Trò lừa đảo của TRI-VALLEY

“Trường đại học” Tri-Valley với sức chứa khoảng… 30 sinh viên đã tuyển hơn 1.500 sinh viên Ấn Độ và hỗ trợ làm thủ tục visa cho họ vào Mỹ, với những mục đích  hoàn toàn không liên quan gì đến việc học hành.  

Theo tin của tờ Asia Sentinel ngày 7/2/2011, “trường đại học” không được kiểm định có tên Tri-Valley với sức chứa khoảng… 30 sinh viên đã tuyển hơn 1.500 sinh viên Ấn Độ và hỗ trợ làm thủ tục visa cho họ vào Mỹ, với những mục đích  hoàn toàn không liên quan gì đến việc học hành. Một cách vắn tắt, Tri-Valley thực chất chỉ là một đường dây cung cấp dịch vụ nhập cư trái phép vào Mỹ mà thôi. Sau khi vụ việc bị vỡ lở, nhà chức trách Mỹ đã đóng cửa ngôi trường giả mạo này, đồng thời thực hiện những biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với số sinh viên mà Tri-Valley đã đưa sang Mỹ, trong đó biện pháp gắn chip theo dõi hành tung của họ đã khiến phía Ấn Độ phản ứng khá gay gắt – họ cho rằng việc gắn chip thường chỉ xảy ra đối với những tội phạm nguy hiểm, đồng thời giới học thuật Ấn cho rằng các sinh viên nói trên hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì vì họ chỉ là nạn nhân của sự lừa đảo do Tri-Valley gây ra, và cần phải được giúp đỡ để giảm thiểu những thiệt hại mà họ đã phải chịu do việc Tri-Valley bị đóng cửa.
Chúng tôi xin giới thiệu góc nhìn của một học giả nổi tiếng của Hoa Kỳ, giáo sư và nhà nghiên cứu giáo dục đại học quốc tế Philip Altbach về vấn đề này trên tờ Inside Higher Education ngày 21/2/2011, vì những vụ việc tương tự như vụ Tri-Valley hoàn toàn cũng có thể xảy ra ở Việt Nam.

Vũ Kim Khôi dịch và giới thiệu

Nếu sự việc không nghiêm trọng đến thế thì nó chỉ đáng xem là một tình huống nực cười. Một trường đại học giả mạo của Hoa Kỳ đã tuyển hơn 1500 sinh viên từ Ấn Độ và tạo điều kiện cho họ xin visa vào Hoa Kỳ. Vấn đề là các sinh viên này không hề theo học tại trường, thậm chí chẳng cư trú ở khu vực gần trường nữa, và điều này cuối cùng đã được các viên chức Chính phủ Hoa Kỳ phát hiện và họ đã xiết chặt quản lý đối với các sinh viên này. Sự kiện trên đã được nêu trên tờ Chronicle of Higher Education số ra ngày 02/02/2011. Theo tạp chí này, trường Đại học Tri-Valley tọa lạc tại phía Bắc tiểu bang California và là một trường đại học không được kiểm định, có quy mô khoảng 30 sinh viên. Tuy nhiên ngôi trường này lại tuyển đến 1500 sinh viên Ấn Độ. Khi các viên chức di trú và hải quan của Hoa Kỳ phát hiện ra thực trạng trên, họ liền tập trung số sinh viên này lại và thậm chí gắn cả thiết bị theo dõi trên nhiều người trong số này. Đến đây thì sự việc trên đã đập vào mắt giới báo chí Ấn Độ, và họ đã liên tục chỉ trích giới chức trách Hoa Kỳ vì những hành động vô nhân đạo, với ngụ ý rằng các sinh viên đó chỉ là những nạn nhân vô tội.

Trong Quốc hội Ấn Độ, vốn hiện đang tranh cãi về đạo luật cho phép mở cửa thị trường giáo dục đại học tại quốc gia này, đang một số người đặt câu hỏi về việc làm cách nào Ấn Độ có thể tự bảo vệ mình trước các trường đại học “bay đêm” như trên. Vụ việc của trường Tri-Valley diễn ra ngay sau sự cố kỳ thị người Ấn Độ tại Úc, cùng với việc xem xét lại chính sách mở cửa của quốc gia này dành cho sinh viên nước ngoài cũng đã gây ra những phẫn nộ tại Ấn Độ. Trong vụ việc tại Úc, người ta đã khám phá ra rằng nhiều thẩm mỹ viện và những cái-gọi-là cơ sở đào tạo sau trung học đang tiếp nhận các sinh viên Ấn Độ, nhưng không phải để đến đây học tập mà để làm việc trái phép.

Những sự cố trên và nhiều sự cố khác đang làm dấy lên nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến vấn đề quốc tế hoá trong giáo dục đại học. Như Uwe Brandenburg và Hans de Wit đã nêu ra trong ấn phẩm International Higher Education, chúng ta hiện đang đối mặt với sự khủng hoảng về quốc tế hoá – trong một số khía cạnh, hiện nay giai đoạn thương mại hóa trong giáo dục đại học đang dần thay thế cho thời kỳ lý tưởng hóa trước đây, và cùng với nó là đủ mọi vấn đề mà sự thương mại hóa thiếu kiểm soát có thể đem lại. Nền kinh tế thế giới vừa qua đã hứng chịu hậu quả từ những giao dịch thả nổi và không kiểm soát trong đợt suy thoái toàn cầu vừa qua. “Thị trường tự do” trong giáo dục đại học gần như cũng đang đứng trước tình cảnh tương tự – xã hội (sinh viên, phụ huynh, gia đình và cả các trường) không có khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt do tồn tại thực trạng thiếu hụt sự minh bạch cũng như kiểm soát đối với các trường lừa đảo, những trường vốn có thể dễ dàng trà trộn vào số đông các trường đang hoạt động hợp pháp.

Dưới đây là một số điều cần suy nghĩ từ vụ việc trường Tri-Valley:

Đối với Ấn Độ, sự cố trên cho thấy những trường đại học nước ngoài muốn thâm nhập vào thị trường giáo dục đại học Ấn Độ và đang thực hiện tuyển sinh là những trường không đáng tin cậy. Chúng ta cần phải cẩn trọng.

Ai là người đứng ra tuyển sinh cho trường Tri-Valley? Phải chăng là các cơ quan môi giới và nhân viên tuyển sinh? Những bài phóng sự trên báo cho thấy rằng ngay chính các sinh viên Ấn Độ cũng tham gia vào công tác chiêu sinh để được trả tiền.

Phản ứng từ các cấp có thẩm quyền của Hoa Kỳ chẳng có gì đáng ngạc nhiên hay gây shock. Các “sinh viên” rõ ràng vi phạm các điều luật về nhập cư của Hoa Kỳ, và việc kiểm soát họ không phải là điều vô lý– như quan điểm của một số nhà phê bình Ấn Độ. Ít ra là các sinh viên đó không bị trục xuất hay bị tù.

Sự cố trường Tri-Valley khiến uy tín của giáo dục đại học Hoa Kỳ tại Ấn Độ đã bị hủy hoại, ít ra là ở một mức độ nhất định; đồng thời giới chức trách và các tổ chức kiểm định Hoa Kỳ cần cảnh giác hơn với những “xưởng cấp bằng” đang ngày càng xuất hiện nhiều ở Mỹ.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)