Từ dự án Bàn tay nặn bột đến Nhà chiếu hình Vũ trụ:
Dạy trẻ em yêu khoa học
Georges Charpak, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp, người được trao Giải thưởng Nobel Vật lý năm 1992 với phát minh “buồng đa tuyến” (multiwire chamber) đã phát biểu rằng: Thay đổi việc giảng dạy khoa học ở trường tiểu học là một đòn bẩy để biến đổi xã hội. Trong cuộc phỏng vấn ngày 8-3-2009 của tạp chí CERN Courier, Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu, nhân dịp Georges Charpak vừa tròn 85 tuổi, ông đã chia sẻ về dự án giáo dục của mình với tên gọi Bàn tay nặn bột. Những vấn đề ông đề cập rất đáng để các nhà giáo dục Việt Nam phải suy nghĩ.
Ông nói: “Tôi đã tham gia dự án “Bàn tay nặn bột” trong 12 năm qua. Đây chắc chắn là điều lớn nhất mà tôi cống hiến được cho xã hội. “Bàn tay nặn bột” là một phương pháp giáo dục mới dựa trên ý tưởng là học khoa học thông qua thí nghiệm trực tiếp do chính các em học sinh làm. Chúng ta cần một cuộc cách mạng trong giáo dục khoa học và tôi đang tiến hành một cuộc đấu tranh để chống lại những bất cập trong giáo dục khiến cho trình độ dân trí bị hạ thấp. Ở Pháp, kể từ dịp khai giảng vào tháng 9 – 2000, các trường học tiểu học trong cả nước đã bắt đầu đổi mới việc giảng dạy khoa học theo tinh thần của phong trào “Bàn tay nặn bột”. Phong trào này được sự bảo trợ của Viện Hàn lâm khoa học Pháp và sự hỗ trợ của một nhóm nhỏ các viện sĩ. Các trường học ở lưu vực sông Amazone (Nam Mỹ) bây giờ cũng áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Cách đây gần hai năm, tháng 6 – 2007, một thành viên của nhóm này là Viện sĩ Pierre Joliot – Curie, con trai Nhà bác học Frédéric Joliot- Curie và cháu ngoại ông bà Pierre và Marie Curie có sang Việt Nam để giới thiệu phong trào “Bàn tay nặn bột”. Hiện nay nhiều nước trên thế giới như Mehico, Colombia, Hungary, Thái Lan, Trung Quốc,v.v…đang học tập kinh nghiệm của Pháp để áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong hoàn cảnh nước mình.”
Tôi có dịp gặp Viện sĩ Georges Charpak khi ông đến thành phố Hồ Chí Minh dự cuộc Hội thảo quốc tế vào cuối tháng 10-1995. Năm 1997, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi có tham dự và được Georges Charpak tặng cuốn sách của ông, có tên là Bàn tay nặn bột – Khoa học ở trường tiểu học (La Main à la Pâte – Les sciences à l’école primaire – quyển sách này đã được tôi dịch và nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 1999). Tôi nghĩ rằng, nước ta cũng nên tham khảo kinh nghiệm của phong trào “Bàn tay nặn bột” để thay đổi cách dạy các môn khoa học ở các trường tiểu học, làm cho các em học các môn khoa học một cách nhẹ nhàng, hứng thú và bổ ích.
Tháng 12 – 1996 khi đi dự cuộc Hội thảo về Giáo dục Vật lý (Physics Education) do Hiệp hội Quốc tế Vật lý Lý thuyết và Ứng dụng tổ chức tại Thái Lan, tôi có đến thăm Nhà chiếu hình vũ trụ và Bảo tàng khoa học ở Thủ đô Bangkok được khánh thành năm 1964 với sự hiện diện của Vua và Hoàng hậu Thái Lan. Tháng 5 – 1997 tôi có đến xem Cung khoa học và nhà chiếu hình vũ trụ rất hiện đại ở Paris, thủ đô của Pháp. Tôi nghĩ tại sao thủ đô Hà Nội lại không có một Nhà chiếu hình vũ trụ, một Cung khoa học có thể phát triển ở các em thiếu nhi sự say mê tìm tòi và lòng yêu khoa học?
Còn nhớ, hồi tháng 10 – 2000, Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam ký hiệp định viện trợ thiết bị cho một nhà chiếu hình vũ trụ ở Hà Nội. Ngày 27- 04 – 2001, UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Đại sứ quán Pháp cùng ký một bản thoả thuận bảo đảm nhà chiếu hình vũ trụ Hà Nội sẽ khánh thành vào tháng 12 – 2002. Phía Pháp cam kết, ngoài thiết bị cho nhà chiếu hình vũ trụ, sẽ vận động các Viện nghiên cứu, các trường Đại học và các công ty tư nhân ở Pháp hỗ trợ để trang bị cho một toà nhà khoa học. Như vậy là nếu UBND Thành phố Hà Nội giữ đúng lời cam kết khởi công xây dựng Nhà chiếu hình vũ trụ thì đến nay, trẻ em Hà Nội đã có một Nhà chiếu hình vũ trụ, một tòa nhà khoa học, phát triển lên thành một Cung khoa học.
Thật đáng tiếc! Cuối cùng dự án hoãn lại vì Chủ tịch Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên gửi thư thông báo không làm nữa vì tương lai sẽ làm ở công viên Yên Sở. Và công lao chuẩn bị của bao nhiêu người trong mấy năm trời, kể cả của ông đại sứ, tham tán và kiến trúc sư Pháp đành bị hủy. Số tiền viện trợ của Chính phủ Pháp đã mất bây giờ xin lại rất khó. Năm 2002 khi có hy vọng sẽ khánh thành Nhà chiếu hình vũ trụ Hà Nội tôi nghĩ là mình chậm thua Thái Lan gần 40 năm, còn bây giờ không biết bao nhiêu năm nữa.
Việc giáo dục lòng yêu khoa học cho các cháu thiếu nhi là việc liên quan đến tương lai của các em, đến tiền đồ dân tộc. Vì thế, tôi tha thiết mong rằng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ làm việc với Đại sứ quán Pháp để thực hiện lại dự án về nhà chiếu hình vũ trụ đã bị dừng mấy năm trước đây. Một Thủ đô không thể không có một Nhà chiếu hình vũ trụ, một Cung khoa học.