Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế về giáo dục: MỘT CHIẾN LƯỢC, HAI KỊCH BẢN

TÓM TẮT Việc xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế về giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, là một nhiệm vụ cấp bách của Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, vấn đề này đến nay chưa được quan tâm đúng mức. Bài viết này sử dụng phương pháp kịch bản, là phương pháp hiện đang được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu về các tương lai của giáo dục, để đề xuất một tiếp cận thích hợp đối với vấn đề đặt ra. Theo đó, căn cứ vào xu thế chuyển động trong phương thức cung ứng giáo dục xuyên biên giới và định hướng phát triển của giáo dục Việt Nam trong 10 - 15 năm tới, một chiến lược hội nhập quốc tế về giáo dục được đề xuất. Đó là chiến lược với hai kịch bản đối lập nhau nhưng được tạo điều kiện để chung sống bên nhau, bổ sung cho nhau: một kịch bản là ưu tiên hợp tác quốc tế về giáo dục theo cơ chế phi thương mại, kịch bản kia là chủ động và tích cực tham gia thương mại dịch vụ giáo dục theo cơ chế thương mại.

1. Đặt vấn đề

Mới đây, Hội nghị thế giới về giáo dục đại học, tổ chức từ 5 đến 8/7/2009 tại UNESCO Paris, nhận định rằng giáo dục đại học đang chuyển động dưới tác động của những động lực mới. Đó là: Sự gia tăng nhu cầu nhập học, việc đa dạng hoá các loại trường và nguồn cung ứng, hợp tác giữa các nhà truờng và liên kết mạng, nhu cầu học tập suốt đời, tác động của công nghệ thông tin và truyền thông, trách nhiệm xã hội của các trường đại học, sự thay đổi trong vai trò của Chính phủ.

Về cơ bản các động lực trên là biểu hiện cụ thể của một thế giới toàn cầu hoá trong giáo dục đại học. Theo cách nói của T. Friedman, đó là một thế giới phẳng trong đó các rào cản về địa lý, kinh tế và chính trị đang lần lần được dỡ bỏ. Thế giới phẳng này cũng đang làm phẳng hoá giáo dục nghĩa là tạo ra một sân chơi giáo dục bằng phẳng, liên kết mạng, nơi mọi người đều có thể học hỏi, trau dồi kiến thức, phát triển kỹ năng, và mọi quốc gia, tổ chức đều có thể tham gia cung ứng giáo dục, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh bình đẳng.

Vì thế, hợp tác quốc tế về giáo dục đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, cao hơn và phức tạp hơn. Đó là hội nhập quốc tế về giáo dục.

Các thách thức và cơ hội của tiến trình hội nhập quốc tế về giáo dục đã được phân tích nhiều trong các diễn đàn, hội thảo và tài liệu nghiên cứu, quốc tế cũng như trong nước. Vấn đề là từ những phân tích đó, mỗi quốc gia cần tìm ra cho mình các chính sách và chiến lược cần thiết để giáo dục đại học thực hiện được tốt nhất sứ mệnh của mình trong việc sản sinh, truyền bá và áp dụng tri thức, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Điều này đã được đặt ra ở nước ta trong Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Bài viết này sử dụng phương pháp kịch bản, là phương pháp đang được sử dụng trong nghiên cứu về các tương lai của giáo dục, để đề xuất một tiếp cận về chiến lược phù hợp với hiện trạng và định hướng phát triển của giáo dục đại học Việt Nam.

 

2. Quốc tế hoá giáo dục

Ngày nay, trong các tranh cãi không ngã ngũ về toàn cầu hoá, vẫn chí ít có một sự thống nhất chung về nhận định. Đó là việc coi toàn cầu hoá như một quá trình không thể đảo ngược. Tuy nhiên đó là quá trình định hướng được và cần phải định hướng vì sự phát triển bền vững của từng quốc gia cũng như toàn thế giới.

Yêu cầu định hướng đối với tiến trình toàn cầu hoá thuộc phạm vi chính sách phát triển của từng quốc gia trên mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh đó, quốc tế hoá giáo dục là một xu thế mới trong chính sách phát triển giáo dục ở các nước nhằm góp phần định hướng tiến trình toàn cầu hoá.

Quốc tế hoá giáo dục là quá trình hội nhập quốc tế về giáo dục trong đó các yếu tố quốc tế và liên văn hoá được tích hợp vào chức năng, nhiệm vụ, cách cung ứng và tiến trình  tổ chức thực hiện giáo dục. Quá trình này hiện đang diễn ra chủ yếu thông qua sự dịch chuyển xuyên biên giới của bốn nhân tố cơ bản: Người học, nhà giáo, chương trình giáo dục và nhà cung ứng giáo dục. Sự dịch chuyển này có một tên gọi riêng là giáo dục xuyên biên giới.

Giáo dục xuyên biên giới trong mười năm gần đây phát triển mạnh mẽ và mang hai đặc trưng cơ bản: 1/ bên cạnh sự dịch chuyển xuyên biên giới vốn có từ lâu của người học và nhà giáo, đã hình thành và tăng cường việc dịch chuyển xuyên biên giới của chương trình giáo dục và nhà cung ứng giáo dục; 2/ bên cạnh sự dịch chuyển xuyên biên giới theo cơ chế phi thương mại (thông qua hợp tác quốc tế với các dự án ODA và liên kết đào tạo) đã hình thành và phát triển sự dịch chuyển xuyên biên giới theo cơ chế thương mại.

Hai cơ chế này có quan hệ mật thiết với hai tổ chức quốc tế hàng đầu trong tiến trình quốc tế hoá giáo dục. Đó là UNESCO và WTO.

UNESCO là tổ chức giáo dục, khoa học, văn hoá và truyền thông của Liên Hiệp Quốc với 193 nước thành viên. Quan điểm cơ bản của UNESCO coi giáo dục là một quyền lợi cơ bản của con người và bất kỳ ai, trên cơ sở xứng đáng, cũng có quyền tiếp cận giáo dục đại học. Trong bối cảnh quốc tế hoá giáo dục, UNESCO có nhiệm vụ tăng cường hợp tác quốc tế giữa các nước, thúc đẩy giáo dục xuyên biên giới không nhằm mục đích lợi nhuận. Văn bản pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ này của UNESCO là Tuyên bố thế giới về giáo dục đại học cho thế kỷ XXI và các Công ước UNESCO về công nhận văn bằng.

WTO là tổ chức thương mại thế giới hiện có 153 nước thành viên. Quan điểm cơ bản của WTO coi giáo dục là một trong 12 ngành dịch vụ khả mại (tradable service) thuộc phạm vi điều chỉnh của GATS; dịch vụ này cần được từng bước tự do hoá thương mại trên cơ sở đàm phán. Cũng giống như UNESCO, GATS có nhiệm vụ đẩy mạnh quá trình quốc tế hoá giáo dục. Điều khác biệt cơ bản là ở chỗ, GATS hướng tới việc thúc đẩy giáo dục xuyên biên giới nhằm mục đích lợi nhuận.

Rất nhiều nước hiện nay vừa là thành viên của UNESCO, vừa là thành viên của WTO. Các nước đó chấp nhận cả hai cơ chế giáo dục xuyên biên giới: có lợi nhuận và không lợi nhuận. Thực ra, dù có chính thức chấp nhận hay không thì cả hai cơ chế hoạt động này đã trở thành một hiện thực. Vấn đề là tìm mối quan hệ tối ưu giữa hai cơ chế để giáo dục  thực hiện được sứ mệnh của mình theo mục tiêu cụ thể và lâu dài của từng nước.

 

3. Hiện trạng hội nhập quôc tế về giáo dục ở Việt Nam

Việt Nam đã có những bước đi chủ động trong hội nhập giáo dục, tiếp nhận giáo dục xuyên biên giới theo cả hai cơ chế: không lợi nhuận và có lợi nhuận. Trong bốn phương thức cung ứng dịch vụ giáo dục theo quy định của GATS, giáo dục nước ta hiện đã mở cửa cho cả bốn phương thức: cung ứng xuyên biên giới, tiêu thụ ngoài nước, hiện diện thương mại và hiện diện thể nhân.

Về cung ứng xuyên biên giới: Phương thức này bao gồm đào tạo theo chương trình liên kết, đào tạo theo chương trình nhượng quyền (franchise), và đào tạo qua mạng. Đào tạo theo chương trình liên kết đã phát triển mạnh ở Việt Nam trong thời gian qua; đào tạo theo chương trình nhượng quyền bước đầu được thực hiện qua các chương trình tiên tiến; đào tạo qua mạng đang diễn ra tự phát, chưa có quy định pháp lý. Nhìn chung các chương trình liên kết và chương trình nhượng quyền đều được thẩm định nghiêm túc trước khi đưa vào chính thức sử dụng. Tuy nhiên, điểm yếu cơ bản của chúng ta vẫn là những bất cập trong việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục và đánh giá, kiểm định chất lượng thực hiện chương trình giáo dục. Ngoài ra, cần chú ý đến một số khuynh hướng mới sau: chương trình liên kết đang mở rộng phạm vi từ giáo dục đại học sang cả giáo dục mầm non và phổ thông; ngoài việc nhập khẩu chương trình giáo dục, có việc tăng cường nhập khẩu sách giáo khoa và giáo trình nước ngoài; hiện tượng chương trình liên kết chui; tình trạng kéo dài về sự thiếu vắng chủ trương, chính sách rõ ràng trong giáo dục qua mạng.

Về tiêu thụ ngoài nước: Châu Á hiện là khu vực gửi sinh viên du học nước ngoài nhiều nhất (43% tổng số), tiếp đến châu Âu (34%), châu Phi (12%), Bắc Mỹ (7%), Nam Mỹ (3%), châu Đại Dương (1%). Trung Quốc, kể cả Hồng Kông, có số sinh viên du học nhiều nhất (10%), rồi đến Hàn Quốc (5%), Ấn Độ (4%), Nhật (4%), Thổ Nhĩ Kỳ (3%), Malayxia (2%); du học sinh của Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam gộp lại chiếm 5% tổng số[1]. Vấn đề cơ bản thường được lưu ý đối với phương thức cung ứng giáo dục này là hiện tượng chảy máu chất xám. Tuy nhiên, còn một số vấn đề khác không kém phần quan trọng như chảy ngoại tệ, chất lượng giáo dục, sự công nhận văn bằng, khả năng hội nhập với văn hoá trong nước sau du họcCác báo cáo hiện nay của chúng ta về cơ bản đưa ra một cái nhìn tích cực đối với du học trên các phương diện tỷ lệ sinh viên trở về nước, khả năng tìm việc làm và thăng tiến trong công việc. Tuy nhiên, du học ở nước ta mới chỉ mở rộng và phát triển trong vòng 5-6 năm nay. Các tác động của nó thường chỉ thấy rõ sau khoảng 10 năm và có liên quan chủ yếu đến công tác quản lý, chất lượng và hiệu quả của du học tự túc, việc thu hút lưu học sinh về nước, khả năng giữ chân họ với điều kiện và môi trường làm việc trong nước. Vì vậy rất cần những nghiên cứu và đánh giá dự báo, nhất là trong tình hình các nước phát triển có chính sách công khai nhằm thu hút người tài và nhân lực trình độ cao, còn du học sinh trở về nước lại cảm thấy khó khăn và hẫng hụt trong việc phát huy năng lực.

Về hiện diện thương mại: Từ năm 2000, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý khuyến khích sự hiện diện thương mại của các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài theo cơ chế vì lợi nhuận và không vì lợi nhuân, dưới các hình thức văn phòng đại diện, cơ sở liên kết và cơ sở 100% vốn nước ngoài. Mặt tích cực của nó là đã thúc đẩy tiến trình đa dạng hoá giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của một bộ phận người học thuộc các gia đình có thu nhập cao, khuyến khích sự du học tại chỗ. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề đang được đặt ra đối với phương thức cung ứng giáo dục này, nhất là khi phương thức này sẽ được mở cửa không hạn chế theo cam kết về GATS của Việt Nam đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục người lớn và các dịch vụ giáo dục khác. Trước hết là vấn đề thể chế: ngoài các quy định của GATS phải xử lý cho phù hợp như quy tắc tối huệ quốc, quy tắc đối xử quốc gia, quy tắc tuần tự tự do hoá, quy tắc minh bạch, cần đặc biệt chú trọng đến những quy định về điều kiện thành lập trường, cấp phép, tuyển sinh, chương trình đào tạo, quá trình đào tạo, công nhận văn bằng, kiểm toán, kiểm định, thu nhập, lợi nhuận, thuế. Tiếp nữa là vấn đề quản lý: phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa sự thông thoáng về thủ tục hành chính với sự chặt chẽ trong chất lượng và hiệu quả quản lý, đặc biệt tập trung vào quản lý chất lượng. Những vấn đề về bảo vệ người học, chống gian lận thương mại, giữ gìn và bảo vệ văn hoá truyền thống cũng cần đặc biệt quan tâm.

Về hiện diện thể nhân: Luật pháp Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi học thuật; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện để người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài giảng dạy, hợp tác, chuyển giao công nghệ giáo dục ở Việt Nam. Thực tế, thời gian qua, các nhà giáo dục nước ngoài và Việt kiều đã có sự đóng góp đáng kể trong tiến trình đổi mới giáo dục ở Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả mới diễn ra chủ yếu trong khung cảnh hợp tác quốc tế, theo lôgic phi thương mại. Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đóng góp của người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài trong việc phát triển giáo dục, cần chú trọng tới những vấn đề nẩy sinh khi nước ta mở cửa để đón sự hiện diện thể nhân của các nhà giáo dục nước ngoài theo cơ chế thương mại.

 

4. Chiến lược hội nhập quốc tế về giáo dục

Để đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, một trong những nhiệm vụ và giải pháp được quy định trong NQ 14/2005/NQ-CP là “xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực hợp tác và sức cạnh tranh của giáo dục đại học Việt Nam thực hiện các hiệp định và cam kết quốc tế[2].

Hơn 20 năm qua, giáo dục đại học Việt Nam nói riêng, giáo dục Việt Nam nói chung, đã trong tiến trình đổi mới liên tục. Tuy nhiên, như Đại hội Đảng X đã nhận định, cách đổi mới còn mang tính chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ. Vì vậy, tháng 2 năm 2007, HNTW 4 (khoá X) đã ra Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, trong đó yêu cầu: Khẩn trương xây dựng đề án tổng thể cải cách giáo dục-đào tạo nghề, từ nội dung, chương trình đến phương pháp dạy và học, chế độ thi cử; chú trọng đào tạo ngoại ngữ, tin học, luật pháp quốc tế, kiến thức và kỹ năng hành chính; đào tạo và đào tạo lại giáo viên đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu và có chất lượng cao.

Mới đây, trong Thông báo 242/TB-TW ngày 15/4/2009, Bộ Chính trị tái khẳng định sự cần thiết thực hiện chủ trương cải cách giáo dục như đã được nêu tại các NQTW 4, 7 và 9 (khoá X).

Cải cách giáo dục là bài toán lớn của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn mới. Việc phát biểu cụ thể bài toán này có liên quan mật thiết đến chủ trương chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập, phát triển và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đẩy mạnh CNH và HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, như đã được chỉ ra trong các Nghị quyết Trung ương.

Việc xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế về giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, phải được coi là bộ phận hợp thành của đề án cải cách giáo dục. Nó phải xuất phát từ chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là phát huy cao độ nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, chủ động và tích cực hội nhập để phát triển giáo dục phục vụ đắc lực việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Vì thế có thể bước đầu xác định mục tiêu của chiến lược hội nhập này là: Huy động mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển giáo dục, từng bước chuyển sang mô hình giáo dục mở, với ưu tiên hàng đầu trong đào tạo nhân lực, nhân tài và nâng cao chất lượng, xây dựng nền giáo dục hiện đại, tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

 

Vấn đề đặt ra là cần có chính sách và giải pháp như thế nào để thực hiện mục tiêu trên.

Trong bức tranh tổng thể, như đã trình bày ở trên, về xu thế thương mại trong quốc tế hoá giáo dục và hiện trạng hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam, cần lưu ý là Việt Nam đã có những cam kết khá sâu và rộng về GATS trong giáo dục. Theo đó, ta mở cửa cho sự hiện diện thương mại của các nhà đầu tư nước ngoài trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục người lớn và các dịch vụ giáo dục khác đối với các lĩnh vực kỹ thuật, khoa học tự nhiên và công nghệ, quản trị kinh doanh và khoa học kinh doanh, kinh tế học, kế toán, luật quốc tế và đào tạo ngôn ngữ. Nói cách khác, nếu trước khi vào WTO, xu thế chủ đạo trong hội nhập quốc tế của Việt Nam là hợp tác quốc tế về giáo dục (theo cơ chế phi thương mại), thì sau khi vào WTO, sẽ phát triển một xu thế mới, bổ sung và tranh chấp với xu thế trên, đó là xu thế thương mại dịch vụ giáo dục.

Sự tồn tại đồng thời, vừa hợp tác vừa cạnh tranh, của hai xu thế đó là đặc trưng nổi bật, chi phối sự vận động của giáo dục Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Sự khôn ngoan về chính sách và giải pháp trong chiến lược hội nhập là làm thế nào khai thác được mặt tích cực của từng xu thế, tạo điều kiện để cả hai bổ sung cho nhau, cùng trở thành động lực phát triển.

Muốn vậy, trước hết trên cơ sở phân tích SWOT, có thể thấy một số đặc trưng chủ yếu liên quan đến giáo dục Việt Nam như sau:

  • Cơ hội: Đất nước đã có vị thế mới trên trường quốc tế; hội nhập kinh tế quốc tế vững chắc; tăng tr­ưởng kinh tế cao; giáo dục Việt Nam đứng trước yêu cầu và điều kiện phát triển chưa từng có về quy mô, cơ cấu và chất l­ượng nguồn nhân lực;
  • Thách thức: Việt Nam tuy đã thoát khỏi cái bẫy của nước thu nhập thấp nhưng trình độ kinh tế vẫn lạc hậu, tăng trưởng chưa bền vững; phân tầng xã hội và chênh lệch vùng miền chư­a thu hẹp; nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế kéo theo nguy cơ tụt hậu xa hơn về giáo dục;
  • Điểm mạnh: Hơn 20 năm đổi mới vừa qua đã đem lại thế và lực mới cho giáo dục Việt Nam với hệ thống quan điểm chỉ đạo, chủ trư­ơng, chính sách phù hợp; hệ thống giáo dục quốc dân t­ương đối hoàn chỉnh và phát triển rộng khắp trong toàn quốc; hợp tác quốc tế về giáo dục phát triển mạnh mẽ, vững chắc và có hiệu quả;
  • Điểm yếu: Môi tr­ường pháp lý về giáo dục thiếu hoàn chỉnh; công tác quản lý giáo dục không theo kịp sự phát triển của thực tiễn hội nhập quốc tế về giáo dục; năng lực cạnh tranh yếu ở cả 3 cấp độ: quốc gia, nhà trư­ờng, dịch vụ giáo dục.

5. Các kịch bản khả dĩ

Hiện nay, trong xây dựng chiến lược giáo dục, người ta đặc biệt quan tâm đến phương pháp kịch bản[3]. Nếu phương pháp truyền thống thường chỉ giới hạn vào cách nhìn cổ điển coi tương lai giáo dục là sự kéo dài, ngoại suy của quá khứ giáo dục thì phương pháp kịch bản đem đến một cách nhìn mới: tương lai giáo dục có thể là sự phát triển theo kiểu phân nhánh, đứt đoạn, hoặc nhảy vọt. Do đó phương pháp kịch bản kết hợp cả lôgic và trí tưởng tượng để đưa ra “câu chuyện” về các tương lai khả dĩ của giáo dục. Nó là công cụ góp phần khắc phục khiếm khuyết cơ bản trước đây trong phương pháp xây dựng chiến lược là phương pháp ngoại suy. Nó kích thích tranh luận, khơi gợi tư duy và cách nhìn mới, và nhờ vậy mở rộng phạm vi lựa chọn trước khi đi đến quyết định chiến lược.

Về lý thuyết, có thể xây dựng vô vàn kịch bản giáo dục. Tuy nhiên, để đảm bảo tính tương thích và nhất quán của kịch bản, cần có phương pháp tiếp cận khoa học. Phương pháp này đến nay vẫn trong giai đoạn định hình. Theo đó, giáo dục được đặc trưng bởi những tham biến khác nhau và được mô tả như một không gian nhiều chiều. Mỗi kịch bản giáo dục sẽ là một đa tạp trong không gian đó.

Thông thường, để đơn giản, người ta mô tả giáo dục trong một không gian hai chiều. Vấn đề là chọn ra hai chiều đó. Cụ thể, trong phần tiếp đây, liên quan đến chiến lược hội nhập, sẽ chọn hai chiều đo là: 1/ phương thức hội nhập quốc tế về giáo dục, 2/ mô hình tổ chức hoạt động giáo dục.

Theo chiều đo 1, như đã trình bày ở trên, phương thức hội nhập quốc tế về giáo dục ở nước ta đang có sự dịch chuyển từ hợp tác quốc tế (với cơ chế phi thương mại) sang thương mại dịch vụ giáo dục (theo quy định của GATS).

Theo chiều đo 2, căn cứ định hướng quy định bởi Đại hội Đảng X, chúng ta “chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở – mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học[4]. Điều đó dẫn đến những thay đổi cơ bản trong tổ chức và hoạt động giáo dục: hệ thống giáo dục chuyển từ đóng sang mở; đối tượng học tập không còn giới hạn trong phạm vi tuổi trẻ mà mở rộng sang mọi lứa tuổi; tâm lý học lên đại học được thay bằng tâm lý học suốt đời; giáo dục ứng thí được thay thế bằng giáo dục đáp ứng nhu cầu cá nhân và yêu cầu xã hội; giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy đan xen, thâm nhập lẫn nhau và đều có cơ chế để đi tới văn bằng.

Căn cứ theo hai chiều đo đó, có thể xây dựng một ma trận hai hàng hai cột với bốn kịch bản như trong bảng dưới đây.

Có thể nói trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, tiến trình hội nhập quốc tế về giáo dục của Việt Nam được mô tả chủ yếu bởi kịch bản 1 với phương thức hợp tác quốc tế là chính trong một hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức cứng nhắc, không sẵn sàng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Trong những năm gần đây, với việc mở cửa cho việc thành lập các trường có yếu tố nước ngoài hoạt động vì mục đích lợi nhuận, bức tranh hội nhập quốc tế giáo dục ở Việt Nam có thể được mô tả bổ sung phần nào bằng kịch bản 2.

 

 

Hợp tác quốc tế về giáo dục

Thương mại dịch vụ giáo dục

Mô hình giáo dục đóng

 

KB1.Cung không đáp ứng cầu giáo dục. Chế độ tuyển sinh nặng nề; chương trình giáo dục cứng nhắc; vai trò KTXH của nhà trường mờ nhạt. Cơ hội chọn trường hầu như không có. HTQT góp phần đa dạng hoá và nâng cao chất l­ượng giaó dục. Tuy nhiên giáo dục hướng tới sự đơn nhất, các trường nghĩ và làm như nhau. Cạnh tranh là không cần thiết và không được khuyến khích. Chất luợng và hiệu quả chuyển biến chậm.

 

KB2.Có tiến bộ trong khắc phục cung- cầu.  Người học có thêm cơ hội trong việc lựa chọn trường học. Bên cạnh sự đa dạng của hệ thống trường lớp và chương trình giáo dục, xuất hiện yếu tố cạnh tranh. Nhà trường được nhiều quyền tự chủ hơn. Chương trình giáo dục và vai trò KTXH của nhà trường được chú trọng hơn. Chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực. Gia tăng s­ự phân tầng, mất công bằng xã hội trong hệ thống và ngư­ời học. Bên cạnh đó là nguy cơ chảy máu chất xám và gian lận thương mại.

Mô hình giáo dục mở

 

KB3. Có sự thay đổi cơ bản trong đối tượng học, tâm lý học, mục đích học, cách học. Hệ thống giáo dục được tái cơ cấu triệt để cùng với sự phát triển của thị trường lao động. Tuy nhiên, mô hình rất khó thực hiện vì đòi hỏi nguồn lực lớn, hạ tầng phát triển, quản lý hiện đại. HTQT về giáo dục vẫn chỉ giới hạn trong việc góp phần khắc phục các yếu kém về quản lý và chất lư­ợng giáo dục. Cơ chế chủ đạo là hợp tác. Nguồn lực con người và tài chính để xây dựng hệ thống giáo dục mở bị hạn chế. Hệ thống giáo dục mở hình thành chậm

 

KB4. Mô hình giáo dục mở không chỉ giới hạn trong hệ thống giáo dục quốc dân mà mở rộng thành mạng l­ưới toàn xã hội. Có sự gắn kết giữa nhà trường, viện nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp trong cung ứng giáo dục. Cơ chế cạnh tranh là chủ đạo và tạo nên sự đa dạng trong tổ chức và hoạt động giáo dục. Người học đ­ược nhiều quyền hơn trong việc lựa chọn trường học, cách học, chương trình học. Nguồn lực để xây dựng hệ thống giáo dục mở được huy động mạnh mẽ từ thị trường. Hệ thống giáo dục mở hình thành nhanh hơn. Kèm theo đó là nguy cơ chất lượng không đảm bảo và gia tăng mất công bằng xã hội.

 

Căn cứ vào 4 kịch bản nêu trên, có thể hình dung phương hướng phát triển trong hội nhập quốc tế về giáo dục ở Việt Nam theo nhiều phương án: Giữ nguyên kịch bản 1, hoặc chuyển sang kịch bản 2, 3, 4, hoặc một kịch bản trung gian nào đó.

Với những khó khăn về nguồn lực và năng lực, chắc rằng trong những năm tới, kịch bản 1 vẫn giữ vai trò chính trong hội nhập quốc tế về giáo dục của Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực thi cam kết về GATS trong giáo dục buộc phải triển khai kịch bản 2 và tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ đưa dần kịch bản này lên vị trí không kém phần quan trọng so với kịch bản 1. Cả hai kịch bản đều giúp bổ sung nguồn lực để phát triển giáo dục theo hướng hiện đại, bao gồm nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Hai kịch bản này cũng có khả năng bổ sung cho nhau để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu theo những chiều đo khác nhau của giáo dục: ưu thế trong hợp tác quốc tế về giáo dục là ở các chiều đo nâng cao năng lực quản lý, bảo đảm chất lượng, giải quyết vấn đề công bằng xã hội trong giáo dục; thương mại dịch vụ giáo dục cũng có khả năng mở ra nhiều cơ hội mới trong phát triển, nhưng do lôgic thương mại, ưu thế của nó chủ yếu là ở việc nâng cao quy mô và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động.

Hai kịch bản này sẽ song song tồn tại trong tiến trình hội nhập quốc tế giáo dục của Việt Nam, cùng góp phần đưa giáo dục Việt Nam từng bước tiến lên hiện đại, chuyển sang mô hình giáo dục mở. Như vậy, với tầm nhìn 10-15 năm tới, chiến lược hội nhập quốc tế về giáo dục của nước ta sẽ là một chiến lược với cả hai kịch bản 3 và 4 để bổ sung cho nhau trong việc xây dựng hệ thống giáo dục mở.

Nói cách khác, chính sách cơ bản trong chiến lược hội nhập quốc tế về giáo dục của Việt Nam sẽ là ưu tiên hợp tác quốc tế về giáo dục, đồng thời chủ động và tích cực tham gia thương mại dịch vụ giáo dục.

 

6. Ưu tiên hợp tác quốc tế về giáo dục

Đến nay, trong 153 nước thành viên của WTO, mới chỉ có 51 nước cam kết về tự do hoá thương mại dịch vụ giáo dục theo quy định của GATS. Trong nhận thức chung của xã hội dân sự và ngành giáo dục, ở phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, giáo dục vẫn được coi là một lợi ích công. Vì thế, tuy dòng chẩy giáo dục xuyên biên giới trong hơn thập kỷ vừa qua có phân nhánh mới theo cơ chế thương mại, nhưng chủ lưu hiện nay và trong nhiều năm tới vẫn là hợp tác quốc tế về giáo dục, theo lôgic chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, cùng xây dựng và phát triển không gian giáo dục chung, không vì mục đích lợi nhuận.

Với những điểm mạnh và điểm yếu hiện có của giáo dục như đã nêu trên, Việt Nam cần có chính sách ưu tiên hợp tác quốc tế về giáo dục trong chiến lược hội nhập. Mục tiêu của chính sách này là tăng cường hợp tác quốc tế theo quy định của Luật Giáo dục 2005, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên là nâng cao năng lực quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực hợp tác và cạnh tranh.

Bên cạnh các hoạt động truyền thống như phát triển các quan hệ song phương và đa phương, đẩy mạnh liên kết đào tạo, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, thu hút và phát huy sự đóng góp của các chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài, cần đặc biệt chú ý đến những hoạt động mới đang được sử dụng làm đối trọng trước sức ép của cơ chế thương mại trong giáo dục.

Trên phạm vi thế giới, UNESCO hiện là cơ quan đầu mối và đi đầu trong nhiều hoạt động và sáng kiến nhằm duy trì học tập là một quyền lợi cơ bản của con người, bảo đảm để giáo dục là một lợi ích công toàn cầu. Riêng trong giáo dục đại học, lĩnh vực đang đứng trước xu thế thương mại hoá mạnh nhất,  Thông cáo ngày 8/7/2009 của Hội nghị thế giới về giáo dục đại học khẳng định “giáo dục đại học, với tư cách là một lợi ích công, là trách nhiệm của tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các chính phủ[5]. Vì thế UNESCO – với tư cách là labô của các ý tưởng, tác nhân của hợp tác quốc tế, nhà thiết lập chuẩn mực, người xây dựng năng lực, nơi cung cấp thông tin –  tuyên bố giành ưu tiên cho giáo dục đại học trong các chương trình và ngân sách hoạt động của mình.

Chương trình UNITWIN/UNESCO Chairs với mục đích hỗ trợ phát triển các trường đại học, thu hẹp khoảng cách về tri thức giữa các quốc gia và khu vực trên thế giới, đã thu được những kết quả khích lệ trong hơn một thập kỷ qua và đang tiếp tục mở rộng mạng lưới UNITWIN để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu của các trường đại học ở các nước đang phát triển. Sáng kiến “Trí thức không biên giới” (Academics without borders), “Tình nguyện viên đại học” (University Volunteers Scheme) có tác dụng thu hút các học giả đã về hưu, kể cả các học giả trẻ nhiệt huyết, các học giả bản xứ đang ở nước ngoài, góp sức để nâng cao chất lượng giáo dục, tiếp nguồn chất xám cho các nước đang phát triển.

Đáng quan tâm là Chương trình toàn cầu về hợp tác và phát triển trong giáo dục đại học do UNESCO khởi xướng. Sự hội tụ trong giáo dục đại học trên cơ sở hợp tác quốc tế về giáo dục là mục tiêu cao cả mà chương trình này hướng tới. Tính khả thi của chương trình được minh chứng bởi việc triển khai và mở rộng tiến trình Bologna nhằm xây dựng một không gian giáo dục đại học châu Âu thống nhất trong đa dạng. “Toàn cầu hoá là một quá trình bên ngoài thúc đẩy giáo dục đại học và nghiên cứu trở thành toàn cầu. Ngày nay thách thức cơ bản là bảo đảm rằng không gian nghiên cứu và giáo dục đại học thế giới vẫn bảo tồn được tính đa dạng, loại bỏ sự đơn nhất và được sử dụng như một lợi ích chung toàn cầu đích thực. UNESCO kêu gọi tất cả các đối tác cùng theo đuổi nỗ lực này nhằm góp phần triển khai Tuyên bố của Hội nghị thế giới về giáo dục đại học”[6].

Ở phạm vi khu vực, có thể coi “Tuyên bố chung Thăng Long- Hà Nội về không gian giáo dục ASEAN” là một tuyên bố Bologna của khối ASEAN. Tuyên bố này do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đọc tại lễ bế mạc Diễn đàn giáo dục ASEAN 2007, tổ chức ngày 23/11/2007 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, và được các đại biểu nhất trí thông qua, thể hiện nguyện vọng và quyết tâm chính trị của các nước thành viên trong việc xây dựng một không gian giáo dục ASEAN thống nhất trong đa dạng. Hiện nay, một khung chương trình đang được bàn thảo để hướng tới việc hình thành một không gian chung của giáo dục đại học ASEAN vào năm 2015[7]. Mục tiêu này đang bị coi là quá lãng mạn, khó khả thi, tuy nhiên lợi ích cho từng quốc gia và cả khối ASEAN sẽ là rất lớn trong quá trình thực hiện chương trình này. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách và giải pháp cụ thể để tranh thủ sự hợp tác quốc tế trong khu vực, sớm đưa giáo dục Việt Nam hội tụ về chất lượng và tương đương về văn bằng với trình độ tiên tiến của khu vực.

 

7. Chủ động và tích cực tham gia thương mại dịch vụ giáo dục

Mặc dù hợp tác quốc tế hiện vẫn được coi là nền tảng trong chính sách quốc tế về giáo dục xuyên biên giới của các nước phát triển nhưng trong vòng hơn chục năm nay xu thế chung là chuyển trọng tâm sang các quan tâm về lợi ích kinh tế và yêu cầu cạnh tranh quốc tế. Vì thế, nhìn chung các nước phát triển có xu hướng xem xét lại chính sách quốc tế hoá giáo dục theo cách tiếp cận nhằm tạo nguồn thu, do đó góp phần biến giáo dục quốc tế thành một thị trường cạnh tranh về nhân tài và nguồn lực. Xu thế chuyển dịch cách tiếp cận nêu trên dẫn đến một đặc trưng mới, nổi bật của giáo dục xuyên biên giới trong thập kỷ vừa qua. Đó là việc chuyển từ viện trợ sang thương mại, được một số nước phát biểu công khai.

Với việc thể chế hoá thương mại dịch vụ giáo dục trong các quy định của GATS, một thị trường giáo dục toàn cầu đã chính thức hình thành. Về mặt lý thuyết, đang còn có rất nhiều tranh cãi về bản chất của thị trường này. Nhưng trên thực tế, ở nhiều nước, đang hình thành một thị trường giáo dục gần đúng, thường được gọi là chuẩn thị trường (quasi-market). Gần đúng, bởi vì một mặt cơ chế cạnh tranh được phát huy để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, mặt khác Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng và quản lý giáo dục để hạn chế các tác động mặt trái của thị trường.

Việc mở cửa thị trường giáo dục theo quy định của GATS đặt Việt Nam trước những cơ hội mới và thách thức mới như đã được phân tích nhiều trong thời gian gần đây[8]. Về cơ bản, có thể nói việc tham gia GATS tự nó không làm cho giáo dục của một nước tốt lên hay xấu đi. GATS chỉ mở ra những cơ hội mới cùng những thách thức mới. Vấn đề đặt ra cho từng nước là nhận dạng những điểm mạnh, điểm yếu của giáo dục nước mình, xây dựng chính sách và giải pháp phù hợp để khai thác cơ hội và vượt qua thách thức.

Với phân tích SWOT như nêu trên, khi thực thi các cam kết về GATS trong giáo dục, Việt Nam cần chuyển từ thế bị động sang thế chủ động. Nghĩa là cần có chính sách và giải pháp để chủ động và tích cực tham gia thương mại dịch vụ giáo dục. Kịch bản này, tuy trong nhiều năm tới chưa ở vị trí ưu tiên như kịch bản hợp tác quốc tế về giáo dục, nhưng về lâu dài sẽ ngày càng quan trọng và đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt trong tư duy và chiến lược hội nhập. Đó là vì về lâu dài, do xu thế chuyển từ viện trợ sang thương mại, nguồn lực trong hợp tác quốc tế sẽ giảm đi để nhường chỗ cho nguồn lực trong thương mại dịch vụ giáo dục. Như vậy, chúng ta cần có chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư nước ngoài để phát triển mạnh mẽ giáo dục trên các lĩnh vực đã mở cửa; đó cũng chính là các lĩnh vực có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực trình độ cao trước yêu cầu hội nhập và phát triển.

Các mục tiêu ưu tiên cần đạt được là phát triển du học tại chỗ, hiện đại hoá giáo dục, góp phần xây dựng mô hình giáo dục mở. Về lâu dài có thể tính đến việc xuất khẩu giáo dục đối với những ngành học mà Việt Nam có thế mạnh.

Với việc chủ động và tích cực tham gia thương mại dịch vụ giáo dục, giáo dục Việt Nam đã chính thức chấp nhận cơ chế thị trường trong giáo dục và chuyển sang mô hình cung ứng chuẩn thị truờng.

Bước chuyển này không đột ngột bởi lẽ trước khi vào WTO, như đã phân tích ở trên, chuẩn thị trường giáo dục cũng đã hình thành một cách tự phát và nhỏ bé ở một số cấp học. Điểm khác biệt sau khi vào WTO sẽ là sự phát triển mang tính tự giác của chuẩn thị trường và khả năng phát triển mạnh mẽ của nó ở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục người lớn và một số dịch vụ giáo dục khác. Nếu bước chuyển thành công, giáo dục Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, tận dụng được các cơ hội của tiến trình hội nhập để tạo chuyển biến cơ bản về quy mô, chất lượng, hiệu quả trên con đường chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá.

 

8. Kết luận

Mục đích của bài viết này là nêu lên sự cần thiết và một số nội dung cơ bản của chiến lược hội nhập quốc tế về giáo dục ở Việt Nam với hai kịch bản. Hai kịch bản này tuy đối lập nhau về cơ chế thực hiện nhưng hoàn toàn có thể “chung sống”và bổ sung cho nhau để tạo điều kiện cho giáo dục nước ta chuyển nhanh chóng, vững chắc và có hiệu quả sang mô hình giáo dục mở. Cùng với bước chuyển này trong mô hình tổ chức giáo dục là bước chuyển của giáo dục nước ta sang mô hình cung ứng chuẩn thị trường.

Cần chú ý rằng trong chuẩn thị trường giáo dục, nhà cung ứng chính là Nhà nước với sự hợp sức của xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế giáo dục không vì mục đích lợi nhuận. Bên cạnh đó là các nhà cung ứng giáo dục khác bao gồm các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Với xu thế thương mại hoá giáo dục hiện nay, nhiều nhà cung ứng giáo dục sẽ hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Xu thế này được tăng cường với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư xuyên quốc gia, các tập đoàn giáo dục quốc tế. Khi thực thi các cam kết về GATS trong giáo dục, thị trường giáo dục được mở ra và dưới con mắt của các tập đoàn giáo dục quốc tế thì đó là một thị trường dịch vụ như các thị trường dịch vụ khác.

Vì thế thị trường giáo dục ở mỗi nước sẽ chịu hai lực tác động. Một bên là  tác động của Nhà nước và xã hội dân sự cùng các tổ chức quốc tế phi lợi nhuận  để bảo đảm đó là một chuẩn thị trường. Một bên là tác động của các doanh nghiệp giáo dục trong và ngoài nước để có một thị trường dịch vụ thực sự, hoạt động theo quy luật cung cầu và có lợi nhuận.

Sự có mặt của các tập đoàn giáo dục quốc tế vào thị trường giáo dục quốc gia có khả năng làm thay đổi rất nhiều mối tương quan về lực nói trên. Ngày nay, ở Bắc Mỹ và Tây Âu, đã có những tập đoàn giáo dục dày dạn kinh nghiệm và nổi tiếng như Appolo, IBM, McGraw-Hill, Sylvan, Thomson, Pearson, Prisa, Reed Elsevier, VivendiỞ các châu lục khác cũng đang hình thành và phát triển các tập đoàn giáo dục mới như Edunexo (châu Mỹ Latinh), Educor (châu Phi), South Ocean Development Group (châu Á). Như các doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp giáo dục quốc tế này đều có mong muốn mở rộng thị trường giáo dục trên phạm vi toàn cầu.

Với quan điểm không có một thị trường giáo dục quốc tế duy nhất mà chỉ có sự tích tụ của các thị trường giáo dục nội địa, các doanh nghiệp giáo dục quốc tế đã đưa ra các bài học chính yếu để thành công trong chinh phục thị trường[9]. Trước hết là phải đánh giá được mức độ phù hợp của thị trường về giá trị chiến lược. Tiếp nữa là xây dựng chiến lược phù hợp để gia nhập thị trường.Và cuối cùng, nhất thiết phải xây dựng được các quan hệ đối tác hữu hiệu trong thị trường nội địa.

Việc tiếp cận thị trường giáo dục nội địa là một công việc lâu dài và phức tạp. Tuy nhiên, với kinh nghiệm dày dạn, tiếm lực kinh tế lớn, năng lực quản lý chuyên nghiệp và công nghệ hiện đại, các nhà đầu tư xuyên quốc gia hiện đặt nhiều hy vọng vào việc chinh phục thành công các thị trường giáo dục nội địa. Dưới tác động của các nhà đầu tư quốc tế  này cùng với sự phối hợp của các nhà đầu tư trong nước hoạt động vì lợi nhuận, dịch vụ giáo dục có nhiều khả năng bị kéo về phía của một thị trường dịch vụ thuần tuý, như bất cứ thị trường dịch vụ nào khác.

Vì vậy khó khăn lớn nhất của Chính phủ trong chiến lược hội nhập với hai kịch bản nêu trên là xây dựng thể chế chuẩn thị trường giáo dục, tức là tạo dựng hành lang pháp lý, chính sách và cơ chế phù hợp để bảo đảm thị trường giáo dục phát huy hiệu quả nhưng vẫn chỉ vận động trong giới hạn của một chuẩn thị trường.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] OECD, Internationalization and Trade in Higher Education, Opportunities and Challenges, 2004

[2]  Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020

[3] Think Scenarios, Rethink Education, OECD 2006.

[4]  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, tr 35, Nxb Chính trị quốc gia, HN 2006

[5] 2009 World Conference on Higher Education: The New Dynamics of Higher Education and Research for Societal Change and Development, Communique 8 July 2009.

[6] UNESCO, Synthesis Report on Trends and Developments in Higher Education since the WCHE (1998-2003), Paris 2003.

[7]  Supachai Yavaprabhas, ASEAN Higher Education Area, Macao 2008

[8] Xem chẳng han Kỷ yếu của Diễn đàn quốc tế “Gia nhập WTO và đổi mới giáo dục đại học VN”, Hà Nội 12/2006

[9]  A Global Education Market? Global Businesses Buiding Local Markets, White Paper by Peter Stokes, Eduventures.com, 2001. 

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)