Tư duy lại về ứng dụng công nghệ trong giáo dục

Một báo cáo công phu hơn 200 trang của OECD có tên “Học sinh, máy tính và sự học: Tạo lập kết nối”1 công bố cuối tháng Chín vừa qua tuy không đưa ra những kết luận bất ngờ những vẫn khiến chúng ta phải tư duy lại về vai trò của công nghệ đối với sự phát triển của trẻ em và làm thế nào để những tiến bộ của công nghệ thông tin – truyền thông có thể góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của giáo dục.

Máy tính không thôi thì chẳng ích gì

Dẫn số liệu phân tích của PISA2, báo cáo nhận định: “Việc dùng máy tính có giới hạn trong trường học có thể dẫn đến kết quả tốt hơn so với không dùng chút nào, nhưng việc sử dụng quá nhiều (vượt mức trung bình của các nước OECD) lại có biểu hiện thành tích học tập giảm sút nghiêm trọng” và “Kết quả học tập chỉ tốt hơn trong một số bối cảnh cụ thể, trong đó phần mềm và việc kết nối Internet giúp gia tăng thời gian học tập và thực hành”.

Những lo ngại về tác động tiêu cực của công nghệ tới trẻ em không phải tới tận khi có báo cáo của OECD mới được khơi lên. Thậm chí cả những trường rất non trẻ như Trường Acorn3 ở London mới được thành lập năm 2013 cũng ban hành những chính sách có vẻ đi ngược lại xu thế của thời đại: Cấm triệt để việc sử dụng máy tính trong lớp học. Họ tuyên bố: “Chúng tôi chống lại mọi loại hình thiết bị điện tử cho trẻ nhỏ… và chỉ tích hợp dần dần ở lứa tuổi vị thành niên. Trong đó gồm cả Internet. Với việc chọn trường này để gửi gắm con em, quý vị phụ huynh phải ủng hộ quan điểm đó, cho dù cá nhân quý vị có nhìn nhận việc ấy như thế nào”. Lý do được đưa ra là “Mục đích của việc cấm này là dành không gian cho trẻ lớn lên. Thay vì biến trẻ em thành những kẻ tiêu xài đồ dùng công nghệ và TV, chúng phải học để tạo ra những hoạt động của riêng mình. Chúng cần phải trở thành những người kiến tạo tích cực thay vì những kẻ tiêu xài thụ động”.

Giống như Trường Acorn, đã từ lâu, hệ thống hơn 160 trường Waldorf trên toàn nước Mỹ với triết lí giáo dục Steiner nhấn mạnh vào những trải nghiệm sáng tạo và các hoạt động thể chất cũng hoàn toàn vắng bóng đồ công nghệ. Bài báo gần đây trên New York Times4 cho thấy số đông yếu nhân ở ngay trung tâm công nghệ thế giới là Thung lũng Silicon rất thích cho con mình vào hệ thống trường Waldorf vì ở đó chúng không bị công nghệ bủa vây.

Tiềm năng của công nghệ đối với giáo dục:

– Giúp giảm chi phí và cải tiến chất lượng theo các cách thức khác nhau;

– Tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề cơ bản ở rất nhiều quốc gia như phát triển đội ngũ nhà giáo, mở rộng cơ hội tiếp cận hạ tầng công nghệ;

– Cung cấp dịch vụ giáo dục cho số đông dân chúng với chi phí thấp hơn nhiều hoặc cung cấp chất lượng cao hơn với cùng chi phí;

– Dễ dàng nhân rộng những mô hình tốt ở quy mô lớn;

– Khai thác dữ liệu để hiểu rõ hơn việc học của con người;

– Gia tăng năng suất của giáo viên, giải phóng giáo viên khỏi những công việc tay chân vốn tốn thì giờ như thi cử, chấm bài.  

Trước đó, nhiều người đã biết huyền thoại công nghệ Steve Jobs cũng nổi tiếng với quy định hạn chế tối đa việc dùng điện thoại thông minh khi ở nhà. Rõ ràng là chúng ta không hề khó tìm ra những người ủng hộ quan điểm cần cảnh giác với công nghệ trong lớp học.

Thế nhưng, người ta cũng không thể phủ nhận sự cần thiết phải đào tạo những kĩ năng để sống tốt trong kỉ nguyên số cho con trẻ: kĩ năng thiết yếu về công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) và an ninh số (digital security). Ngay cả những kĩ năng thiết yếu tưởng chừng như cổ điển cũng cần phải được tái định hướng, như kĩ năng đọc, ngoài việc thông thạo việc đọc sách, báo in thông thường, học sinh của thế kỉ 21 còn phải thông thạo cả việc đọc những thông tin dưới dạng điện tử bao gồm những trang web với cách thức tổ chức thông tin khác biệt so với sách truyền thống, hay những định dạng sách điện tử kiểu mới, và cả những mẩu tin lan tràn trên mạng xã hội. Việc không đào tạo những kĩ năng này có thể dẫn đến nới rộng khoảng cách giữa những trẻ em được thụ hưởng thành tựu của KH&CN và những trẻ em thiệt thòi vì không được tiếp cận công nghệ hiện đại. Bức tường số hóa đó có thể lấy đi những cơ hội học tập và trải nghiệm tuyệt vời mà lẽ ra mọi trẻ em trên thế giới phải được hưởng như nhau.

Vậy làm thế nào để hạn chế những tác hại của công nghệ đối với sự phát triển của trẻ em? Làm thế nào để những tiến bộ của công nghệ thông tin – truyền thông có thể góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của giáo dục?

Hệ thống giảng dạy số hóa khép kín

Câu trả lời thứ nhất có vẻ khá rành rọt, ít ra là từ những người có xu hướng “bảo thủ” như các nhà giáo ở Trường Acorn hay hệ thống trường Waldorf mà chúng ta đã kể: Cần một sự kiềm chế từ phía các phụ huynh, tích hợp công nghệ cần có liều lượng và lộ trình đúng đắn. Câu trả lời thứ hai dường như không được rõ ràng như thế.

Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy một phần lời giải trong báo cáo “Tầm nhìn mới cho giáo dục: Giải phóng tiềm năng của công nghệ”5 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Đồng tình với quan điểm về việc phải trang bị cho trẻ em những kĩ năng thiết yếu của thế kỉ 21 như đọc, viết, khoa học, tư duy phản biện, sáng tạo, giao tiếp và cộng tác, nhóm tác giả báo cáo của WEF cũng chỉ ra nguy cơ nới rộng khoảng cách rất đáng kể về việc giáo dục những kĩ năng này giữa nhóm quốc gia có thu nhập cao trong khối OECD với nhóm các quốc gia có thu nhập thấp. Để thu hẹp khoảng cách này thì thế giới thông thể không cậy nhờ những tiến bộ KH&CN.

Nhóm tác giả cho thấy tiềm năng của công nghệ đối với giáo dục là rất to lớn: Công nghệ có thể giúp giảm chi phí và cải tiến chất lượng theo các cách thức khác nhau; Tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề cơ bản ở rất nhiều quốc gia như phát triển đội ngũ nhà giáo, mở rộng cơ hội tiếp cận hạ tầng công nghệ; Cung cấp dịch vụ giáo dục cho số đông dân chúng với chi phí thấp hơn nhiều hoặc cung cấp chất lượng cao hơn với cùng chi phí; Dễ dàng nhân rộng những mô hình tốt ở quy mô lớn; Khai thác dữ liệu để hiểu rõ hơn việc học của con người; Gia tăng năng suất của giáo viên, giải phóng giáo viên khỏi những công việc tay chân vốn tốn thì giờ như thi cử, chấm bài.

Và để giải phóng những tiềm năng to lớn đó, nhóm tác giả đề xuất một sáng kiến về một hệ thống giảng dạy khép kín (Close-loop Instructional System) có tích hợp những công nghệ giáo dục tiên tiến vào từng khâu trong quy trình giáo dục từ tạo lập mục tiêu học tập, phát triển chương trình, nội dung học tập và chiến lược giảng dạy, giảng dạy, đánh giá quá trình, can thiệp, theo dõi và đo lường kết quả học tập.


Theo đó, những EdTech thành công trong thời gian gần đây như DreamBox, Knewton, Khan Academy hay Code.org có thể cung cấp những chương trình và nội dung học tập thích ứng cá nhân hóa. Kho tài nguyên giáo dục mở (OER) ngày càng được mở rộng và chất lượng như Curriki, LearnZillioon, BetterLesson, Gooru cung cấp nguồn học liệu mới đa dạng cho nhiều mục đích và khả năng tùy biến cao. Hàng loạt những nguồn tài nguyên quý giá cho các hoạt động đào tạo sư phạm và liên tục nâng cao tay nghề sẵn có trên các cổng MOOC hoặc các kho tài nguyên giáo dục mở khác. Các công cụ hỗ trợ giao tiếp và cộng tác như bộ công cụ Google Apps cho giáo dục, công cụ ghi chép miễn phí OneNote, công cụ giao tiếp Facebook hay những nền tảng blog cho giáo dục như EduBlogs giúp việc giao tiếp và cộng tác trong trường học hiệu quả hơn. Hàng loạt những game tương tác và giả lập chất lượng cao như ExploreLearning, SimCityEDU, MolecularWorkbench trợ giúp việc thực hành của học sinh. Các hệ thống quản trị học tập và thông tin sinh viên như Edmodo, Schoology, Canvas, PowerSchool ngày càng hiện đại, cung cấp lượng dữ liệu lớn và công cụ phân tích để các nhà trường có được hiểu biết sâu sắc về tình hình học tập của học sinh, sinh viên, thông qua đó mà thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời hoặc đề xuất những chương trình cải tiến dựa trên dữ liệu.

Rõ ràng là “gói giải pháp công nghệ” này có một cách tiếp cận chỉnh thể đối với việc giáo dục trong bối cảnh số hóa. Nó vừa tích hợp những công nghệ tiên tiến vào chu trình giáo dục, vừa mở cửa cho những hình thức giảng dạy mới, có đổi mới thực chất trong nội dung và cách thức để gia tăng thời gian học tập, nâng cao chất lượng tương tác và cải thiện hiệu quả giáo dục.

Bất chấp những kết luận không mấy tích cực về tình hình ứng dụng công nghệ trong lớp học, người đứng đầu nhóm thực hiện báo cáo của OECD nhận định “ICT đã thay đổi triệt để mọi mặt cuộc sống và cách làm việc của chúng ta. Những học sinh không thể ‘bơi’ trong thời đại số hóa này sẽ gặp khó khăn lớn trong việc hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế, xã hội và nền văn hóa xung quanh chúng”. Câu hỏi cho giới làm chính sách và đội ngũ các nhà giáo hiện nay không phải là có nên đưa công nghệ vào lớp học hay không mà là đưa vào như thế nào. Tầm nhìn của WEF cho phép chúng ta hình dung một phần giải đáp cho câu hỏi đó: sự xuất hiện một nền giáo dục thông minh, ở đó nhà trường và đội ngũ nhà giáo có thể tận dụng công nghệ đương thời để sáng tạo những phương thức giảng dạy hiệu quả trong bối cảnh mới, giải quyết tốt hơn những vấn đề muôn thuở của giáo dục. 

——-

1OECD (2015), Students, Computers and Learning: Making the Connection, PISA, OECD Publishing.

http://dx.doi.org/10.1787/9789264239555-en

2 “Programme for International Student Assessment” (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và chỉ đạo

3http://qz.com/513945/this-school-has-banned-all-technology-in-the-classroom-and-at-home

4 At Waldorf School in Silicon Valley, technology can wait
http://www.nytimes.com/2011/10/23/technology/at-waldorf-school-in-silicon-valley-technology-can-wait.html?_r=0

5 WEF(2015), New Vision for Education – Unlocking the potential of technology
http://www3.weforum.org/docs/WEFUSA_NewVisionforEducation_Report2015.pdf

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)