Tự chủ đại học: Tám giải pháp cấp thiết

Tự chủ đại học là quá trình đầy khó khăn, thách thức nên thực hiện tự chủ ĐH cần có lộ trình phù hợp, với việc tìm ra hàng loạt giải pháp thật sâu rộng và cụ thể để biến khát vọng của chúng ta thành hiện thực. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần cầu thị trong việc nhìn nhận những bất cập, hạn chế, từ đó có các giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa và lịch sử của đất nước.


Sinh viên nhập học trường ĐH Kinh tế Quốc dân, một trong những trường thí điểm tự chủ đại học.

Nhìn từ các văn bản quy định hiện hành, có thể hiểu tự chủ đại học (TCĐH) đồng nghĩa với việc không còn khái niệm ‘cơ quan chủ quản’, mỗi cơ sở giáo dục (CSGD) là một pháp nhân độc lập, CSGD – trên cơ sở các nguồn lực và lợi thế so sánh – được tự quyết định ‘thân phận’ của mình, được tự khẳng định vị thế và tầm vóc của mình, thích ứng với cơ chế thị trường, ở đó lao động sáng tạo và tự do học thuật được tôn trọng và vinh danh. Muốn ĐH tự chủ thực sự, hội đồng trường (HĐT) phải có thực quyền theo Luật định, chỉ khi ấy mới nói đến việc xóa bỏ cơ chế chủ quản. Tuy nhiên trong thực tế triển khai, việc giải quyết mối quan hệ giữa các thiết chế đảng ủy – HĐT – hiệu trưởng cũng như điều kiện tiến đến ‘xóa cơ chế chủ quản’ đang đặt ra không ít những thách thức, khó khăn và vướng mắc. Điều đó dẫn tới một thực tế là, dù TCĐH đã được thừa nhận và thúc đẩy gần 30 năm, nhưng dường như chưa thực sự tạo ra những chuyển biến đáng kể về chất lượng đào tạo, quản trị và nghiên cứu khoa học (NCKH) so với tiềm năng của các CSGD và so với mong đợi của xã hội.

Vì vậy, để các cơ sở giáo dục đại học công lập thực sự hoạt động theo cơ chế tự chủ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, chúng tôi có các kiến nghị sau:

(1) Đánh giá toàn diện TCĐH ở Việt Nam để làm cơ sở cho việc đổi mới chính sách

Cách đây hơn hai năm, chúng ta đã có một báo cáo đánh giá được trình bày tại Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các CSGD ĐH công lập. Tuy nhiên, một vấn đề lớn, mới và khó như tự chủ ĐH mà sau hai năm triển khai, thậm chí có trường vừa ‘thí điểm’ được có vài ba tháng, e rằng việc tổ chức nghiên cứu đánh giá hơi quá sớm để có thể có được các kết quả đáng tin cậy. Vì thế rất cần một khảo sát, đánh giá tương đối toàn diện về tự chủ ĐH ở Việt Nam (VN) sáu năm qua, giao cho một tổ chức đánh giá độc lập để phác họa được bức tranh trung thực về tự chủ ĐH cho đến thời điểm hiện tại, xác định đúng các khó khăn, cản trở, cơ hội và thách thức; phát hiện đúng các nhân tố mới hợp lý, hiệu quả cao nhưng chưa hợp luật; từ đó có những chính sách phù hợp và khả thi, bắt rễ từ thực tiễn, đẩy nhanh tiến trình tự chủ ĐH; tránh tình trạng lấy lỗi sửa lỗi, dùng chắp vá này để sửa chắp vá khác.

Ví dụ, giữa một CSGD không nhận kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, công bố hai bài báo khoa học hạng Q1, Q2 trên các tạp chí thuộc danh mục ISI /giảng viên cơ hữu, với một CSGD có công bố với số lượng và chất lượng tương đương nhưng đơn vị này nhận đều đặn hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng/năm tiền ngân sách nhà nước. Trong trường hợp này nhà nước bảo vệ, ủng hộ ai giữa hai CSGD này, nếu đứng trên quan điểm lợi ích-chi phí, rõ ràng nhà nước và xã hội phải bảo vệ CSGD không nhận kinh phí thường xuyên, nhưng muốn bảo vệ họ thì cần phải có những điều chỉnh gì trong chính sách?

 

(2) Đồng bộ và minh bạch hóa hệ thống pháp lý về tự chủ đại học 

Muốn tự chủ đại học, hệ thống pháp luật phải đồng bộ, làm thành một chỉnh thể thống nhất và biện chứng, vừa đồng bộ, vừa rõ ràng, vừa mở, tạo niềm tin pháp lý cho các CSGD tự chủ và cho xã hội. Do đó, việc giảm thiểu tối đa sự không đồng bộ, sự nhập nhằng pháp lý, tăng sự dễ hiểu và dễ áp dụng của các điều luật, các văn bản dưới luật để ai cũng có thể hiểu đúng, làm đúng giữ vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa các qui phạm pháp luật vào cuộc sống thực. Khung pháp lý phải đủ rộng và thoáng để các trường có thể vững bước đi trên con đường ‘tự chủ’, được pháp luật bảo vệ, chứ không phải ‘bê đá dò đường’ để tránh các áp lực vô hình như hiện nay. Cần lưu ý là, trong khi hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, rất cần có cơ chế bảo vệ ‘Kim Ngọc’, bảo vệ những con người dũng cảm, dám đi trước trong việc vận dụng quyền tự chủ vào việc nâng cao chất lượng ĐH.


Trong phòng thí nghiệm của trường ĐH Tôn Đức Thắng, đơn vị thí điểm tự chủ đại học và gây nhiều tranh cãi thời gian qua. Ảnh: Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

(3) Điểm mấu chốt của lộ trình xóa bỏ cơ chế chủ quản là nâng cao năng lực và quyền lực thực sự của HĐT và phù hợp với ‘thể trạng’ của từng CSGD

Muốn xây dựng ĐH tự chủ hoàn toàn, CSGD có thể tự quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến sự phát triển của họ một cách công khai, minh bạch, hiệu quả, không phụ thuộc vào một ‘cấp trên’ nào, cần nhanh chóng hiện thực hóa, thể chế hóa chỉ đạo của Trung ương ‘HĐT là cơ quan thực quyền cao nhất trường ĐH’ và quan điểm ‘quản lý theo mô hình doanh nghiệp’, giải phóng các trường tự chủ khỏi cơ chế chủ quản, các cơ quan quản lý có thẩm quyền không thể tùy tiện can thiệp vào quyền tự chủ của nhà trường đã được nhà nước trao gửi, tránh những rủi ro không đáng có cho CSGD dám đi tiên phong trong việc thực hiện cơ chế tự chủ. Do đó, phải thiết kế lại hệ thống quản trị và quản lý trường ĐH.

Tuy nhiên, để xóa bỏ cơ chế chủ quản còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, rất cần được tháo gỡ và định hướng. Ví dụ, các quy định hiện hành do các cơ quan chủ quản đặt ra có giá trị đến đâu và mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và trường ĐH trực thuộc sẽ như thế nào? Với câu hỏi này, vướng mắc trước tiên nằm ở bản chất và hình thái mối quan hệ được gọi là cơ chế chủ quản, vai trò của cơ quan chủ quản đối với các CSGD công lập là thực hiện quyền đại diện của sở hữu nhà nước trong các CSGD. Cơ quan chủ quản sẽ quản lý trường thông qua đại diện mà mình cử vào – HĐT – chứ không theo kiểu cấp phát kinh phí, duyệt cấp biên chế, ra lệnh, chỉ đạo… như trước nữa. Hơn thế, cơ quan chủ quản còn phải tôn trọng các quyết định về mặt chuyên môn của nhà trường vì tự chủ về mặt chuyên môn, học thuật mới là hồn cốt của GDĐH.

Muốn vậy, trong Luật và các văn bản dưới Luật cần phải làm rõ mối quan hệ chủ quản và trực thuộc cũng như vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên. Và điều tối quan trọng là luật hóa để đảm bảo ‘khoảng trời tự do’ đủ rộng dành cho tự chủ và bảo vệ những người dám đi tiên phong trong việc đưa tự chủ đại học vào cuộc sống.

 

(4) Sự vào cuộc và đồng hành của các cơ quan quản lý có thẩm quyền

Quá trình tự chủ ĐH ở VN tuy mới bắt đầu, nhưng đã có nhiều tín hiệu cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng và đúng quy luật. Những cái mới, cái chưa có tiền lệ cần phải được nhìn nhận hết sức cẩn trọng, vì lợi ích chung của tiến trình tự chủ ĐH, tránh tình trạng chỉ thấy cây mà quên mất rừng, muốn chặt bỏ cây này, cấy ghép cây kia trong cách hành xử của cơ quan chủ quản đối với nhà trường, tránh gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin trong xã hội và trong hệ thống các trường ĐH về tự chủ ĐH, tạo điều kiện cho tự chủ ĐH phát triển đúng hướng. Nhà nước cần dứt khoát đoạn tuyệt với tư duy ban phát, đánh đổi, ra điều kiện với CSGD trong việc giao quyền tự chủ cho họ.

Để được như thế, cán bộ lãnh đạo và quản lý cần phải biết đồng hành cùng CSGD, biết lắng nghe một cách có trách nhiệm với những tiếng nói từ CSGD, trong đó có tiếng nói của các giảng viên, những người thấu hiểu gần như đến tận cùng những được mất của tự chủ ĐH; thao thức với những vấn đề CSGD đang trăn trở, vui buồn với những buồn vui của CSGD; biết phát hiện, chắt chiu, có thiện tâm ‘gạn đục khơi trong’, biết nâng niu từng chút, từng chút thành quả ban đầu của công cuộc TCĐH, biết nuôi dưỡng và bảo vệ cái mới, cái còn chưa được định hình rõ ràng trong hiện tại, nhưng sẽ là tất yếu của ngày mai, nhất là trong điều kiện ‘thí điểm tự chủ’ theo tinh thần của Nghị quyết 771.

 

(5) Hiểu đúng về trách nhiệm giải trình

Tự chủ ĐH như anh em sinh đôi với trách nhiệm giải trình. Khi trường ĐH được trao quyền tự chủ nghĩa là họ trở thành đối tượng được (nhà nước) trao quyền và trao gửi sứ mệnh (agent) trên thực tế. Quyền lực và nghĩa vụ đó là do nhà nước giao phó. Nhà nước đóng vai trò ‘principal’ – tiếp nhận giải trình” và do đó, nhà trường phải giải trình trước nhà nước. Nhà nước không thể giám sát được tất cả, nên để giúp nhà nước giám sát hoạt động của các trường tự chủ, nhà nước thường đặt ra các qui tắc để công chúng (xã hội) cùng giám sát. Khi đó, công chúng (cụ thể và trực tiếp hơn là sinh viên và gia đình, doanh nghiệp) đóng vai trò người thụ hưởng (beneficiaries), đồng thời cũng là người giám sát.

Thế nhưng bản thân nhà nước cũng không tránh khỏi trách nhiệm giải trình, bởi vì trong một mối quan hệ tương quan khác, quyền lực của nhà nước là do Nhân dân giao và thuộc về Nhân dân. Vì thế, nội hàm của khái niệm ‘trách nhiệm giải trình’ cần được làm rõ trong khung pháp lý của tự chủ ĐH.

(6) Tạo ‘khoảng mở’ cho thực hành tự chủ đại học

Để hạn chế tối đa các chệch choạc và ‘lạc hướng’ của các CSGD, họ cần được hướng dẫn để ‘làm đúng’ trong tiến trình tự chủ. Chúng ta có thể tham khảo nguyên tắc ‘tuân thủ-hoặc-giải trình’ (comply-or-explain) của hệ thống quản trị ĐH Anh Quốc. Các bộ tài liệu hướng dẫn như Bộ hướng dẫn đánh giá kết quả đầu ra (KPIs), Bộ hướng dẫn thẩm định chất lượng do Ủy ban Chủ tịch Hội đồng ĐH (CUC) ban hành đều triển khai theo nguyên tắc này.

Tuân thủ-hoặc-giải trình là một cách tiếp cận trong mô hình quản trị hiện đại nhằm cho phép các tổ chức linh hoạt áp dụng quy định, trong khi cơ quan quản lý nhà nước vẫn thực hiện đầy đủ vai trò của mình, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho CSGD. Nguyên tắc này được đề xuất trên cơ sở lập luận: ‘không có một cỡ áo vừa vặn cho tất cả’ hay ‘không có tấm lưới nào bắt được tất cả các loại cá’; vì thực tiễn thì mênh mông, nên khi áp dụng nguyên tắc này vào quản trị sẽ giúp tránh nguy cơ rập khuôn, cứng nhắc, áp đặt, qua đó duy trì sự đa dạng về các loại hình, phương thức tự chủ trong hệ thống, tạo sự linh hoạt, năng động và tự chủ thật sự cho CSGD.

 

(7) Xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng đủ mạnh về chuyên môn và liêm chính về học thuật

Để tự chủ có thể trở thành hiện thực, hệ thống kiểm định chất lượng nhất thiết phải được củng cố toàn diện cả về năng lực triển khai cũng như tính thực chất để trở thành căn cứ vững chắc cho cơ chế tự chủ ĐH toàn diện. Có thể Bộ GD&ĐT có tổ chức kiểm định chất lượng thuộc hay trực thuộc Bộ, nhưng rất cần các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập, không thuộc hay trực thuộc Bộ GD&ĐT.

 

(8) Cơ chế giám sát và phân bổ nguồn lực đầu tư: Chuyển sang đánh giá “đầu ra”

Để các trường đại học thực sự được vận hành một cách bình đẳng thì việc đánh giá giám sát, phân bổ nguồn lực cần được tiến hành dựa trên đánh giá kết quả đầu ra. Tiếc rằng, hiện nay có nhiều ‘chế độ’ phân bổ nguồn lực, với nhiều khác biệt giữa trường trung ương, trường tỉnh, trường vùng, trường quốc gia, trường ngành, trường quốc tế, trường có yếu tố nước ngoài, trường công lập, trường dân lập v.v… Ngay trong các trường công lập cũng có sự phân bổ khác nhau, chưa dựa trên các tiêu chí minh định về KPIs như số lượng, chất lượng các bài báo, các phát minh, sáng chế. Vì vậy, nhà nước nên chỉ giám sát kết quả ‘đầu ra’ KPIs mà CSGD đã cam kết, và lấy đó làm tiêu chí quan trọng cho đầu tư, hỗ trợ của nhà nước cho từng CSGD. Việc giám sát KPIs nên giao cho một cơ quan, tổ chức độc lập xếp hạng, đánh giá, đó không phải là công việc quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT.

***

Thay lời kết

 

Để xây dựng một nền GDĐH dân tộc, nhân bản và khai sáng, trường ĐH thực sự là cái nôi của đổi mới sáng tạo theo những chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cần nhiều thời gian, sức lực và tiền bạc; nhưng đã đi là sẽ đến.Vấn đề là ‘đi’ như thế nào để ‘đến’ nhanh hơn với hiệu quả đầu tư tiền bạc và thời gian thấp nhất. Điều đó phụ thuộc vào sự chuyển biến cả về chất và lượng trong mối quan hệ giữa chính phủ và CSGD thông qua việc chính phủ hỗ trợ và cho phép các trường ĐH thay đổi hoàn toàn hệ thống cấu trúc và quản trị ĐH. □

1 Sau Nghị quyết 77 là Nghị quyết 117/NQ-CP ngày 09/11/2017, và sau đó là Điều khoản chuyển tiếp (Điều 18) của Nghị định 99, cho phép tiếp tục thí điểm tự chủ.

Cân nhắc thận trọng việc kiêm nhiệm các chức vụ bí thư cấp ủy, chủ tịch HĐT và hiệu trưởng
Trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay đang tồn tại một thực tế: Có CSGD 3 vị trí lãnh đạo, quản trị và quản lý chủ chốt là bí thư, chủ tịch HĐT, hiệu trưởng (HT) do 3 người đảm nhiệm; có trường bí thư kiêm HT, có trường bí thư kiêm chủ tịch HĐT; có CSGD một người nắm giữ luôn cả 3 vị trí này.
Thực tế cho thấy, chủ tịch HĐT kiêm HT khiến quyền lực của HT càng lớn và dễ dẫn đến tình trạng thiếu dân chủ vì ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’ mà không vấp phải một ‘phản biện’ hay một sự ‘cân đối quyền lực’ nào. Ở những CSGD này chỉ có dân chủ hình thức. Còn nếu một người kiêm nhiệm luôn cả 3 chức vụ, gần như chế độ ‘thủ trưởng’ thời chiến, thì tốt nhất là bỏ luôn thiết chế HĐT, vì sự tồn tại HĐT ở đây chỉ là minh họa cho một thứ dân chủ không có thật.
Bí thư cấp ủy cũng không nên kiêm chủ tịch HĐT, vì Đảng ủy là đại diện cho tổ chức Đảng trong trường, còn HĐT là đại diện của chủ sở hữu cộng đồng thuộc phạm vi rộng lớn hơn bên ngoài nhà trường; và như vậy, mô hình bí thư kiêm chủ tịch HĐT sẽ làm mất đi tính đại diện cộng đồng của HĐT. Hơn nữa HĐT là cơ quan quyền lực, lãnh đạo cụ thể, HĐT của một trường cũng đóng vai trò như ‘quốc hội’ của CSGD, còn Đảng ủy là cơ quan lãnh đạo về chính trị và tư tưởng. Vì vậy, nếu bí thư kiêm chủ tịch HĐT, thì các quyết nghị của HĐT sẽ mang tính cục bộ vì quyền lợi của CSGD nhiều hơn, rất khó tránh khỏi thiên vị, sẽ làm cho tính độc lập của HĐT với Đảng ủy giảm đi và do đó, tính ’tự chủ’ cũng sẽ bị suy giảm, và thậm chí là bị triệt tiêu. Điều đó đảm bảo tổ chức đảng là tổ chức hoạt động như một hội đồng quản trị, và như vậy không cần có thêm HĐT.
Trong quá trình chuyển đổi, tiến tới 3 vị trí này do 3 nhân vật đảm nhiệm như ở các nước phát triển, bí thư Đảng ủy có kiêm chủ tịch hội đồng hoặc kiêm HT hay không, nên để CSGD chủ động lựa chọn, phù hợp với điều kiện thực tế của từng CSGD, vì mỗi CSGD có đặc điểm khác nhau, miễn là CSGD ấy là một tập thể đoàn kết, vững mạnh, phát triển, được quản trị và quản lý tốt, đào tạo và NCKH có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tác giả

(Visited 582 times, 2 visits today)