Tuyển sinh đại học: Việt Nam có học được gì ở Trung Quốc?

Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2010 như thế là đã qua đi – một kỳ thi theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo là công bằng, nghiêm túc, và có chất lượng. Công bằng, theo nghĩa tất cả mọi thí sinh phải đọ sức trên cùng một bộ đề thi, thì đã rõ. Còn nghiêm túc và có chất lượng, nếu dựa trên những số liệu mà báo chí đã cung cấp, thì quả có thế thật. So với những năm trước, kỳ thi năm nay đã có nhiều tiến bộ: đề thi được đánh giá là có tính phân hóa cao hơn, số thí sinh và giám thị bị kỷ luật ít hơn, công tác chấm thi trắc nghiệm càng nhanh chóng và thành thục hơn.





Bên cạnh sự hài lòng về tính chuyên nghiệp ngày càng tăng của kỳ thi tuyển sinh do Bộ Giáo dục chỉ đạo trong nhiều năm qua, cũng có những ý kiến cho rằng cách tổ chức thi tuyển sinh theo kiểu “ba chung” như hiện nay chưa hẳn đã là phương pháp hiệu quả để tuyển chọn những học sinh tốt nhất làm chất liệu đầu vào cho các trường đại học của Việt Nam. Bởi trên thế giới nhiều quốc gia không cần tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học rầm rộ và tốn kém như Việt Nam, nhưng vẫn chọn được các ứng viên tốt để vào đại học. Trong số đó, Hoa Kỳ là một ví dụ tiêu biểu nơi nhà nước liên bang không hề can thiệp vào hoạt động của các trường ở bất cứ khâu nào, mà trước hết là khâu tuyển sinh.

Nhắc đến Hoa Kỳ, có lẽ sẽ rất nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ không học hỏi được nhiều từ quốc gia này, vì điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, và thể chế chính trị của hai nước quá khác nhau. Điều này cũng đúng. Có lẽ tốt hơn là nên nhìn vào một quốc gia láng giềng có rất nhiều điểm tương tự với Việt Nam: Trung Quốc. Nơi, cũng giống như Việt Nam, kỳ thi tuyển sinh vào đại học là một sự kiện giáo dục trọng đại hàng năm, do Bộ Giáo dục Trung Quốc đứng ra tổ chức. Một kỳ thi đã tồn tại trên 50 năm, bắt đầu từ năm 1949, với số lượng thí sinh khổng lồ mà báo chí phương Tây đã gọi rất đúng là kỳ thi lớn nhất hành tinh. Lớn cả về số lượng lẫn sự quan trọng của nó đối với xã hội.

Từ vài năm gần đây, kỳ thi này đã vấp phải những chỉ trích của giới trí thức và giới truyền thông Trung Quốc. Những người phê bình cho rằng kỳ thi này vừa áp lực, vừa  tốn kém lại vừa không hiệu quả, và đòi hỏi có những cải cách quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Trung Quốc, trước hết là ở đầu vào. Vì, theo một bài báo có tựa là “Brains Unchained”1 – tạm dịch là “Cởi trói trí não” – đăng trên tờ China Daily ngày 5/7/2010 vừa qua, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục tổ chức thi cử như hiện nay, nhấn mạnh kiểm tra việc nhớ kiến thức, trong đó mỗi câu hỏi chỉ chấp nhận một đáp án đúng duy nhất, thì Trung Quốc sẽ khó có thể đào tạo được một lực lượng lao động tư duy độc lập và sáng tạo, một điều kiện mà nếu thiếu thì sự phát triển kinh tế của đất nước Trung Quốc trong thời gian tới chắc chắn sẽ bị chững lại.

Kỳ thi tuyển sinh của năm 2010 của Trung Quốc cũng chỉ vừa diễn ra cách đây hơn một tháng thôi. Quanh kỳ thi này, báo chí Trung Quốc đã tốn bao nhiêu giấy mực. Tin tức về kỳ thi này dồn dập, tới tấp trong suốt cả tháng qua, xoay quanh hai ngày diễn ra kỳ thi là ngày 7 và 8 tháng 6 vừa qua. Riêng trên tờ Xinhuanews cũng đã có thể đọc được hàng chục bài viết về tuyển sinh với  những tựa sau: “Trung Quốc tạo mạng lưới kiểm soát để giảm gian lận trong kỳ thi tuyển sinh” (4/6/2010); “Cả nước lặng im chờ đợi kết thúc kỳ thi tuyển sinh hàng năm” (5/6/2010); “Trung Quốc tăng cường an ninh trong những ngày tuyển sinh” (6/6/2010); “Thí sinh và phụ huynh lo lắng cầu nguyện để mong thi đạt được kết quả tốt” (7/6/2010); “Kỳ thi tuyển sinh quốc gia bắt đầu với những biện pháp an ninh đặc biệt” (7/6/2010).

Rồi sau đó, là “11 người bị bắt giữ vì liên lụy đến vụ gian lận trong kỳ thi tuyển sinh tại vùng Tây Nam Trung Quốc” (9/6/2010); “Vạch trần ‘công nghệ gian lận thi cử’ sau kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc” (9/6/2010). Xen lẫn với những tin tức dồn dập về kỳ thi ấy, là những bài viết lo lắng về chất lượng đại học của Trung Quốc, về nạn “chảy máu chất xám” khi ngày càng nhiều học sinh Trung Quốc không muốn học đại học tại Trung Quốc mà chọn đi du học ở nước ngoài. Và những kêu gọi đổi mới quản lý, trao thêm quyền tự chủ cho các trường trong mọi việc, trong đó trước hết là quyền được quyết định chọn sinh viên vào học tại trường. Như trong bài “Cởi trói trí não” đã nêu ở trên.

Đổi mới kỳ thi tuyển sinh đại họ tại Trung Quốc quả thật đã trở thành một yêu cầu cấp bách, và là mong muốn của đa số người dân Trung Quốc. Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây trên báo mạng China Daily, có đến 70% số người được hỏi đã trả lời là kỳ thi này cần được cải cách.  Nhưng để thay đổi một truyền thống đã tồn tại trên 50 năm và đã trở thành một nếp làm, nếp nghĩ của nhiều người, và cũng trở thành thói quen được xem là lẽ đương nhiên của hơn một tỷ con người, điều  này hoàn toàn  không dễ dàng. Theo nhận định của WENR (World Education News & Reviews), một tổ chức truyền thông giáo dục Hoa Kỳ, trong một vài năm gần đây, việc cải cách tuyển sinh tại Trung Quốc cũng đang rục rịch bắt đầu, mặc dù diễn ra một cách hết sức chậm chạp. Bài viết này chúng tôi cũng đã chọn dịch và đăng trên số báo này, với cái tựa là “Cải cách tuyển sinh tại TQ – nhưng chỉ một chút thôi”.2

Nếu tình trạng ở Trung Quốc là như vậy, thì tự hỏi Việt Nam có nên tiếp tục kỳ thi “ba chung” đẩy áp lực, tốn kém, và hiệu quả chưa cao như hiện nay, hay chăng?

[1] http://www.chinatoday.com.cn/ctenglish/se/txt/2010-07/05/content_283124.htm

2 http://www.wes.org/ewenr/10june/asiapacific.htm

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)