Xoay hướng đình!

Thực tình mà nói, chẳng bao giờ ngành Giáo dục coi nhẹ “cỗ máy cái” có tên Sư phạm. Tóc trên đầu tôi từ khi rậm như rừng, bây giờ lơ thơ dăm ba ngọn, đã được nghe và nghe không biết bao nhiêu lần cái mệnh đề ban ra như một ước mơ, sư phạm phải đi trước một bước.

Thế nhưng, ước mơ đó dần dần trở thành ác mộng của những nhà tổ chức công cuộc Giáo dục khi thấy mình bó tay không sao thực hiện nổi cái ước mơ dằng dai day dứt.

Bài viết này sẽ đưa ra một vài điều “bắt bệnh” và một toa thuốc dùng thử, để cùng ngẫm nghĩ tiếp công việc đi trước một bước của ngành Sư phạm, sao cho ngành này đi đầu lôi cuốn toàn bộ sự nghiệp trồng người.

Bệnh không chuyên nghiệp

Chẳng ai đọc hết các luận văn được đẻ ra từ “lò” Đại học Tổng hợp (gọi theo tên cũ) và “lò” Đại học Sư phạm. Nhưng điều bắt bệnh sau đây chắc là không sai mấy: các luận văn của hai nguồn đào tạo sao mà giống nhau! Sự giống nhau đó không bộc lộ cái “lỗi” của phía Đại học Tổng hợp (nghiên cứu những vấn đề khoa học chung). Nhưng nó bộc lộ cái lỗi của phía Sư phạm: luận văn của sư phạm phải mang tính chuyên nghiệp riêng của nghề dạy học chứ?

Lấy một thí dụ: “lò” Sư phạm Việt Bắc có luận văn về Truyện Kiều, thì luận văn đó không thể, chẳng hạn, chỉ dừng lại so sánh văn bản của Nguyễn Du, thí dụ “tốt vời” hay “tót vời” hay “tuyệt vời”; không thể dừng lại ở cú pháp của cách kể chuyện giữa giường thất bảo ngồi trên một bà… Nếu đã là luận văn tạo ra từ “lò” Sư phạm Việt Bắc, có lẽ phải gắn với việc dạy cùng những chi tiết ấy cho người dân tộc thiểu số với những thiếu thốn nhất định về sự am tường tiếng Việt.

Thế nhưng, tại sao lại có tình trạng cách “nghiên cứu” trùng nhau như thế? Câu trả lời của tôi là: tại vì công việc làm luận văn không là kết quả của một công trình nghiên cứu, mà hình như mới chỉ là viết luận văn thôi. Nhiều khi viết mà không cần nghiên cứu.

Một luận văn là một công trình tổng kết mang tính lý thuyết về những khám phá của tác giả trong thực tiễn nghiên cứu “thực địa”.

Xét theo tinh thần đó, trong một luận văn, phần viết hào hứng nhất, phần viết gan ruột nhất của tác giả phải là phần Phương pháp nghiên cứu. Thế nhưng, xin bạn hãy lật giở bất cứ luận văn, luận án nào, phần “Phương pháp nghiên cứu” là phần tất cả các tác phẩm đều giống hệt nhau cả về nội dung lẫn giọng văn.

Xin kể một chuyện minh họa. Cô giáo T.T.L.A. nhờ tôi góp ý đề cương về dạy thơ Tú Mỡ. Tôi khuyên cô nên thêm một phần: Đưa Tú Mỡ vào dạy từ lớp nào ở bậc phổ thông? Thực nghiệm ít nhất ở lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ cho thấy học sinh khác nhau ra sao khi đến với Tú Mỡ, và nhà sư phạm phải xử lý công việc dạy như thế nào. Xin nói luôn, giáo sư hướng dẫn của cô đã gạch phần đó, bảo cô là “rách việc”.

Trong tình hình giáo sư cũng cần chạy sô theo số lượng người học, thì việc nghiên cứu quả là rách việc thật. Và thế là còn lại con đường ngon ăn nhất: chỉ viết luận văn thôi. Và giáo sư tự tay chữa luận văn của học trò đỏ lòe đỏ loẹt … cho nhanh! Cho đỡ “rách việc”!
Rất khó thực hiện một cách làm khác đi, cho chất sư phạm được tôn trọng. Khó nhưng không phải là tuyệt vọng! Và đây là trải nghiệm của tôi. Cuối những năm 1990, tôi hay bị phó tiến sĩ Đ.N.R. (cầu Giời cho linh hồn con người hiền hòa xuề xòa này an nghỉ) bắt tôi “giúp đỡ” người làm nghiên cứu do anh hướng dẫn. Trong cả chục người, chỉ được một người nghe tôi tiến hành thực nghiệm thao tác tưởng tượng của học sinh tiểu học với vật liệu là những tranh trừu tượng tôi mượn từ thư viện Trường Quốc tế Pháp tại Hà Nội. Tôi rất quý cô giáo dân tộc Bế H.H. này. Sản phẩm nghiên cứu của cô hiện được dùng vào sách Văn của nhóm Cánh Buồm, riêng ở sách Văn lớp Năm có bài ôn tập với những hình trừu tượng vừa kể.

Bệnh vu vơ

Do “nghiên cứu” lấy lệ, không cốt tự học, cốt lấy văn bằng, nên kết quả “nghiên cứu” không thể sát thực. Ta hãy hình dung, nhờ chủ trương “tiến sĩ hóa” các vị trí then chốt, khi những vị đó được ngồi ở địa vị được ban ra những quyết sách mang tính chuyên nghiệp cho trường sư phạm, thì kết quả sẽ ra sao.

Sẽ là những quyết sách vu vơ. 

Để minh họa cho cái vu vơ, xin trích giới thiệu một số hướng dẫn tổ chức trường cao đẳng sư phạm tiểu học, bậc học quan trọng nhất và khó khăn nhất của trường phổ thông.
Trong cả nồi canh sùng sục, hãy nếm thử hai thìa: Quyết định 2493-GD-ĐT ngày 25-7-1995, ban hành mục tiêu, kế hoạch, chương trình Cao đẳng Sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học và các tài liệu ban hành kèm, và Quyết định 3049-GD-ĐT ngày 1-9-1995, ban hành mục tiêu, kế hoạch, khung chương trình đào tạo giáo viên tiểu học lên trình độ cao đẳng sư phạm và các tài liệu ban hành kèm.

Trong những quyết định này, đã thống kê được những mục tiêu cần có của một nhà giáo sau 3 năm đào tạo chính quy. 

“Về văn hóa và khoa học: Trang bị một cách có hệ thống và rộng những tri thức các môn văn hóa-khoa học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn, nghệ thuật…) liên quan đến các môn học và hoạt động ở tiểu học”.

Về âm nhạc, trang bị những “khái quát nghệ thuật âm nhạc thế giới”, “giới thiệu và nghe tác phẩm một số nhạc sĩ tiêu biểu như J. S. Bach, Mô-da, Bê-hô-ven, Su-be, Sô-panh, Tsai-cốp-xki”…, học các “khuynh hướng âm nhạc hiện đại (Jazz, Pop, Rock)”, và học cả “nhạc phi điệu tính” nữa.

Về mỹ thuật, cũng dự kiến học Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam và thế giới, “đi sâu vào giới thiệu danh họa và tác phẩm tiêu biểu của một số khuynh hướng nghệ thuật”, “phân tích tác phẩm hội họa và điêu khắc”, v.v…

Trong quyết định cũng nói tới việc đào tạo giáo sinh có năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực tự tổng kết kinh nghiệm và năng lực tự chọn phương pháp giáo dục thích hợp nhất.

Những quyết định này soạn ra đã gần mười năm, không biết đã có ai, có cơ quan nào rút ra được điều gì bổ ích về tính đúng đắn hoặc tính chất vu vơ của chúng? Không biết chất lượng giáo viên sư phạm cao đẳng tiểu học giờ đây ra sao mà trẻ em cứ lao đi học thêm?

Tôi thành thực xin lỗi các vị chuyên viên đã khổ công biên soạn chương trình đào tạo sư phạm trên – chắc chắn các vị không định làm hỏng ngôi trường đào tạo người thầy vô cùng quý giá của ngành Giáo dục.

Nhưng các vị không sao tự mình rút ra nổi khỏi cái vòng luẩn quẩn như sau. Không thấy trường sư phạm nào công bố công trình nghiên cứu riêng của mình trên “thực địa” là trẻ em ở địa phương mình. Mong muốn giáo sinh cao đẳng sư phạm tiểu học có năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực tự tổng kết kinh nghiệm và năng lực tự chọn phương pháp giáo dục thích hợp nhất thì chính giáo viên của trường phải tổ chức công cuộc nghiên cứu đó. Nhưng lấy đâu ra thì giờ tổ chức nghiên cứu thực sự một khi các thầy còn bận hướng dẫn viết những luận văn rất đáng ngờ về phẩm tính khoa học. Ngay giáo sư hướng dẫn ở một trường sư phạm cỡ lớn còn coi việc nghiên cứu thực nghiệm là “rách việc” thì bói đâu ra cả một “phong trào quần chúng” thi đua nhau nghiên cứu khoa học?

Chỉ có thể nói: sự vu vơ được sinh ra từ phẩm tính vu vơ khi nghiên cứu lại được củng cố bằng những giải pháp vu vơ không khi nào bị trừng phạt.

Cứ như thế, thì làm sao cho có nổi trường sư phạm đi trước một bước?!

Bước nào đi trước?

Có lẽ có thể đề xuất cách làm theo trình tự công việc như sau chăng:

Việc một, trước khi đạt tới việc “đi trước một bước”, hãy kiên trì nghiên cứu thay đổi cách học của trẻ em kể từ độ tuổi thấp nhất có thể, nhưng ít nhất cũng phải từ khi các em vào lớp Một.

Xưa nay hễ nghĩ đến Cải cách Giáo dục, người ta thường nghĩ nhiều đến thay đổi mục đích, mục tiêu của Giáo dục hướng vào phục vụ nhiệm vụ chính trị. Phương diện tâm lý học của việc học rất ít được quan tâm nghiên cứu. Nay cần đề cao những công trình nghiên cứu cách học của trẻ em để từ việc thay đổi cách học này mà chuyển sang nghiên cứu cách nhà giáo tổ chức việc học của trẻ em.

Việc hai, công tác thực nghiệm và triển khai rộng dần công việc thực nghiệm, giúp xác định tính đúng đắn của sản phẩm nghiên cứu trong việc một trên đây. Công việc nghiên cứu thực nghiệm này phải mang tính chất tự do và dân chủ.

Tự do, là các nhóm nghiên cứu thi thố tài năng để có sản phẩm mang nặng tính chất địa phương. Ngay dạy tiếng Việt, giữa Hà Nội và Sài Gòn cũng có thể có cách học khác nhau, chưa nói đến so sánh giữa các thành thị lớn này và những người học ở các miệt vườn xa xôi, các vùng núi cao heo hút.

Dân chủ, là các nhóm nghiên cứu của các trường sư phạm phải được đối xử ngang nhau, cùng chịu những quy chế như nhau, cùng được hưởng kinh phí như nhau.

Mục tiêu giai đoạn làm việc hai này là chọn ra được những bộ sách và chương trình thích hợp hơn cả, có đủ khả năng đem dùng đại trà.

Việc ba, sau khi đã xác định được sản phẩm nghiên cứu tốt hơn cả, những sản phẩm (chương trình và sách giáo khoa) đã được trẻ em chấp nhận có khả năng nhân rộng thì sẽ tiến hành huấn luyện mới và huấn luyện lại các nhà giáo đứng lớp vốn được tuyển từ rất nhiều nguồn.

Công việc huấn luyện này cần được coi như là giai đoạn thực nghiệm sư phạm nhờ đã tìm ra được cách học của trẻ em.

Vậy là, thay vì theo một đường thẳng giản đơn theo kiểu “sư phạm đi trước một bước” làm đầu máy lôi kéo cả ngành Giáo dục đi theo, sẽ là hai vòng quay – một vòng trẻ em và một vòng sư phạm – hai vòng đuổi nhau và luôn luôn hướng lên phía trên, ngày càng cao hơn, ngày càng tinh tế hơn và phức tạp hơn, đem lại hiệu quả giáo dục ngày càng to lớn hơn.

Làm việc này không thể chỉ qua một chỉ thị. Phải thay đổi cái tư duy đối với cách làm khoa học từ những người thầy của người thầy. Cái tư duy ấy lâu nay đã quen mui theo một hướng đình làm cả làng toét mắt! Toét mắt là tại hướng đình, cả làng toét mắt riêng mình gì em! Có lẽ phải xoay hướng đình!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)