Vì sao Nhật Bản có thể phát triển từ trong đổ nát chiến tranh?

Trả lời câu hỏi này tại hội thảo “Khởi nghiệp kiến quốc– Công thức thành công từ các cường quốc và bài học cho Việt Nam” ngày 23/11, trong khuôn khổ Ngày hội Sáng tạo vì khát vọng Việt lần 2, GS.TS giáo dục Kanda Yoshinobu (Viện Inamori, Đại học Kagoshima) cho rằng, tất cả là nhờ một nền giáo dục không chỉ bó hẹp trong nhà trường.

NHẬT BẢN BẠI TRẬN ĐỔ NÁT SAU CHIẾN TRANH

Như các bạn đều biết, trong chiến tranh thế giới lần thứ II, Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Nagasaki và Hiroshima, các thành phố lớn khác như Tokyo, Osaka, Nagoya, Kobe, Kagoshima … cũng trở thành đống đổ nát sau các cuộc ném bom của không quân Mỹ. Thiệt hại của Nhật Bản trong chiến tranh được coi là thiệt hại lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Người dân Nhật Bản sau chiến tranh đã mất tất cả và họ đã đứng dậy từ đống đổ nát. Nhật Bản trở thành đống đổ nát nhưng người dân Nhật Bản đều mang trong mình niềm hy vọng và giấc mơ to lớn. Nhật Bản đã phổ cập giáo dục trên toàn quốc ngay từ thời Minh Trị Duy Tân. Và sau chiến tranh mọi người dân Nhật Bản đã tạo nên không khí mang tính văn hóa là “tất cả mọi người đều học tập”. Chế độ giáo dục được cải cách và phát triển một cách rõ rệt.

Nhật Bản đã mất tất cả bởi chiến tranh nhưng tấm lòng của người dân Nhật Bản vẫn còn đó. Đó là lòng ham muốn học tập cao độ ở trong mỗi người dân. Nhật Bản đã xây dựng các trường đại học quốc lập mới trên tất cả các tỉnh thành. Tất cả các trường trung cấp chuyên nghiệp trước chiến tranh đều được đầu tư nâng cấp trở thành trường đại học. Sau chiến tranh, Nhật Bản nghèo khó về mặt vật chất nhưng các trường học không ngớt được đầu tư xây dựng. Đặc biệt là Nhật Bản đã tập trung cho công cuộc giáo dục thực nghiệm và giáo dục tri thức toàn diện.

Trong thời đại mới, tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều được hoàn thiện thể chế và nội dung giáo dục. Đến năm 1970, toàn bộ học sinh trong độ tuổi đi học đều tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhờ học tập mà người dân Nhật Bản đã xây dựng lại đất nước từ trong đổ nát. Đồng thời với công cuộc giáo dục đào tạo, các phong trào tự nguyện của người dân được triển khai một cách tích cực để thực hiện một xã hội dân chủ. Mọi người dân Nhật Bản đều mang trong mình tấm lòng nhiệt huyết để xây dựng một xã hội mới từ trong đổ nát. Tất cả các tổ chức xã hội của công nhân, nông dân, hợp tác xã, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các đoàn thể kinh tế, tổ chức các công ty vừa và nhỏ đều tích cực triển khai các hoạt động học tập tại các vùng miền, nơi làm việc với niềm tin tưởng mạnh mẽ: Sự nỗ lực trong học tập sẽ mang lại tất cả.

HỌC PHƯƠNG PHÁP SẢN XUẤT TRONG NÔNG NGHIỆP

Với mục đích xây dựng đất nước Nhật Bản từ trong đổ nát sau chiến tranh, việc học tập của người dân Nhật Bản không chỉ bó hẹp trong giáo dục nhà trường. Công cuộc cải cách ruộng đất ở Nhật Bản xóa sạch tầng lớp địa chủ, tinh thần lao động của người nông dân tăng cao. Trước chiến tranh, các thuộc địa của Nhật Bản là nguồn cung cấp lương thực. Thảm bại trong chiến tranh thế giới lần thứ II khiến cho Nhật Bản mất toàn bộ thuộc địa và nạn khan hiếm lương thực, thiếu đói ngay sau chiến tranh trở nên vô cùng nghiêm trọng. Ngay tại thủ đô Tokyo, khắp mọi nơi trở thành vườn ruộng trồng trọt. Quảng trường rộng lớn trước tòa nhà Quốc hội Nhật Bản cũng biến thành ruộng.

Tôi sinh ra và lớn lên tại Tokyo. Khi còn nhỏ bản thân tôi không chỉ làm ruộng mà còn nuôi hơn 100 con gà. Đối với trẻ con Nhật Bản thời ấy, chế độ ăn một bữa không mất tiền tại tất cả các trường học Nhật Bản trở thành bữa chính quan trọng. Thiếu gạo, thiếu đói diễn ra ngay tại trung tâm Tokyo. Thời đó, song song với việc khôi phục đất nước sau chiến tranh thì việc người dân trở về các vùng thôn quê để mua gom lương thực, thực phẩm là công việc sống còn.

Mười năm sau chiến tranh, Nhật Bản đã tự cung cấp đủ lương thực, thực phẩm. Tinh thần lao động của người nông dân Nhật Bản làm năng suất trong sản xuất nông nghiệp vượt xa so với trước chiến tranh. Ở khắp tất cả các vùng miền Nhật Bản, phong trào học tập kỹ thuật canh tác nghiên cứu về giống cây trồng, chăn nuôi nở rộ. Thanh niên nông thôn đi đầu trong việc tìm tòi sáng tạo các phương pháp sản xuất trồng trọt và chăn nuôi mới.

Tôi sinh năm 1944. Khi tôi học cấp I thì hầu như ngày nào cũng phải ra mảnh ruộng trong sân trường làm cỏ. Ngay sau chiến tranh, bom đạn không nổ vùi lấp trong sân trường. Khi phát hiện thì mọi công việc dọn vườn, làm ruộng đều dừng lại hoặc được hủy bỏ. Trường học thiếu thốn. Lớp học sáng, lớp học chiều. Chúng tôi đã cố gắng theo học và lao động vì tin rằng tương lai sẽ tươi sáng. Tuy vậy, đến những năm cuối cấp I cuộc sống khấm khá hơn, nên chúng tôi đã vừa được học vừa được chơi.

CÁC CÔNG TY DẪN DẮT NỀN KINH TẾ NHẬT BẢN SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI LẦN THỨ II

Nhiều công ty đã dẫn dắt sự phát triển kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh thế giới lần thứ II, đều xuất phát từ những nhà xưởng nhỏ bé và trở thành các tập đoàn lớn trên thế giới. Sony được thành lập vào năm 1946. Sony đã khởi đầu từ một căn phòng tồi tàn trên tầng ba trong cửa hàng bách hóa Shirogiya ở Tokyo. Cửa hàng bách hóa Shirogiya khi đó chỉ là một tòa nhà cháy đen còn trơ lại sau cuộc ném bom của không quân Mỹ. Tường bê tông quanh phòng rạn nứt, cửa sổ kính vỡ thông thống gió lùa.

Người sáng lập Sony, ông Ibuka Masaru đã dựng bảng hiệu công ty ở căn phòng đó. Sony ra đời với mục đích giúp ích cho xã hội bằng việc sử dụng kỹ thuật của người sáng lập. Tuy vậy, công ty phải bắt đầu từ công việc gì thì chẳng ai biết. Lương công nhân trong thời kỳ đầu được lấy từ sổ tiết kiệm của ông Ibuka. Để công ty tồn tại thì phải nghĩ ra một việc nào đó. Thế rồi, công việc đầu tiên mà ông ấy nghĩ ra đó là sửa chữa và cải tạo radio. Tiếp đến, ông bắt tay vào việc nghiên cứu chế tạo nồi cơm điện. Sony khởi đầu từ một công ty nhỏ bé vẻn vẹn 20 nhân viên như vậy.

Sản phẩm chăn điện bán chạy, cũng do ông Ibuka nghĩ ra. Và ông còn nung nấu trong lòng: bằng bất cứ giá nào cũng phải chế tạo được máy ghi âm. Không biết bằng cách nào mà ông đã thuyết phục được một viên tướng Mỹ, chở máy ghi âm mang đến tận công ty cho ông nghiên cứu. Thời đó, ngay cả ở Mỹ máy ghi âm cũng mới được làm ra và là cỗ máy vô cùng quý giá. Sony đã chế tạo thành công máy ghi âm thu băng đầu tiên ở Nhật Bản. Và người dân Nhật Bản lúc bấy giờ gọi nó là “cuộn giấy biết nói”. Trên thế giới, không có nước nào có tỷ lệ sử dụng máy ghi âm trong các trường học cao như ở Nhật Bản. Mở được thị trường tiêu thụ máy ghi âm trong ngành giáo dục là một bước tiến to lớn của Sony. Tiếp đến, Sony đã nghiên cứu mở ra một bước ngoặt mới. Đó là việc dùng “đá” trong chất bán dẫn transistor. Sony lần lượt nghiên cứu và chế tạo thành công các sản phẩm mới mà người tiêu dùng Nhật Bản mong muốn.

Ông Honda, nhà chế tạo xe máy và ô tô, cũng bắt đầu khởi nghiệp từ một nhà xưởng nhỏ bé trên thảo nguyên hoang cháy, sau các cuộc không tập của Mỹ ở thị trấn Hamamatsu, tỉnh Shizuoka. Việc đầu tiên ông làm là cải tiến một loại động cơ công suất nhỏ mà quân đội sử dụng trong kỹ thuật vô tuyến để gắn vào xe đạp. Động cơ thúc giục ông làm khi đó là “Muốn gắn động cơ vào xe đạp để bà vợ tôi đỡ vất vả hơn khi đi mua sắm”. Và rồi ông đã tự nghiên cứu chế tạo được động cơ. Ông đã tự mày mò nghiên cứu trên cơ sở mua biết bao xe máy của các nước Châu Âu mang về tháo, lắp…. Kết quả là công ty cổ phần Honda được thành lập vào năm 1948 với tổng số nhân viên là 20 người.

Sản phẩm xe đạp gắn động cơ mà phụ nữ cũng dễ dàng sử dụng của ông đã bán chạy khắp Nhật Bản. Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, Mỹ bị ô nhiễm nặng bởi khí thải xe ô tô. Người đầu tiên dám đương đầu nghiên cứu giải quyết vấn đề khí thải xe ô tô chính là ông Honda. Năm 1972, ông đã thành công trong việc chế tạo động cơ ít gây ô nhiễm nhất, thấp hơn cả tiêu chuẩn cho phép về lượng khí thải – tiêu chuẩn mà lúc bấy giờ người ta đều lắc đầu cho là “không thể”.

Năm 1964, Nhật Bản đăng cai Thế vận hội Olympic Tokyo. Nhờ việc đăng cai thế vận hội, Tokyo đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”. Trong vòng chưa đầy 20 năm, từ trong đống đổ nát, Tokyo đã trở thành đại đô thị sầm uất có thể sánh ngang với bất cứ thành phố nào trên thế giới. Nhật Bản đã bước vào giai đoạn phát triển kinh tế cao độ. Và vấn đề ô nhiễm môi trường cũng trở thành vấn đề nan giải cho Nhật Bản. Giải quyết ô nhiễm trở thành phong trào của toàn thể người dân Nhật Bản. Các tổ chức giúp đỡ các gia đình nạn nhân của ô nhiễm lần lượt ra đời ở khắp các địa phương, các giải pháp giải quyết ô nhiễm cũng được thực thi một cách nghiêm ngặt. Nhật Bản đã nghiên cứu loại bỏ khói bụi từ các ống khói nhà máy, tinh lọc nước thải. Các chế độ chính sách để bảo vệ cuộc sống của người dân cũng được hoàn thiện: chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ phúc lợi. Việc xây dựng một xã hội mới, xã hội tốt đẹp hơn đã được tiến hành trong quá trình phát triển kinh tế cao độ là đặc điểm của Nhật Bản. Mọi người lao động đều tham gia đóng Quỹ lương hưu để sau này khi hết tuổi làm việc, đều có thể yên tâm sinh sống. Chế độ bảo hiểm y tế được thực thi một cách đầy đủ để mọi người dân khi ốm đau đều có thể đến bệnh viện điều trị sức khỏe. Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tuyển dụng được hoàn thiện để mọi người dân có thể yên tâm làm việc.

Chế độ tuyển dụng suốt đời – từ khi vào công ty đến khi về hưu, công ty đảm bảo công việc và cuộc sống suốt đời cho người lao động – đã nâng cao tinh thần hăng say làm việc. Và chế độ tuyển dụng đó đã tạo ra không khí coi trọng tinh thần tập thể, tất cả cùng đồng lòng nâng cao trình độ chuyên môn, làm việc quên mình và sáng tạo.

CÔNG TY COI TRỌNG NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ TOÀN THỂ CÁN BỘ CÔNG NHÂN VIÊN THAM GIA ĐIỀU HÀNH CÔNG TY

Phương thức điều hành kinh doanh trên cơ sở coi trọng người lao động lan rộng. Và có không ít các công ty từ quy mô rất nhỏ đã phát triển thành tập đoàn lớn. Những nơi, ngay từ khi công ty còn nhỏ bé đã triệt để thực hiện triết lý kinh doanh coi trọng người lao động, cống hiến cho xã hội, đều phát triển bền vững. Còn những công ty bóc lột thậm tệ người lao đông, thì dù đạt được sự phát triển nhất thời, dù trở thành công ty lớn nhưng đến một giai đoạn nhất định, đều đã bị phá sản.

Ở Nhật Bản, ngay từ thời Edo, việc kinh doanh đúng đắn mang tính xã hội, việc kinh doanh vì đại nghĩa đóng góp cho con người và xã hội đã được tiến hành ngay cả trong giới thương nhân. Ngay cả thời kỳ Minh Trị, tinh thần đại nghĩa trong buôn bán làm ăn cũng được các nhà kinh doanh tiêu biểu cho Nhật Bản như Eichi Shibusawa, Ohara Magosaburo áp dụng trong thực tiễn.

Inamori Kazuo, người sáng lập Kyocera – tập đoàn chuyên sản xuất các linh kiện chính trong ngành điện tử – là một nhà kinh doanh được cả thế giới biết đến vì đã làm sống lại Hãng hàng không Nhật Bản (Japan Ailine) từng bị phá sản. Trong lĩnh vực điện thoại di động – ông là người thách đấu chống lại NTT – công ty viễn thông khổng lồ độc quyền của chính phủ Nhật Bản và tạo ra sản phẩm điện thoại di động thương hiệu au. Ông là nhà nghiên cứu đồng thời là nhà kỹ thuật phát minh ra nguyên liệu fine ceramic – gốm công nghệ cao dùng trong ngành điện tử. Ông cũng là người xây dựng nên tập đoàn Kyocera hùng mạnh từ một công ty nhỏ bé lúc ban đầu.

Không bao lâu sau ngày thành lập, công ty của ông đã đi vào hoạt động ổn định. Ông đã tuyển dụng thêm 9 nhân viên mới. Tuy nhiên, chưa đầy một năm, các nhân viên mới đã “nổi loạn” về vấn đề lương thấp. Vì công ty còn nhỏ nên 9 người này là những nhân viên quan trọng đối với công ty. Và cũng vì quy mô còn nhỏ nên công ty đã không thể đáp ứng đồng lương theo đúng yêu cầu của họ. Từ cuộc “nổi loạn” của các nhân viên trẻ này, ông đã “ngộ” ra rằng: Phải mang lại hạnh phúc cả về tinh thần lẫn vật chất cho toàn thể nhân viên và người đứng đầu công ty phải nỗ lực sao cho toàn thể cán bộ công nhân viên cùng có trách nhiệm tham gia điều hành kinh doanh công ty.

Điều quan trọng là công việc kinh doanh phải đúng đắn, mang tính xã hội, lao động vì con người, vì xã hội. Công việc kinh doanh dứt khoát không thể vì tư lợi. Ông luôn cật vấn bản thân, động cơ kinh doanh của mình là gì, có “thiện” hay không. Ông coi trọng việc giáo dục Triết lý kinh doanh do ông soạn thảo cho toàn thể nhân viên. Hiện nay dù đã trở thành tập đoàn lớn mạnh nhưng Kyocera vẫn quán triệt Triết lý kinh doanh như thuở mới thành lập.

Với ý nghĩa đó, có thể nói rằng công việc kinh doanh là công việc vì đại nghĩa, là công việc phải đúng đắn mang tính xã hội, vì con người vì nhân loại. Lao động, làm việc trên tinh thân đại nghĩa vì con người vì xã hội chính là nguồn động lực để phát triển.

HỌC LÀ ĐỘNG LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN

Nhờ quá trình học tập, mà nhân viên công ty Kyocera có thể hiểu được “nghĩa lớn” –có thể suy nghĩ được vai trò thực sự mang tính xã hội của bản thân, có thể biết được sự tuyệt vời của quá trình lao động mang tính xã hội đúng đắn nhờ việc coi trọng sự đoàn kết, sức mạnh của việc hợp tác với toàn thể mọi người, là nguồn năng lượng to lớn trong công ty. Nhờ việc học tập mà họ làm việc không vì lợi ích riêng của từng cá nhân, không vì ham muốn dục vọng của riêng mình. Tức là, nhờ học tập mà nhân viên coi trọng việc hợp tác trong kinh doanh – toàn thể mọi người đều tự giác tham gia trên cơ sở coi trọng triết lý kinh doanh vì con người, kinh doanh vì xã hội, kinh doanh vì nhân loại Kyocera không cứng nhắc áp dụng cách thức quản lý theo chủ nghĩa năng lực, chỉ chạy theo kết quả.

Từ năm 1990, khi nền kinh tế bong bóng bị vỡ, xã hội Nhật Bản, phương thức kinh doanh của các công ty Nhật Bản bị ảnh hưởng xáo trộn mạnh. Nền kinh tế Nhật Bản cũng bị trì trệ. Có những lĩnh vực bị Hàn Quốc và Trung Quốc vượt lên. Nhất là Nhật Bản phải đối diện với cục diện khắc nghiệt: sự cạnh tranh về giá cả. Mặc dù vậy Kyocera, từ khi còn là công ty nhỏ vẫn kiên định nghiên cứu phát triển ròng rã suốt 30 năm, hệ thống phát điện bằng năng lượng mặt trời với phương châm làm tròn bổn phận quan trọng mang tính xã hội. Kyocera dứt khoát không kinh doanh chỉ nhằm lợi ích cục bộ, Kyocera được đánh giá là công ty mà các nhân viên luôn hiểu ý nghĩa và tự hào về công việc, làm việc vì nghĩa lớn: đóng góp cống hiến cho nhân loại. Thông qua việc nghiên cứu và phát triển lắp đặt hệ thống phát điện dùng năng lượng mặt trời, nhân viên Kyocera tích cực triển khai giờ học tại chỗ về môi trường và cuộc sống tại các trường tiểu học.

Tháng 10 vừa qua, Kyocera đã thành công trong việc xây dựng tại tỉnh Kagoshima hệ thống Magasola, phát điện bằng năng lượng mặt trời, lớn nhất Nhật Bản. Ở Nhật Bản hiện nay, việc sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện phát triển nhanh chóng. Trên các mái nhà dân, các nhà máy và các khu đất trống, đâu đâu cũng thấy tấm panen pin mặt trời. Trong quá trình phát triển kinh tế ở Nhật Bản, việc kinh doanh ngắn hạn và việc nghiên cứu phát minh các kỹ thuật trong dài hạn mang tính cống hiến cho nhân loại, được tiến hành đồng thời song song với nhau.

Xuất phát từ quan điểm cống hiến cho xã hội, cho nhân loại, từ nay về sau Nhật Bản có lẽ vẫn tiếp tục phát triển các kỹ thuật hiện đại nhất, vẫn tiếp tục chế tạo các sản phẩm trên cơ sở coi trọng chất lượng, tìm hiểu nhu cầu của con người trên hành tinh này, họ đang cần những thứ gì và đang gặp những khó khăn ra sao, mà không chỉ tập trung vào cuộc cạnh tranh giá cả. Điều này có thể coi là văn hóa chế tạo sản phẩm của Nhật Bản, là hình ảnh của đất nước Nhật Bản vươn lên phát triển kinh tế từ đống đổ nát sau chiến tranh thế giới thứ II. Vừa tìm kiếm các mối liên kết quốc tế, vừa tôn trọng bản sắc văn hóa riêng có của từng quốc gia, Nhật Bản có lẽ sẽ gánh vác vai trò phân công lao động mang tính quốc tế để cùng tồn tại, cùng thịnh vượng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến trọn cuộc đời cho nền độc lập Việt nam. Lời kêu gọi cho nền độc lập của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng của mọi người dân Việt Nam và trên trường quốc tế là bởi vì nó chứa đựng tính chính nghĩa, có tính xã hội và tính phổ quát. Đó là quyền độc lập của các dân tộc, chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ. Dù khó khăn đến mấy vẫn giành được độc lập. Đó là kết quả của sự đồng tâm hợp sức, tài trí của mọi người dân Việt Nam. Và việc Nhật Bản có thể vươn mình từ trong đổ nát sau chiến tranh cũng như phát triển kinh tế đất nước chính là nhờ tài trí của mọi người dân Nhật Bản.

Năm nay là năm kỷ niệm 40 năm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Quan hệ giao lưu giữa hai nước nhằm góp phần vào nền hòa bình và phát triển ở Châu Á, với mong muốn cùng tồn tại, cùng thịnh vượng cho mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Và từ bình diện quốc tế, trên cơ sở chính nghĩa mang tính xã hội, tôi cho rằng hai nước cùng mong muốn đóng góp, cống hiến cho nhân loại.

Đó là việc xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế mang tính bền vững các địa phương ở Việt Nam và Nhật Bản. Để thực hiện điều này, tôi cho rằng cần phải triển khai nền giáo dục vì sự phát triển bền vững trên quy mô toàn quốc.

Người Nhật Bản chúng tôi đã tạo ra văn hóa tất cả mọi người dân đều học tập từ thời Minh Trị Duy Tân. Đặc biệt là cuốn “Khuyến học” của ông Fukuzawa Yukichi đã viết về tinh thần hiện đại hóa cho đất nước Nhật Bản. Tôi mong muốn các bạn tìm đọc và cùng suy nghĩ về những điều ông ấy đã viết, nhất là suy nghĩ về tinh thần độc lập.

Tác giả

(Visited 670 times, 1 visits today)