Trường Y Hà Nội: Khởi đầu một nền y học hiện đại của Việt Nam

Sau khi Trường Y Hà Nội được thành lập, có một Nghị định quan trọng ngày 28/7/1902 quy định về chương trình đào tạo, điều kiện được trúng tuyển vào trường. Theo đó, độ tuổi đăng ký tuyển sinh là từ 15 đến 20, có đủ trình độ tiếng pháp, là người bản xứ hoặc được bảo hộ bởi Pháp.

Khoa Y (Ban Y)

Hình ảnh của Trường Y khoa Đông Dương thuở mới được thành lập, năm 1930 tại 19 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm ngày nay. Nguồn: Wikipedia

Sau khi Trường Y Hà Nội được thành lập, có một Nghị định quan trọng ngày 28/7/19021 quy định về chương trình đào tạo, điều kiện được trúng tuyển vào trường. Theo đó, độ tuổi đăng ký tuyển sinh là từ 15 đến 20, có đủ trình độ tiếng pháp, là người bản xứ hoặc được bảo hộ bởi Pháp. Tiếp đó là Nghị định ngày 25/10/1904 tổ chức lại Trường Y trên cơ sở mới. Độ tuổi được tuyển là từ 18 đến 25. Chương trình đào tạo cho các y sĩ tương lai sẽ kéo dài bốn năm và các sinh viên học tại trường theo chế độ ăn ở nội trú.2

Chương trình đào tạo quy định trong phần kèm theo của nghị định ngày 25/10/1904 như sau:3

– Năm đầu tiên: lý thuyết giải phẫu và sinh lý học; phẫu thuật lâm sàng; y học lâm sàng; phẫu tích.

– Năm thứ hai: lý thuyết giải phẫu và sinh lý học; nội khoa và ngoại khoa; y học lâm sàng và giải phẫu lâm sàng; dược lý, phẫu tích.

– Năm thứ ba: lý thuyết giải phẫu và sinh lý học; nội khoa và ngoại khoa; y học lâm sàng và giải phẫu lâm sàng; vệ sinh; sản khoa; điều trị học; dược lý, phẫu tích.

– Năm thứ tư, sinh viên gắn bó với bệnh viện, bệnh xá hoặc các cơ sở y tế khác do Toàn quyền quyết định theo đề nghị của Hiệu trưởng Trường Y và với sự đồng ý của Trưởng các cơ quan y tế.

Số lượng y sĩ Đông Dương tốt nghiệp tại Trường Y Hà Nội từ khóa đầu đến năm 1930. Nguồn: Exposition coloniale internationale, L’École de plein exercice de médecine et de pharmacie de l’Indochine, op.cit.

Việc giảng dạy lần đầu tiên của trường bắt đầu vào tháng 3/1902 với 29 sinh viên được nhận học bổng, trong đó gồm 15 người được chọn ra từ 121 ứng viên trong một cuộc thi tại Bắc Kỳ, số còn lại là năm người Trung Kỳ, tám người Nam Kỳ và một người Campuchia được chính quyền tại các khu vực này lựa chọn ra.4 Sau những năm đầu khó khăn và mày mò thử nghiệm, phải đến năm 1906-1907 mới có được những kết quả ban đầu. Thật vậy, khóa 1 sau một thời gian đào tạo đã có nhiều sinh viên không đủ điều kiện để đi tới năm học cuối cùng. Chỉ có tám sinh viên đã rời trường để hoàn thành thực tập của họ tại các cơ sở y tế khác nhau ở Đông Dương. Những cơ sở y tế này đã không ngớt lời ca ngợi các sinh viên được đào tạo tại Trường Y Hà Nội. Chẳng hạn, lãnh đạo Bệnh viện Thanh Hóa đã nhận xét về sinh viên Ưng Thông (người về sau phụ trách việc chăm sóc sức khỏe theo lối Tây y cho gia đình nhà vua Bảo Đại): “Y sĩ thực tập Ưng Thông là một trợ lý siêng năng, chín chắn, tận tuỵ mà về phần tôi sẽ thấy rất tiếc nếu không được thấy anh ấy quay lại Thanh Hóa nơi mà anh ấy đã thể hiện được giá trị và được lòng người dân”.5 Hay Yvonne de Miribel, thống sứ Bắc Kỳ đã dành những lời có cánh cho sinh viên Lê Văn Chỉnh, về sau trở thành là bác sĩ Y khoa đầu tiên người Việt Nam ở Hà Nội6: “Anh Lê Văn Chỉnh xứng đáng với lời khen ngợi lớn nhất cho sự vất vả mà anh đã chịu để làm cho những người dân bản địa hiểu được khía cạnh tốt đẹp từ sự ảnh hưởng của chúng ta, không chỉ trên cương vị là một bác sĩ, mà còn như thể một chủ tịch của Trung tâm văn hóa Pháp (Alliance francaise). Anh Lê Văn Chỉnh nói ngôn ngữ của chúng ta như một người Pháp; tính cách ngay thẳng, chăm chỉ, yêu nghề và có niềm tin vào sự ưu việt của Tây y (…). Từ góc độ vô tư, tận tâm với người bệnh, anh là một tấm gương. Nói ngắn gọn, đó là một nhân viên ưu tú, rất chắc chắn, hoàn toàn khác thường”.7

Trong tám sinh viên thực tập đó chỉ có năm y sĩ Đông Dương tốt nghiệp vào năm 1907.8 Theo các nhà chức trách, kết quả đầu tiên của trường là tuyệt vời. Vai trò của y sĩ bản địa, theo Toàn quyền Paul Beau, là rất cần thiết trong hoạt động y tế. Nếu bác sĩ châu âu là người chỉ đạo và kiểm soát, thì y sĩ bản địa là lực lượng tác động đến dân cư, khiến đồng bào của họ chấp nhận các phương pháp chữa trị và thúc đẩy họ trong công tác giữ gìn vệ sinh.9 Năm 1908 đã có quyết định rằng các y sĩ Đông Dương giỏi nhất có thể được gửi đến Pháp để hoàn thiện thêm nghiên cứu y khoa của họ ở đó. Thời gian lưu trú của họ được ấn định là hai năm.10 Trong năm học 1910-1911, trong số những cựu sinh viên của trường đã có những người thành công để lấy bằng bác sĩ thuộc địa, do Viện Nghiên cứu Y học thuộc địa Paris cấp. Có ba bác sĩ gốc Đông Dương đứng ở thứ tự hai, sáu và chín trên tổng số 39 ứng cử viên bác sĩ y đến từ các nước thuộc địa của Pháp.11 Một báo cáo của chính quyền năm 1916 có viết: “Một trong số họ, một người Nam Kỳ trẻ tuổi, Nguyễn Văn Thinh12, được xếp hạng thứ hai, đã vượt qua cuộc thi một cách đặc biệt nổi trội, anh ấy xứng đáng khi nhận được lời chúc mừng của ban giám khảo và được hạng xuất sắc”.13

Trong đại chiến 1914-1918, Đông Dương đã gửi một đội ngũ quân sự lớn đến Pháp, công nhân, y tá, phu, v.v. Một bệnh viện Đông Dương được thành lập ở Marseille (Mác Xây) trên khu đất của quận Saint Louis (có tên là “Campagne de l’Evêque” – Chiến dịch của Giám mục) cho người An Nam bị thương và bị bệnh. Nhân sự của bệnh viện bao gồm một giám đốc, một y sĩ phụ trách quản lí và năm y sĩ trợ tá, tất cả được chọn trong số những sinh viên giỏi nhất tốt nghiệp trường Y Hà Nội.14

Kể từ năm học 1921-1922, song song với đào tạo y sĩ Đông Dương theo chế độ bốn năm, Trường Y đã mở thêm một chương trình đào tạo bác sĩ. Theo điều 24 của Sắc lệnh ngày 18/5/1920 về Trường Y toàn cấp, những nghiên cứu sinh y khoa phải trải qua bốn năm học theo chương trình chung, hoàn thành chứng chỉ Lý-Hóa-Khoa học, phải theo những lớp bổ trợ và phải trải qua những bài thi tương ứng với trình độ theo từng năm học. Cuối cùng, họ sẽ đến Pháp để hoàn thành năm học cuối tại Khoa Y Paris và trải qua kỳ thi lâm sàng và bảo vệ luận án y khoa của họ tại đây (ví dụ như bác sĩ Đặng Vũ Lạc, Hoàng Thụy Ba, Phạm Ngọc Thạch). Theo báo cáo của nhà cầm quyền vào thời điểm năm 1925, trình độ của những học viên ban nghiên cứu sinh y khoa (Section de Doctorat) là “không thể hiện điều gì kém hơn những sinh viên chính quốc”.15 Điều này phần nào phản ánh được chất lượng đào tạo tại Trường Y Hà Nội.

Từ việc áp dụng Sắc lệnh ngày 19/10/1933, nhà trường có thể cấp bằng bác sĩ Quốc gia, ban y Đông Dương (theo chương trình cũ) bắt đầu dừng tuyển sinh từ tháng 9/1932 và bị xóa bỏ khi những sinh viên cuối cùng học xong, thay vào đó chỉ còn ban đào tạo bác sĩ như bên Pháp. Theo quy định mới, khắt khe hơn trước,16 sinh viên phải có bằng tú tài hoặc tương đương, phải trải qua sáu năm học bao gồm cả lý thuyết và thực hành, ở trên lớp, tại phòng thí nghiệm và tại bệnh viện, không tính một năm học để có chứng chỉ khoa học PCB (Lý, Hóa, Sinh), vượt qua ít nhất năm lần kiểm tra cho năm năm học đầu tiên, và ba kỳ kiểm tra lâm sàng17, năm thứ sáu có hai kỳ thực tập bắt buộc. Luận án y khoa chỉ được bảo vệ sau khi đã hoàn thành các bài kiểm tra lâm sàng và nghiên cứu sinh phải đăng ký chủ đề của luận án với thư ký của trường hai tháng trước khi bảo vệ, và chủ đề phải được sự thông qua của hiệu trưởng.

Năm 1934, giáo sư Lemaitre, đại biểu đầu tiên của Khoa Y Paris đã đến Hà Nội để chủ trì và cũng là chủ tịch hội đồng giám khảo của kỳ thi tháng sáu và bảy tại đây theo sự ủy nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia, đồng thời tìm hiểu hoạt động của Trường Y.18

Một sự kiện khoa học quan trọng đánh dấu sự phát triển của Trường Y Đông Dương trong đào tạo là vào tháng 10/1935, lần đầu tiên những nghiên cứu sinh y khoa có thể bảo vệ luận án (thèse) của họ tại trường sau khi hoàn thành việc nghiên cứu. Đây cũng là năm cuối cùng tồn tại của ban y Đông Dương. Như đã biết, trước đó, từ năm 1925 các nghiên cứu sinh phải sang Pháp bảo vệ luận án. Trong báo cáo của mình, giáo sư Emile Brumpt, đại biểu của Khoa Y Paris, chủ tịch hội đồng luận án tháng 10/1935 tại Trường Y Hà Nội đã nhận xét rằng nhìn chung những kết quả là hoàn hảo, ngoại trừ một nghiên cứu sinh có thể do nhút nhát hoặc do trình độ hiểu tiếng Pháp còn kém.

Trong số 12 luận án y khoa, theo giáo sư Brumpt, hai luận án đạt loại xuất sắc (trong đó một được giới thiệu xét thưởng cho luận án tại Khoa Y Paris và một được gửi đến Hội đồng Giải thưởng luận án), năm luận án đạt giỏi, năm đạt loại khá. Theo Hermant, quan chức cao cấp trong lĩnh vực y tế công và thanh tra an toàn vệ sinh tại Đông Dương, ông có thể nhận 20 tiến sĩ y khoa mỗi năm vào làm tại sở cứu trợ.19 Với nhu cầu này, số bác sĩ tiến sĩ y khoa vẫn còn ở mức thấp cho một nơi rất rộng như Đông Dương.20 Nhưng đáng tiếc là những cơ sở y tế cứu trợ này ở Đông Dương không làm thỏa mãn các tiến sĩ y khoa trẻ vì họ chỉ được giao cho vai trò là phụ tá của các bác sĩ Pháp. Nhiều người trong số đó đã lựa chọn việc phục vụ trong lĩnh vực y tế tư nhân tại những thành phố lớn bởi vì “dân chúng vùng nông thôn còn khá nghèo hoặc vẫn còn gắn bó với Đông y”.21 Thật vậy, tất cả 12 tiến sĩ y khoa tốt nghiệp tháng 10/1935 tại trường Y Hà Nội, đều là người Việt Nam, thì có bảy người làm trong y tế tư nhân, trong đó hai ở Hà Nội, hai ở Sài Gòn, một ở Mỹ Tho, một ở Phan Thiết và một ở Hải Phòng. Có hai người tham gia tạm thời vào việc giảng dạy tại nơi tốt nghiệp. Ngoài ra còn có hai người đến Pháp với học bổng nhận được. Còn lại một người ở lại Hà Nội.22

Từ năm 1935 đến 1945, có 147 luận án tiến sĩ y khoa đã được bảo vệ thành công tại Trường Y Đông Dương.23 Cần nhắc lại sự kiện Nhật đảo chính Pháp ngày 09/3/1945, nhiều người Pháp bị bắt hoặc phải đi trốn. Nhưng đối các viên chức trí thức Pháp, ít nhất là với trường hợp các giáo sư trường trường Y, vẫn được Nhật cho hoạt động, vì thế năm 1945 vẫn có thi và bảo vệ luận án.24 Phần lớn tác giả luận án  từ 1935-1945 là người Việt Nam. Trong số này có những gương mặt bác sĩ tiến sĩ y khoa nổi tiếng như các bác sĩ: Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung,  Đỗ Xuân Hợp…

Khoa Dược (Ban Dược)

Phải 12 năm sau khi trường Y Hà Nội ra đời thì khoa dược mới được thành lập tại đây theo Nghị định ngày 20/7/1914 của Toàn quyền để đào tạo dược sĩ phụ tá. Theo chính quyền, dưới đây là những lý do cho sự ra đời của khoa Dược:

Thực hành nhãn khoa. Ảnh : thoisutoancanh.com

– Dược sĩ phụ tá sẽ mang đến sự giúp đỡ hiển nhiên trong các cơ sở y tế quan trọng như bệnh viện bản địa. Họ cũng sẽ rất hữu ích trong các cơ sở ngoại giao và các dược sĩ dân sự sẽ sử dụng họ như những dược sĩ trợ tá;

– Họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối các dược phẩm Pháp trong cộng đồng người Đông Dương vốn tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của Anh, Nhật Bản hoặc Trung Quốc. Trong các cơ quan lãnh sự ở Trung Quốc, bằng cách ủy quyền cho các dược sĩ trợ lý giữ kho thuốc của cơ quan cứu tế, nhờ đó sẽ đảm bảo một đầu ra nhất định cho các sản phẩm của Pháp;

– Họ có thể cạnh tranh và làm mất dần các dược sĩ Trung Quốc hiện đang khai thác người Việt mà không cần phải dùng đến độc dược.25

Lớp sinh viên dược sĩ phụ tá (trợ lý) đầu tiên vào Trường Y năm 1914 gồm bốn sinh viên, một người Nam Kỳ, một người An Nam và hai người Bắc Kỳ.26 Thời gian của các khóa học được ấn định là ba năm bao gồm các môn học liên quan đến chuyên ngành như vật lý, hóa học, động vật học, thực vật học, hóa học khoáng vật,  vật lý y học, hóa học hữu cơ, độc tính học, vệ sinh…, và cuối cùng là ba tháng thực tập tại bệnh viện, thực tập tại phòng thí nghiệm.27

Lần đầu tiên, vào năm 1917, bốn dược sĩ trợ lý đã tốt nghiệp. Theo ý kiến ​​của các giáo sư và các thành viên của hội đồng thi, những người tốt nghiệp này rất xuất sắc. Những tân dược sĩ sẽ được tuyển dụng trong các cơ sở y tế khác nhau và hứa hẹn sẽ cung cấp các dịch vụ rất tốt. Chính phủ cũng muốn thay thế dần dần nhiều dược sĩ Trung Quốc vì theo chính phủ, những dược sĩ Trung Quốc vốn hay bán các sản phẩm nước ngoài gây bất lợi cho ngành công nghiệp Pháp và gây độc hại cho nhiều trẻ em An Nam vì không biết gì về liều thuốc trẻ sơ sinh.28

Từ năm học 1935-1936, Trường không đào tạo dược sĩ Đông Dương theo chế độ ba năm học nữa, mà nâng lên theo chế độ năm năm, trong đó gồm một năm thực tập và bốn năm học tại trường.29 Kỳ thực tập chỉ có thể được hoàn thành tại các hãng thuốc mà chủ sở hữu đã được cấp phép cho mục đích này bởi nhà chức trách. Kết thúc thực tập, thực tập sinh trải qua một kỳ kiểm tra đánh giá để xác nhận. Họ có thể bắt đầu đi học sau khi thực tập thành công.

Theo Biên niên giám của Trường Y Dược Hà Nội, từ năm 1941 đến 1944 đã có 19 người được nhận bằng dược sĩ của Trường.30 Một trong những người tốt nghiệp ban Dược của Trường Y chính là GS. Đỗ Tất Lợi, tác giả của công trình “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”.

Chứng chỉ khoa học (chứng chỉ nghiên cứu vật lý, hóa học và thiên nhiên)

Đây là chứng chỉ về vật lý, hóa học và thiên nhiên (PCN). Sau này môn học thiên nhiên được thay thế bằng môn sinh học (PCB). Tại Pháp, đào tạo để cấp chứng chỉ khoa học tại các trường Đại học Khoa học đã được xác nhận trong sắc lệnh ngày 32/7/1893. Để được quyền học lấy chứng chỉ này, tại Pháp, những thí sinh phải đủ 17 tuổi trở lên và phải có bằng trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sỏ) hoặc tương đương.31

Thực hành ở khoa dược**. Ảnh : thoisutoancanh.com

Tại Đông Dương, vào lúc chưa có Trường Khoa học, Toàn quyền Sarraut đã quyết định tổ chức giảng dạy chứng chỉ này tại Trường Y. Lớp học đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 01/10/1917. Sau đó có một Sắc lệnh ngày 7/01/1919 chính thức thiết lập tại Đông Dương việc giảng dạy chứng chỉ này. Để được đăng ký vào học, cũng như bên Pháp, các ứng viên phải có bằng cấp trung học đệ nhất cấp hoặc tương đương.

Sau khi hoàn thành các môn học và các bài thi trước hội đồng giám khảo được bổ nhiệm bởi Toàn quyền theo đề nghị của Giám đốc Nha học chính, nếu thành công, các sinh viên sẽ được cấp chứng chỉ năng lực về khoa học vật lý, hóa và thiên nhiên. Người Đông Dương sau khi được nhận chứng chỉ này, khi cần có thể đề nghị chuyển đổi sang chứng chỉ tương đương bên Pháp theo quy định.

Năm 1941, khi trường Cao đẳng Khoa học Đông Dương được thành lập và việc giảng dạy để cấp chứng chỉ này được chuyển sang đó.

Khoa Hộ Sinh (Ban Hộ sinh)

Ban Hộ sinh bản xứ được thành lập vào năm 1905, có chức năng đào tạo các nữ hộ sinh cho các bệnh viện và các nhà hộ sinh ở các cơ sở Cứu trợ y tế tại Đông Dương, đặc biệt là tại Bắc Kỳ. Ngoài ra, tại Sài Gòn cũng có đào tạo nữ hộ sinh thuộc Trường Y tá tiêm chủng Chợ Lớn.32

Chính quyền nhận thấy rằng sự thiếu hiểu biết về khoa học vệ sinh và chăm sóc trẻ sẽ dẫn đến tình trạng chết yểu, chết non rất cao. Vì vậy, các nữ hộ sinh bản xứ đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến sâu rộng trong dân chúng những quy tắc khử trùng và cách phòng bệnh, chăm sóc trẻ theo cách hiện đại.33

Mỗi khóa đào tạo nữ hộ sinh được ấn định là hai năm. Người học sẽ được dạy về giải phẫu, sinh lý học sinh sản, kiến thức đại cương về thai phụ và thai sản. Học sinh phải đi thực tập tại bệnh viện để được thực hành đỡ đẻ. Họ sẽ có những kinh nghiệm về bệnh lý thai phụ và sản phụ. Người ta sẽ nhấn mạnh đến vấn đề vệ sinh thai phụ và sản phụ, đồng thời cũng không thể quên được vấn đề vệ sinh trẻ sơ sinh và tiêm chủng. Trong hai năm học, học sinh sẽ phải chăm chỉ chuyên cần theo các buổi thực tập về hộ sinh (phải đủ số ca thực hành theo quy định). Cuối cùng, khi đã hoàn thành yêu cầu và vượt qua được kỳ đánh giá cuối khóa, họ sẽ được bổ nhiệm làm hộ sinh hạng ba.

 Nhóm học sinh ở lớp hộ sinh. Nguồn : La Dépêche coloniale illustrée. 15 décembre 1908

Mặc dù là nghề quan trọng với xã hội như vậy nhưng việc tuyển sinh ngành này ban đầu rất khó khăn vì nhiều lẽ:

1. Nghề này ít được coi trọng trong dân chúng. Việc đỡ đẻ thường do các bà đỡ không được đào tạo với mức phí thấp thực hiện. Cho nên nghề này thường được làm bởi những phụ nữ nghèo:

2. Những phụ nữ bản địa được đi học còn rất hiếm, học lên trung học lại càng hiếm. Những người này có thể tìm thấy công việc trong hệ thống giáo dục như giáo viên tiểu học, trợ giáo với mức lương cao hơn so với công việc hộ sinh trong các trung tâm cứu trợ y tế tại Đông Dương;

3. Nữ hộ sinh sẽ phải làm việc trong tất cả các cơ sở khắp Đông Dương, thậm chí ngay cả ở những nơi bị xem là độc hại;

4. Đây là nghề phải luôn trong tình trạng sẵn sàng làm việc bất cứ giờ nào, vì vậy họ có thể phải chịu những phiền phức ngày cũng như đêm, hơn thế, họ không có kỳ nghỉ như trong ngành giáo dục;

5. Việc học tập để trở thành hộ sinh là khó khăn đối với nữ sinh khi trình độ họ còn hạn chế. Nhiều học sinh đã phải bỏ dở công việc học tập của mình.

Những điều kiện cho việc tuyển sinh đã dần được cải thiện. Dân chúng dần dần có sự tin tưởng hơn vào năng lực các nữ hộ sinh khi làm việc. Uy tín của những nữ hộ sinh có trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao, do đó, những nữ hộ sinh sau khi tốt nghiệp đã có thể tự lập nghiệp ở các thành phố. Hơn nữa, đã có một số biện pháp hành chính để cải thiện thu nhập của các nữ hộ sinh có trình độ được chính quyền áp dụng như: tăng lương, phụ cấp cho mỗi ca sinh và tiêm phòng đậu mùa và chống lao. Họ có cơ hội có khách hàng tư nhân trong những điều kiện nhất định. Kể từ khi thành lập đến năm 1948, có hơn 100 nữ hộ sinh tốt nghiệp trường Y Đông Dương.

Lời kết

Học thực hành hộ sinh ở bệnh viện Réne – Robin (nay là bệnh viện Bạch Mai).

Trường Y Hà Nội (1902) ra đời sớm và có thời gian hoạt động liên tục lâu nhất trong số các trường cao đẳng, đại học theo mô hình hiện đại tại Đông Dương trước 1945. Từ 1902 đến 1945, giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của trường là thời kỳ 1930 đến 1945 khi trường đào tạo sinh viên tốt nghiệp bằng luận án y khoa bác sĩ ngay tại trường, tương đương như bên Pháp và cấp bằng dược sĩ nhà nước. Có thể lý giải rằng sau nhiều năm cai trị Đông Dương, các cuộc khởi nghĩa đều thất bại, người Pháp đang tự tin vào công cuộc cai trị và đã có chính sách rõ ràng hơn trong việc phát triển giáo dục y học nơi đây. Họ đã cử đến trường Y các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia cao cấp để mang trình độ Y học  cao nhất của Pháp thời bấy giờ vào giảng dạy, đào tạo, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên Đông Dương, và cho cả sinh viên Pháp và một số nước lân cận học tại đây.

Những đề tài nghiên cứu của các giáo sư, giảng viên và sinh viên nhà trường tập trung vào những vấn đề y học tại Đông Dương, nhất là tại Việt Nam đã góp phần vào phát triển y học và cải tạo thực tiễn tình trạng sức khỏe cộng đồng. Có những nghiên cứu đã đạt đến phạm vi quốc tế, được đánh giá rất cao bởi những phát hiện mới rất giá trị. Tiêu biểu là các công trình nghiên cứu của giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng về giải phẫu gan, được thực hiện khi ông còn học và làm việc tại đây trước 1945 và nghiên cứu về hình thái học người, giải phẫu người của giáo sư, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp.

Trường Y Đông Dương đã đào tạo được một lực lượng y sĩ, bác sĩ, dược sĩ, nữ hộ sinh, tuy không nhiều, nhưng thông qua lực lượng đó đã góp phần chữa trị, chăm sóc sức khỏe, phổ biến khoa học, vệ sinh cho cộng đồng dân cư. Qua đó cũng làm thay đổi từng bước những quan niệm lạc hậu, phản khoa học về chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, họ cùng với một số bác sĩ học ở nước ngoài về đã tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao để xây dựng ngành y dược của nước ta sau Cách mạng tháng Tám.□

1Bulletin officiel de l’Indochine française, N°7-1902, Arrêté fixant le programme des études et déterminant les conditions d’admission à l’École de médecine de Hanoi.  (Du 28 juillet 1902), p.621.

2 Bulletin officiel de l’Indochine française, N°10-1904

3 Bulletin officiel de l’Indochine française, N°10-1904, p.894.

4 Gouvernement général de l’Indochine, Annales de là Faculté de Médecine et de Pharmacie de Hanoi, Tome VII-1942, Publiées par les professeurs de la Faculté, Impr Extreme d’orient, Hanoi 1942, p.tr.3.

5 La Dépêche coloniale illustrée. 15 décembre 1908, N° 28,  l’Ecole de Médecine de l’Indo-Chine, p.324.

6 Theo tiểu sử của ông Lê Văn Chỉnh trong sách “Souverains et notabilités d’Indochine” xuất bản năm 1943  bởi chính quyền Đông Dương (Le Gouvernement Générale de l›Indochine), trang 12, ông sinh năm 1879 tại Hà Nội, theo học tại Trường thuộc địa Paris (Ecole coloniale de Paris) năm 1897, được chỉ định là người đạo tại trường Y Hà Nội năm 1902 (répétiteur, theo chúng tôi là kèm về tiếng Pháp cho sinh viên, vì ông giỏi tiếng Pháp), nhận bằng y sĩ Bản địa năm 1907. Ông quay lại Paris năm 1909, được nhận bằng Y sĩ thuộc địa năm 1910, tham gia chiến tranh thế giới 1914-1918, được bằng bác sĩ Nhà nước năm 1922.

7 La Dépêche coloniale illustrée. 15 décembre 1908, N° 28,  l’Ecole de Médecine de l’Indo-Chine, p.324.

8 La Dépêche coloniale illustrée. 15 décembre 1908, N° 28,  l’Ecole de Médecine de l’Indo-Chine, p.328.

9 Paul Beau, Situation de l’Indo-Chine de 1902 à 1907, tome 2, op.cit, p.92,93.

10 Ministère des Colonies, Indochine, Situation générale de la colonie pendant l’année 1911, Saigon,Impr Commerciale,1911, p.22.

11 Ministère des Colonies, Indochine, Situation générale de la colonie pendant l’année 1911, Saigon, Impr Commerciale 1911, p.93

12 Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh đúng là người gốc Nam Kỳ, sinh năm 1888, vào ngạch bác sĩ bản xứ (médecin indigène) ngày 29/11/1908 tại Bệnh viện Chợ Quán. Ông không phải sinh viên khoá đầu của trường Y Hà Nội (vì năm 1902 chưa đủ 15 tuổi theo quy định tuyển sinh, và không có trong danh sách trúng tuyển), còn ông có phải sinh viên khóa hai không thì cũng chưa tìm thấy tài liệu nào chứng thực. Trong hai tiều sử của ông mà chúng tôi tìm thấy được viết khi ông còn sống thì cũng không nói ông là cựu sinh viên Trường Y Hà Nôi. Nhưng trong đó có một thông tin đáng chú ý là năm 12 tuổi (1900) ông có sang Pháp học.

13 Ministère des Colonies, Indochine, Situation générale de la colonie pendant l’année 1911, Saigon,Impr Commerciale 1911, p.22.

14 Gouvernement général de l’Indochine, Conseil de Gouvernement de l’Indochine, session ordinaire de 1916, tome 2, p.92.

15 Gouvernement général de l’Indochine, Conseil de Gouvernement de l’Indochine, session ordinaire de 1925, tome 2, p.72-73.

16 Gouvernement général de l’Indochine, Annales de là Faculté de Médecine et de Pharmacie de l’Indochine, Tome I-1935-1937, Publiées par les professeurs de la Faculté, Impr Extreme d’orient, Hanoi 1937, p.tr.10.

17 Thông tin được ghi trên chứng chỉ tốt nghiệp bác sĩ của nhiều vị tại trường Y Hà Nội (chụp tại Trung tâm lưu trữ ở Paris) : Mỗi năm học có một kỳ kiểm tra, riêng năm thứ  4 có 2 kỳ kiểm tra, ngoài ra còn 3 kỳ kiểm tra lâm sàng.

18 Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au grand Conseil des intérêts économiques et financières et au Conseil de gouvernement, session ordinaire de 1935, Hanoi, Impr Extrême-Orient, 1935, p.101.

19 ANOM, Fonds Ministériels, GUERNUT//22, Le professeur Emile Brump,  op.cit,.

20 ANOM, Fonds Ministériels, GUERNUT//22, Le professeur Emile Brumpt …, op.cit,.

21 ANOM, Fonds Ministériels, GUERNUT//22, Le professeur Emile Brumpt …, op.cit.

22 Gouvernement générale de l’indochine, Rapport au grand conseil des intérêts économiques et financiers et au conseil de gouvernement 1936, p111,112.

23 Xem danh sách 147 luận án và tác giả tại phụ lục.

24 Theo giáo sư Vũ Công Hòe trong website của Trường Y Hà Nội (http://hmu.edu.vn/LichSu/Lichsu-P1)

25 Gouvernement général de l’Indochine, Conseil de Gouvernement de l’Indochine, 1914, tome 2, p.703,704.

26 Gouvernement général de l’Indochine, Conseil de Gouvernement de l’Indochine, 1915, tome 2, p.71

27 Exposition coloniale internationale, École de plein exercice de médecine et de pharmacie de l›Indochine, op.cit, p.25.

28 Gouvernement général de l’Indochine, Conseil de Gouvernement de l’Indochine, 1917, p.89.

29 Gouvernement général de l’Indochine. Université de l’Indochine, Annales de l’École Supérieure de Médecine et de Pharmacie de l’Indochine, Tom I, 1935-1937, Impr d’Extrême-Orient, Hanoi, 1937, p.10-13.

30 Theo đó, danh sách các dược sĩ tốt nghiệp thời kỳ 1941-1944 như sau:  năm 1941 :các ông Nghiem Xuan Huynh, Nguyen Binh Tien ; kỳ thi tháng 1.1942: bà GUIGUET và ông. Reocreux; kỳ thi tháng 6.1942: có các ông Chuong Van Vinh, Nguen Van Duong và Nguyen Tien Quang; kỳ thi tháng 10/1942 : các ông Nguyen Thanh Nhuan, Vu Cong Thuyet, Trinh Van Luan, Vu Ngoc Tran; kỳ thi tháng 2.1943 : ông Nguyen Ba Cu; kỳ thi tháng 6.1943, có ông Cao Trieu Liem; tháng 4.1944 : ông Ta Ngoc Dieu; tháng 6. 1944 : bà Pham Thi Yen, các ông Nguyen Van Du, Nguyen Xuan Hoai, Huynh Quang Dai; tháng 10/1944 có ông Do Tat Loi.

31 Gouvernement général de l’Indochine, Conseil de Gouvernement de l’Indochine, session ordinaire de 1917, deuxième partie, p.90.

32 La Dépêche coloniale illustrée. N° 20, ngày 31.10.1907, tr.250.

33 Paul Beau, Situation de l’Indochine française de 1902 à 1908, tome 2, op.cit, p.299

* Sửa lại so với bản in là ảnh năm 1920

** Sửa lại so với bản in là thực hành nhãn khoa. (Chú thích của ảnh 2 và ảnh 3 bị đổi ngược cho nhau)

Tác giả

(Visited 42 times, 1 visits today)