10 nhân vật nổi bật năm 2013

Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, có người còn rất trẻ, có người đã đến tuổi nghỉ ngơi, có người vì niềm đam mê khoa học, cũng có người vì không muốn khoanh tay đứng nhìn nỗi bất công… Tất cả, bằng những nỗ lực cá nhân, đã góp phần tạo nên diện mạo cho làng khoa học năm 2013 vừa qua theo sự đánh giá của tạp chí khoa học danh tiếng Nature.

TRƯƠNG PHƯỢNG: “Phù thủy” biến đổi DNA

Tiến sĩ trẻ 32 tuổi Trương Phượng, Học viện Công nghệ Massachusetts, đang đi đầu trong trào lưu nghiên cứu sử dụng hệ thống CRISPR/Cas để điều chỉnh bộ gene – một phương pháp ít tốn kém, dễ làm, và có độ chính xác cao.

CRISPRs (clustered regularly interspaced palindromic repeats – chuỗi lặp lại đối xứng đều nhau) là các chuỗi DNA được nhiều loại vi khuẩn và cổ khuẩn sử dụng để tự vệ. Chúng giải mã các sợi RNA có khả năng nhận diện cụ thể một chuỗi mục tiêu trong bộ gene virus. Các RNA kết hợp với một loại protein có liên quan đến CRISPR (gọi là Cas), để cắt DNA của đối tượng xâm nhập. CRISPR tương tự như hai phương pháp điều chỉnh bộ gene trước đây là ZFN (zinc-finger nuclease – nuclease ngón tay kẽm) và TALEN (transcription activator-like effector nuclease – nuclease giống nhân tố kích hoạt phiên mã). Tuy nhiên, cả hai phương pháp cũ này đều định vị các chuỗi mục tiêu qua các loại protein vốn khó sản xuất và đòi hỏi nhiều kinh phí. CRISPR sử dụng RNA nên dễ thiết kế hơn.

Tuy không phải là người khai sinh cho phương pháp điều chỉnh gene bằng CRISPR, song Tiến sĩ Trương Phượng đã cho thấy tiềm năng to lớn của phương pháp này với tác dụng trên các tế bào có nhân eukaryote, gồm cả tế bào của động thực vật. Phát hiện này khẳng định khả năng điều chỉnh bộ gene của các loài chuột, và thậm chí là loài linh trưởng, để hỗ trợ nghiên cứu, cải thiện cách mô phỏng bệnh trên người, từ đó phát triển các biện pháp điều trị.

TANIA SIMONCELLI: Chiến đấu với những bằng sáng chế gene người

Cuộc chiến cam go, dằng dai về bằng sáng chế gene người cuối cùng đã đi đến một kết thúc có hậu khi, vào tháng 6 vừa rồi, Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố Myriad Geneetics, một công ty chẩn đoán phân tử tại thành phố Salt Lake, Utah, thua kiện. Và công đầu thuộc về người phụ nữ có tên Tania Simoncelli.

Thực ra, Cục Sáng chế và Nhãn hiệu Thương mại Mỹ vẫn thường cấp bằng sáng chế gene người trong suốt gần 30 năm qua. Nhưng nhận thấy đây là mối đe dọa đối với quyền tiếp cận thông tin y học của cá nhân mỗi người dân, đồng thời cũng là rào cản đối với các hoạt động nghiên cứu gene của các nhà khoa học, Simoncelli đã dành tới 4 năm thu thập các bằng chứng để giúp các luật sư của Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) khởi thảo một vụ kiện với đối tượng hướng tới là Myriad Genetics, công ty lúc đó đang bảo vệ rất gắt gao quyền sáng chế đối với hai loại gene có liên quan tới ung thư vú. Đồng thời cô còn đứng lên tập hợp một lực lượng ủng hộ hùng hậu gồm các nhà khoa học, các bệnh nhân, và các bác sĩ. 

Về những nỗ lực bền bỉ của mình, Simoncelli chỉ nói giản dị: “Tôi muốn làm chiếc cầu nối giữa khoa học và công lý”. Từng có bằng cử nhân về sinh học và xã hội tại Đại học Cornell, sau đó có bằng thạc sỹ về năng lượng và tài nguyên từ Đại học California, Berkeley, lẽ ra Simoncelli đã có thể dành thời gian làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học, công nghệ, và xã hội. Nhưng cuối cùng cô đã quyết định từ bỏ dự định ban đầu để làm việc trong gần 7 năm liên tục ở ACLU, thậm chí sau này khi rời khỏi ACLU đến làm việc cho Cục Quản lý Thực – Dược phẩm (FDA) cô vẫn dành các kỳ nghỉ để quay lại đây tham gia theo đuổi vụ kiện. Hiện cô đang công tác tại Ban Khoa học và Chính sách Công nghệ của Nhà Trắng.

DEBORAH PERSAUD: Gieo mầm hy vọng cho những em bé nhiễm HIV

Đầu năm 2013, cả thế giới hồ hởi đón nhận tin vui: một em bé nhiễm HIV bẩm sinh ở Mississippi đã không còn mang trong người loại virus này. Một tháng sau đó, ba người công bố, Deborah Persaud, Hannah Gay, và Katherine Luzuriaga, được xướng tên trong “bảng phong thần” đình đám của Tạp chí Time – danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Câu chuyện bắt đầu từ tháng 9/2012, khi Gay gọi điện cho Persaud về trường hợp một bệnh nhi nhiễm HIV từ mẹ. Vì người mẹ không điều trị trong thai kỳ nên vài giờ sau khi đứa trẻ ra đời, Gay cho trẻ sử dụng ba loại thuốc kháng virus liều cao, bao gồm zidovudine, lamivudine và nevirapine. Các xét nghiệm cho thấy khi đó bé bị nhiễm HIV, và người mẹ được khuyến nghị tiếp tục cho bé điều trị. Tuy nhiên, trong một lần khám kiểm tra, Gay nhận thấy đứa trẻ chưa được cho dùng thuốc trong 5 tháng liên tục, vì vậy Gay tiến hành xét nghiệm máu, và các kết quả kiểm nghiệm kỹ lưỡng sau đó cho thấy, trên cơ thể em bé đã không còn dấu hiệu virus nào, và ngày càng có cơ sở để khẳng định liều kháng virus ban đầu đã hoàn toàn tiêu diệt được virus HIV.

Nhóm Nghiên cứu Lâm sàng Quốc tế về AIDS trong thai kỳ, ở trẻ nhũ nhi và trẻ vị thành viên, nơi Persaud đang làm cố vấn khoa học, đang lên kế hoạch thử nghiệm điều trị sớm với liều lượng cao cho trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm HIV. Nếu các kết quả này là bền vững, thì rất có thể sẽ đến ngày hàng trăm trẻ nhiễm HIV không còn phải dùng thuốc thường xuyên. Hiện Persaud đang tìm phương pháp xác định những trường hợp có dấu hiệu thuyên giảm bệnh. “Đó là một thử thách lớn,” bà nói, “nhưng nó cũng có thể là bước ngoặt trong việc tìm ra liệu pháp điều trị HIV cho trẻ nhỏ.”

MICHEL MAYOR: Tìm kiếm những Trái đất khác

Suốt hai thập kỷ qua, Michel Mayor, nhà du hành danh dự tại trường Đại học Geneeva, Thụy Sĩ, cùng nhóm nghiên cứu của mình đã phát hiện ra hàng trăm hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời. Nhưng riêng năm 2013 lại mang tới cho người hùng săn hành tinh 71 tuổi này một phát hiện đặc biệt thú vị: Kepler-78b, một trong số hàng nghìn hành tinh do tàu không gian Kepler của NASA phát hiện được trong giai đoạn 2009 – 2013, có tỷ trọng và kích cỡ gần giống với Trái đất nhất từ trước tới nay.

Tuy không hẳn là một sự so sánh chính xác, bởi Kepler-78b có quỹ đạo gần hành tinh mẹ tới nỗi bề mặt bị nóng chảy, nhưng Mayor tin rằng việc tìm ra chị em song sinh với Trái đất chỉ còn là vấn đề thời gian. Với sự cải tiến công nghệ không ngừng – Mayor có biệt tài trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị đo lường độ rung phổ sáng của các hành tinh, yếu tố giúp gián tiếp đánh giá kích cỡ và trọng lực của chúng – ông cho rằng chỉ mất thêm khoảng 5 năm nữa để có thể tìm kiếm một hành tinh giống Trái đất, giữ khoảng cách vừa đủ với hành tinh mẹ để có thể giữ được chất lỏng, và kèm theo đó là mầm mống của sự sống.

NADEREV SAÑO: Tiếng nói của lương tri

Khi Naderev Saño, trưởng đoàn đàm phán Philippines, đọc bài diễn văn đẫm nước mắt tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra hồi tháng 11 tại Warsaw, anh vẫn còn chưa biết tình hình số phận của những người họ hàng và hàng nghìn đồng bào khác trên đất nước mình. Anh chỉ biết rằng anh trai mình vẫn còn sống và đã gia nhập đoàn quân cứu hộ khẩn cấp đang miệt mài tìm kiếm thi thể các nạn nhân của cơn bão Haiyan. Anh cũng biết rằng cơn bão khủng khiếp đó có thể là dấu hiệu của những gì mà các khu vực ven biển sẽ phải đối mặt trong tương lai.

Không dừng ở lời nói, tại hội nghị lần này, vốn chẳng được mấy người kỳ vọng sẽ có thêm tiến triển nào trong việc xây dựng một hiệp ước ràng buộc nhằm kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính, Saño đã lấy mình ra làm hình ảnh sống để nhắc nhở mọi người rằng sinh mạng con người đang bị đe dọa. Anh đã tuyệt thực trong suốt 14 ngày, cho tới khi các bên tham dự đạt được một thỏa thuận vào phút cuối về việc duy trì tiến độ đàm phán cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tiếp theo diễn ra tại Paris năm 2015.

Cho tới giờ, tiến độ giải quyết vấn đề ấm lên toàn cầu vẫn rất chậm chạp. Sau hơn hai thập kỷ bàn bạc, đàm phán, lượng khí carbon dioxide phát thải ra ngoài không khí vẫn không ngừng tăng lên. Từng có thời gian làm nghiên cứu sinh về ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai, Saño hiểu rằng các nhà khoa học luôn né tránh việc đưa ra bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào giữa hiện tượng ấm lên toàn cầu với các cơn bão, mặc dù về cơ bản người ta nhất trí cho rằng biển ấm lên sẽ làm cường độ bão mạnh hơn. “Tôi hy vọng rằng bên cạnh những cuộc đàm phán chậm chạp, những hy sinh mất mát mà dân tộc tôi phải chịu và tiếng nói của chúng tôi sẽ đem lại sự thay đổi nào đó”, Saño chia sẻ.

VIKTOR GROKHOVSKY: Thợ săn thiên thạch

Thành công đến với kỹ sư luyện kim Viktor Grokhovsky, trường Đại học Liên bang Ural, trong năm nay đúng là “từ trên trời rơi xuống”. Ngày 15/2, khối thiên thạch khổng lồ rơi xuống làm rung chuyển cả thành phố Chelyabinsk, Nga, khiến giới thiên văn học được phen bất ngờ, do nó đến từ một vùng không gian mà các kính thiên văn dưới mặt đất chưa tiếp cận tới. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau vụ va chạm, qua những tính toán chính xác về điểm rơi của các mảnh vụn, Grokhovsky đã giúp phát hiện ra hơn 700 mảnh thiên thạch với tổng trọng lượng là 5,5 kg. Đặc biệt tính toán của ông giúp tìm ra mảnh thiên thạch lớn nhất, có trọng lượng 570kg, được trục vớt từ đáy hồ Chelyabinsk hồi tháng 10 vừa qua.

Những mảnh vỡ của khối thiên thạch trên hiện đang có mặt tại rất nhiều phòng thí nghiệm khác nhau trên thế giới. “Thiên thạch Chelyabinsk có tầm quan trọng vô cùng lớn,” Grokhovsky nói. Kích cỡ khổng lồ và những thiệt hại mà nó gây ra đã khiến các nhà khoa học phải nâng mức khả năng các thiên thạch tương tự – hoặc lớn hơn – va vào trái đất. Còn đối với Grokhovsky thì đây quả là trải nghiệm có một không hai trong đời. “Tôi thật may mắn khi được dự một phần vào câu chuyện kỳ thú này về cuộc phiêu lưu của một vị khách du hành từ vũ trụ đến trái đất”, anh nói.

TRẦN HỨA LAN: Tiền đồn ngăn chặn virus H7N9

Đầu tháng 4, thế giới nín thở theo dõi tình hình ở Trung Quốc: Một loại virus cúm gia cầm mới – H7N9 –lại lây lan từ gia cầm sang người, gây bệnh và làm tử vong nhiều người. Ngay lập tức, Trần Hứa Lan, trưởng phòng thí nghiệm Cúm gia cầm Quốc gia tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, và các đồng nghiệp xông pha vào tuyến đầu trong các nỗ lực khống chế đại dịch.

Chưa đầy 48h sau khi những ca nhiễm H7N9 đầu tiên được xác nhận, nhóm làm việc của Trần Hứa Lan cùng với các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh thú y Thượng Hải đã thu thập được khoảng 1.000 mẫu bệnh phẩm từ đất, nước, trang trại nuôi, và các chợ bán gia cầm sống ở Thượng Hải và tỉnh An Huy. Chính quyền nhanh chóng đóng cửa các chợ bán gia cầm sống có tỉ lệ nhiễm bệnh cao, nhờ đó tốc độ lây lan của dịch bệnh giảm xuống. Phản ứng nhanh nhạy và minh bạch của Trung Quốc đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ nhiệt liệt.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy virus H7N9 dễ lây từ người sang gia cầm hơn H5N1. Cho tới nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy H7N9 có thể lây từ người sang người, song bà Trần Hứa Lan cho rằng đây cũng là một khả năng.

SHOUKHRAT MITALIPOV: Những quy định trói chân một người tiên phong trong lĩnh vực nhân bản người

Tháng 5 vừa qua, làng khoa học quốc tế lại được phen khuấy động khi Tiến sĩ Shoukhrat Mitalipov, nhà sinh học sinh sản tại trường Đại học Sức khỏe và Khoa học Oregon, Portland, Mỹ, tuyên bố nhân bản thành công bốn tuyến tế bào bằng cách đưa nhân vào trứng. Đây là một bước đột phá trong nhân bản người, đem lại niềm hy vọng chữa trị nhiều loại bệnh nan y bằng cách sử dụng tế bào gốc làm từ phôi nhân bản của tế bào da.

Nhưng thành công của Mitalipov không chỉ đòi hỏi vượt qua những thách thức về khoa học kỹ thuật, mà cả những quy định ngặt nghèo và ma trận các thủ tục. Từ năm 2007, ông đã mong muốn tạo ra những tế bào có khả năng chữa nhiều bệnh sử dụng tế bào gốc làm từ phôi nhân bản của tế bào da, nhưng điều này đòi hỏi phải dùng rất nhiều trứng người để tạo ra những phôi mà sau này sẽ bị hủy bỏ. Để làm vậy Mitalipov phải được sự đồng ý của các hội đồng khoa học và một ủy ban giám sát nghiên cứu tế bào gốc. Rút cục, Đại học Portland đã phải xây cho ông một phòng thí nghiệm hoàn toàn mới, vì họ không được cho phép tạo ra tế bào gốc từ phòng thí nghiệm ban đầu, vốn được cấp kinh phí từ ngân sách liên bang.

Ngày nay, sau khi thành công vang dội, Mitalipov lại quay về với guồng quay chậm chạp trong công việc của mình. Hiện ông đang đôn đáo tìm kiếm thêm đối tác và nguồn tài trợ cho các dự án nghiên cứu tế bào tiếp theo, bởi các nhà tài trợ liên bang không tài trợ cho các nghiên cứu trên các tuyến tế bào, còn Viện Y học Tái sinh California thì không tài trợ cho những hoạt động nghiên cứu dựa vào trứng lấy từ những người hiến trứng lấy tiền. Vì vậy mà “mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ như một năm trước đây”, Mitalipovcho biết.

KATHRYN CLANCY: “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”

Tháng 4 năm nay, giới học thuật phải sửng sốt trước những phát hiện động trời trong giới: nạn quấy rối tình dục tại nơi tác nghiệp đang diễn ra tràn lan tới mức đáng báo động. Kẻ “vạch áo” ở đây là Kathryn Clancy, Tiến sĩ nhân loại học của trường Đại học Illinois.

Từ những lời tâm sự dè dặt của các bạn đồng nghiệp, Clancy quyết định làm rõ vấn đề bằng những số liệu cụ thể thông qua một cuộc khảo sát. Kết quả cho thấy, 59% trong số 124 người được hỏi nói rằng họ từng là nạn nhân của các vụ sàm sỡ, quấy rối qua lời nói, 18% bị sàm sỡ thân thể (sau này Clancy tăng quy mô khảo sát lên 666 người và bổ sung thêm các ngành địa chất học và động vật học, kết quả cho thấy các tỉ lệ này về cơ bản không thay đổi). Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy tình trạng này diễn biến một cách có hệ thống, “con mồi” thường là các nữ sinh viên trẻ mới ra trường, còn “kẻ săn mồi” thường là nam giới lớn tuổi hơn, ở các chức vị cao hơn, đa phần chính là các nhân sự chính thức trong các trường, như các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ hay giáo sư, chứ không phải là những công nhân làm việc theo hợp đồng ngắn hạn. Nhiều người còn cho biết tác nghiệp tại thực địa – tức là khi họ bị tách ra khỏi những chuẩn mực thông thường về gia đình, bạn bè – có khả năng làm nảy sinh những hành vi không mong muốn nhất.

Cũng qua nghiên cứu, Clancy và cộng sự thấy rằng nhiều nạn nhân đã chọn cách im lặng vì sợ bị cản trở trong công việc. Một số khác gửi đơn khiếu nại song lại nhận được lời khuyên hãy giữ im lặng hoặc “sống chung với lũ”. Chỉ có một số trường hợp ít ỏi được giải quyết thỏa đáng. Nhưng dù gì đi nữa, đối với nhiều người, thì đó là nỗi ám ảnh suốt đời. Có những nhà nghiên cứu trẻ đã phải cắn răng từ bỏ khoa học chỉ vì những kỷ niệm kinh hoàng ở nơi tác nghiệp.

Chỉ vài ngày sau công bố của Clancy, các hiệp hội nghề nghiệp nhanh chóng đưa ra những chính sách nghiêm khắc, không khoan nhượng đối với vấn nạn này. Meredith Hastings, một nhà sinh địa hóa học (biogeochemist) từ Đại học Brown ở Rhode Island, đồng sáng lập của tổ chức Mạng lưới Phụ nữ Ngành Khoa học Trái đất, nhận định rằng những điều Clancy đã làm là vô cùng cần thiết để đưa ra ánh sáng một vấn đề nghiêm trọng bị bỏ qua trong giới khoa học, và “chúng ta không thể biết mức độ phổ biến của những chuyện này cho tới khi ai đó lên tiếng”.

HENRY SNAITH: Kẻ thờ thần Mặt trời

Năm nay, Henry Snaith, nhà vật lý trẻ 35 tuổi tại trường Đại học Oxford, đã khiến giới nghiên cứu vật liệu phải kinh ngạc khi ông tạo ra sự nhảy vọt về hiệu suất của pin mặt trời bằng chất bán dẫn dùng perovskite. 

Phần lớn các loại pin mặt trời hiện nay đều làm từ silicon, và chuyển được khoảng 17 – 25% năng lượng ánh sáng thành điện năng. Tuy nhiên, việc đòi hỏi quá nhiều silicon khiến sản xuất pin mặt trời rất tốn kém. Các loại pin dạng phim mỏng, chứa các loại chất bán dẫn khác, thì rẻ hơn nhưng lại thường kém hiệu quả hơn, được cải tiến công nghệ qua vài thập kỷ nhưng chỉ đạt được mức hiệu suất 15%. Pin mặt trời sử dụng perovskite hội đủ những lợi thế của hai loại pin trên, và hiện đã đạt mức chuyển hóa năng lượng 15%. Nếu tiếp tục điều chỉnh, Snaith tin rằng nó có thể đạt mức chuyển hóa 29%, ngang ngửa với loại pin crystalline gallium arsenide vốn được dùng nhiều trong các thiết bị vệ tinh nhưng không thể sản xuất đại trà do giá thành quá đắt đỏ.

Snaith chọn pin mặt trời làm chủ điểm nghiên cứu bởi đây là trung gian cho ngành năng lượng sạch. Theo ông, năng lượng gió đòi hỏi quá nhiều kỹ nghệ, trong khi triển vọng công nghệ phản ứng nhiệt hạch còn rất xa vời. Do đó nghiên cứu quang điện là hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay. Vẫn còn nhiều cơ hội phát triển trong ngành này, và những phát minh mới đều đem lại những lợi ích nhãn tiền.

Các nhà sản xuất pin mặt trời hiện đã bắt đầu quan tâm tới vật liệu perovskite, nhưng Snaith cho rằng bản thân mình cũng có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh. Từ năm 2010 anh đã đồng sáng lập ra công ty Oxford Photovoltaics, với mục tiêu kinh doanh là lắp các tấm pin perovskite lên cửa sổ kính thông thường, và đến năm 2017 dự kiến họ sẽ làm ra những tấm pin chỉ rẻ ngang với kính gia dụng thông thường.

Những nhân vật dự kiến năm 2014

Masayo Takahashi, Trung tâm RIKEN Sinh học Phát triển

Năm 2014 có thể sẽ là thời điểm tế bào gốc đa năng sẽ được thử nghiệm lâm sàng lần đầu tiên, khi nhà nghiên cứu Takahashi dùng các tế bào có nguồn gốc từ bệnh nhân để tạo các lớp võng mạc nhằm điều trị bệnh thoái hóa võng mạc, nguyên nhân phổ biến gây mù.
Chris Field, Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu.
Là đồng chủ nhiệm của báo cáo sắp tới về tác động biến đổi khí hậu, một vấn đề đang được coi là ngày càng cấp bách, Field hi vọng sẽ tránh được những sai lầm từng gây mất điểm cho bản báo cáo năm 2007 của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu.

Jean-Pierre Bourguignon, vị chủ tịch sắp tới của Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu

Nhà toán học người Pháp này sắp thay thế Helga Nowotny để ngồi vào vị trí phụ trách cơ quan cấp kinh phí hàng đầu châu Âu, đồng thời được hưởng ngân sách lớn hơn so với người tiền nhiệm mình. Tuy nhiên, ông sẽ phải bảo vệ cơ quan này trước những sức ép chính trị và quan liêu không nhỏ.

Koppillil Radhakrishnan, Chủ tịch Tổ chức Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ

Tàu vũ trụ của Ấn Độ dự kiến sẽ tới được quỹ đạo sao Hỏa vào tháng 9 tới, đánh dấu lần đầu tiên quốc gia này đưa tàu đi thám hiểm hành tinh đỏ (nhiệm vụ Mars Orbiter Mission). Cả thế giới đang dõi theo con tàu trên hành trình gian nan mà những lần chinh phục trước đây của nhân loại cho thấy thất bại nhiều hơn thành công.

Gordon Sanghera, Giám đốc điều hành Oxford Nanopore

Tháng 2 tới, các khách hàng của công ty Oxford Nanopore (Anh) dự kiến sẽ hé lộ thông tin về những dữ liệu thu được sử dụng thiết bị MinION giúp xác định trình tự gene. Nếu thiết bị này thực hiện đúng như những gì người ta hứa hẹn, nó sẽ giúp đưa con người vào một kỷ nguyên mới, trong đó việc xác định trình tự gene được tiến hành một cách nhanh chóng và rẻ hơn trước rất nhiều.

Bùi Thu Trang lược dịch theo Nature
http://www.nature.com/ news/365-days-nature-s-10-1.14367

Tác giả