Xếp hạng nguồn thu từ nghiên cứu của các trường
Times Higher Education vừa công bố Xếp hạng Đại học Thế giới 2024, theo đó các vị trí trong top 10 vẫn hoàn toàn thuộc về các trường đại học của Vương quốc Anh và Mỹ. Nhưng một phân tích theo chiều dọc - bao gồm các trường đại học được xếp hạng hằng năm kể từ năm 2019 và các quốc gia có ít nhất 10 trường đại học như vậy - cho thấy vị thế chung của Vương quốc Anh và Mỹ đang suy giảm so với các hệ thống giáo dục đại học khác.
Trung Quốc đang tiến gần hơn đến top 10 và hiện lần đầu có hai trường vào top 15: ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh vượt qua ĐH Pennsylvania, ĐH Johns Hopkins và ĐH Columbia để lần lượt lên vị trí 12 và 14 trong xếp hạng vừa được công bố. Trong khi đó, ĐH Tokyo của Nhật Bản vượt ĐH Edinburgh, King’s College London và Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, sau khi tăng 10 bậc lên vị trí thứ 29.
Một nghiên cứu dữ liệu trong sáu năm của THE cho thấy thứ hạng trung bình của các trường đại học Mỹ đã giảm từ 296 trong ấn bản năm 2019 xuống 348 trong ấn bản mới nhất; thứ hạng trung bình của các trường đại học Anh cũng giảm từ 451 xuống 477.
Ngược lại, thứ hạng trung bình của các trường đại học Trung Quốc, Úc và Canada được cải thiện – từ 635 lên 502; 322 lên 282; và 349 lên 337.
Năm nay, Mỹ đã vượt qua Đức để trở thành quốc gia có thu nhập tổng thể của trường tính trên mỗi giảng viên cao nhất. Thu nhập tổng thể của trường được định nghĩa gồm các nguồn tài trợ, hợp đồng, học phí, hiến tặng, đầu tư và thương mại hóa. Con số này trung bình là 1,34 triệu USD/giảng viên đối với các trường đại học Mỹ (tăng 42% kể từ năm 2019) và 1,33 triệu USD/giảng viên đối với các trường đại học Đức (tăng 23%). Con số của Vương quốc Anh nhỏ hơn nhiều, chỉ ở mức 439.000 USD/giảng viên – thấp hơn Pháp, Ý, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada cùng nhiều nước khác.
Tuy nhiên, xét về thu nhập từ nghiên cứu trên mỗi giảng viên – một con số thành phần trong con số thu nhập tổng thể của trường – Đức vẫn đứng đầu (457.000 USD/giảng viên), trong khi Mỹ thấp hơn nhiều (208.000 USD/giảng viên) và đang trên đà giảm.
Phân tích theo chiều dọc còn chỉ ra, nguồn thu từ nghiên cứu đóng góp vào thu nhập tổng thể của các trường đại học Anh và Mỹ bị giảm: từ 18,5% xuống 15,6% ở Mỹ và 14,7% xuống 13,4% ở Anh.
Ngược lại, ở một số hệ thống giáo dục đại học lớn khác – gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada và Úc – nguồn thu từ nghiên cứu đều tăng kể từ năm 2019. Con số của Đức tương đối ổn định, giảm nhẹ từ 34,9% xuống 34,4%.
Mỹ và Vương quốc Anh đứng thứ 20 và 25 về tỷ lệ thu nhập từ nghiên cứu, trong số 28 quốc gia được đưa vào phân tích. Thụy Điển đứng đầu với 65,5% vào năm 2024 (cùng tỷ lệ với năm 2019), Hà Lan đứng thứ hai (47,2%) và Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ ba (37,6%).
Mặc dù mức giảm nhỏ nhưng Vương quốc Anh cũng là quốc gia duy nhất chứng kiến sự sụt giảm về mức thu nhập tuyệt đối từ nghiên cứu trên mỗi giảng viên kể từ năm 2019 – giảm 0,3%, xuống còn 58.800 USD.
Các số liệu về thu nhập tổng thể của trường và thu nhập từ nghiên cứu đã được điều chỉnh theo ngang giá sức mua để tạo ra những so sánh quốc tế có ý nghĩa.
Dữ liệu không tính đến tài trợ chéo giữa các quỹ; ví dụ, ở Anh, một tỷ lệ đáng kể nguồn thu từ học phí của sinh viên quốc tế được sử dụng cho nghiên cứu, nhưng số tiền này chỉ được tính vào con số thu nhập tổng thể của trường. Theo Billy Wong, nhà khoa học dữ liệu chính của THE, điều đáng ngạc nhiên là “các trường đại học Mỹ và Anh nhận được rất nhiều tiền từ các hoạt động ngoài nghiên cứu”.
Ông nói thêm, những dữ liệu thu nhận được cũng đặt ra câu hỏi liệu “sự phình to của bộ phận hành chính có đang gây tốn kém quá mức không”.
Ngày càng có nhiều lời phàn nàn về sự cồng kềnh hành chính ở hệ thống giáo dục đại học Anh và Mỹ.
Một điều tra gần đây trên Nhật báo Phố Wall (The Wall Street Journal) tiết lộ “các trường đại học công lập nổi tiếng nhất của Mỹ đã chi tiêu thoải mái” trong hai thập kỷ qua, đầu tư vào các tòa nhà mới, chỗ ở cho sinh viên và các chương trình thể thao cũng như tuyển dụng cho hệ thống quản lý nhiều lớp.
Paul Weinstein, giảng viên cao cấp về quản lý công tại Đại học Johns Hopkins, cho biết hỗ trợ của chính phủ Mỹ dành cho nghiên cứu ở cấp liên bang và bang đã giảm nhưng chi tiêu hành chính quá tay cũng dẫn đến lạm vào các nguồn lẽ ra dành cho nghiên cứu và đào tạo.
“Và tất nhiên, sự gia tăng trong quản lý hành chính – cùng các quy trình, quy tắc và thủ tục giấy tờ đi kèm – còn làm giảm lượng thời gian mà giảng viên có thể dành cho nghiên cứu,” ông nói.
Simon Marginson, giáo sư giáo dục đại học tại ĐH Oxford, thì nhận xét, thành tích đứng đầu của đại học Đức về thu nhập từ nghiên cứu trên mỗi giảng viên phản ảnh thực tế là hầu hết các cơ sở giáo dục đại học ở nước này đều tập trung vào nghiên cứu, không giống như ở các hệ thống khác, chẳng hạn như Mỹ.
Tuy nhiên, ông cho biết rất khó để đưa ra kết luận chính xác từ việc so sánh giữa các quốc gia do các hệ thống tài trợ và định nghĩa được sử dụng khác nhau, trong khi tài trợ chéo là một “yếu tố phức tạp” trong dữ liệu.
Roy Griffiths – Giáo sư quản lý khu vực công tại King’s College London, cho biết bà ngờ rằng sự sụt giảm của tỷ trọng thu nhập từ nghiên cứu ở Mỹ và Anh “thể hiện những thay đổi trong nguồn thu từ học phí hơn là một số thay đổi lớn trong dòng tài trợ nghiên cứu”. Bà chỉ ra, học phí ở Mỹ trên thực tế đã tăng; ở Anh, học phí đối với sinh viên trong nước giảm nhưng học phí của sinh viên quốc tế – vốn ngày càng đông – lại tăng cao.
Xếp hạng Đại học Thế giới THE 2024 xếp hạng 1.904 trường đại học của 108 quốc gia và vùng lãnh thổ trong tổng số 2.673 trường gửi dữ liệu. Các trường được xếp hạng phải đạt một số tiêu chí như: công bố ít nhất 1.000 bài báo khoa học trên các ấn phẩm có uy tín trong thời gian 5 năm, có đào tạo đa ngành và đào tạo sau đại học.
Khúc Liên