6.500 năm trước đã xảy ra hiện tượng mát dần toàn cầu

Nghiên cứu mới trên tạp chí Scientific Data thuộc Nature Research “Holocene global mean surface temperature, a multi-method reconstruction approach” cho thấy quá trình ấm lên toàn cầu suốt 150 năm qua đã chấm dứt hiện tượng mát dần toàn cầu (global cooling) diễn ra trong sáu thiên niên kỷ trước.


Nhiệt độ bề mặt toàn cầu ở Thế Holocene. Nguồn: Phys.org

Kết quả cho thấy hiện tượng mát dần toàn cầu đã bắt đầu từ khoảng 6500 năm trước khi nhiệt độ trung bình toàn cầu trong dài hạn đạt đỉnh, tức cao hơn khoảng 0.7oC so với giữa thế kỷ XIX. Kể từ đó, việc tăng tốc độ phát thải khí nhà kính đã khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hiện nay cao hơn 1oC so với giữa thế kỷ XIX.
Bốn nhà nghiên cứu ở Trường Trái đất và Bền vững (SES) thuộc ĐH Bắc Arizona dẫn dắt 93 nhà khoa học về cổ khí hậu học đến từ 23 quốc gia thực hiện đề tài. Họ đã tái tạo toàn cảnh nhiệt độ trung bình toàn cầu ở Thế Holocene – giai đoạn sau kỷ băng hà và bắt đầu khoảng 12 000 năm trước. Darrell Kaufman, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, “những nghiên cứu trước đây cho thấy thế giới đã mát hơn trong khoảng 1000 năm trước giữa thế kỉ 19, khi nhiệt độ trung bình toàn cầu dần tăng lên cùng với sự tích tụ của khí nhà kính. Dựa trên dữ liệu cổ khí hậu học được công bố trước đây kết hợp với với những phương pháp phân tích thông kê mới, nghiên cứu này đã cho thấy quá trình mát dần toàn cầu đã bắt đầu từ khoảng 6500 năm trước”.

Đầu năm 2020, họ đã công bố bộ dữ liệu cổ khí hậu học toàn diện nhất về 12.000 năm qua, chứa 1319 hồ sơ dữ liệu được lấy mẫu từ 679 vùng trên toàn cầu. Ở mỗi vùng, các nhà nghiên cứu đã phân tích bằng chứng sinh lý học, địa hóa học và sinh thái học từ những mẫu lưu trữ ở trên cạn lẫn dưới biển, bao gồm trầm tích hồ, trầm tích biển, than bùn và sông băng, để tìm hiểu sự thay đổi nhiệt độ trong quá khứ. “Hiện tượng mát dần toàn cầu đã diễn ra với tốc độ khoảng 0,1oC trong 1000 năm, chậm hơn nhiều so với tốc độ ấm lên toàn cầu. Những chu kỳ quỹ đạo chậm của Trái đất có lẽ đã tác động đến hiện tượng mát dần, làm giảm ánh nắng ở Bắc bán cầu vào mùa hè, đạt đỉnh vào thời kỳ băng hà nhỏ (Little Ice Age) trong những thế kỷ gần đây”, Erb, người phân tích dữ liệu để tái hiện nhiệt độ cho biết.  

Kể từ giữa thế kỷ XIX, quá trình ấm lên toàn cầu đã tăng khoảng 1oC, cho thấy trong thời kỳ hậu băng hà hiện nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu của thập kỷ 2010-2019 đã ấm hơn bao giờ hết.

McKay đã phát triển một số phương pháp thống kê để tổng hợp dữ liệu trên khắp thế giới, nhấn mạnh rằng chưa từng có nghiên cứu nào tái tạo nhiệt độ của từng thập kỷ trong khoảng 12.000 năm trước nên kết quả trên khó thể so sánh với bất kỳ thập kỷ nào gần đây. “Mặt khác, nhiệt độ thập kỷ 2010-2019 có thể sẽ thấp hơn nhiệt độ trung bình [được dự báo có khả năng vượt quá 1oC so với thời tiền công nghiệp] của thế kỷ này” McKay nói. 

Kaufman cho biết thêm: “Có thể lần gần đây nhất nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao hơn 1oC so với thế kỷ XIX là trước kỷ băng hà – khoảng 125 000 năm trước đây, khi mực nước biển cao hơn khoảng 20 feet (khoảng 6m) so với ngày nay”.

“Việc nghiên cứu các mô hình thay đổi nhiệt độ tự nhiên theo không gian và thời gian giúp chúng tôi hiểu rõ và có thể định lượng các quá trình gây ra biến đổi khí hậu. Nó giúp chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả các mức biến đổi khí hậu trong tương lai do con người và tự nhiên gây ra” Routson nhận xét. “Khí hậu trong tương lai chủ yếu phụ thuộc vào tác động của con người, đặc biệt là việc tích tụ khí nhà kính. Tuy nhiên, các yếu tố tự nhiên cũng sẽ tác động đến khí hậu và những biến thiên của chúng trong hệ thống khí hậu sẽ làm các tác động này trở nên phức tạp hơn. Việc tính đến cả nhân tố con người lẫn tự nhiên sẽ giúp cải thiện các dự án về biến đổi khí hậu trong tương lai”, ông nói. □

Thanh An dịch 
Nguồn: https://phys.org/news/2020-06-major-paleoclimatology-global-upended-years.html

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)