Về xây dựng lại Chương trình & Sách giáo khoa

Trong những năm qua, nếu không là tất cả, thì phần lớn các nhóm tác giả đều đã làm việc cật lực và hết sức tâm huyết. Rồi các nhà quản lí và hàng vạn người góp ý trăn trở. Thế nhưng ở tất cả các môn, sách giáo khoa nào cũng bị kêu. Thành ra ai cũng bực tức (kể cả tác giả), cũng thấy bị thiếu tôn trọng. Thực tế này cho thấy Chương trình và Sách giáo khoa (CT & SGK) của chúng ta có những bất cập lớn là điều rõ ràng, không cần phải mất công tranh luận nữa. Điểm mấu chốt bây giờ là làm gì và làm cách nào để có được một Chương trình và các bộ sách giáo khoa tốt hơn.

Qui trình biên soạn
Đây cũng là điều trăn trở của nhiều người và được chia thành hai trường phái rõ ràng. Một phía chủ trương xây dựng lại cả CT lẫn SGK. Phía kia lại cho rằng chỉ nên cải tiến, chỉnh sửa cả CT lẫn SGK. Phái nào cũng có những lí luận sắc bén của mình, làm cho các nhà quản lí cấp cao khó biết chọn giải pháp nào cho hợp lí.
Vậy chúng ta phải làm gì? Để trả lời cho câu hỏi này, theo tôi trước hết chúng ta cần phân tích cách thức chuẩn bị biên soạn CT & SGK trong thời gian vừa qua. Thông tin càng chi tiết, càng chính xác bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Có như vậy, các nhà khoa học, sư phạm, quản lí mới … có thể đưa ra được nhận định phù hợp. Nhờ dựa trên những số liệu có thật, những thực tế đã diễn ra chứ không phải những phỏng đoán, nên những đề xuất thay đổi tiếp theo cũng sẽ khả thi hơn và tập trung hơn. Rất tiếc, theo tác giả được biết, thì những thông tin chính thức về vấn đề này rất hiếm. Suốt ba năm vừa qua, khi cộng tác cùng Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đánh giá CT & SGK, chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị được cung cấp tài liệu. Tuy nhiên những đề nghị của chúng tôi không được đáp ứng, ngoài một văn bản của Viện Khoa học Giáo dục nói về qui trình biên soạn CT & SGK, trong đó chủ yếu nêu về các yêu cầu (khoa học, sư phạm, …) của các đối tượng này. Vì vậy nói sâu thì không thể được, mà nói chung chung dễ bị “lạm ngôn”.
Trong quá trình làm việc, một ý niệm chung chúng tôi được biết là ở hầu hết các môn, chương trình từng cấp được biên soạn hầu như song song với việc bắt đầu viết sách giáo khoa của cấp đó. Có lúc có môn còn làm theo qui trình ngược, tức là chép từ các đề mục của sách giáo khoa ra. Từng môn đã vậy thì Chương trình tổng thể của tất cả các môn càng khó mà thống nhất, hoàn chỉnh được. Từ đó dẫn đến quá tải, thiếu tính liên thông giữa các cấp, các môn là điều khó tránh khỏi. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy, gây bức xúc cho mọi tầng lớp xã hội.
Cho dù không có thông tin chính xác để nói đầy đủ được, tôi vẫn có cảm giác rằng điểm mấu chốt đầu tiên dẫn đến những bất cập trong CT & SGK chính là qui trình biên soạn. Dĩ nhiên sau đó còn nhiều vấn đề phải bàn, song chưa giải quyết đúng đắn vấn đề này thì không bao giờ chúng ta tìm ra lối thoát.
Có nhiều yêu cầu cho qui trình biên soạn mà các nhà khoa học quản lí chắc chắn đã và sẽ đề ra. Nhưng vấn đề cốt yếu theo tôi là tính bao quát và tính đồng bộ. Hay nói cách khác là cần có (nhóm) tổng công trình sư cho toàn bộ Chương trình, cũng như (nhóm) tổng công trình sư cho từng  môn.
Mỗi một chương trình có một đặc thù riêng của nó. Tôi chỉ nêu một vài ví dụ. Khi xây dựng Chương trình tổng thể, điều cần tính đến trước tiên ắt hẳn là thời gian học của học sinh.  Điều hiển nhiên, càng cấp thấp thì thời gian trên lớp càng phải ít hơn. Không chỉ ít hơn 1-2 tiết mỗi tuần mà phải đáng kể, có thể đến 4-5 tiết mỗi tuần. Bao nhiêu cho phù hợp phải có ý kiến của các nhà y khoa, các nhà tâm lí… Phân bổ trên lí thuyết của Chương trình chuẩn hiện nay là: Lớp  1: 21 tiết, Lớp 2-3: 22 tiết, Lớp 4-5: 24 tiết, Lớp 6: 27 tiết, Lớp 7: 29 tiết, Lớp 8-11: 30 tiết và Lớp 12: 29, 5 tiết. Sự chênh lệch về thời gian học giữa Trung học cơ sở và Trung học phổ thông là không đáng kể. Rõ ràng điều này là quá tải với các em Trung học cơ sở, khi mà sức khoẻ của các em kém xa so với các anh chị ở bậc Trung học phổ thông. Với việc phải học ít nhất 260 phút/1 buổi, nếu như không phải học 2 buổi, và chỉ tính thêm mỗi thời gian làm bài tập về nhà và chuẩn bị bài cho ngày hôm sau, thì học sinh Trung học cơ sở của chúng ta phải học ít nhất 8 giờ mỗi ngày, tức là bằng một ngày làm việc của cán bộ công chức. Trên thực tế thì nhiều hơn, vì số tiết trên chưa kể tới các nội dung giáo dục khác và những hoạt động giáo dục ngoài giờ. Còn nếu như trường nào tổ chức học 2 buổi /ngày (chẳng hạn các trường chuẩn quốc gia), thì thời gian tối thiểu học sinh các cấp (kể cả Tiểu học) mỗi ngày ở trên lớp là 9 giờ /ngày. Không cần phải đi học thêm, chúng ta có thể hình dung việc học hành của con em chúng ta nặng nề như thế nào?
Như vậy, nếu khống chế yếu tố thời gian trước, thì chúng ta mới bắt đầu cân đong đo đếm xem đưa môn nào vào dạy, môn nào không. Đối với cuộc sống, có môn nào mà không quan trọng. Chỉ xét về yếu tố đó để rồi bắt học sinh học sẽ không bao giờ đem lại một Chương trình tổng thể tốt. Trên thực tế vừa qua đã có khá nhiều biểu hiện này, mà việc tranh luận không có hồi kết thúc vì ai cũng đứng trên góc độ tầm quan trọng cả! Cho nên mới có chuyện chương trình đã quá tải, nhưng môn nào cũng thấy thiếu thời gian. Đó là chưa kể một số môn (chẳng hạn, Luật giao thông) đang xếp hàng đòi đến lượt mình được đưa vào!
Cần phải thấy rằng có những điều rất cần thật đấy, nhưng học sinh có thể học ở môi trường khác, chứ không nhất thiết phải bê hết cả vào trường học. Khi đã biết rõ thời gian khống chế, thì người tổng công trình sư sẽ biết được môn nào sẽ do Nhà trường đảm nhiệm, môn nào để cho lĩnh vực khác. Chẳng hạn, môn Mỹ thuật, Âm nhạc phổ cập cho Tiểu học là đúng, thì đến Trung học cơ sở nên dành cho các câu lạc bộ chăng? Hay môn ngoại ngữ thì nên chăng chỉ bắt đầu từ Trung học phổ thông, còn các cấp dưới dành cho câu lạc bộ?… Ngay trong một môn cũng thế, có những cái có thể không cần dạy (ở trường) mà học sinh vẫn biết. Khi nghiên cứu một bộ sách giáo khoa Lớp 1 của Singapore, chúng tôi thấy họ không dạy phép so sánh giữa các số trong phạm vi 20. Nghĩ kĩ mới thấy họ có lí, vì đứa trẻ 3 tuổi cũng đã biết là 2 cái kẹo ít hơn 5 cái kẹo. Riêng như vậy đã bớt được 2-3 tiết cho trẻ nhỏ vui chơi!
Dĩ nhiên thời gian mới chỉ là một yếu tố. Sau đó còn phải định đoạt được khối lượng kiến thức cho từng môn, và lại phải đảm bảo sự hỗ trợ của môn này cho môn kia… Nói tóm lại đó là một khối lượng công việc khổng lồ, cần phải được xét tổng thể, định đoạt ngay từ đầu, trước khi đi vào công việc cụ thể là viết các bộ sách giáo khoa. Việc này cần sự thảo luận kĩ càng và phối hợp chặt chẽ của nhiều nhà chuyên môn. Nói đến đây hẳn rằng không ít người lắc đầu cho rằng nếu cứ bàn cãi như vậy thì không tìm ra hồi kết thúc. Điều đó dường như đúng trong trào lưu hiện nay. Đúng, vì ý kiến có muôn hình muôn vẻ. Đứng về một khía cạnh nào đó, từng ý kiến có cái lí của nó. Nhưng nhiều cái có lí đứng cạnh nhau có khi lại thành cái vô lí, hoặc là bất khả thi. Khi đó thử hỏi làm sao (nhóm) tổng công trình sư của toàn bộ Chương trình hay (nhóm) tác giả của một quyển sách giáo khoa cụ thể có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của người góp ý? Do vậy phải có lối thoát khoa học. Đó chính là công tác phản biện. Phải thực hiện công việc phản biện không chỉ đối với sách giáo khoa, mà ngay cả đối với chương trình tổng thể cũng như từng môn.
Hệ thống phản biện

Chúng ta không có phản biện theo đúng nghĩa của nó để rồi làm yếu đi hoặc thủ tiêu vai trò phản biện. Đó chính là nguyên nhân căn bản thứ hai dẫn đến sự bất cập của CT & SGK hiện nay.

Phải nói rằng, mỗi một sản phẩm về CT & SGK của ta đều được gửi đi lấy ý kiến nhận xét rất công phu của rất nhiều người và nhiều lần. Rồi sau đó còn có hội đồng thẩm định. Thoạt nghe có vẻ như thấy kì công đến thế còn gì. Tuy nhiên những vấn đề nhức nhối của CT & SGK mà nhiều người cảm thấy nói lên rằng qui trình này vẫn không ổn. Vậy cái đó là gì?
Cách đây hai năm, khi đánh giá CT & SGK cho bậc tiểu học và Trung học cơ sở theo đơn đặt hàng của Liên hiệp các Hội KHKTVN, chúng tôi rất bất ngờ khi phát hiện ra điều tưởng chừng như không thể xảy ra là chúng ta không có phản biện theo đúng nghĩa của nó để rồi làm yếu đi hoặc thủ tiêu vai trò phản biện. Đó chính là nguyên nhân căn bản thứ hai dẫn đến sự bất cập của CT & SGK hiện nay.
Về vấn đề soạn chương trình và viết sách giáo khoa, cho dù là của môn có vẻ rất dơn giản như Toán, tôi khẳng định không có một con đường duy nhất và không có một sản phẩm tối ưu. Không ai có thể viết một quyển sách giáo khoa mà không bị chê trách vì có rất nhiều cách tiếp cận. Tiếp cận mỗi kiểu đều có hạn chế riêng. Nếu đưa lấy nhận xét đại trà thì phần lớn chỉ đi vào tiểu tiết. Nhận xét trong một phạm vi nhỏ thì có thể đúng trong khung cảnh đó, nhưng sang khung cảnh xa hơn chưa chắc đã hợp lý. Do đó có khi càng sửa theo càng sai vì càng lệch khỏi ý tưởng chính của quyển sách. Đôi khi sự công kích quá đáng có thể lấn át mất ưu điểm của sản phẩm.  Đó là chưa kể, trong khoa học, chân lý chưa chắc đã thuộc về số đông. Thấy như vậy mới thông cảm và hiểu được tâm trạng của tác giả sách giáo khoa trước những ý kiến đóng góp khác nhau. Vì thế, nếu cứ đưa ra nhận xét tràn lan rộng rãi thì tác giả không bao giờ “ăn ngon ngủ yên” dù đã làm việc cật lực. Do đó ý kiến đại chúng tuy rất phong phú, nhưng cũng chỉ nên xem có tính chất tham khảo.
Người phản biện thì khác hoàn toàn. Ông ta phải cân đong, suy tính, tìm tòi tài liệu đối chiếu. Ông ta phải phân tích cho được hạn chế, ưu điểm của cách tiếp cận này hay kia. Sau khi so sánh cân đối giữa ưu điểm và hạn chế thì rút ra kết luận và có thể chấp nhận hay không. Nếu chấp thuận, thì mới tính đến chuyện góp ý nhằm cải tiến và bớt đi một số lỗi (chứ chẳng thể hết được). Còn nếu thấy bất cập thì kiên quyết phủ định hoàn toàn, chứ không có chuyện sửa đi sửa lại, càng không có chuyện tác giả muốn chấp nhận ý kiến phản biện hay không thì tùy. Chính đánh giá phải chủ yếu dựa trên hệ thống phản biện là nhằm đảm bảo tính hệ thống và tính đầy đủ đã nêu ở phần trước. Đây là cách làm chuẩn, thông thường trên thế giới với các công trình khoa học. Và với cách làm này thì quá trình đánh giá mới có thể kết thúc được.
Dĩ nhiên, cũng có trường hợp phản biện sai nhưng thế giới đã thống kê là tỉ lệ đó vô cùng nhỏ. Còn như kiểu lấy ý kiến đánh giá hiện nay, tác giả thích thì sử dụng, không thích thì thôi. Điều đó cũng gây tác động ngược lại là nhiều người viết nhận xét, vốn đã chẳng thích thú gì, lại càng không muốn tốn công tốn sức làm những điều biết chắc (hoặc nghi là) vô bổ.
Đa dạng hóa sách giáo khoa
Cuộc thảo luận vừa qua có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng có một ý được nhiều người tán thưởng chính là tư tưởng: một Chương trình, nhưng nhiều bộ sách giáo khoa. Đó là một kết luận đúng, phản ánh thực trạng khách quan là không thể có sản phẩm tối ưu. Với sự cạnh tranh về tính khoa học cũng như kinh tế (bán được sách), các nhóm tác giả phải làm việc dày công hơn nữa. Và ý kiến phê phán của dư luận cũng sẽ hợp lí hơn, bởi lẽ ai không thích cách tiếp cận này thì có thể lựa chọn cái khác thay thế. Thậm chí, nếu thích tự người sử dụng (thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh) có thể tham khảo mỗi vấn đề ở một bộ sách khác nhau!
Được phép viết nhiều bộ sách khác nhau không chỉ đem lại lợi ích lớn lao cho học sinh, mà cũng là động lực thúc đẩy tính sáng tạo của các (nhóm) tác giả, đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng và đề cao họ. Nếu viết sách ra mà bị phản biện từ chối bất hợp lí, tác giả có thể tìm nhà xuất bản khác để đăng. Tác giả cũng có thể chủ động tìm tòi sáng tạo để viết những bộ sách phù hợp với từng vùng, từng đối tượng cụ thể. Thời gian biên soạn sách lúc đó chắc chắn cũng sẽ được rút gọn nhiều. Còn số lượng tác giả chắc chắn sẽ không lớn như hiện nay. Vai trò quản lí của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc biên soạn các bộ sách giáo khoa lúc đó chỉ là giám sát để không xảy ra khuynh hướng cục bộ hóa, tức là nơi nào đó chỉ nhăm nhăm dùng sản phẩm của địa phương mình biên soạn. Khi đó Nhà nước (mà cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo) sẽ bớt đi một gánh nặng lớn, để tập trung trí tuệ vào những vấn đề khác.
Dĩ nhiên, để có thể có được nhiều bộ sách tốt, Chương trình tổng thể và từng môn phải thể hiện được độ mở của mình. Có nghĩa là ngoài những kiến thức chuẩn tối thiểu (mà kì thi tốt nghiệp phổ thông chỉ dựa vào đó) thì cần cho phép mở rộng nâng cao (nhưng không nhân nhượng về định lượng thời gian dạy và học). Nếu ai đó đủ sức học sách viết cao hơn, sau đó có lợi thế trong việc thi cử vào những trường đại học tốt hơn thì cũng là lẽ đương nhiên. Chắc chắn cửa của Đại học Harvard lừng danh của Mỹ chỉ mở cho rất ít sinh viên!
***
Với cách tiếp cận nêu trong bài này, rõ ràng còn nhiều vấn đề cần phải phân tích kĩ lưỡng hơn. Tuy có thể thấy rằng cần phải xây dựng lại CT & SGK, tuân theo những yêu cầu khoa học nghiêm ngặt, mà ở trên chỉ là vài yêu cầu cơ bản.
Xây dựng lại, không có nghĩa là chúng ta xóa bỏ hoàn toàn chương trình và các bộ sách giáo khoa hiện nay. Chúng ta sẽ kế thừa chúng, chắt lọc những ưu điểm và loại bỏ bớt những bất cập. Mà điều đó cần có thời gian, không thể làm vội vàng. Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy cùng nhau động viên sử dụng bộ sách hiện nay, chứ đừng có sửa sang một vài tiểu tiết (trừ phi sai quá thì in thêm đính chính). Đi theo con đường sửa sang một đôi chỗ, để rồi sách năm nay khác năm trước một vài chỗ, thì chính là chúng ta tiếp tục lặp lại hiện tượng muôn thuở đã bị dư luận xã hội lên án gay gắt nhiều năm qua.

Lê Tuấn Hoa

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)