Vì sao Nga sa sút tại Olympic toán quốc tế ?

Trong những kỳ thi Olympic toán quốc tế (IMO) gần đây, nước Nga đã không giữ được vị trí vốn có của mình nữa. Đây không phải là thất bại ngẫu nhiên mà là hệ quả tất yếu của những quyết sách sai lầm từ 15 đến 20 năm trước.


Đội tuyển Toán Liên Xô trước đây từng giành thứ hạng cao trong các cuộc thi IMO.

Trước đây, tôi từng là học sinh yêu toán và cũng đoạt giải học sinh giỏi toán thành phố Leningrad. Nhờ đó, tôi được tham gia lớp học nổi tiếng của thầy Sergei Rukshin, bệ phóng cho nhiều tài năng toán Nga như Grigori Perelman – người đoạt giải thưởng Fields năm 2006, Stanislav Smirnov người đoạt giải Fields năm 2010, Fedor Nazarov và Chelkak Dmitry – giải Salem Prize hai năm 1999, 2014, Eugenia Malinnikova và Alexander Logunov – giải thưởng Viện nghiên cứu Clay 2017. Cũng xin nói thêm là Perelman từng từ chối giải thưởng trị giá một triệu đô la của Viện nghiên cứu Clay.

Sau khi kết thúc khóa học ở lớp của thầy Sergei Rukshin, dù không trở thành nhà nghiên cứu toán học như các học trò nổi tiếng khác nhưng tôi vẫn lặng lẽ theo dõi tiến trình đào tạo của lớp. Có thể nói một điều chắc chắn là thầy Sergei Rukshin tuyển chọn “nhân tài” từ mọi khu vực của thành phố một cách kỹ lưỡng. Ở trong lớp học của thầy, mọi người được học theo một chương trình do thầy soạn phù hợp với khả năng tiếp thu. Không chỉ có vậy, trong quá trình học, một số trò chơi điện tử đang được trẻ em yêu thích cũng được đưa vào chương trình.

Khi một số người nói với tôi rằng, nước Nga đang trượt dốc tại các kỳ thi IMO vài năm gần đây, thoạt tiên tôi cho rằng, chắc là họ phóng đại, kết quả đó chỉ là chuyện hi hữu thôi. Nhưng rồi đã nhiều bức thư gửi tới tôi cùng có những lời bình luận, buộc tôi phải cay đắng thừa nhận, đúng là chúng ta đang đứng ở vị trí mà 10 năm trước bị coi là đáng xấu hổ.

Các bạn có thể tìm hiểu kết quả của đội tuyển Nga trên trang web của IMO.

Nếu không tính tới IMO 1992, kỳ thi diễn ra sau biến cố chính trị ở Nga khiến đội tuyển Nga và đội tuyển các quốc gia thuộc khối Các quốc gia độc lập (SNG) sau những biến cố chính trị, thì chúng ta luôn luôn hoặc nằm trong tốp ba hoặc là gần vị trí đấy ở gần như toàn bộ các cuộc thi. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên: mặc dù một nửa số học sinh của chúng ta, sau khi Liên Xô tan rã, đã thuộc về các quốc gia ngoài Nga, nhưng trình độ toán phổ thông của chúng ta vẫn mạnh tới mức các học trò giỏi toán của chúng ta có thể thi đấu ngang ngửa với đối thủ Trung Quốc và cả Mỹ (Mỹ vốn vẫn nổi tiếng về việc “mua” trí tuệ châu Á).

Vào năm 2011, lần đầu tiên đội tuyển toán Nga rơi vào tình trạng đáng báo động: nhiều năm chúng ta dậm chân tại chỗ ở vị trí thứ tư và không có cơ hội leo lên cao. Cần phải có giải pháp để vượt qua cuộc khủng khoảng này để chúng ta có thể trở lại tốp ba, nếu không chúng ta sẽ trượt dốc không phanh. Rất đáng tiếc là sau đó, chúng ta đã không trở lại tốp ba.

Năm 2015, tiếng chuông báo động đã vang lên. Đội tuyển Nga đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng các đội tuyển còn tính riêng về số huy chương Olympic thì Nga tụt xuống vị trí 21 bởi đây là lần đầu tiên không giành được tấm huy chương vàng nào và “khiêm tốn” đứng giữa Iran và Singapore. Khi đó, kết quả này được coi là sự ngẫu nhiên, còn những người quan tâm đến toán biết rõ lối nghĩ đó chỉ là tự an ủi chính mình: năm đó đội tuyển Nga dự IMO với sáu thành viên chứ không phải là một.

Năm 2016, tiếng chuông thứ hai vang lên: Nga rơi xuống vị trí thứ 7 mà thực ra là 8 vì ở kỳ IMO đó, Nga và Anh cùng đứng thứ 7 nhưng Nga xếp trên vì hơn về số huy chương vàng.   

Năm 2017, ngay cả những người lạc quan cũng nhận thấy, chúng ta thực sự lâm vào tình trạng nguy kịch. Đội tuyển Nga giữ vị trí thứ 11 trong số các đội tuyển tham dự IOM và thứ 14 về số huy chương, một kết quả “ngang ngửa” với các nước nhỏ như Grudia hay Hy Lạp.

Tôi nghĩ rằng, ở thời điểm này, việc xét đến những yếu tố như đội tuyển Nga xếp sau Mông Cổ, Turkmenistan và Tajikistan hay vì sao vị trí thứ 11 với nước Nga bị coi là thảm họa đều không có ý nghĩa gì. Vì vậy, tôi sẽ bàn ngay đến bản chất của vấn đề: hệ thống tuyển chọn và đào tạo các thí sinh toán học từ thời Liên Xô để lại đã bị phá bỏ.

Trước đây, việc lựa chọn các học sinh vào đội tuyển Olympic được diễn ra theo nhiều cấp độ. Tất cả học sinh giỏi được đưa vào danh sách ứng cử viên và ngay trước kỳ Olympic, tất cả đều được tham gia một kỳ tập huấn đặc biệt rồi thi tuyển nội bộ trong một cuộc thi được tổ chức như một cuộc thi Olympic, qua đó chọn ra những học sinh xuất sắc nhất.

Nhưng bây giờ hệ thống tuyển chọn này đã bị thay đổi. Người được giao phụ trách đội tuyển toán Nga, Nazar Agakhanov, đã bắt đầu tùy tiện trong việc tìm ra những gương mặt xuất sắc: dựa vào kết quả cuộc thi Olympic toàn Nga và các cuộc thi cấp vùng ở nhiều quốc gia khác.

Hãy thử hình dung ba học trò tài năng. Một có kết quả tốt tại kỳ thi Olympic Trung Quốc, một đứng đầu ở kỳ thi Olympic toàn Nga, một xuất sắc trong cuộc thi tương tự ở Serbia. Vậy chúng ta phải chọn ai vào đội tuyển quốc gia?

Trong trường hợp này, câu trả lời là không rõ. Bởi cần phải mời cả ba tới một kỳ tập huấn đặc biệt, xem các bạn đó giải các dạng toán trong một cuộc thi như IMO như thế nào. Thêm vào đó cần xét thêm một yếu tố khác: nếu ai đó từng tham gia IMO kỳ trước thì có ưu thế hơn, vì “đào tạo” bạn này sẽ dễ dàng hơn.

Thay vì những cách làm đó, thật đáng tiếc là bây giờ việc tuyển chọn thành viên đội tuyển toán Nga lại ít nhiều mang tính ngẫu nhiên. Tôi phỏng đoán là có cả một số yếu tố khác trong đó: những bạn trẻ từ một số thành phố hoặc từ một số trường đại học có “tên tuổi” có nhiều cơ hội lọt vào đội tuyển hơn.

Những suy nghĩ này không phải là vô căn cứ, ví dụ một nửa thành viên trong đội tuyển Nga dự IMO năm 2017 không nằm trong số một trăm người có thứ hạng cá nhân cao nhất: hai thành viên nằm trong nhóm thứ hạng sau một trăm (vị trí thứ 115 và 188), lần đầu tiên trong lịch sử tham gia của đội tuyển Liên Xô và Nga có một thành viên nằm dưới thứ hạng hai trăm: vị trí thứ 265. Vì học sinh giỏi toán của Nga là có thừa nên chỉ có thể đưa ra một kết luận là: hệ thống tuyển chọn yếu kém, những người lọt vào danh sách đội tuyển không phải là giỏi nhất.   

Cuối cùng, mỗi năm lại có thêm những than phiền về việc chuẩn bị cho IMO. Hãy xem xét một thông tin từ thầy Sergei Rukshin: “…trưởng đoàn Toán Nga là Nazar Agakhanov, phó giáo sư Viện Toán lý Moscow. Ông ta dựa vào cuộc thi Olympic Toán Nga để tuyển chọn và thành lập đội tuyển. Thế nhưng tiếp theo thì ông ta hoàn toàn phó thác công việc giảng dạy cho người khác. Theo thời khóa biểu thì ông ta không dạy một tiết nào cho đội tuyển. Nếu trong một đội tuyển bóng đá mà huấn luyện viên trưởng hành xử như vậy thì ông ta đáng bị sa thải từ lâu”.

Thêm một điều không hay nữa. Từ năm 2015, đội tuyển toán Nga được đào tạo trong một khóa huấn luyện mới mang tên Sirius diễn ra bên bờ biển Đen. Ngay năm đầu tiên, các học sinh bị vắt kiệt khủng khiếp, nhiều thông tin bên lề cho rằng, các giảng viên bắt học sinh giải toán hết sức để có cớ nghỉ ngơi dài hạn.

Hãy xem, một đội tuyển Olympic khác là đội tuyển vật lý không chọn biển Đen mà đến một nơi khác, kém nổi tiếng hơn, Dolgoprudny. Kết quả là đội tuyển Olympic vật lý có năm thành viên tham dự và giành được năm huy chương vàng.

Sẽ không quá muộn nếu chúng ta sửa sai từ bây giờ. May mắn là tài năng vẫn còn tồn tại trên đất Nga, theo thống kê của các trung tâm đào tạo ngoại khóa: 10 năm trở lại đây, các bậc phụ huynh có xu hướng đầu tư tiền bạc và thời gian vào việc học phụ đạo của con em mình. Nói đơn giản thì chúng ta vẫn có người để tuyển chọn.

Việc quan trọng phải làm ngay là điều chỉnh lại hệ thống tuyển chọn học sinh giỏi toán cho IMO. Có thể áp dụng một cách linh hoạt hệ thống tuyển chọn đã hình thành từ những năm 1980 và đem lại hiệu quả tốt, hoặc là phải rút ra những bài học về mặt tổ chức sau những kỳ thi IMO không thành công để các giáo viên phải thay đổi.

Bên cạnh đó, cũng cần phải đấu tranh với nạn tham ô, nhũng nhiễu đang diễn ra trong các kỳ thi Olympic ở ngay trong lòng nước Nga. Nhiều kẻ đã tìm cách “lách” để đưa học trò lọt qua cánh cửa thi tuyển vào đại học, rất khó để có thể “mua bán” kết quả một kỳ thi quốc gia, thậm chí ở một số vùng là không thể nhưng với các kỳ thi Olympic thì “dễ thở”: có thể mua huy chương vàng một kỳ thi Olympic cấp địa phương hoặc trường đại học (vì học sinh giành huy chương vàng Olympic cấp này được hưởng một số ưu đãi trong kỳ thi xét tuyển vào đại học).

Nhằm giải quyết triệt để vấn đề này, nên quy trách nhiệm hình sự với những kẻ lợi dụng việc tổ chức Olympic để nhận hối lộ, hoặc là bỏ chế độ ưu đãi khi xét tuyển vào đại học cho những người đoạt giải trong kỳ thi Olympic. Bởi xét theo logic thông thường thì nếu học sinh có thể đoạt huy chương vàng trong kỳ thi Olympic môn toán thì chắc chắn bài toán trong kỳ thi tuyển sinh đại học cũng không quá khó giải.

“Hãy nhớ lại kỳ Olympic đầu tiên của nước Nga với một môn duy nhất là toán, và được tổ chức tại Leningrad vào năm học 1933-34. Trong thời kỳ đất nước gặp khó khăn, các cuộc thi Olympic vẫn diễn ra nhằm tuyển chọn những người xuất sắc nhất vào các trường đại học kỹ thuật và quân sự. Giờ đây trong hoàn cảnh mới của đất nước, tất cả cho chúng ta thấy, chúng ta vẫn cần phải vun xới và bồi đắp nguồn nhân lực. Bây giờ người ta có xu hướng cho rằng việc sớm học chuyên sâu về khoa học không đem lại kết quả gì và những em lọt vào đội tuyển Olympic toán và có huy chương không đem lại gì cho khoa học. Hãy nhìn vào những tên tuổi lớn của toán học Nga hiện nay như Perelman và những người khác: Eugene Malinnikova, Alexander Logunov, Stas Smirnov, và Alexander Perlin – cựu thành viên đội tuyển Soviet cuối cùng, hiện ở Manhattan và là một trong những nhà phân tích tài chính hàng đầu thế giới; Misha Kogan – nhà địa trắc học, Mikhail Temkin – giáo sư toán ở Israel… Họ đều trưởng thành từ St. Petersburg. St. Petersburg là nơi đi đầu về đào tạo toán học.
Có một sự thật là hệ thống Olympic của Bộ Giáo dục Nga tuyển chọn học sinh ở độ tuổi quá muộn: lớp 9, lớp 10 và lớp 11. Nhưng St. Petersburg là nơi đi đầu trong việc phát hiện tài năng toán học từ khi các em còn nhỏ. Đội tuyển Olympic của thành phố bắt đầu tuyển từ lớp 6 và trong năm 1993 thậm chí còn mở cho học sinh dưới lớp 5. Kinh nghiệm cho thấy, bắt đầu từ sớm lại là cách tốt nhất để tìm ra con đường nghề nghiệp trong tương lai. Thậm chí vào tháng 2/2017, trong một cuộc thi Olympic ở khu vực Ural, lần đầu tiên giải nhất lớp 9 thuộc về một học sinh lớp 6 trong đội tuyển của chúng tôi! Một cuộc thi khác vào tháng 6/2017, học sinh của chúng tôi cũng giành giải nhất ở ba hạng mục lớp 6, 7 và 8”. (Sergei Rukshin)

Hoàng Ngự Huấn dịch
Nguồn: https://ria.ru/authors/20170902/1501619466.html

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)