Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên: Quyết sách “ươm mầm” người tài
Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên là một trường non trẻ, xuất phát điểm nhiều khó khăn nhưng đã sớm có quyết sách phát triển nguồn nhân lực để định hình hướng đi trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học cơ bản uy tín của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Không nhất thiết xuất sắc nhất nhưng phải phù hợp
Khi chúng tôi tới trường Đại học (ĐH) Khoa học Thái Nguyên, thấy khu nhà dành cho ban giám hiệu mới xây giữa khoảng đất trống, chỉ có những cây mới trồng, chưa đủ thời gian mọc cao để toả bóng mát, bên cạnh hai khu giảng đường cũng nằm khá khiêm tốn. “Tất cả cơ sở vật chất như các bạn thấy hiện nay của trường đều chỉ mới có trong khoảng vài năm nay. Chục năm về trước chúng tôi hầu như không có gì. Hồi năm 2012, khi mới nhận nhiệm vụ làm trưởng phòng đào tạo và quản lý khoa học của trường, thật sự là tôi đã hết sức lo lắng, một phần vì chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý, phần khác vì cơ sở vật chất quá thiếu thốn, khó khăn hơn ĐH Sư phạm Thái Nguyên, nơi tôi dạy trước đó quá nhiều”, GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Thái Nguyên chia sẻ.
GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn, hiệu trưởng trường ĐH KH Thái Nguyên.
Ngược dòng thời gian, trở về mười lăm năm trước, thời điểm mới bắt đầu xây dựng trường ĐH Khoa học Thái Nguyên trên cơ sở nguồn nhân lực vốn “gom” toàn bộ cán bộ đang giảng dạy đại cương ở ĐH Thái Nguyên, ngoài ra chỉ có ba người không dạy đại cương, gồm hiệu trưởng nhà trường và hai cán bộ quản lý khác. Trong số đó, chỉ có 6 tiến sĩ được phân công quản lí đơn vị và bốn bộ môn trực thuộc. “Nguồn nhân sự lúc đó đều là những giảng viên nhiều tuổi, chẳng ai còn có nguyện vọng đi học nâng cao chuyên môn”, GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn nhớ lại. Với nguồn nhân lực mỏng và yếu đó, trường bắt buộc phải tuyển dụng mới, thu hút nhân tài, nhưng để tìm được những người xuất sắc và trưởng thành trong khoa học thì lại ngặt một nỗi: ai sẽ tới Thái Nguyên, một nơi vừa xa xôi, điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn lại chưa có một môi trường học thuật mạnh?
Sau nhiều đắn đo, lãnh đạo trường quyết định sẽ tuyển dụng một lớp cán bộ mới chỉ gồm những người trẻ với tiêu chí không nhất thiết phải là người “xuất sắc nhất” nhưng phải “phù hợp” – nghĩa là đủ giỏi và tâm huyết xây dựng trường. Quy trình tuyển dụng cũng rất đặc biệt: không cần thành lập một hội đồng tuyển dụng với đầy đủ thành phần ban bệ “rườm rà” mà mỗi ngành mời một giáo sư có uy tín đang làm việc tại Hà Nội ra đề thi, bài thi được chuyển thẳng về Hà Nội để chấm, toàn bộ quá trình đó là bí mật. Nhờ đó, những người giỏi nhất trong số ứng viên có cơ hội trúng tuyển, bởi không có bất cứ mối quan hệ hay yếu tố nào khác có thể tác động tới quá trình chấm thi. “Nhờ tuyển dụng công khai, công bằng nên số người ứng tuyển vào đây rất nhiều, tỉ lệ chọi đều ở trên mức 1/10 và thực sự là hồi đó chúng tôi đã tạo được nguồn tốt nhất cho trường rồi”, GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn nói.
Tuy tiềm lực mỏng, nhưng ngay từ đầu, trường đã có định hướng lâu dài để đội ngũ non trẻ này trở thành thế hệ dẫn dắt nghiên cứu khoa học cơ bản, không chỉ của trường mà còn đối với khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Để những “hạt mầm” trưởng thành, trường nhanh chóng cử cán bộ đi học ở các cơ sở nghiên cứu đầu ngành trong cả nước ngay và sau đó tìm kiếm cơ hội để đi học nước ngoài. Quy định đảm bảo tiến độ thời gian học tập của trường khá khắt khe: Cán bộ phải cam kết thời điểm hoàn thành thạc sĩ, tiến sĩ đúng hạn, chậm quá sáu tháng là cắt 10% lương tăng thêm; nếu bảo vệ TS đúng hạn được nhà trường thưởng 40 triệu, nếu bảo vệ quá hạn sau một năm thì mức thưởng chỉ còn 15 triệu. Không chỉ đi học, hầu hết các giảng viên trẻ của ĐH Khoa học đều tham gia cùng các nhóm nghiên cứu tại những cơ sở nghiên cứu có điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tốt hơn để công bố quốc tế. Một số trường hợp điển hình như TS Phạm Thế Chính, chủ nhiệm khoa Hóa học và TS Nguyễn Phú Hùng, phó chủ nhiệm phụ trách khoa Công nghệ sinh học, có những bài báo ISI đầu tiên xuất phát từ nghiên cứu trong quá trình học nghiên cứu sinh.
Gắn bó vì sự trân trọng
Nuôi dưỡng được nguồn nhân lực đã khó, nhưng để giữ được người, nhất là người tài ở lại lâu dài trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn ở Thái Nguyên lại còn khó hơn. Những người giỏi, có công bố quốc tế chất lượng tốt như TS. Nguyễn Phú Hùng và TS. Phạm Thế Chính, đều được nhiều cơ sở nghiên cứu khác sẵn sàng “săn đón” nhưng vẫn bám trụ lại với nhà trường. “Có lẽ bởi vì, tôi cũng như các bạn ấy đều thấy rằng vùng khó khăn mới cần sự đóng góp, cống hiến của mình. Đối với những nơi có điều kiện tốt hơn, thì việc ở hay đi của một vài cá nhân sẽ không quyết định đến cơ sở đó lắm, còn ở đây thì sự ở lại của họ có ý nghĩa rất lớn đối với nhà trường và sinh viên, nên họ ở lại”, GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn chia sẻ. Chị cho biết thêm, hiện nay, ĐH Khoa học Thái Nguyên có trên 52% trong tổng số sinh viên là dân tộc thiểu số, hầu hết các em đều chưa đủ điều kiện kiến thức và tài chính để học ở những trường lớn nên rất cần những người đủ kinh nghiệm, kiến thức và tâm huyết dẫn dắt.
Không ai khác, chính hiệu trưởng nhà trường là người gắn dấu ấn sâu đậm trong quá trình thu hút người trẻ trở về Thái Nguyên. Từ thời kỳ Hiệu trưởng tiền nhiệm là PGS.TS Nông Quốc Chinh (2012 – 2016) cho đến nay, PGS.TS Nông Quốc Chinh và GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn luôn duy trì thói quen thường xuyên email hỏi thăm những nghiên cứu sinh của trường đang học ở các cơ sở trong nước và nước ngoài… mỗi tháng để động viên họ trở về giảng dạy. “Thú thực, chúng tôi về đây là vì hai lý do chính, thứ nhất là trách nhiệm của một cán bộ giảng viên được nhà nước cử đi học tập, thứ hai là vì sự tôn trọng cả nhân cách lẫn tài năng của chị Nhàn”, TS. Nguyễn Phú Hùng tâm sự. TS. Phạm Thế Chính cũng cho biết cảm giác “choáng ngợp” khi lần đầu tiên gặp chị Nhàn, một trong những phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam và là một trong hai nữ giáo sư toán học hiếm hoi của ngành Toán Việt Nam, lại sẵn sàng bắt tay xây dựng trường từ những ngày còn đầy khó khăn, từ đó anh quyết định gắn bó lâu dài ở trường chứ không ra đi. Sau khi về trường giảng dạy, chính các anh cũng đã tạo động lực để một số nhà nghiên cứu trẻ khác sau khi bảo vệ TS ở nước ngoài cùng về công tác ở ĐH Khoa học.
Sau 15 năm nỗ lực ươm mầm, đến nay, số lượng tiến sĩ, phó giáo sư chiếm khoảng 30% trong tổng số hơn 200 giảng viên của trường ĐH Khoa học Thái Nguyên, trong đó khoảng 40 cán bộ thường xuyên có công bố quốc tế hằng năm. Dự kiến, trong khoảng 2 – 3 năm nữa, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên sẽ đạt trên 50%, cao hơn so với mặt bằng toàn quốc (vì hiện nay trường có trên 60 NCS, một nửa là NCS ở nước ngoài). Mặc dù chưa có cơ sở vật chất tốt, nhưng trường ĐH Khoa học Thái Nguyên đã xây dựng được không gian học thuật sôi nổi và gắn kết, hầu hết cán bộ nghiên cứu có năng lực đều là những người có gắn bó lâu dài với nhà trường.
Từ năm 2011 tới nay, trung bình mỗi năm trường Đại học Khoa học Thái nguyên công bố khoảng 30 bài báo thuộc danh mục ISI và chiếm khoảng 50% tổng số công bố quốc tế ISI của toàn ĐH Thái Nguyên (ĐH Thái Nguyên xếp thứ bảy trong tổng số những ĐH có nhiều công bố nhất Việt Nam). “Chỉ trong ba quý đầu năm 2017, trường ĐH Khoa học Thái Nguyên đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu công bố quốc tế của cả năm. Thậm chí nhiều đề tài của trường chỉ được cấp ngân sách vài chục triệu nhưng vẫn có bài công bố ISI”, PGS.TS Trần Thanh Vân, Trưởng Ban Khoa học công nghệ và môi trường, Đại học Thái Nguyên cho biết. Kết quả ấn tượng nhưng điều đáng ngạc nhiên là trường ĐH Khoa học Thái Nguyên có một chiến lược thúc đẩy công bố quốc tế theo cách của “con nhà nghèo”. Ngược lại với nhiều trường đại học trong nước có chính sách thưởng “khủng” để tăng số lượng và chất lượng công bố quốc tế, ĐH Khoa học Thái Nguyên không có điều kiện tài chính để thưởng mà chỉ hỗ trợ 20 triệu với một nghiên cứu có công bố ISI mà không được tài trợ nghiên cứu. Còn lại, các đề tài được nhận tài trợ từ ngân sách nhà nước đều bắt buộc phải có công bố quốc tế.
Những khó khăn còn đó
Mặc dù đang nỗ lực thúc đẩy công bố quốc tế chủ yếu bằng tinh thần, bằng niềm tin, nhưng lãnh đạo trường ĐH Khoa học Thái Nguyên cũng không thể phủ nhận những nỗi lo lâu dài về điều kiện cơ sở vật chất và nguồn tài trợ cho nghiên cứu cơ bản trong nhà trường.
Trước mắt, để khắc phục khó khăn đó, các nhóm nghiên cứu, đặc biệt là các nhóm trong lĩnh vực cần tới thực nghiệm phải “xoay xở” để có thể tham gia cùng các nhóm nghiên cứu khác trong nước hoặc thậm chí ra nước ngoài. Ví dụ nhóm nghiên cứu của TS. Chính phải xin kinh phí của Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và của Bỉ để thực hiện những thí nghiệm quan trọng tại Bỉ, TS. Hùng phải xin tài trợ đi Pháp làm các thực nghiệm cần thiết, hay nhóm nghiên cứu về toán học của GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn sử dụng kinh phí từ đề tài Nafosted do chị làm chủ nhiệm để mời các nhóm nghiên cứu ở các nước phát triển sang để thảo luận nghiên cứu. Và trên thực tế, hiện nay số công bố quốc tế là “sản phẩm” trực tiếp hoặc gián tiếp từ các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế chiếm tới gần một nửa tổng số công bố quốc tế của trường ĐH Khoa học Thái Nguyên. Nhưng mặt khác, các nhà nghiên cứu ở đây cũng đề xuất, cần xây dựng một cơ chế dùng chung các phòng thí nghiệm ngay trong chính ĐH Thái Nguyên. “Chẳng hạn, Viện Khoa học sự sống trực thuộc ĐH Thái Nguyên, hiện nay nằm trong khuôn viên trường ĐH Nông lâm có trang thiết bị khá hiện đại, là nơi chúng tôi có thể thực hiện nhiều thí nghiệm thay vì phải tìm tới một số phòng phòng thí nghiệm ở Hà Nội, nhưng chúng tôi không thể tận dụng tốt các cơ sở vật chất này vì chưa có một quy định thực sự rõ ràng trong việc sử dụng thiết bị chung”, TS. Nguyễn Phú Hùng nói.
Hiện nay, chỉ có những cán bộ có thành tích khoa học xuất sắc mới được tham gia các chương trình nghiên cứu cấp Bộ, cấp quốc gia hoặc từ các quỹ tài trợ cho khoa học cơ bản trong nước, ngoài nước. Số này đã “kéo” được một số cán bộ khác tham gia nghiên cứu cùng để chia sẻ kiến thức và nguồn lực tài chính. Chẳng hạn, trong số 120 giảng viên ngành Toán của bảy trường thành viên thuộc ĐH Thái Nguyên, chỉ có một chủ nhiệm đề tài thuộc Quỹ Nafosted, 1-2 chủ nhiệm đề tài thuộc Bộ GD&ĐT kinh phí 150-300 triệu, 1-2 chủ nhiệm đề tài cấp đại học kinh phí 30-50 triệu, và thêm 15-20 thành viên được tham gia và chia sẻ nguồn tài chính từ các đề tài. Số cán bộ nghiên cứu còn lại không có tài trợ để nghiên cứu. “Có khi cả khoa chỉ có một đề tài cấp cơ sở trị giá 5 – 10 triệu. Với số tiền như vậy để làm nghiên cứu ‘đến nơi đến chốn’ là vô cùng khó khăn, do vậy năng lực nghiên cứu sẽ mai một đi. Đây là thực trạng ở trường ĐH Khoa học Thái Nguyên và cũng là của rất nhiều trường. Thậm chí các trường khác còn khó khăn hơn nhiều, bởi vì trường tôi còn có được lực lượng khá nhiều cán bộ nghiên cứu ‘khỏe’ ”, GS. Lê Thị Thanh Nhàn nói. Do đó, nguồn tài trợ các đề tài cấp cơ sở để nuôi dưỡng, thúc đẩy nghiên cứu cơ bản là rất cần thiết.