Vai trò của ngôn ngữ ký hiệu với người khiếm thính

Phương pháp dạy người khiếm thính bằng khẩu hình kéo dài gần 100 năm qua đã bị thay đổi bằng chương trình “song ngữ”, người khiếm thính học ngôn ngữ ký hiệu ngay từ đầu, còn phương pháp dạy giao tiếp thông qua khẩu hình chỉ được dạy như ngôn ngữ thứ hai.

Thông thường, những người khiếm thính bẩm sinh sẽ chỉ học và tư duy bằng ngôn ngữ ký hiệu (NNKH). Tuy vậy, một số người điếc bẩm sinh đôi lúc sẽ tư duy được bằng cả ngôn ngữ lời nói nếu cố gắng học nói. Những người không bị điếc hoàn toàn vẫn nghe được một chút khi đeo thiết bị trợ thính (thường gọi là “khiếm thính”) sẽ vẫn có khả năng tư duy trong đầu bằng âm thanh, lời nói.

Khiếm thính thường nghiêm trọng hơn khiếm thị bởi não bộ của người khiếm thính không tiếp xúc được với ngôn ngữ, trong khi đó ngôn ngữ có tầm quan trọng không thể thiếu với các chức năng lưu giữ ký ức, tư duy trừu tượng và sự tự nhận thức của não bộ. Nói một cách hình tượng, ngôn ngữ như là phương tiện để não có thể điều khiển các “phần cứng”. Do đó, dù không khiếm khuyết về não bộ, nhưng những người khiếm thính không được học NNKH sẽ bị khuyết tật trí tuệ, cho đến khi họ học được một thứ ngôn ngữ đã được cấu trúc sẵn.

Ngôn ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong những giai đoạn phát triển đầu của não bộ, vì thế những người điếc không được học NNKH sớm thường sẽ gặp khó khăn trong học tập và các vấn đề này sẽ đeo bám họ suốt cuộc đời, ngay cả khi sau đó họ có thể học một loại ngôn ngữ ký hiệu đặc thù. Đó là lý do mà người khiếm thính từng bị coi là một dạng khuyết tật trí tuệ và không thể dạy dỗ được cho tới tận những năm 1970.

Trước đó, từ những năm 1880, người khiếm thính được học sử dụng khẩu hình để giao tiếp thay vì dùng ngôn ngữ kí hiệu. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng não bộ của người điếc không thể liên kết hoàn toàn với ngôn ngữ nói giống như cách NNKH ăn sâu, bắt rễ vào não bộ của họ. Căn bản vì ngôn ngữ lời nói không thể giúp não bộ của họ xử lý thông tin. Những người khiếm thính bị ép học ngôn ngữ nói sẽ có được ý thức về bản thân và trí nhớ tốt hơn những người không được học một thứ ngôn ngữ nào, tuy nhiên họ cũng không thể khai thác và phát triển được toàn bộ tiềm năng của não bộ như khi học NNKH.

Từ các phát hiện này, phương pháp dạy người khiếm thính bằng khẩu hình kéo dài gần 100 năm qua đã bị thay đổi bằng chương trình “song ngữ”, người khiếm thính học NNKH ngay từ đầu, còn phương pháp dạy giao tiếp thông qua khẩu hình chỉ được dạy như ngôn ngữ thứ hai.

Hoàng Nhu dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)