thức (chứ không phải nhét đầy, nhồi sọ, áp đặt). Chính đó là ý nghĩa nhân văn sâu xa của giáo dục, cũng là hạnh phúc của giáo dục, của người làm giáo dục. Giáo dục là giải phóng, và luôn luôn mới, vì con người là đa dạng đến bất tận, tài năng tiềm ẩn trong từng con người, trong mọi con người là bất tận.

Mô hình này có được bảo đảm lâu dài bởi các chính sách hiện hành hay không?

Đúng là các chính sách hiện hành chưa bảo đảm cho một mô hình đại học phi vụ lợi. Cần một hành lang pháp lý mới cho mô hình tốt đẹp này. Trong đó cần có một loạt chính sách thuận lợi cho những cống hiến vô tư vì sự nghiệp cao quý là giáo dục. Các nước đều đã có những chính sách như thế, như miễn thuế cho những phần hiến tặng, đóng góp cho các tổ chức phi vụ lợi, ưu đãi về đất đai v.v.

Cần thiết nhất hiện nay là cho phép và tạo điều kiện cho một số thí điểm đi đầu.

Vạn sự khởi đầu nan. Hãy cho phép và tạo điều kiện, mạnh mẽ ủng hộ những cố gắng khai phá, soi đường. Từ chính thực tế của các thí điểm đi đầu này mà hình thành các cơ chế, chính sách phù hợp cho mô hình mới.

Người đi thì mới thành đường. Chúng tôi đang lên đường.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Trần Trọng Dương thực hiện

Đọc thêm:
Chính sách nào cho đại học tư phi lợi nhuận? (Diệp Trần)
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=7740

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)