100 năm qua, con người cao hơn, béo hơn và sống thọ hơn
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đi đến kết luận: 100 năm qua, loài người đang biến đổi trở nên cao hơn, béo hơn và sống thọ hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử. Nhưng đây không phải là sự biến đổi gene trên ý nghĩa thực sự, bởi lẽ thời gian một thế kỷ chưa đủ để xảy ra sự biến đổi như vậy.
Tại một số nước phát triển, con người trở nên cao hơn trước. Trong một thế kỷ qua, thanh niên Anh cao thêm 10 cm. Người Hà Lan có chiều cao bình quân nhất thế giới: 1,85 m. Theo nghiên cứu của GS John M. Komlos ở ĐH Duke (Mỹ), chiều cao bình quân của người Mỹ trong thời gian Thế chiến II là 1,77 m, cao nhất thế giới; thế nhưng đến cuối thế kỷ XX, họ không còn giữ được vị trí số một nữa, vì chiều cao ấy không tăng lên.
Tuy vậy biên độ tăng chiều cao ở các nước có khác nhau. Barry Bogin, giáo sư sinh học nhân loại ở ĐH Loughborough (Anh Quốc), cho biết: người Đông Đức cũ vẫn không cao bằng người Tây Đức cũ. Chiều cao bình quân ở một số nước ngoài phương Tây từng xảy ra chiến tranh, bệnh tật và các vấn đề khác lại giảm đi, như người da đen Nam Phi.
Từ những năm 1970, GS Bogin liên tục nghiên cứu người Maya ở Guatemala, Mexico và Mỹ. Ông phát hiện, trẻ sinh ra ở Mỹ cao hơn 11,4 cm so với trẻ Maya sinh ra ở Mexico và Guatemala. Bogin nói có lẽ là do trẻ sinh ra ở Mỹ được ăn uống đầy đủ hơn và hưởng dịch vụ y tế tốt hơn, hơn nữa ít có khả năng tiếp xúc các bệnh truyền nhiễm.
Nhưng việc tăng chiều cao cũng kèm theo cái giá phải trả khá cao. Các trẻ em người Maya này chẳng những ngày càng giống người Mỹ về chiều cao mà cũng tăng cân như người Mỹ, tức thể trọng quá nặng.
Bogin nói: “Mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều béo ra.” Một báo cáo đăng trên tạp chí y học The Lancet số ra ngày 29/5 cho biết năm 2013, thế giới có 29% số dân béo phì.
Vì sao loài người lại béo lên? Các nhà khoa học đang tranh cãi về vấn đề này. Một số người cho rằng vì ăn quá nhiều mà vận động quá ít. Một số lại nói tới tác động của gene và virus.
Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy tuổi thọ của loài người hiện nay dài hơn bất cứ thời kỳ nào. Tuổi thọ bình quân toàn cầu năm 2012 lên đến 70. WHO dự đoán, phụ nữ các nước phát triển kiểu Mỹ sinh vào năm 2030 sẽ có tuổi thọ bình quân cao tới 85. Bogin nói, sự kéo dài tuổi thọ có thể liên quan tới những tiến bộ lớn của y học, sự cải thiện điều kiện vệ sinh và được dùng nước sạch.
Trong khi đó Stearns cho rằng mặc dù tất cả các nhân tố nói trên đều đã hạ thấp tỷ lệ chết do bệnh truyền nhiễm, nhưng tỷ lệ chết bởi bệnh Alzheimer, bệnh tim mạch và ung thư lại tăng lên. Nói cách khác, tuổi thọ của loài người đang được kéo dài nhưng họ lại chết vì những loại bệnh khác với trước kia.
Stearns nói, các loại bệnh có tính miễn dịch tự thân (autoimmune diseases) như chứng xơ cứng đa phát (multiples sclerosis) và bệnh tiểu đường type I cũng ngày càng thường xuyên xuất hiện. Một số nhà khoa học cho rằng, các loại bệnh này tăng lên do khi cơ thể người không tiếp xúc hoặc tiếp xúc rất ít với vi khuẩn thì hệ miễn dịch thậm chí có phản ứng quá mức với các vi khuẩn hữu ích.
Nguyễn Hải Hoành tổng hợp