Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình: Nhìn từ Quy chế tuyển sinh đại học 2020

Xem xét Quy chế tuyển sinh đại học 2020 vừa được công bố, dễ nhận thấy những điểm phù hợp và chưa phù hợp, thậm chí đi ngược tinh thần tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học của Luật Giáo dục đại học sửa đổi.


Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình: Nhìn từ Quy chế tuyển sinh đại học 2020.

Luật GDĐH sửa đổi (ban hành năm 2018 và có hiệu lực từ tháng 7/2019) có nhiều điểm mới, đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học nhằm ‘giải phóng’ giáo dục đại học với hy vọng có bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

Trong đó, Điều 32 Khoản 3 Luật GDĐH 2018 quy định các trường đại học có ‘quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế”.

Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật GDĐH sửa đổi nêu rõ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình liên quan tới tuyển sinh của các trường đại học bao gồm:

Được quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh phù hợp quy định của pháp luật và có trách nhiệm xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Điều 13, Khoản 1, mục a và b)

Như vậy, về khía cạnh pháp lý, cả Luật GDĐH và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đều nêu rõ việc tuyển sinh hoàn toàn nằm trong phạm vi trường được phép tự chủ.

Quy chế tuyển sinh đại học 2020: quy định chi tiết hay nguyên tắc?

Quy chế tuyển sinh đại học 2020 được ban hành kèm theo Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT gồm 29 điều bao trùm đầy đủ các vấn đề liên quan.

Xem xét Quy chế, dễ nhận thấy, có những điều khoản đưa ra quy định theo nguyên tắc, ví dụ như Điều 2 Khoản 3 và 4 quy định “tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày, gửi Đề án về Bộ GDĐT và thực hiện công tác tuyển sinh theo Đề án tuyển sinh đã công bố”.

Tuy nhiên, có một số điều khoản đưa ra quy định chi tiết mang tính áp đặt đối với phạm vi trường được phép tự chủ. Chẳng hạn, Điều 10, Khoản 1, Mục c quy định “Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của tổ hợp xét tuyển (…) và được làm tròn đến hai chữ số thập phân; đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn”.

Rõ ràng, nếu đã giao cho trường tự chủ xây dựng đề án tuyển sinh và Bộ GD&ĐT kiểm soát, giám sát thực hiện, thì việc xác định điểm xét tuyển, công thức tính điểm, việc làm tròn số, hay việc tuyển chọn khi thừa và thiếu chỉ tiêu phải để trường toàn quyền quyết định. Nói cách khác, các quy chế, thông tư dưới luật chỉ nên đưa ra các quy định mang tính nguyên tắc để cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) dựa vào đó giám sát, đảm bảo việc thực hiện nhất quán với toàn bộ thí sinh một cách công bằng, minh bạch.

Tương tự, các quy định liên quan tới việc tự tổ chức thi, kiểm tra riêng để tuyển sinh trong Điều 12 là những điều kiện hạn chế quyền tự chủ nghiêm trọng nhất. Để ‘đảm bảo chất lượng’, Khoản 1 Mục d đặt ra các yêu cầu “ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận của trường đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi; có giải pháp đảm bảo sự tương đương của các đề thi và phải thực hiện quy trình để đảm bảo đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi được bảo mật trước, trong và sau khi thi”. Quy định này hàm chứa những điểm không chặt chẽ, nhất quán với định hướng của Luật GDĐH sửa đổi, như sau:

Thứ nhất, dù hình thức thi là tự luận hay trắc nghiệm thì đều có thể chuẩn hoá, mà nếu đã cần chuẩn hoá thì không phân biệt loại câu hỏi thi.

Thứ hai, ‘chuẩn hoá’ câu hỏi thi hay đề thi là yêu cầu quá cao một cách không cần thiết đối với bài thi cấp trường với kết quả sử dụng nội bộ. Cơ quan QLNN đáng lẽ chỉ nên yêu cầu về nguyên tắc rằng các trường phải thực hiện đảm bảo chất lượng (ĐBCL) đề thi và chấm thi, còn cụ thể ĐBCL bằng cách thức nào, phương pháp nào nên để cho trường chủ động đề xuất trong Đề án tuyển sinh của mình. Chuẩn hoá câu hỏi thi và đề thi chỉ là một biện pháp ĐBCL khâu ra đề thi, đòi hỏi thời gian dài và nhân lực có trình độ chuyên môn chuyên biệt thực hiện. Việc áp đặt cách thức như vậy thực chất là đưa ra “hàng rào kỹ thuật” để loại bỏ phương án “tự thi tuyển” của các trường. Hệ quả là, việc Quy chế ‘cho phép’ các trường tự tổ chức thi tuyển chỉ mang tính hình thức, đồng thời vi phạm phạm vi tự chủ của các trường.

Thứ ba, việc quy định ngân hàng câu hỏi thi phải “đủ lớn” là không đủ rõ ràng để có thể triển khai giám sát thực hiện, từ đó thực thi trách nhiệm giải trình cũng là vấn đề.

Cuối cùng, dù ‘chuẩn hoá’ là một phương pháp ĐBCL đề thi, có nhiều cách tiếp cận và quy trình để triển khai chuẩn hoá. Nếu yêu cầu chuẩn hoá mà không tham chiếu đến một quy định hay hướng dẫn cụ thể nào thì việc giám sát thực hiện không khả thi.

Từ phân tích trên có thể nói, Quy chế tuyển sinh 2020 có những điểm phù hợp và chưa phù hợp, thậm chí đi ngược với Luật GDĐH sửa đổi.

Tuân thủ-hoặc-giải trình, một tiếp cận đáng cân nhắc

Với điểm nhấn vào tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, việc Luật GDĐH sửa đổi sẽ được triển khai, thực thi như thế nào luôn là mối quan tâm của không chỉ các nhà hoạch định chính sách, mà còn của các cấp lãnh đạo, quản lý ở đại học.

Các nước phương Tây khi bắt đầu đẩy mạnh tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường đại học trong nửa cuối của thế kỷ 20 đã thay đổi cách tiếp cận trong QLNN để có thể đồng thời duy trì cả hai trụ cột quan trọng này của quản trị đại học cấp hệ thống. Song song với việc tăng cường các biện pháp và công cụ ĐBCL, việc áp dụng ‘deregulation’ – nới lỏng, gỡ bỏ bớt các chính sách, quy định ràng buộc đối với các trường đại học được nhiều nước Âu, Mỹ thực hiện. Tuy nhiên, động thái này làm nảy sinh vấn đề mới: các cơ sở giáo dục đại học có thể cần được hướng dẫn để ‘làm đúng’. Để giải quyết, hệ thống quản trị đại học của Anh sử dụng nguyên tắc “tuân thủ-hoặc-giải trình” (comply-or-explain) đối với các trường đại học. Các bộ tài liệu hướng dẫn như Bộ hướng dẫn KPI, Bộ hướng dẫn thẩm định chất lượng do Uỷ ban Chủ tịch Hội đồng Đại học (CUC) ban hành đều triển khai theo nguyên tắc “tuân thủ-hoặc-giải trình”.

“Tuân thủ-hoặc-giải trình” là một cách tiếp cận trong mô hình quản trị hiện đại nhằm cho phép các tổ chức linh hoạt áp dụng quy định, trong khi cơ quan QLNN vẫn thực hiện đầy đủ vai trò của mình đồng thời cung cấp hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn cho họ.

Nguyên tắc này được đề xuất trên cơ sở lập luận không có “một cỡ áo vừa vặn cho tất cả”; và khi áp dụng vào quản trị sẽ giúp tránh nguy cơ rập khuôn, cứng nhắc, qua đó duy trì sự đa dạng về các loại hình, phương thức… trong hệ thống.

Theo nguyên tắc “Tuân thủ-hoặc-giải trình”, các cơ quan QLNN hoặc các hiệp hội có thể đặt ra các “Bộ quy tắc ứng xử” (Code of conduct) hoặc các bộ tài liệu hướng dẫn (guidelines) để các cơ sở giáo dục thực hiện, nếu không phải giải trình sự phù hợp của các phương thức, cách thức thay thế. Bằng quy định như vậy, một mặt cơ quan QLNN vẫn có thể thực hiện vai trò của mình, đồng thời cho phép các trường cơ hội tự chủ.

Theo người viết, cách tiếp cận “Tuân thủ-hoặc-giải trình” rõ ràng là một lựa chọn đáng cân nhắc. Đối với Quy chế tuyển sinh, có thể có hai lựa chọn về cách thức quản trị mà không xung đột với Luật GDĐH sửa đổi: (1) các văn bản dưới luật chỉ nhất quán đưa ra các nguyên tắc đảm bảo chất lượng, còn tất cả các quy định chi tiết để cho trường quyết định; (2) Bộ GD&ĐT ban hành các bộ tài liệu hướng dẫn yêu cầu tuân thủ hoặc nếu không tuân thủ thì trình đề án riêng, kèm theo bản thuyết minh, giải trình những điểm khác biệt. Những trường lựa chọn tuân thủ tài liệu hướng dẫn của Bộ không cần chuẩn bị và đệ trình đề án tuyển sinh. Chỉ những trường làm khác mới phải xây dựng đề án, như vậy việc duyệt và giám sát thực hiện sẽ khả thi hơn. Cũng có thể kết hợp cả hai phương án (1) và (2) để tạo sự linh hoạt và chặt chẽ.

Tài liệu tham khảo:

Schofield, A. (2009). What is an Effective and Higher Performing Governing Body in UK Higher Education?

Seidl, D., Sanderson, P., & Roberts, J. (2009). Applying” comply-or-explain”: Conformance with Codes of Corporate Governance in the UK and Germany. Working paper. (389). Centre for Business Research, University of Cambridge.

Shattock, M. (2006). Managing good governance in higher education. Maidenhead, Berkshire: Open University Press.

Đỗ Thị Ngọc Quyên/ Khoa học và phát triển

https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/tu-chu-dai-hoc-va-trach-nhiem-giai-trinh-nhin-tu-quy-che-tuyen-sinh-dai-hoc-2020/20200521021549826p1c785.htm

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)