Vài mong ước nhỏ về sách giáo khoa

Biên soạn sách giáo khoa - nhất là ở bậc phổ thông - luôn là một công việc vô cùng khó khăn. Chẳng thế mà đại văn hào Lev Tolstoi, sau khi lao tâm khổ tứ sáng tạo nên những tiểu thuyết đồ sộ bất tử, về cuối đời mới dám bắt tay vào viết cuốn Tập đọc vỡ lòng cho trẻ em và thú nhận đó là công trình lấy đi của ông nhiều tâm lực nhất!.

Chương trình và sách giáo khoa hiện nay có không ít ưu điểm.Tuy nhiên trong bài báo ngắn này tôi chỉ muốn bày tỏ vài mong ước nhỏ của mình để sách giáo khoa con em chúng ta đang học sắp tới đây có thể phần nào hoàn thiện hơn chăng.
 
Thay vì đem tới những kiến thức chết, “đóng hộp” sẵn, cần để các em tiếp cận với những kiến thức sống động, có giá trị ứng dụng cao, thiết thực với cuộc sống trước mắt và lâu dài. (Cần phải chú trọng học những điều tưởng như bình thường nhất như học cách ứng xử văn hóa với mọi người để không văng tục, chửi bậy, không động một tý là gây gổ đâm chém nhau; học ăn để tránh suy dinh dưỡng hoặc tránh béo phì; học cách đi lại để không bị tai nạn giao thông; học làm sao để góp phần chống biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm môi trường, chống đói nghèo, dịch bệnh; học bơi để khỏi chết đuối; học sử dụng điện sao cho an toàn, không chập cháy…, trước khi dùi mài đủ thứ kiến thức cao siêu…).

Thay vì chỉ tập trung bồi dưỡng một chiều cho các em nhận thức toàn mầu hồng về đất nước với “rừng vàng, biển bạc”, với lịch sử vẻ vang luôn “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, với dân tộc anh hùng bất khuất, cần cù thông minh…, hãy chia sẻ với các em những suy nghĩ chân thành , thẳng thắn vì sao đất nước ta trong suốt chiều dài của lịch sử cũng như cho tới tận hôm nay vẫn chưa bao giờ thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu; hãy cùng các em đi tìm những khuyết tật thâm căn cố đế nào khiến dân tộc ta hơn một lần để vuột khỏi tầm tay những cơ hội vàng lẽ ra đã có thể đưa dân tộc ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu; hãy chỉ cho các em thấy cần tránh xa những việc làm, những cung cách ứng xử nào khiến hình ảnh con người Việt Nam bị xấu đi trong con mắt bạn bè quốc tế…

Thay vì vô tình hay hữu ý coi các em gần như là đồng nghiệp của mình (!) để rồi say sưa, phô bày đủ loại kiến thức mang dáng vẻ hàn lâm chuyên sâu (đại thể như là thổi vào tai các cô cậu lớp 4, lớp 5 vắt mũi chưa sạch, còn đang ham đánh bi, đánh đáo những khái niệm về “kết cấu giai cấp, phân tầng xã hội” ở Việt Nam sau Thế chiến lần I…), hãy hết sức lưu tâm đến mức độ phát triển tâm sinh lý của từng lứa tuổi học sinh để có cách tiếp cận phù hợp.

Thay vì chỉ tập trung hoàn toàn vào việc truyền thụ kiến thức đại trà cho số đông, trong một số trường hợp cụ thể, sách giáo khoa cũng cần dành một phần hợp lý để “cá thể hóa” sự truyền thụ này sao cho có thể phát huy được năng lực khác biệt tiềm tàng ở một số em xuất sắc.

Thay vì dạy chay – học chay buồn tẻ, xơ cứng, hãy cung cấp ngay trong sách giáo khoa những đề xuất sinh động hóa môn học, khiến trẻ em như được vừa học vừa chơi, vừa nghe giảng vừa trực tiếp tham gia vào quá trình kiếm tìm kiến thức, làm sao cho các em thực sự cảm thấy đến trường thích hơn ở nhà

Thay vì biến môn văn – lẽ ra là rất hấp dẫn – thành một môn học nhàm chán, gây sợ hãi cho rất nhiều học sinh vô tội bởi nếp mòn “chuẩn hóa, khuôn mẫu hóa, đáp án hóa” các cảm nhận không mấy khi giống nhau trước cái tình, cái đẹp thiên hình vạn trạng trong văn thơ, hãy để các em chủ động đến với văn học một cách cởi mở nhất, thật đa chiều, đa dạng, để văn học thực sự trở thành vốn tình cảm, vốn tâm hồn cao đẹp vô giá mà các em sẽ mang theo suốt cuộc đời…

Thay vì chỉ sử dụng những phương tiện truyền thống với các con chữ trên trang giấy trắng, khi làm bộ sách giáo khoa mới nay mai, không thể không tận dụng tối đa những tiện ích to lớn mà công nghệ thông tin mang lại.

Những bài giảng trực tuyến của những giảng viên hàng đầu, những giáo án điện tử thường xuyên được cập nhật, những băng đĩa hình sinh động bổ trợ thêm cho những cuốn sách dầy cộp cổ điển… sẽ giúp giáo viên và học sinh “tiêu hóa” tốt hơn rất nhiều lượng kiến thức phong phú mà chương trình học đặt ra.

Nói một cách tổng quát, yêu cầu cao nhất mà theo chúng tôi, bộ sách giáo khoa cần đạt tới là phải thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân chủ – nhân văn, khoa học – hiện đại, dân tộc – quốc tế.

Biên soạn một bộ sách sách giáo khoa mới hoàn thiện hơn quả là một vấn đề nan giải. Từ lời nói đến việc làm, từ ý định đến việc hiện thực hóa thành công – là cả một quãng đường xa lắc như từ Trái đất tới Sao Hỏa, Sao Kim…

Xin được nói thêm một ý cuối: Công việc khó khăn này chỉ có thể đạt kết quả như mong muốn nếu huy động được sự đóng góp của thật nhiều chuyên gia từ nhiều nguồn khác nhau tập hợp dưới cây đũa chỉ huy của một nhạc trưởng có tầm nhìn cao xa, đầy đủ năng lực và tâm huyết. Kết quả của công việc to lớn này phải được công khai trước công luận, trước ngàn vạn cặp mắt săm soi đầy thiện chí mà nghiêm khắc của bàn dân thiên hạ trước khi chính thức được đưa vào sử dụng. Với một chương trình thống nhất, nên có 2 – 3 bộ sách giáo khoa khác nhau; thời gian và công chúng sẽ biết cách lựa chọn bộ sách nào có ưu thế hơn cả. Trong vô luận trường hợp nào thì cạnh tranh lành mạnh cũng đem lại kết quả tốt hơn, công minh hơn là sự độc diễn của duy nhất một bộ sách giáo khoa cho dù nó có thể là sản phẩm của những người được mang danh là uyên bác nhất.
 

 

 

 
 
 
 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)