Alexandre Yersin (Kỳ 2) – Đặt nền móng cho nền y học Việt Nam hiện đại

Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm tồn tại của bệnh dịch hạch, không còn nghi ngờ gì nữa, chiến công phát hiện ra trực khuẩn Yersinia pestis có thể đưa Yersin vào một vị trí vững chắc ở Viện Pasteur và mở ra con đường nghiên cứu không thể thuận lợi hơn. Nhưng tại sao Yersin lại quay về Nha Trang? Ông có nghĩ mình sẽ tạo ra một di sản rực rỡ ở Việt Nam?

Alexandre Yersin.

Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta thử cùng trở lại Nha Trang. Bất chấp tình trạng các rạn san hô đang ngày một chết mòn, Nha Trang hiện vẫn là một điểm đến hút du khách nước ngoài. Nha Trang của thế kỷ 21, với những khách sạn cao tầng và nhà hàng sang chảnh ở mặt tiền con đường Trần Phú ven biển, như một thế giới khác với chính mình ở điểm giao thời cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Từ những bức ảnh do Yersin chụp vào năm 1894 và 1895, nay được chọn lọc in thành tập nhỏ và được bán ở Bảo tàng Yersin, người ta có thể thấy thành phố biển này khi đó phần lớn là những mái nhà tranh vách nứa, cửa liếp lụp xụp được cất ngay trên mặt cát, cạnh các con thuyền nhỏ đánh cá buồm cuộn lại thảnh thơi, dập dềnh theo sóng nước. Hơn trăm năm trước, tất cả đều hoang sơ nhưng quá đỗi thanh bình.

Vậy điều gì khiến Yersin lại về Nha Trang mà không chọn trở lại Viện Pasteur, một trong hai tiền đồn nghiên cứu về vi sinh vật của thế giới lúc đó? Để hiểu được sự lựa chọn này, chúng ta phải quay về giai đoạn ông làm việc cho Công ty Vận tải đường biển: vào đầu năm 1891, ông đã chuyển sang làm bác sĩ trên con tàu nhỏ Saigon, chạy chuyến Sài Gòn – Hà Nội. Nha Trang là điểm dừng chân đầu tiên của con tàu xuất phát từ Sài Gòn này và lịch sử ghi ngày 8/8/1891. Chính vẻ đẹp hoang sơ lộng lẫy và thanh bình của cái vịnh nhỏ, hơn bất cứ nơi nào khác trên dải bờ biển dài hơn 3.300 km của xứ An Nam, khiến ông choáng ngợp. Từ khoảnh khắc ban đầu, trái tim ông đã vĩnh viễn thuộc về Nha Trang. Và nói như nhà văn Cung Giũ Nguyên “Yersin đã chọn được ở Nha Trang, một cảnh không chỉ là toàn núi, hay toàn thung lũng, hay biển sông, mà đúng ra một khung cảnh hài hòa, có trời có nước, có đất liền với những non cao, oai dũng nhưng cố định, cân bình với biển cả, linh hoạt với độ sâu không ngờ được, và từ nơi đó, chân trời bao la kích thích, nuôi dưỡng những sự suy ngẫm trước vô cực và về vô cực”.

Việc nếm trải ba cuộc thám hiểm sau đó, chủ yếu xuất phát từ nơi này và vùng lân cận, từ năm 1892 đến 1894, khiến ông cảm nhận rõ rệt hơn sự gắn bó của mình. Đây cũng là lý do mà ông chú tâm vào học tiếng Việt, dẫu đã có thể bập bẹ một vài câu đơn giản như từng khoe với mẹ trong bức thư gửi từ Sài Gòn, đề ngày 13/12/1890.

Một chương mới đầy kỳ lạ của cuộc đời ông, sau phát hiện vi khuẩn Yersinia pestis vào năm 1894, đã được mở ra, ngay với những thứ ông từng muốn chối bỏ. 

Nhánh mới của Viện Pasteur Paris tại hải ngoại

Trước khi đến với cột mốc thành lập Viện Pasteur đầu tiên tại nước ngoài thì chúng ta có thể cùng nhìn vào lịch sử đặc biệt của “viện mẹ”, Viện Pasteur Paris. Thành công của vaccine dại do Pasteur điều chế (dù vẫn còn gây nhiều tranh cãi) đã làm khuấy lên một cuộc vận động quyên góp ở tầm quốc tế, thu hút cả những nhân vật nổi tiếng như Sa hoàng Nga và Hoàng đế Brazil, để có kinh phí xây một cơ sở nghiên cứu độc lập cho cha đẻ của vaccine chống bệnh than và dại. Điều này đem lại cho viện một vinh quang đặc biệt ngay từ khi khởi đầu, một nơi dành riêng cho nghiên cứu về sinh học, vi sinh vật, bệnh dịch, vaccine… “Pasteur có phẩm chất của một kẻ mộng mơ và một nghệ sĩ lãng mạn; ông cho phép mình dẫn lối và truyền cảm hứng về sự kỳ diệu của sức tưởng tượng vượt ra ngoài chân trời kiến thức, tại những thời điểm thậm chí còn ở ngoài phạm vi lẽ thường”, nhà vi trùng học René Dubos viết như vậy trong cuốn Louis Pasteur: Free Lance of Science, xuất bản năm 1950. 

Được khánh thành vào năm 1888, có thể Viện Pasteur không chứng kiến thêm một phát hiện mới nào của chính Pasteur nhưng giúp ông tạo ra một không khí tự do, khuyến khích những ngự lâm quân của mình có được khám phá mới ghi danh vào lịch sử y học thế giới. Kể từ năm 1908, có 10 nhà khoa học ở Viện Pasteur được trao giải Nobel Y sinh, riêng năm 2008, hai nhà khoa học ở đây cùng đón giải thưởng bởi “những khám phá ra virus làm suy giảm hệ miễn dịch của người”. 

Viện Pasteur Nha Trang thời kỳ đầu. Nguồn: Báo Khánh Hòa

Được làm việc ở Viện Pasteur là một vinh dự, và rõ ràng Yersin đã khước từ cơ hội. Nhưng ở đời, không ai biết trước được chữ ngờ. Bất chấp việc nói lên nguyện vọng với mẹ, trong bức thư đề ngày 6/9/1891, là sẽ không trở lại Viện Pasteur và làm việc trong phòng thí nghiệm dường như trở nên không thể, nhưng cuộc đời Yersin sẽ là gì, nếu không phải là tìm hiểu các mầm bệnh, trên vật chủ này hay vật chủ khác. Rút cục thì từ Paris, ông bạn chí cốt Emile Roux (mà chúng ta đã biết ở kỳ một), đã bố trí cho Yersin gặp Albert Calmette, một ngự lâm quân khác của Pasteur nhưng gia nhập nhóm muộn hơn, ngay tại Sài Gòn. Căn nguyên là theo gợi ý của Sở Y tế Thuộc địa, Pasteur quyết định mở chi nhánh đầu tiên của Viện Pasteur tại hải ngoại, với địa điểm là Sài Gòn, và đề nghị Calmette làm viện trưởng. 

Gặp Yersin ở Sài Gòn, Calmette cảm thấy phấn chấn bởi có thể đây là cơ hội để hai người cùng nghiên cứu các bệnh nhiệt đới truyền nhiễm mà mình quan tâm, bởi ông nhận ra rằng đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của người dân thuộc địa. Yersin quả là một đối tác hoàn hảo, nhất là đã mở một phòng khám ở chính Xóm Cồn, Nha Trang, sau khi thôi việc ở Công ty Vận tải đường biển. Nhưng Yersin thận trọng chưa nhận lời ngay, sau đó còn từ chối đi Sydney cùng Adrien Loir, cháu của Pasteur, bởi ấp ủ việc lên đường khám phá những vùng đất chưa ai đặt chân tới, cuối cùng diễn ra từ năm 1892 đến 1894. Vậy là Viện Pasteur Sài Gòn chính thức mở cửa vào ngày 1/4/1891 mà không có Yersin như mong muốn của Calmette.

Tình thế chỉ xoay chiều sau sự kiện năm 1894. Yersin đột nhiên thấy ham thích trở lại với phòng thí nghiệm và mong muốn mở một thứ như thế ở Xóm Cồn. Khi trở về từ Paris vào tháng 8/1895, với sự hỗ trợ của Văn phòng Thuộc địa và cả Calmette, người mà bây giờ đã là bạn chí cốt như Roux, ông lập phòng thí nghiệm ở Nha Trang, cơ sở để hình thành Viện Pasteur Nha Trang (Institut Pasteur de Nha Trang). Theo lời kể của giáo sư Nguyễn Thị Thế Trâm, người tiếp quản Viện Pasteur Nha Trang sau năm 1975 và là viện trưởng trong nhiều năm, phòng thí nghiệm tiền thân của Viện đã có khuynh hướng đặc biệt: ở Sài Gòn, Calmette hướng về độc học – một lĩnh vực đang ở thuở bình minh của nó và có kết nối quan trọng với miễn dịch học – nghiên cứu về nọc rắn, ong, nhiễm độc thực vật, sản xuất vaccine phòng dại, đậu mùa, dịch tả…; ở Nha Trang, Yersin tập trung vào các bệnh nhiễm trùng của gia súc, cách phòng bệnh và điều trị, đồng thời tiếp nhận huyết thanh chống dịch hạch do Viện Pasteur Paris bào chế. 

“Yersin, cũng như Louis Pasteur, đều thuộc trào lưu tư tưởng khoa học đã mở đường cho y khoa hiện đại”.

(Giáo sư Jean Luc Durosoir)

Có thể thấy rằng, ngay từ điểm khởi đầu, cả hai cơ sở Nha Trang và Sài Gòn đều có kết nối với Paris và điều hành theo cách mà ngày nay người ta vẫn gọi là “theo tiêu chuẩn quốc tế”. Điều này luôn được giữ vững trong suốt quá trình Yersin và Calmette dẫn dắt viện, bởi các kết quả nghiên cứu đều được xuất bản trên các tập san quốc tế, không chỉ trong tạp chí của Viện Pasteur Paris. Khoa học không biên giới. Nền y học Việt Nam hiện đại thực sự bắt đầu từ đây, từ chính nỗ lực của những người đã xuất hiện ở mặt tiền khoa học. Giáo sư Jean Luc Durosoir, tổng đại diện điều phối mạng lưới quốc tế các Viện Pasteur trên thế giới, đã tự hào “Yersin, cũng như Louis Pasteur, đều thuộc trào lưu tư tưởng khoa học đã mở đường cho y khoa hiện đại”.

Việc đưa Yersin vào vị trí dẫn dắt phòng thí nghiệm ở Nha Trang – khi Calmette về nước để mở một nhánh khác của viện ở Lille, Pháp thì ông phụ trách cả Nha Trang lẫn Sài Gòn – là một sự phân công hoàn hảo, không chỉ ông là nhà nghiên cứu xuất sắc mà còn vì ông có tài xoay xở và tổ chức. Chúng ta đã rõ sự linh hoạt của Yersin ở Hong Kong nhưng chưa mấy người biết chuyện ông từng được đích thân Pasteur cử sang Đức ‘học’ hai tháng ở Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm mà sau mang tên Viện Robert Koch, chủ yếu để quan sát cách thức Robert Koch bố trí các phòng thí nghiệm rồi xây dựng một loạt phòng thí nghiệm mới theo đúng cách thức như vậy ở Paris và vẫn dùng tốt ở thế kỷ 20, giáo sư Maxime Schwartz, nguyên Giám đốc Viện Pasteur Paris từ năm 1988 đến năm 1999, cho biết trong bộ phim tài liệu A. Yersin – Vainqueur de la paste” (A. Yersin – người chiến thắng bệnh dịch hạch). 

Trong hội thảo “Alexandre Yersin: Nửa thế kỷ ở Việt Nam”, diễn ra vào tháng 3/1991 tại Nha Trang, giáo sư Jean Luc Durosoir đã nhận xét xác đáng “Lúc đầu chỉ là một phòng thí nghiệm khiêm tốn, Viện Nha Trang không bao lâu đã trở thành một cơ sở khoa học mà tiếng tăm đã vượt qua các biên giới… Có lẽ thiên chức của Yersin đã nảy sinh ở Paris, tại nơi ông là đồ đệ của Louis Pasteur, một cộng sự riêng và bạn thân của Emile Roux. Nhưng chính tại châu Á, tại Việt Nam, tại Nha Trang, cuộc đời ông mới có bước ngoặt quyết định”.

Nhưng đó là chuyện về sau còn giờ, chúng ta hãy nhìn vào lưng vốn của Yersin ở điểm xuất phát. Cũng như khi đến Hong Kong một năm trước, ông chả có gì nhiều nhặn trong tay, như lời kể của giáo sư Thế Trâm, “một căn nhà làm bằng vật liệu tạm bợ, chừng 20 con ngựa để làm huyết thanh, và duy nhất một bác sĩ thú y”, đó là Eugène Pesas 29 tuổi từ Sài Gòn ra vào năm 1896 nhưng chẳng bao lâu sau qua đời vì nhiễm độc tố trong phòng thí nghiệm khi điều chế huyết thanh dịch hạch (năm 1897). Và rồi cả “những con ngựa cái sản xuất huyết thanh sau đó lại lăn đùng ra chết vì một căn bệnh không rõ nguyên nhân”.

Được hung tin khi đang ở Bombay, Ấn Độ cứu chữa bệnh nhân dịch hạch, Yersin vội vã trở về để vực dậy cả phòng thí nghiệm đang chực chờ rời rã. Rút cục thì cũng phải có cách nào đó chứ nhỉ?

Trang trại Suối Giao – nay là Trại chăn nuôi Suối Dầu, thời kỳ Yersin mới thành lập.

Tầm nhìn trăm năm ở Suối Dầu 

Lẽ đời luôn công bằng theo cách của mình. Gian nan đặt trước mắt Yersin có thể là dịp để ông sắp xếp lại cách thức tổ chức nghiên cứu và sản xuất huyết thanh chống dịch hạch của cơ sở Nha Trang, đồng thời tách nơi nuôi ngựa, lấy huyết thanh ngựa, cùng với việc nuôi một số loài chuột, thỏ xa nơi làm thí nghiệm để đảm bảo tính an toàn và có thể sẵn sàng mở rộng quy mô. 

Vào năm 1899, Toàn quyền Đông Dương đã cấp cho ông 500 ha đất ở cách Nha Trang 20 km, nơi có dòng sông nhỏ mang tên Suối Giao chảy qua, nay thuộc Cam Lâm, Khánh Hòa. Theo Khánh Hòa online, phát nguyên tại Hòn Bà, con sông này trở thành phụ lưu cuối cùng của sông Cái, chảy theo hướng Ðông Bắc rồi chia thành hai nhánh ở xã Suối Hiệp, một chảy xuống phía Đông, một chảy ra sông Cái Nha Trang rồi đổ ra biển. Có lẽ không cần tưởng tượng nhiều thì cũng có thể hình dung cả vùng đất này, khi đó, toàn là rừng rú, đầm lầy lau lách hoang vu. Quanh sông chủ yếu là cây dầu, đó là lý do vì sao mà mọi người đều gọi đây là Suối Dầu. “Trước đây quanh khu vực này, cây dầu nhiều lắm nhưng sau cơn bão năm 2017, những cây lớn như thế đã bị bão quật đổ gần hết”, ThS. Nguyễn Văn Minh, Trại trưởng Trại Chăn nuôi Suối Dầu, ngày nay thuộc Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), nói. 

Trên diện tích 135 ha mà hiện IVAC quản lý, Suối Dầu, như một ốc đảo xanh yên ả, được bao bọc bằng hồ trữ nước tưới và các cánh đồng trồng cỏ xen kẽ với những bãi mía để cung cấp thức ăn cho ngựa. Con đường bao quanh trại cũng rợp bóng cây, đâu đó lác đác trái dầu rụng sớm, hai cánh xoay xoay theo chiều gió như cả trăm năm trước. Giữa cao điểm hè tháng sáu, cái nắng như đổ lửa được lọc qua những tán lá chợt như dịu lại, không khí trở nên trong lành, dễ chịu hơn. “Nơi này vô cùng đặc biệt và được thiên nhiên rất ưu đãi. Ông [Yersin] thực sự là một thiên tài về nông nghiệp, khí tượng bởi ông đã chọn vùng có lượng mưa trung bình hằng năm lớn nhất cả tỉnh, thường cứ hai, ba giờ chiều lại có một cơn mưa. Nhiệt độ vì thế luôn ổn định, thuận lợi cho nuôi động vật làm thí nghiệm”, ThS. Nguyễn Văn Minh nói về những điều mình trải nghiệm trong hơn 20 năm làm việc ở Suối Dầu. Anh cũng lý giải việc trại trồng nhiều cây xung quanh khu vực đường đi, vùng đệm giữa khu vực hành chính, sản xuất với chăn nuôi giống như ý tưởng của người khởi tạo, “chủ yếu để không khí được trao đổi thường xuyên và ngăn cách mầm bệnh”. 

Không khí xưa nay đan xen hòa quyện trong Suối Dầu, không chỉ ở những bức ảnh “đôi” quang cảnh quá khứ – hiện tại của trại được xếp đặt một cách tự hào trong phòng họp xây cách đây vài năm mà cả ở việc bố trí các khu vực nuôi theo đúng cách thức bố trí của bậc tiên tổ.

Trại Chăn nuôi Suối Dầu giờ vẫn là một nơi nuôi chuột, thỏ làm thí nghiệm, ngựa lấy huyết thanh đúng theo thiết kế thuở đầu của Yersin. Những gì ông gây dựng ở Suối Dầu vẫn còn sừng sững, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. “Thời trước, ông nuôi chuột lang và thỏ trong dãy nhà này, nuôi theo điều kiện tự nhiên nên thiết kế chuồng đã rất thông thoáng”, ThS. Nguyễn Văn Minh giới thiệu dãy nhà xinh xắn có khuôn cửa hình chữ U ngược, thoạt trông có nét giống nhà của Baggins trong loạt phim Người Hobitt. Nhà mái lệch, tường dày 30 cm, xung quanh trổ những ô cửa để lấy ánh sáng và gió tự nhiên lùa vào đủ “nên luôn thoáng mát vào mùa hè, mùa đông luôn ấm”, anh nói và chỉ những ống phun nước li ti quanh nhà. “Thông thường, 27oC là mức lý tưởng trong chăn nuôi, trên 27oC phải có điều hòa để làm mát nhưng ở đây, mình dùng hơi nước để làm mát”.

Ngay từ ban đầu, Yersin đã thiết kế dãy nhà chữ U này gồm 176 ô, với đầy đủ chỗ thoát nước để công nhân có thể vệ sinh chuồng thường xuyên. Ông cũng không khi nào nuôi chuột thỏ đầy các ô, và không nuôi liên tục mà để chuồng nghỉ cho sát trùng, vệ sinh, trống một thời gian mới nuôi trở lại. Những quy tắc an toàn sinh học ấy vẫn được tiếp nối ở Suối Dầu ngày nay. 

Qua khung cửa sổ nhỏ có bịt lớp rào mắt cáo, người ta có thể thấy lũ chuột lang bụ bẫm với màu lông vàng, nâu, trắng kêu chít chít trong các ô chuồng. Chúng sẽ được chăm sóc mỗi ngày ở đây cho đến khi có đơn đặt hàng với những yêu cầu cụ thể từ nhiều trường, viện trong cả nước. Mỗi năm, trại nuôi khoảng 3.500 đến 4.000 con chuột nhắt, 2.000 con chuột lang, 500 con thỏ. “Tùy từng loại vaccine mà sử dụng chuột lang hay chuột nhắt để đánh giá tiền lâm sàng về an toàn và công hiệu, ví dụ với vaccine BCG phòng lao thì an toàn đặc hiệu trên chuột lang, an toàn chung trên chuột nhắt”, ThS. Nguyễn Thành Tín (IVAC) nói.

Không khí xưa nay đan xen hòa quyện trong Suối Dầu, không chỉ ở những bức ảnh “đôi” quanh cảnh quá khứ – hiện tại của trại được xếp đặt một cách tự hào trong phòng họp xây cách đây vài năm mà cả ở việc bố trí các khu vực nuôi theo đúng cách thức bố trí của bậc tiên tổ. Nhìn vào những bức ảnh, thấy rõ không có nhiều đổi khác ở bộ khung nhà nuôi thỏ, chuột, chỉ có cái khác là thay đổi mái. Dấu ấn của Yersin đậm đặc đến mức người ta có thể mường tượng ra trong phút chốc, thấp thoáng đâu đó những bước chân của ông và cộng sự từ dãy nhà chữ U, rẽ vào con đường mòn, đi qua vùng đệm ra đến những tàu ngựa, được đặt biệt lập trong một khu có rào kín và cổng. “Chuồng ngựa này cũng được xây từ thời ông luôn. Do qua ngày tháng bị hư hỏng, xuống cấp nên chúng tôi có sửa sang, thay ngói tô tường lại trên cái nền, cái móng ngày xưa”, ThS. Nguyễn Văn Minh giới thiệu, không dấu sự ngưỡng mộ về một thiết kế tổng thể không lỗi thời sau cả trăm năm. 

Dãy nhà nuôi chuột lang và thỏ do Yersin xây dựng, giờ vẫn được sử dụng.

Ở đây, hai dãy chuồng yên tĩnh cách nhau cả khoảng sân rộng lớn, lũ ngựa đang rì rầm ăn cỏ, thi thoảng hí vang phấn khích. Không rõ chính xác ban đầu ở Suối Dầu, Yersin nuôi bao nhiêu con ngựa để có các sản phẩm, “chủ yếu là các loại vaccine và huyết thanh phòng, điều trị bệnh cho động vật (trâu, bò) như dịch hạch, tụ huyết trùng, tả…, sau này phát triển sản phẩm dùng cho người chuyên biệt như hiện nay như huyết thanh kháng uốn ván, kháng dại, kháng nọc rắn…”, như giới thiệu của TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC. Giờ đây, “Suối Dầu có 357 con ngựa được luân phiên khai thác máu để làm huyết thanh kháng uốn ván, kháng dại, kháng các loại nọc rắn – hổ đất, hổ mang, lục, cạp nia, chàm quạp… IVAC là nơi duy nhất ở Việt Nam cung cấp các loại huyết thanh này”, ThS. Nguyễn Văn Minh nói. 

Việc lấy máu ngựa được tuân theo một quy trình nghiêm ngặt mà từ khởi thủy, Yersin và cộng sự đã thiết lập cơ bản, thậm chí quy trình này cũng tránh cả sự gây đau đớn cho ngựa. “Thực ra không cần gây mê nhưng khi khai thác vẫn cần phải cột dây vào vị trí để cố định ngựa. Con ngựa khôn đều biết khi dắt nó như vậy là vào lấy máu, nó để yên, gần như nó thấy như một nghĩa vụ của mình trong cứu người. Suối Dầu cũng có những kỹ thuật viên rất giỏi, đưa kim tiêm vào động mạch rất nhanh cho ngựa ít đau đớn nhất”, ThS. Nguyễn Thành Tín nói. Cũng như thời Yersin, việc dùng huyết thanh kháng độc tố hay kháng khuẩn đều vào thời điểm cấp bách của người bệnh, nếu không kịp thời có thể sẽ dẫn đến cái chết, như giải thích của ThS. Nguyễn Văn Minh “trong trường hợp bị chó cắn, mình nghi ngờ nó bị dại nhưng nếu tiêm vaccine vào để nó sinh kháng thể diệt virus dại thì lại chậm, không còn đủ thời gian nữa. Do đó, phải tiêm huyết thanh có sẵn kháng thể vào để nó trung hòa, nó diệt con virus dại liền”. 

Tầm nhìn trăm năm của Yersin thể hiện trong mọi ngóc nghách ở Suối Dầu, ngay cả vấn đề tưởng rất bình dị là nước.

Tầm nhìn trăm năm của Yersin thể hiện trong mọi ngóc nghách ở Suối Dầu, ngay cả vấn đề tưởng rất bình dị là nước. Với một cơ sở chăn nuôi lớn như Suối Dầu, ngay từ khởi thủy, nhu cầu về nước rất cao, thậm chí sống còn. Nếu lấy nước từ sông Suối Giao thì sẽ phải đào kênh dẫn mất rất nhiều công sức, tốn kém, Yersin chọn cách khác. “Ông là một nhà địa chất tài ba”, ThS. Nguyễn Văn Minh tấm tắc. “Ông đã cho đào giếng đúng túi nước có trữ lượng lớn nhất khu vực này. Cách đây mấy năm, chúng tôi đã mời cả cán bộ địa chất ở Khánh Hòa đi khảo sát các nguồn nước ở đây và họ xác nhận như vậy”. Do mở rộng quy mô chăn nuôi và sản xuất, không chỉ cho chuột, thỏ, ngựa mà còn ba nhà gà và nhà máy sản xuất vaccine cúm dựa trên công nghệ trứng gà có phôi, mỗi ngày cần 200m3 nước, Trại đã nhờ tới một nguồn nước bên ngoài là hồ Suối Dầu. Nước được dẫn về một nhà máy xử lý nước riêng có công suất 43m3/giờ để cung cấp cho toàn bộ trại.

Cả cơ ngơi bề thế được thiết kế và xây dựng đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng để Yersin hình thành một viện nghiên cứu hiện đại với đầy đủ cơ sở hạ tầng cần thiết ở Nha Trang. Nhưng cơ nghiệp kỳ diệu mà Yersin gây dựng nên không chỉ dừng lại ở chỗ đó. Từ năng lực giải quyết thách thức và ham thích khám phá của mình, Yersin đã mở rộng sự phát triển sang những hướng khác. Ở góc Nha Trang bé tí này, ông đã đi song song (hay là đi trước?!) với Emil von Behring ở lục địa già trong việc mà ngày nay người ta vẫn gọi là thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Behring lập Behringwerke, công ty sản xuất huyết thanh kháng độc từ bò và ngựa ở Marburg vào năm 1904, còn Yersin từ Suối Dầu cung cấp huyết thanh phòng, điều trị bệnh cho động vật cho toàn Việt Nam, một nguồn thu không nhỏ để cho Viện Pasteur Nha Trang và cả Suối Dầu có thể tồn tại.

Sau này, nếu von Behring thành lập thêm công ty Aventis Behring, ngày nay là một phần của Sanofi Pasteur, thì Yersin còn đi xa hơn và táo bạo hơn: thành lập Trường Y khoa Đông Dương, đặt nền móng cho nền thú y Việt Nam hiện đại, mở công ty “Các ông Yersin, Roux & Calmette” – một dạng công ty spinoff chuyên kinh doanh mủ cao su để tự tìm nguồn thu đầu tư cho nghiên cứu… 

Di sản đồ sộ ấy, giờ đây, vẫn khiến người ta không thôi kinh ngạc, không chỉ ở cái nhìn viễn vọng xuyên thời gian mà cả sức lao động phi thường của ông.□

(Còn tiếp)

Đọc thêm
Yersin ở Việt Nam (Kỳ 1): Người chế ngự bệnh dịch hạch
Di sản của “ngài viện trưởng” Calmette
Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen về giáo dục thuộc địa Đông Dương
Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen về giáo dục thuộc địa Đông Dương (Kỳ 2 “Huyền thoại đen”)

———-

Tài liệu tham khảo:

“Alexandre Yersin (1863- 1943): Nửa thế kỷ ở Việt Nam”. Tháng 3/1991. Thư viện Lâm Đồng

“Lịch sử Viện Pasteur Nha Trang từ năm 1895 đến năm 1975”. Bảo tàng Yersin

“History of Passive Antibody Administration for Prevention and Treatment of Infectious Diseases”. Current Opinion in HIV and AIDS. May 2015.

“The Story of the Pasteur Institute and Its Contributions to Global Health”. Marie-Hélène Marchand. Cambridge Scholars Publishing. 2018.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)