Xã hội không-có-lần-thứ-hai

Hệ thống giáo dục từng giúp cho Hàn Quốc phồn vinh nay đang bắt đầu phải thay đổi.

Kỳ thi quyết định đời người

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày thi đại học là cả Hàn Quốc tạm dừng hoạt động: Máy bay không cất cánh, văn phòng mở cửa muộn, người đi bộ đứng tránh khỏi lòng đường, cảnh sát túc trực đề phòng tình huống khẩn cấp có thể xảy đến với thí sinh thi. Bộ bài thi trắc nghiệm ngày hôm đó sẽ quyết định tương lai của thí sinh. Những người đạt điểm cao sẽ được vào trường tốt, gần như đảm bảo cho họ vị trí trọn đời tại một chaebol. Thí sinh bị điểm kém thì vào những trường ít tên tuổi, hoặc không vào nổi đại học. Sau đó, họ chỉ được nhận vào những công ty nhỏ kém uy tín hơn và, vì chuyện nhảy việc là điều cấm kỵ ở Hàn Quốc, nên họ rất có thể sẽ ở nguyên đó cho đến hết đời. Thế là chỉ cần điền sai vài chỗ thôi cũng có thể vĩnh viễn bị đẩy ra khỏi tầng lớp trên của xã hội Hàn Quốc.

Việc chú trọng tối đa vào một kỳ thi như vậy mang lại một số lợi thế cho Hàn Quốc. Hệ thống này rất giản tiện: một kỳ thi duy nhất để sàng lọc những thanh niên giỏi giang, chăm chỉ và đẩy họ vào dòng chảy hối hả của xã hội. Cơ chế này khuyến khích những người tài năng: người nghèo mà có tài sẽ vươn được lên cao chỉ bằng cách học hành chăm chỉ. Tầm quan trọng của kỳ thi cũng nhắc nhở trẻ em phải nghe giảng khi đi học và nhắc phụ huynh giám sát con cái làm bài tập về nhà; và điều này lại càng giúp đảm bảo rằng kết quả học tập ở Hàn Quốc đạt tới mức khiến thế giới phải mơ ước. Hàn Quốc gần như dẫn đầu hệ thống chấm điểm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Năm 2009, họ đứng thứ tư, sau Thượng Hải, Singapore và Hồng Kông nhưng những nơi đó đều là thành phố hơn là một quốc gia đúng nghĩa.

Một khảo sát cho thấy 100% phụ huynh ở Hàn Quốc muốn con vào đại học. Trên thực tế, có tới 63% người Hàn Quốc trong độ tuổi 25 đến 34 tốt nghiệp đại học –tỷ lệ cao nhất trong các nước OECD.

Người dân được đào tạo tốt và cần cù đã tạo ra phép màu kinh tế Hàn Quốc. Khởi đầu từ “chân đất” những năm 1960, họ đã tiến lên thời đại băng thông rộng. Năm ngoái bất chấp suy thoái toàn cầu, Hàn Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,2%. Trong thời đại kinh tế tri thức, giáo dục quyết định vận mệnh nền kinh tế. Vì vậy, nhờ vào giáo dục mà hệ thống [kinh tế xã hội] của Hàn Quốc đã đạt được những thành công sâu rộng.

Tuy nhiên, cái giá [mà học sinh] phải trả là rất cao. Trước hết, trường trung học đối với các em đúng là địa ngục. Hai tháng trước ngày thi đại học, Kim Min-sung, một học sinh bình thường, không cảm xúc và nhút nhát. Toàn bộ niềm vui dường như đã bị ép kiệt ra khỏi cậu để dành chỗ những gì thực tế hơn. Lớp học ở trường kéo dài từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều, và sau đó, cậu tới thẳng thư viện để học cho tới nửa đêm. Cậu ở đó bảy ngày mỗi tuần. “Mãi cũng quen thôi,” cậu nói mấp máy. Khoảng thời gian vui vẻ nhất của Min-sung là lúc chơi bóng đá với các bạn vào giờ nghỉ trưa. Tất cả học sinh thường tràn ra căng-tin khi chuông [hết giờ] reo và nuốt chửng món mì như sói đói. Chúng cố ăn thật nhanh để có thêm những phút giây tự do hiếm hoi.

Bố mẹ Min-sung bắt cậu dành phần lớn thời gian trong ngày để tập trung lo học hành. Bố cậu, một giáo viên, dạy cậu cách quản lý thời gian: lập một kế hoạch và tuân thủ nó, làm sao học đến mức nhiều nhất có thể nhưng không kiệt sức đến mức gục xuống bàn. Mẹ cậu tiếp sức cho con với những “món ăn ngon” và khuyên nhủ cậu “học thêm nữa, nhưng đừng cố quá.”

Min-sung nói cậu không đặc biệt ham muốn vào đại học. Mơ ước của cậu là trở thành đại diện cho một ngôi sao thể thao, vốn là công việc không cần tới bằng đại học. Tuy nhiên, cậu phải miễn cưỡng chấp nhận thực tế là ở Hàn Quốc, “không thể kiếm được việc nếu không có bằng đại học.”

Một khảo sát của hãng môi giới chứng khoán CLSA cho thấy 100% phụ huynh ở Hàn Quốc muốn con vào đại học. Trên thực tế, có tới 63% người Hàn Quốc trong độ tuổi 25 đến 34 tốt nghiệp đại học – tỷ lệ cao nhất trong các nước OECD. Kể từ năm 1995, tỷ lệ người Hàn Quốc vào đại học đã tăng tới 30%, đạt mức 71% vào năm 2009. Kết quả này có vẻ ấn tượng, nhưng dường như không phải tất cả thanh niên Hàn Quốc ra trường đều được hưởng lợi thực sự từ tấm bằng đại học hơn là đi học nghề. Một khảo sát hồi tháng Tám [năm 2011] phát hiện ra rằng có tới 40% sinh viên không tìm được việc trong 4 tháng đầu tiên sau khi ra trường.

Các chaebol chỉ tuyển người theo học các trường danh giá –  nghĩa là họ có thể để mất những người tài nhưng lại không giỏi chuyện thi cử, cũng như những người phát triển muộn, tài năng chỉ đạt độ chín ở độ tuổi ngoài 20 hoặc ngoài 30 trở đi.

Tình trạng thất nghiệp cho thấy sự hy sinh to lớn về tài chính đối với phần lớn các gia đình cho việc học hành của con cái đã không đem lại kết quả tương xứng. Học phí đại học vốn không rẻ, và nỗ lực ôn luyện vào đại học cũng vô cùng tốn kém. Các phụ huynh thường tìm mọi cách để giúp con qua được kỳ thi quyết định đời người. Nhiều người gửi con tới các lò luyện thi tư nhân, được gọi là hagwon, sau giờ học ở trường. Các gia đình ở Seoul chi tới 16% thu nhập cho việc thuê gia sư.

Cho một đứa con theo học “lò” 1.000 USD mỗi tháng đã là khó. Nuôi ba đứa con cùng học như vậy thì thật phi thường. Các bậc cha mẹ bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang. Những người chỉ có một con sẽ chịu được chi phí cao và họ đẩy giá của những “lò” tốt nhất lên. Điều này khiến các gia đình khác càng có lý do để sinh ít con hơn.

Kể từ năm 1960, tỷ lệ sinh con ở Hàn Quốc đã giảm, có lẽ là nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, từ mức 6 trẻ em trên mỗi phụ nữ xuống chỉ 1,15 vào năm 2009. Đó chính là một cảnh báo cho một sự sụp đổ về nhân khẩu. Nếu mỗi phụ nữ Hàn Quốc chỉ có một con thì mỗi thế hệ sau sẽ chỉ có quy mô bằng một nửa thế hệ trước đó. Hàn Quốc sẽ già cỗi và suy yếu đi.

Cũng không ngạc nhiên khi Chính phủ [Hàn Quốc] lo ngại. Tổng thống Lee Myung-bak nói rằng cần phải tạo ra một “xã hội công bằng”. Có nghĩa là, cùng với nhiều việc khác, phải thay đổi thái độ đối với bằng cấp. Ông nói ông muốn các nhà tuyển dụng bắt đầu đánh giá các nhân viên tiềm năng bằng các tiêu chí khác chứ không chỉ xem xét bằng cấp và học vấn. Hồi tháng Chín [2011], ông hứa hẹn Chính phủ sẽ bắt đầu tuyển thêm người chưa có bằng đại học. “Giá trị [con người] không chỉ bao gồm lý lịch giáo dục,” ông nói.

Áp lực thay đổi

Tổng thống cũng khuyên các công ty nên mở rộng tiêu chí tuyển dụng để có thể tuyển những người ở các cấp độ kinh nghiệm khác nhau. Một số công ty đã đồng ý. Ví dụ, Công ty đóng tàu Daewoo cho biết sẽ bắt đầu tuyển những người tốt nghiệp trung học và mở một trung tâm để đào tạo họ. Tuy nhiên, các nhà quản lý ở những công ty lớn nhất của Hàn Quốc lại thuộc thế hệ những người coi bằng cấp là tất cả và họ có thể sẽ không muốn thay đổi.

Tổng thống Lee Myung-bak nói rằng cần phải tạo ra một “xã hội công bằng”. Có nghĩa là, cùng với nhiều việc khác, phải thay đổi thái độ đối với bằng cấp. Ông nói ông muốn các nhà tuyển dụng bắt đầu đánh giá các nhân viên tiềm năng bằng các tiêu chí khác chứ không chỉ xem xét bằng cấp và học vấn. Hồi tháng Chín [2011], ông hứa hẹn chính phủ sẽ bắt đầu tuyển thêm người chưa có bằng đại học.

Chính phủ cũng đang nỗ lực giảm bớt những ưu thế mà các trường tư thục dành cho trẻ em trong các gia đình khá giả. Từ năm 2008, nhà chức trách địa phương đã được phép giới hạn giờ và học phí của các lò luyện thi. Các “thám tử tự do”, được gọi là “hagparazzi”, bí mật mang máy ảnh tới các “lò” để bắt quả tang những nơi thu phí quá cao hoặc dạy quá giờ. Hagparazzi sẽ được thưởng một phần số tiền phạt mà các cơ sở giáo dục vi phạm phải nộp. Nhưng những lò luyện thi giá tới 1.000USD/tháng vẫn mọc lên như nấm. Theo số liệu của Chính phủ thì hiện có khoảng 100.000 lò.

Một áp lực khác khiến Hàn Quốc thay đổi chính là giới trẻ. Rất nhiều người thắc mắc liệu việc bị người già áp đặt lối sống có làm cho họ hạnh phúc hay không. Kang Jeong-im, nhạc công, nói ngắn gọn: “Tôi nghĩ là rất khó sống theo ý mình ở Hàn Quốc.” Điều tồi tệ nhất chính là trường trung học, cô nhớ lại: “Chúng tôi cứ như là máy ghi nhớ. Hầu như ngày nào tôi cũng ngủ gục trên bàn học. Giáo viên quát tháo và ném phấn vào tôi.”

Cô Kang đã khiến cha mẹ tự hào khi đỗ vào Đại học Yonsei, một trong những trường hàng đầu ở Hàn Quốc. Nhưng vào được trường, cô lập tức nổi loạn. Cô giao du với những người cấp tiến, đọc các tài liệu về Marx và Foucault. Cô cũng tham dự những cuộc diễu hành chống đối, vẫy áp phích, bị dính hơi cay, và suýt bị bắt. “Tôi thấy thích như vậy,” cô nói, “cảm giác mình được làm gì đó quan trọng”.

Cô tập chơi guitar rồi lập ban nhạc. Cha mẹ cô không thực sự vui lòng; họ muốn cô tìm một công việc được coi trọng và lập gia đình. Bạn bè và họ hàng của cha mẹ cô hỏi: “Con gái anh chị đang làm gì?” và “Sao anh chị lại để cháu nó sống như thế?”

Kang không thể sống được bằng thu nhập từ việc chơi nhạc nên cô phải làm thêm các công việc ngắn hạn. Ở Hàn Quốc có rất nhiều người giống như cô. Tỷ lệ người làm việc bán thời gian trong giới trẻ Hàn Quốc đã bùng nổ từ 8% năm 2000 lên tới 23% vào năm 2010; còn tỷ lệ người dưới 25 tuổi ký hợp đồng ngắn hạn nhảy vọt từ 0% lên tới 28%. Một phần lý do là các công ty thiếu tiền mặt đang dần dần từ bỏ truyền thống thuê nhân viên trọn đời, một phần khác là do giới trẻ cũng chẳng còn muốn bị trói vào một vị trí trong suốt 30 năm.

Tác động từ bên ngoài

Gần đây con đường để thăng tiến của thanh niên HQ đã bắt đầu thay đổi do một yếu tố tác động quan trọng chính là các du học sinh. Khoảng 13% sinh viên bậc đại học của Hàn Quốc học ở nước ngoài, theo số liệu của OECD – đây là tỷ lệ cao hơn bất kỳ nước phát triển nào. Những năm gần đây, nhiều người trong số họ đã về nước, chủ yếu vì Chính phủ Mỹ sau sự kiện 11/9/2001 đã có những chính sách khiến sinh viên người nước ngoài tốt nghiệp rất khó xin được việc ở Mỹ. Một điều tra của Vivek Wadhwa (Đại học Duke) phát hiện ra rằng phần lớn sinh viên không thể xin được visa làm việc. Và vì quy trình đăng ký quá dài dòng mệt mỏi nên nhiều người thậm chí chẳng buồn thử. Đây là một thiệt hại cho Mỹ nhưng lại là thắng lợi của Hàn Quốc (cũng như Ấn Độ và Trung Quốc).

Những người trở về nhìn chung đều có năng lực và ít bị truyền thống trói buộc hơn. Ví dụ, Richard Choi – người có cha đẻ làm quản lý cho một một chaebol và thường phải đi khắp nơi – theo học một trường của Anh ở Hồng Kông, rồi học văn hóa khởi nghiệp của Mỹ trong khi nghiên cứu công nghệ y sinh học tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore.

Khi về Hàn Quốc, anh thành lập một mô hình kinh doanh trong đó khách hàng nhận được điểm tích lũy mua hàng từ người bán hàng khi giới thiệu sản phẩm cho bạn bè. Nếu mô hình này hoạt động được ở đâu khác thì chắc chắn nó cũng sẽ thành công ở Seoul, như Choi nhận định. Mà ngay cả khi mô hình này thất bại thì Choi cũng có thể kiếm được việc tốt, anh nghĩ vậy. Nhưng anh cần phải khẩn trương vì ngay cả người có kỹ năng tốt như anh cũng chẳng có chaebol nào thèm thuê nếu đã quá 30 tuổi.

Một số ít người học trong nước cũng đang thách thức hệ thống cũ. Charles Pyo, một doanh nhân internet trẻ, mượn thẻ tín dụng của mẹ để bắt đầu kinh doanh dịch vụ thiết kế trang web năm 14 tuổi. Cha mẹ anh không đồng ý; họ nghĩ anh đáng ra nên lo học hành. Nhưng rồi họ nhượng bộ sau khi thấy dòng tiền chảy vào tài khoản. Anh kiếm được 200.000 USD trong vòng 3 năm.

Giờ đây, sau khi tốt nghiệp Đại học Yonsei, ở tuổi 25, Pyo đã kịp mở hai công ty: một chuyên cung cấp các “widget” – các gói phần mềm giúp trang web của các công ty hoạt động tốt hơn – và sắp sửa kinh doanh cả những phần mềm ứng dụng “điện toán đám mây” cho smartphone; một chuyên thiết kế game cho mạng xã hội.

Pyo nói rằng những việc anh đang làm thú vị hơn rất nhiều so với việc đi làm công ăn lương thông thường. Nhưng anh cũng gặp nhiều khó khăn khi tuyển nhân viên. Mọi người vẫn nghĩ rằng nếu ai đó không làm cho chaebol thì chắc chắn chỉ vì người đó không đủ giỏi, anh phàn nàn. “Họ nói: ‘Sao tôi lại nên làm việc cho anh? Anh có phải Samsung đâu.’”

Pyo tin rằng Hàn Quốc sẽ là một quốc gia hạnh phúc hơn nếu như có thêm nhiều người đủ can đảm tự lập. Nhưng sinh viên giỏi vẫn “quan tâm quá nhiều đến kỳ vọng từ người khác,” anh thở dài. “Họ không muốn tụt lại sau bạn bè. Họ sợ nếu làm điều gì đó khác biệt thì sẽ bị coi là kẻ thất bại.”

Vương quốc nhiệm mầu phải cởi mở hơn

Bước nhảy vọt kinh tế của Hàn Quốc dựa trên một cơ cấu dân số trẻ và người lao động cần cù (lực lượng lao động Hàn Quốc từng tăng mạnh trong giai đoạn 1970 – 1990), một nền giáo dục tốt, và rất nhiều cơ hội để bắt kịp các nước phát triển. Nhưng thế giới, và cả Hàn Quốc, đều đã thay đổi. Hàn Quốc không thể tiếp tục giữ được sự năng động với một lực lượng lao động đang già nua và giảm dần về số lượng, không thể sáng tạo với một hệ thống giáo dục đặt việc học vẹt lên trên tư duy. Và người dân Hàn Quốc không thể phát huy hết tiềm năng trong một xã hội nơi chỉ có một cửa duy nhất để vươn lên trong cuộc sống, nhất là khi cơ hội ấy đến khi họ mới còn ở tuổi thiếu niên. Để tiếp tục là nơi mà một nhà văn đã gọi là “mảnh đất nhiệm mầu”, Hàn Quốc phải cởi mở hơn, và cho phép có nhiều con đường dẫn tới thành công.

    Hoàng Minh dịch

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)