Alexander Borodin – một con người, hai sự nghiệp
Để viết đầy đủ về ông phải cần đến hai bài tiểu sử, một tiểu sử khoa học và một tiểu sử âm nhạc. Hồi Borodin còn là sinh viên, giáo sư hóa học Zinin vẫn thường nói với nhà soạn nhạc trẻ Borodin rằng: “Anh Borodin ạ, anh hãy ít chú ý hơn vào những khúc tình ca đi, tôi đặt hy vọng vào anh đấy!”. Còn người bạn Rimsky-Korsakov thì lại kêu gọi nhà hóa học Borodin: “Ông phải chuyên tâm vào âm nhạc!”. Khó mà có thể nói được Borodin đã nghe lời ai trong hai người này, nhưng một điều chắc chắn là, ông đã rất thành công trong cả hóa học lẫn âm nhạc.
Năm 1850, Borodin vào học ở Viện Y Dược, ở đó những người bạn thân nhất của anh là các sinh viên người Đức. Anh đã học thực vật học, động vật học, tinh thể học, giải phẫu và đặc biệt là hóa học. Năm thứ ba ở trường, anh trở thành một học trò của giáo sư hóa học N. N. Zinin. Ông giáo sư này đôi khi cũng rầy la Borodin vì anh thường dành nhiều thời gian cho âm nhạc. Ngày 6/4/1856, Borodin tốt nghiệp khóa học ở viện với kết quả xuất sắc. Cũng trong năm đó, vào ngày 17/3, Borodin đã trình bày công trình đầu tiên của anh mang tên “Tác động của Ethyl-iodide đối với Hydrobenzamide và Amarine” ở Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Ngày 15/5, Borodin nhận được học vị tiến sỹ với bản luận án “Sự tương đồng về hóa tính và độc tính của arsenic acid và phosphoric acid.” Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của viện hàn lâm, một bản luận án được viết và bảo vệ bằng tiếng Nga mà không phải là tiếng Latin. Mặc dù có học vị là tiến sỹ y học nhưng vì bản tính của Borodin là rất sợ nhìn thấy máu nên ông đã không bao giờ thực hành với cái chuyên môn đó.
Trong một vài năm sau đó, Borodin đã đi đến nhiều nước. Ông thường dành những mùa hè ở Nga để phân tích các loại nước khoáng và nghiên cứu các tính chất y dược của chúng. Mùa thu năm 1859, Borodin quay lại Tây Âu để tiếp tục nghiên cứu. Trước khi dời Nga, ông đã gặp Mussorgsky lần thứ hai để trao đổi công việc với nhà soạn nhạc trẻ này. Trong những năm tiếp theo, Borodin chủ yếu ở Heidelberg, nơi mà những người bạn ông là Mendeleev, Sechenkov và Botkin đang làm việc với nhà hóa học Đức Erlenmeyer. Hồi tháng 9/1860, ông đã đến Rotterdam để nghỉ hè với Mendeleev.
Borodin và Mendeleev là hai người ngồi giữa. |
Ở Paris, Borodin cũng đã công bố một công trình với tiêu đề “Những dẫn xuất monobromo của các acid valeric và butyric”. Ông cũng nghiên cứu về phản ứng của bromine đối với các muối bạc, và chỉ ra một kiểu phản ứng mới với bạc acetate. Kiểu phản ứng này chính là một nguyên mẫu của phản ứng Hunsdiecker. Tháng 5/1861, Borodin đã quen với một phụ nữ Nga 29 tuổi tên là Ekaterina Sergeyevna Protopopova. Cô là một nghệ sỹ piano tài năng, một người ngưỡng mộ Chopin, Liszt và Schumann. Ekaterina đã nhanh chóng cuốn hút được Borodin với những niềm say mê âm nhạc của mình. Và thế là họ yêu nhau đầy quyến luyến. Lễ thành hôn của họ đã diễn ra vào mùa xuân năm 1863.
Trong thời gian ở Italy, Borodin đã trở thành người đầu tiên điều chế được benzoyl fluoride khi cho muối acid tác dụng với benzoyl chloride. Đó là hợp chất thơm chứa fluor đầu tiên được điều chế trong lịch sử hóa học. Ông đã mô tả sản phẩm như một chất lỏng nhờn không màu và có mùi gây kích thích hơn hợp chất chloride của nó. Borodin làm việc rất cần mẫn trong phòng thí nghiệm nhưng ông cũng dành nhiều sự quan tâm tới âm nhạc và phân chia thời gian như nhau cho cả hai lĩnh vực.
Trở về Nga, Borodin vào làm việc trong Viện Y học và dạy hóa học hữu cơ cho sinh viên trong viện. Các sinh viên vẫn thường nói về ông như “một người rất thông minh và giàu sức lôi cuốn”. Vào mùa thu năm 1862, Borodin đã có một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa. Ông đã làm quen với nhà soạn nhạc nổi tiếng Balakirev, người đứng đầu một nhóm các nhà soạn nhạc Nga. Nhóm này bao gồm Mili Alexeyevich Balakirev, Modest Mussorgsky, Nikolai Rimsky-Korsakov. Kể từ khi có thêm Alexander Borodin và Cesar Cui, họ đã trở thành “Nhóm Hùng mạnh”, hay nhóm “Năm Người Nga,” một nhóm các nhà soạn nhạc cực kỳ nổi tiếng trong lịch sử âm nhạc.
Một ca sỹ đang đứng hát trước Mussorgsky, Korsakov, Stasov, Balakirev, Cui và Borodin (từ trái sang phải) |
Sự nghiệp của Borodin là một sự hòa trộn tuyệt vời giữa âm nhạc và hóa học. Ông đã thực hiện nhiều nghiên cứu và khám phá quan trọng liên quan các hợp chất amylate, benzil, aldehyde và các hợp chất hữu cơ khác. Đến cuối thập kỷ 1860 và đầu thập kỷ 1870, tuy vẫn tiếp tục nghiên cứu và công bố các công trình khoa học nhưng Borodin đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến sáng tác. Tuy nhiên, vào năm 1872, Borodin đã tìm ra một loại phản ứng mới: phản ứng ngưng tụ aldol. Phản ứng này đã trở thành một trong những phương phương pháp kinh điển để tổng hợp các hợp chất hữu cơ mới chứa oxy. Về sau nó còn được phát triển thành một phương pháp tổng hợp những amino acid quan trọng. Trong thời gian tham gia đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ trong giáo dục và đọc các bài giảng y dược, Borodin đã bắt đầu viết vở opera Hoàng tử Igor. Cũng trong năm 1872, Borodin đã sáng tác xong phần đầu của bản giao hưởng Tráng sỹ và một số màn của Hoàng tử Igor, vở opera này là một kiệt tác nổi tiếng nhất của ông. Năm 1877, Borodin lại đi ra nước ngoài lần nữa. Khi đến Weimar, ông đã được Franz Liszt chào đón nồng nhiệt. Tình bạn của hai nhà soạn nhạc này đã tiến triển rất tốt đẹp sau khi Borodin đề tặng Liszt một tác phẩm của mình. Borodin cũng quay trở lại Heidelberg, nơi mà ông đã gặp Ekaterina lần đầu tiên. Những hồi ức lãng mạn ở đây đã tạo cảm hứng cho ông viết bản Tứ tấu Dây số 2, đề tặng người vợ yêu dấu.
Trong thập kỷ sau đó, Borodin chủ yếu tập trung vào sáng tác. Ông mất đột ngột vì bệnh tim vào ngày 15/2/1887. Có rất đông người đã đến dự đám tang của Borodin. Ông được chôn cất trong nghĩa trang Alexander Nevsky, bên cạnh mộ của Mussorgsky. Ekaterina đã không có mặt ở đám tang, bà đau buồn đến mức ốm nặng và mất sau đó vài tháng. Những người bạn của Borodin là Rimsky-Korsakov và Glazunov đã xuất bản nốt các sáng tác của ông. Mười năm sau khi Borodin mất, số tiền thu được từ việc xuất bản các tác phẩm của ông (chủ yếu là từ vở Hoàng tử Igor) đã lên đến khoảng 50.000 rúp.
Edward Elgar trong phòng thí nghiệm. |
Trường hợp của Alexander Borodin là rất hiếm hoi trong cả lịch sử hóa học lẫn lịch sử âm nhạc. Sau Borodin thì có thể nhắc đến Edward Elgar, một nhà soạn nhạc kiệt xuất nhưng cũng rất ham mê nghiên cứu hóa học. Elgar đã từng nghiên cứu về việc sản xuất hydrogen sulphide (khí H¬2S) và cũng đã từng chế tạo một cỗ máy điều chế loại khí này. Người ta cho rằng, Elgar trở nên vô cùng yêu thích hóa học trong những giai đoạn ông cảm thấy chán viết nhạc. Elgar có một phòng thí nghiệm với những chồng cao ngất các chai lọ, khay đĩa, đèn Bunsen, chày cối, bình cổ cong và tất cả những dụng cụ chuyên nghiệp của một nhà hóa học thực thụ. Elgar có vẻ như đã nhúng tay vào nhiều thí nghiệm khác nhau, từ việc điều chế các hợp chất phosphoric đến cả việc sản xuất xà phòng. Thực ra so với Borodin thì Elgar không được đào tạo chính thức về hóa học. Các kết quả nghiên cứu của Elgar dù sao cũng chỉ là những sự tò mò thông minh và thú vị.
Tuy Borodin không phải là người duy nhất mang theo suốt cuộc đời mình sự say mê nghiêm túc đối với cả khoa học lẫn âm nhạc, nhưng chúng ta mãi mãi vẫn cảm thấy ngạc nhiên về con người và sự nghiệp của ông. Borodin là một nhà hóa học nổi tiếng với những đóng góp quan trọng trong lịch sử hóa học, nhưng đôi khi người ta lại biết đến nhà soạn nhạc Borodin nhiều hơn, một nhà soạn nhạc với nhiều tác phẩm nổi tiếng vẫn được trình diễn và thu âm thường xuyên. Năm 1955, nhóm Tứ tấu Giao hưởng Moscow đổi tên thành nhóm Tứ tấu Alexander Borodin để tỏ lòng ngưỡng mộ đối với nhà soạn nhạc, một trong những người sáng lập nền âm nhạc thính phòng Nga. Nhóm Tứ tấu Borodin rất nổi tiếng này đã từng cộng tác mật thiết với Dmitri Shostakovich và nhiều lần biểu diễn cùng huyền thoại piano Sviatoslav Richter.
Tham khảo
Grove Music Online
http://www.geocities.com
Russian Masters 1, Abraham G, Lloyd-Jones D, Macmillan, 1986
Borodin – the composer and his music, Abraham G, William Reeves, 1927
Aleksandr Borodin: Chemist and Composer, Hunt C, Chemistry in Britain, June 1987, pp547
Aleksandr Porfir’yevich Borodin, Kauffman G, Education in Chemistry, September 1987, pp139
Full-Time Chemist, Part-Time Musician, White A, Journal of Chemical Education, April 1987, pp326
Anecdotes on Elgar, Hunt C, Chemistry in Britain, March 1987, pp209
(Xem thêm tiểu sử âm nhạc của A. Borodin tại http://www.classicalvietnam.info)