Xét tặng giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”
Theo dự thảo quy định xét tặng giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, Bộ GD&ĐT dự kiến xét tặng giải thưởng này theo sáu lĩnh vực KH&CN.
Sáu lĩnh vực này bao gồm:
1- Khoa học tự nhiên: Toán học và thống kê, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, khoa học trái đất và môi trường, sinh học, khoa học tự nhiên khác.
2- Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ: Kỹ thuật dân dụng; kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật thông tin; kỹ thuật cơ khí, chế tạo máy; kỹ thuật vật liệu và luyện kim; kỹ thuật hóa học; kỹ thuật y học; kỹ thuật môi trường; công nghệ sinh học môi trường; công nghệ sinh học công nghiệp; công nghệ nano; kỹ thuật thực phẩm và đồ uống; khoa học kỹ thuật và công nghệ khác.
3- Khoa học Y, Dược: Y học cơ sở, y học lâm sàng, dược học, công nghệ sinh học trong y học, khoa học y, dược khác.
4- Khoa học Nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, thủy sản, công nghệ sinh học nông nghiệp, khoa học nông nghiệp khác.
5- Khoa học xã hội: Tâm lý học, kinh tế và kinh doanh, khoa học giáo dục, xã hội học, pháp luật, khoa học chính trị, địa lý kinh tế và xã hội, thông tin đại chúng và truyền thông, khoa học xã hội khác.
6- Khoa học nhân văn: Lịch sử và khảo cổ học, ngôn ngữ học và văn học, triết học, đạo đức học và tôn giáo, nghệ thuật, khoa học nhân văn khác.
Bộ GD&ĐT cho biết, giải thưởng nhằm mục đích phát huy tính năng động, sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học độc lập hoặc làm việc theo nhóm của sinh viên; hình thành năng lực tự học cho sinh viên; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học; góp phần phát hiện và bồi dưỡng các nhà khoa học trong tương lai.
Các đề tài được triển khai ứng dụng trong thực tiễn sẽ được ưu tiên.
Theo dự thảo, đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tham gia xét Giải thưởng phải đáp ứng các yêu cầu sau: Được hội đồng khoa học cấp cơ sở đánh giá xếp loại xuất sắc; có tính mới, tính sáng tạo; có giá trị khoa học và thực tiễn. Ưu tiên các đề tài được triển khai ứng dụng trong thực tiễn hoặc có công bố khoa học từ kết quả nghiên cứu của đề tài trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước.
Đồng thời, chưa được trao bất kỳ một giải thưởng tương đương cấp Bộ tại thời điểm nộp hồ sơ; tổng số sinh viên tham gia thực hiện một đề tài tối đa không quá năm người, trong đó phải xác định rõ sinh viên chịu trách nhiệm chính; mỗi đề tài chỉ có một người hướng dẫn nghiên cứu.
Theo dự thảo, thời hạn nhận hồ sơ trước ngày 30/6 hàng năm. Lễ trao Giải thưởng sẽ được tổ chức vào tháng 12 hàng năm.
Về cơ cấu giải, mỗi lĩnh vực KH&CN sẽ có 1 giải nhất hoặc không quá 2% tổng số đề tài của mỗi lĩnh vực; số giải nhì không quá 15% tổng số đề tài của mỗi lĩnh vực; giải ba không quá 25% tổng số đề tài của mỗi lĩnh vực; giải khuyến khích không quá 35% tổng số đề tài của mỗi lĩnh vực.
Trường hợp đặc biệt, Ban Chỉ đạo Giải thưởng quyết định số lượng giải thưởng của mỗi lĩnh vực KH&CN.
Theo dự thảo, quy định này sẽ áp dụng đối với các đại học, trường đại học, học viện trong hệ thống giáo dục quốc dân (cơ sở giáo dục đại học). Đối tượng tham gia giải thưởng là đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học trên lãnh thổ Việt Nam tại thời điểm nộp hồ sơ tham gia xét giải thưởng. Luận văn, đồ án tốt nghiệp của sinh viên không thuộc đối tượng tham gia xét Giải thưởng này. |
Nguồn: http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Xet-tang-giai-thuong-Sinh-vien-nghien-cuu-khoa-hoc-theo-6-linh-vuc/237925.vgp