Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm: Đi từ gốc*

Việc chọn dịch Jean Piaget mở đầu cho Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm là chọn giới thiệu một vấn đề tính từ cái gốc chứ không tính từ cái ngọn. Đó vẫn là tiếp tục cách làm từ khi ra đời của nhóm Cánh Buồm: chọn những việc làm mang tính chất làm mẫu – cách nói khác của “gợi ý” – với chút khác biệt: gợi ý có thể chỉ dừng lại ở lời khuyên, còn làm mẫu thì hàm chứa cả giải pháp và nhất thiết phải có sản phẩm.

1.     Được sự hỗ trợ to lớn từ Nhà xuất bản Tri thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, từ tháng 10 năm 2012, sau khi giao nộp sản phẩm cho xã hội bằng 16 đầu sách bậc Tiểu học, nhóm Cánh Buồm đã bắt tay vào xây dựng Tủ sách Tâm lý học Giáo dục, mà hôm nay chúng tôi vô cùng sung sướng cho ra mắt bản sách đầu tiên của Jean Piaget, Sự ra đời trí khôn ở trẻ em, do nhà thơ Hoàng Hưng dịch.

Và chẳng bao lâu nữa, chúng tôi cũng lại sẽ giới thiệu bản sách thứ hai của Jean Piaget, Sự hình thành biểu trưng ở trẻ em, do nhà văn Nguyễn Xuân Khánh dịch, và một bản thảo thứ ba cũng của Jean Piaget do Hoàng Hưng dịch đang hoàn thành, Sự xây dựng cái thực ở trẻ em.

Tại sao nhóm Cánh Buồm lại tập trung mở màn Tủ sách Tâm lý học giáo dục bằng cả loạt ba tác phẩm cùng dịch từ Jean Piaget như thế? Lý giải việc này có thể là điều thú vị, và cũng là điều cần thiết cho công việc xây dựng một nền Giáo dục quốc dân bậc phổ thông xứng đáng với sứ mệnh Chấn hưng văn hóa mà xã hội đặt vào tay những nhà giáo dục.

Như chúng ta đã biết, nhóm Cánh Buồm chào đời cuối năm 2009 với cuộc ra mắt khởi nghiệp tại hội trường lớn của Trung tâm Văn hóa Pháp, trong cuộc hội thảo có tên Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em, cuộc hội thảo mà ngay sớm hôm sau, ông giám đốc nhiệm kỳ trước Patrick Michel đã gọi điện cho GS Chu Hảo, nói gần nguyên văn là “cần tổ chức tiếp những sự kiện như tối hôm qua… Tối qua, hai cô phiên dịch đã tranh nhau micro để được dịch những nội dung trao đổi hết sức thú vị …”

Khởi đầu công trình bằng bảng treo Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em cho thấy nhóm Cánh Buồm không dám hành động một cách liều lĩnh. Sẽ rất vô lý khi ngồi viết sách rồi chữa sách liên miên, khi tung ra cả ngàn đầu sách “tham khảo” khó định giá, và rước về những gói dự án giáo dục có hơi hướng lạ…, càng khó hiểu khi kêu gọi giảm tải, giảm tải mạnh, giảm tải sâu, rồi tổ chức “trận đánh lớn” cho trẻ em song lại không thấy lý giải những việc làm quyết liệt vì trẻ em theo định hướng hiểu trẻ em…

Vì thế, nhóm Cánh Buồm sau khi chủ động trình xã hội một bộ sách tiểu học mới, thì nhóm cũng phải tiếp tục chủ động trình xã hội Tủ sách Tâm lý học Giáo dục – cả hai công việc đều mang tính chất làm mẫu. Trên thực tế, trước khi bắt tay dịch, ngay từ năm 2011 nhóm Cánh Buồm đã chuẩn bị kế hoạch dịch và in sách Tâm lý học, mở đầu với việc xây dựng bộ thuật ngữ Piaget.

2.    Bây giờ là lúc giải thích thêm sao lại mở đầu bằng Piaget?

Chúng ta đều biết Jean Piaget không phải là người đầu tiên xây dựng ngành Tâm lý học thành một ngành khoa học riêng rẽ. Công việc mày mò tìm đối tượng nghiên cứu cho Tâm lý học, và phương thức tổ chức nghiên cứu Tậm lý học theo hướng thực nghiệm đã được Wilhelm Maximilian Wundt và các sinh viên tiên phong của ông thực hiện. Wundt cho rằng “mục tiêu duy nhất của Tâm lý học thực nghiệm là mô tả chính xác cái ý thức của con người”. Wundt tìm cách tách hai mặt “sinh lý” và “tâm lý” trong tâm lý học. Với Wundt, Tâm lý học cần phải nghiên cứu trực tiếp vào ý thức người với sự trợ giúp bằng thực nghiệm của các khoa học tự nhiên. (Từ điển bách khoa Stanford). Cách làm này chúng tôi đã mô tả hầu bạn đọc trong sách Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục. (Phạm Toàn, Tri thức xuất bản, Hà Nội, 2008. Chương về W. M. Wundt).

Tiếp theo Wundt vẫn chưa đến lượt Jean Piaget. Bác sĩ người Pháp Alfred Binet năm 1905 đã hoàn thành bộ đo nghiệm tâm lý để lọc những trẻ em không đủ điều kiện hưởng thụ nền giáo dục Tiểu học bắt buộc. Bộ đo nghiệm này sau khi vượt Đại Tây Dương qua Hoa Kỳ đã được hoàn thiện thành bộ đo nghiệm Simon–Binet mà sau năm lần thay đổi đã thành bộ đo nghiệm Stanford-Binet. Đất nước Hoa Kỳ công nghiệp hóa đã cung cấp thêm phương thức nghiên cứu tâm lý người – rất khôn ngoan là những thực nghiệm thao tác học tập trên động vật – dẫn tới những Quy luật học tập – đặc biệt dẫn tới bài báo mang tính Tuyên ngôn của Edward Thorndike (1874 – 1949), “Đóng góp của tâm lý học cho công cuộc giáo dục”, khẳng định vai trò không thể thiếu của tâm lý học đối với giáo dục.

Jean Piaget bắt đầu sự nghiệp Tâm lý học giáo dục khác với những người “đi trước” nói trên. Piaget không nghiên cứu Sinh-Tâm lý và dựa trên những sinh viên đã trưởng thành như Wundt. Piaget không nghiên cứu trẻ em không bình thường như Binet. Piaget cũng không nghiên cứu quy luật học tập “cắt khúc” dựa trên Kích thích – Đáp ứng của thuyết hành vi như các học giả châu Mỹ. Piaget muốn giải đáp những câu hỏi lớn hơn: (a) Tư duy trẻ em và tư duy người trưởng thành khác nhau ra sao? (b) Trẻ em nhìn thế giới khách quan ra sao và các em lý giải các hiện tượng trong thế giới đó như thế nào? (c) Có những mối liên hệ nào giữa cấu trúc tư duy này sang cấu trúc tư duy khác? Và ông đã tiến hành công việc nghiên cứu tâm lý học giáo dục của ông như sau:

(1)     Piaget nghiên cứu để đi tới bức tranh toàn cảnh về con đường phát sinh và phát triển nhận thức của con người kể từ khi nó ra đời, kể từ khi khởi đầu một ngày tuổi.

(2)     Piaget dùng phương pháp quan sát trực tiếp và trao đổi với trẻ nhỏ để nghiên cứu sự tiến hóa của thế giới thực trong con người kể từ hành động bú mút đến khi có tiếng nói đầu tiên, cho đến khi dùng những biểu trưng…

(3)    Piaget kiểm chứng các dữ liệu trên số lớn trẻ nhỏ nhằm “xây dựng một lý luận về nhận thức mang tính khoa học nhờ được kiểm chứng qua thực nghiệm.

Và thế là, đi từ quan sát này tới quan sát khác, đi từ giả thiết này tới giả thiết khác, theo dõi đứa trẻ kể từ ngày tuổi đầu tiên, Piaget đạt tới hai điều cơ bản: (a) một là, lý thuyết trí khôn bằng thao tác, và (b) lý thuyết về nhận thức, hay là Tâm lý học của sự phát sinh và sự triển diễn của trí khôn người.

3.     Trong bước đầu tiên của Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm, nhóm đã chọn dịch ba cuốn của Jean Piaget: Sự ra đời trí khôn ở trẻ em, Sự hình thành biểu trưng ở trẻ em, và Sự xây dựng cái thực ở trẻ em.

Trong cả ngàn nhà tâm lý học với những công trình đua nhau mọc hơn cả nấm mùa xuân, nhóm Cánh Buồm chọn ba tác phẩm đó vì cảm thấy chúng vừa đủ để giới thiệu một phương pháp nghiên cứu và kèm theo đó là cả một thái độ nghiên cúu trung thực, giản dị và tài hoa – “giản dị như một thiên tài”, như đánh giá của Albert Einstein.

Sức vóc nhóm Cánh Buồm không nhiều. Việc chọn dịch Piaget mở đầu cho Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm là chọn giới thiệu một vấn đề tính từ cái gốc chứ không tính từ cái ngọn. Đó vẫn là tiếp tục cách làm từ khi ra đời của nhóm Cánh Buồm: chọn những việc làm mang tính chất làm mẫu – cách nói khác của “gợi ý” – với chút khác biệt: gợi ý có thể chỉ dừng lại ở lời khuyên, còn làm mẫu thì hàm chứa cả giải pháp và nhất thiết phải có sản phẩm. Đó chính là tinh thần Cánh Buồm chúng tôi vẫn dặn dò nhau: mình muốn cuộc sống có chút gì tốt đẹp, thì mình hãy làm ra cái đó cho cuộc sống, dù ít dù nhiều, nhưng phải CÓ THẬT. Đó là một thách thức không chỉ về đạo lý, mà cả về năng lực.

Khi nói đến năng lực, có lẽ cũng lại phải nói thêm đôi ba điều. Năng lực tâm lý học của nhóm Cánh Buồm hoàn toàn do tự học với đầy nguy cơ sai sót. Nhà thơ Hoàng Hưng, vốn là nhà giáo sau có lúc làm biên tập viên báo của bộ Giáo dục, khi về hưu là trưởng ban Văn hóa-nghệ thuật một tờ báo lớn đã làm mọi việc để Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm được hình thành. Cái duyên vả uy tín của nhà thơ dịch giả Hoàng Hưng đã giúp “lôi kéo” nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tạm nghỉ công việc sang tác đồ sộ của anh để dịch Piaget. Từ bên Pháp, cô Đặng Xuân Thảo chuyên gia tại CNRS và cô Nguyễn Thụy Phương giảng viên tại Đại học Descartes, biết tin bên nhà có Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm, cũng hăng hái đăng ký công việc dịch với Hoàng Hưng.

Dĩ nhiên, một mình Piaget không làm nên cả một nền Tâm lý học Giáo dục. Bắt chước trẻ em đang bị bắt học những bài văn mẫu, ta cũng có thể nhại cho vui rằng “một con én không là một mùa xuân”.

Vì thế, nhóm Cánh Buồm chủ trương trong vài ba năm đầu, trong khi chờ đợi các nhà nghiên cứu Tâm lý học giáo dục nội địa làm ra những giáo trình phản ánh những công trình công phu của họ, sẽ giới thiệu một bộ ba, ngoài Jean Piaget, còn có Howard Gardner và Lev Vygotski – một vị giáo sư Tâm lý học trẻ trung người Mỹ đang sống cùng với lý thuyết về các thành phần trí khôn, và một tài năng xuất chúng của một vị anh hùng thất trận qua đời quá sớm.

Tác phẩm của Howard Gardner, ngoài cuốn Cơ cấu trí khôn (Phạm Toàn dịch, Giáo dục, 1987 và 1988, Tri thức tài bản lần thứ ba, 2013) sẽ có thêm hai cuốn Trí khôn phi học đường (Đào Thúy Hạnh đang dịch) và  Trí khôn sáng tạo (Hồng Nhung đang dịch).

Còn Vygotski? Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, một trong năm thành viên cao tuổi của nhóm Cánh Buồm, đã sôi nổi nhận kế hoạch dịch Tư duy và ngôn ngữ và  Sự phát triển các chức năng tâm lý bậc cao, nhưng anh chỉ có thể bắt đầu từ năm 2016 sau khi hoàn tất những công trình Nga-Việt đang làm dở (Đại từ điển và  Truyện Kiều bằng tiếng Nga).

Muộn vẫn còn hơn không! Nhưng muộn quá sẽ là có tội!

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ! Hình như Xuân Diệu đang giục giã bà con ta…

Hà Nội, 15-4-2014

* Bài nói tại Hội thảo giới thiệu Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội ngày 23/4/2014, tiêu đề do Tia Sáng đặt

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)