Alexandre Yersin (Kỳ 3) – Khởi điểm của y học Việt Nam hiện đại

Di sản khoa học của Alexandre Yersin nói riêng và y học thuộc địa nói chung, giờ đã trở thành một phần không thể tách rời của y học Việt Nam hiện đại, dẫu đã có lúc các di sản ấy phần nào bị khuất lấp trong dòng chảy thời gian và thời cuộc…

Tượng Yersin trong khuôn viên trường ĐH Y Hà Nội.

Vào ngày 25/2/2016, tại trường Đại học Y Hà Nội trên đường Phạm Ngọc Thạch đã diễn ra một sự kiện rất có ý nghĩa với ngành y tế, với sự tham gia của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Beatrice Maser Mallor… Tuy ngày rằm tháng giêng mới quá được vài bữa nhưng đây không phải là lễ trồng cây như thông lệ đầu xuân năm mới ở Việt Nam. Đây là lễ khánh thành tượng Alexandre Yersin, người sáng lập và hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y khoa Đông Dương, tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội, sau hơn một thế kỷ thành lập. Được đặt trên bệ cao giống tượng Lenin ở đường Điện Biên Phủ, bức tượng Yersin được phỏng theo bức ảnh chụp ông vào năm 1900, thời điểm bốn năm trước khi ông làm việc ở Trường Y khoa Đông Dương. 

Từ thời điểm đó, không gian của ĐH Y Hà Nội chợt trở nên đặc biệt hơn, khi có sự hiện diện của Yersin, người đặt nền móng cho y học Việt Nam hiện đại, bên cạnh con đường mang tên Phạm Ngọc Thạch, cựu sinh viên Trường Y dược Đông Dương (1928 – 1932), Đại học Y khoa Paris (1932 – 1934) và sau đó là Bộ trưởng Bộ Y tế trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1958-1968). Qua nhiều thăng giáng thì cuối cùng, quá khứ cũng được kết nối liền mạch với hiện tại và tương lai…

Bởi hiện tại là gì nếu không được bắt nguồn từ quá khứ. Dưới hồi quang của quá khứ, chúng ta có thể hiểu ngọn ngành hơn những gì mình được thụ hưởng ngày nay. Dĩ nhiên, không phải vô cớ mà vào thập kỷ cuối thế kỷ 19, những cơ sở nền tảng cho ngành y hiện đại ở một nước thuộc địa như Viện Pasteur Sài Gòn (1891), Viện Pasteur Nha Trang (1894) và sau là Trường Y khoa Đông Dương (1902)… lại lần lượt được ra đời. Cuộc cạnh tranh trong y học ở châu Âu đã đưa các nhà khoa học lục địa già đến với các vùng đất mới, trong đó có Viễn Đông và châu Á. Người Đức cắm rễ ở Nhật Bản, người Anh ở Trung Quốc đã mang danh như người tiên phong ở lĩnh vực ký sinh trùng học. Người Pháp cũng có lợi thế trong cuộc bám đuổi người Đức và Anh, bởi việc chiếm Đông dương làm thuộc địa của họ trùng khớp với thời điểm thành lập Viện Pasteur Paris, nơi sau đó trở thành trường giảng dạy các khóa về vi trùng học mà Émile Roux gọi là “Grand Cours” từ năm 1889. Thuộc số những người ghi danh theo học “Grand Cours”, các bác sĩ quân đội Pháp ở thuộc địa mong muốn học hỏi thêm về các thực hành trong phòng thí nghiệm nhiệt đới – một trong số đó là Albert Calmette (mà chúng ta đã biết ở kỳ trước). Sau này, Pháp đã thành lập Trường Ứng dụng Y học thuộc địa vào năm 1906 ở Marseilles (vẫn được gọi là le Pharo), không chỉ để đáp ứng nhu cầu này của các bác sĩ quân đội ở các thuộc địa mà còn do thấy lợi ích của việc đào tạo chuyên sâu về các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới.

Một sự chuyển đổi về y học diễn ra trong lòng một xã hội thuộc địa mà gốc rễ gắn chặt với “dao cầu, thuyền tán” của y học cổ truyền Trung Quốc (Trung y) và y học cổ truyền dân tộc (Nam y) để hướng về sự hiện đại hóa (Tây y), cùng với một tên tuổi chúng ta đã quen thuộc, Alexandre Yersin. 

Khởi thủy, lịch sử của y học hiện đại ở Việt Nam, cũng như ở nhiều thuộc địa Pháp trên thế giới, đã bao hàm cuộc chiến chống lại đại dịch và những căn bệnh truyền nhiễm nhiệt đới, cuộc chiến được bắt đầu thông qua việc xây dựng mạng lưới bệnh viện không ngừng được mở rộng – Bệnh viện Đồn Thủy, Bệnh viện Saint Paul, Nhà thương Cống Vọng, Bệnh viện Indigène du Protectorat ở Hà Nội, Bệnh viện Hải quân, bệnh viện Lalung Bonnaire, Bệnh viện Saint Paul ở Sài Gòn… – và thông qua các chiến lược tiêm chủng quy mô lớn chống lại bệnh đậu mùa. Thành quả rực rỡ của Yersin khi phát hiện ra trực khuẩn Yersinia pestis gây bệnh dịch hạch vào năm 1894 cũng thuộc về cuộc chiến này. 

Sẽ có nhiều cách nhìn khác nhau về mục tiêu của người Pháp khi gây dựng nền y học hiện đại ở Việt Nam (điều này chúng ta sẽ còn thảo luận trong bài viết khác) nhưng chắc chắn, họ là những người đầu tiên đưa các lý thuyết và thực hành chăm sóc sức khỏe hiện đại của phương Tây trên quy mô lớn vào xứ này. Đây cũng là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc vẽ lại ‘bản đồ dịch bệnh’ Đông Dương và tái định hình mối quan hệ giữa người bản xứ, về mặt cá nhân và cộng đồng, với thực hành chăm sóc sức khỏe trước bệnh dịch, ngăn ngừa dịch bệnh, thậm chí cả mối quan hệ của họ với chính quyền thuộc địa và phương Tây, theo đánh giá của Laurence Monnais, nhà nghiên cứu về y học thuộc địa ở ĐH Montreal, Canada. 

Không còn nghi ngờ gì nữa, một sự chuyển đổi về y học đã diễn ra trong lòng một xã hội mà gốc rễ gắn chặt với “dao cầu, thuyền tán” của y học cổ truyền Trung Quốc (Trung y) và y học cổ truyền dân tộc (Nam y) để hướng về sự hiện đại hóa (Tây y), cùng với một tên tuổi chúng ta đã quen thuộc, Alexandre Yersin. 

Sáng lập trường Y khoa Đông dương 

Rõ ràng thời kỳ này, Yersin đã muốn yên vị ở Nha Trang và cật lực làm việc. Ông đang vực dậy một cơ sở nghiên cứu sau cái chết bất ngờ của bác sĩ thú y Eugène Pesas khi điều chế huyết thanh dịch hạch (năm 1897) và mới đổ công sức vào Trại Chăn nuôi Suối Giao (nay là Trại Chăn nuôi Suối Dầu) rộng 500 ha trên đất đầm lầy lau lách hoang hóa, được thành lập vào năm 1899. Không có khoảng trống thời gian nào để nghĩ về việc khác.

Sinh viên trường Y khoa Đông dương thực hành trong phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, bất ngờ luôn xảy ra trên con đường của Yersin, oái oăm là nó thường đến vào lúc không lường trước nhất, giống như sự thôi thúc phải đến với các vùng đất mới xuất hiện khi ông đang chuẩn bị hành nghề y tại Paris. Lúc này, Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến năm 1902, đã thực thi nhiều chính sách thuộc địa mới, một trong số đó là thành lập một trường y ở xứ An Nam. Có thể là thành công của Viện Pasteur Sài Gòn và Nha Trang đã khiến người Pháp nghĩ đến việc thực thi chính sách mới, đó là tạo ra một cách thức khác biệt để hình thành một một trung tâm văn hóa – khoa học, một nơi cũng gần Trung Quốc, vốn nổi tiếng về sự đa dạng sinh học và ẩn chứa nhiều mầm bệnh (ví như khởi nguồn bệnh dịch hạch năm 1894), qua đó phát huy ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây, đặc biệt là của Pháp, như nhận xét của bác sĩ Đặng Vũ Viêm, ĐH Y Hà Nội, trong hội thảo “Alexandre Yersin (1863 – 1943): Nửa thế kỷ ở Việt Nam”, được tổ chức vào tháng 3/1991.

Đó là lý do Paul Doumer chọn địa điểm đặt trường là Hà Nội thay vì Sài Gòn như dự kiến, và lựa chọn một nhân vật có đủ uy tín và thực tài vào vị trí hiệu trưởng, theo tiêu chí đề ra của Albert Decrais, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa từ năm 1899 đến 1902. Mặc dù giáo sư Paul Brouardel, hiệu trưởng ĐH Y Paris, đã đề cử một số cái tên nhưng ở thời điểm này, không ai phù hợp hơn Yersin, một đại diện xuất sắc của trường phái Pasteur ở Đông dương, dẫu trước đó, Yersin cũng không có mặt trong Ban nghiên cứu điều kiện tổ chức và vận hành một trường y, theo Nghị định số 565 ngày 12/8/1898 (bác sĩ Hénaff, Giám đốc Bệnh viện Chợ Quán Sài Gòn là trưởng ban). 

Yersin có lưỡng lự khi nhận được lời mời không? Rất có thể là có vì quá nhiều việc dồn lên vai ông ở Nha Trang. Nhưng rõ ràng là ông bị cám dỗ bởi cơ hội mới từ người bạn từng cùng mình lên cao nguyên Langbiang để thiết lập nền móng cho một thành phố nghỉ mát kiểu Pháp ở đó, cùng từng ngược dòng Me Kong tới Phnompenh. Cơ hội mới này lại phản ánh đúng suy nghĩ và mong ước của ông, đó là người bản xứ có thể trở thành những bác sĩ giỏi, nếu được đào tạo bài bản, và họ sẽ góp phần kiểm soát dịch bệnh ở cái xứ đầy rẫy lam sơn chướng khí và mầm bệnh nhiệt đới này. 

Chính phủ thuộc địa đã nâng cấp cơ sở vật chất ở Nha Trang để Yersin có thể dẫn dắt viện trở thành nơi sản xuất thuốc, đào tạo nhân lực song song với hoạt động nghiên cứu về bệnh sốt rét và các loại vi trùng, ký sinh trùng gây bệnh cho người, súc vật và cây cối. 

Yersin nhận lời, dẫu ông biết rằng điều đó đồng nghĩa với việc sẽ phải tạm xa cái chốn thân thương ở Nha Trang để tạm sống ở Hà Nội. Người ta tự hỏi, Yersin sẽ vào vai hiệu trưởng như thế nào? Liệu ông có làm được điều gì đáng giá ở một nơi mới không, bởi thiết lập và vận hành một cơ sở đào tạo sẽ đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý trong một thời gian dài. Đó cũng là cách duy nhất để thuyết phục những kẻ đầy hoài nghi, cả ở Pháp lẫn xứ An Nam, về năng lực của những bác sĩ bản xứ tương lai. Với tầm nhìn xa của một nhà khoa học, ông đã đưa vào quy chế, nhiệm vụ của trường một số quy định quan trọng liên quan đến nghiên cứu trong trường: trường có những phòng thí nghiệm để các nhà khoa học tại chỗ hoặc đến trường công tác có thể sử dụng; theo đề nghị của hiệu trưởng, các nhà khoa học Pháp và nước ngoài muốn nghiên cứu tại Đông Dương có thể được phép vào các phòng thí nghiệm và bệnh phòng để làm việc.

Và ông sẽ phải tiến hành mọi việc hết sức nghiêm túc, từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất đến tuyển sinh. Đợt tuyển sinh đầu tiên của trường được tiến hành vào ngày 1/2/1902 với sự đăng ký của 121 thí sinh và cuối cùng tuyển được 15 người ở Bắc Kỳ, ngoài ra có 5 người ở Trung Kỳ, 8 ở Nam Kỳ và 1 Cao Miên. Trong số 29 sinh viên khóa đầu tiên, có những người được trao học bổng trị giá 8 đồng/tháng. Để hiểu được giá trị học bổng, chúng ta tham khảo thêm thông số từ tư liệu lịch sử trường ĐH Y Hà Nội: nếu xét hệ thống lương bổng hành chính thì lương tri huyện vào khoảng 25 đồng/tháng còn nếu xét giá cả trên thị trường tự do, 6 đồng mua được 1.000 quả trứng gà hoặc 3-4 tạ gạo. 

Năm học đầu tiên được khai giảng ngày 1/3/1902. Có lẽ, chúng ta không thể hình dung hết những khó khăn bước đầu của Yersin khi đặt nền móng cho một cách tiếp cận mới về chăm sóc sức khỏe, về cả lý thuyết và thực hành, cho những người chủ yếu chịu ảnh hưởng của nền Hán học. Có một cột mốc đối chiếu để chúng ta có thể hiểu thêm đôi chút là còn phải chờ tới 17 năm sau thì triều đình nhà Nguyễn mới chính thức khép lại chế độ thi cử theo kiểu Hán học bằng kỳ thi cuối cùng vào năm 1919 và đi vào truyện ngắn Khoa thi cuối cùng trong tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Khi đó, trình độ của sinh viên quá thấp và hầu như không biết tiếng Pháp. Do vậy, Yersin tập trung một khóa dự bị dài sáu tháng với các kiến thức nền tảng, cần thiết như động vật học, thực vật học, hóa học, vật lý học cơ sở, số học, hình học, tiếng Pháp…

Viện Pasteur Nha Trang năm 1985.

Kể từ tháng 10, chương trình học chính thức bắt đầu. Trên thực tế, Yersin đã cố gắng thiết lập một chương trình học giống như khuôn mẫu trường y ở Pháp: ở ấp Thái Hà, buổi sáng, các sinh viên sẽ thực hành ở một bệnh viện, buổi chiều học lý thuyết tại một giảng đường cách đó 200 m. Trên lớp, ngoài các môn thuần túy y học, sinh viên sẽ học một số môn cơ bản: hóa học, vật lý, số học – hình học, tiếng Pháp, lịch sử, địa lý, địa chất, thiên văn, khí tượng học. Yersin đích thân lên lớp dạy các môn khoa học cơ bản và giải phẫu, môn mà ông rất xuất sắc khi học ở Đức.

Có thể giờ đây, ai đó sẽ nhướng mày ngạc nhiên, giống như cách trước đó cả trăm năm, có người phản đối cách xây dựng chương trình của Yersin, cho là ông toàn đưa vào kiến thức thừa từ các môn cơ bản khiến sinh viên không được tập trung vào các môn chuyên ngành. Yersin phản hồi trong bức thư gửi Paul Doumer đề ngày 20/8/1902 “Đây chỉ là chương trình tạm thời và có thể thay đổi… Chúng tôi cho rằng cần phải dạy học sinh một số kiến thức về phương Tây vì y học hiện đại có nguồn gốc từ phương Tây. Giả sử ngược lại, y học hiện đại có nguồn gốc từ phương Đông thì chúng ta sẽ phải dạy sinh viên châu Âu các kiến thức về Trung Quốc. Dù các thầy thuốc do trường đào tạo sẽ chỉ hành nghề chủ yếu ở đất nước họ nhưng đây không phải là lý do để chỉ dạy họ những môn thuần túy y học, nghĩa là chỉ muốn họ trở thành những thầy thuốc tồi”. 

Những nỗ lực này đã có chút kết quả, bất chấp sự khởi đầu ở mức thấp đến thất vọng. Ông viết thư khoe mẹ “Sinh viên y khoa của con đã học tập rất chăm chỉ, trong đó có những người thực sự xuất sắc ngang với sinh viên ở Pháp”. Đó là một nhận xét sớm, trùng khớp với đề xuất vào năm 1906 của thanh tra giáo dục Pháp trong một báo cáo kiểm tra hoạt động của trường: “Đề nghị gửi số học sinh xuất sắc nhất sang Pháp thi bác sĩ Y khoa và thử sức với sinh viên Pháp. Chắc chắn họ sẽ làm nên chuyện và trường Y Đông Dương sẽ không phải xấu hổ”.

Yersin sẽ đảm trách vai trò Viện trưởng Viện Pasteur Đông Dương từ năm 1905 đến năm 1923. Ông không chăm chút riêng cho Nha Trang mà còn lên kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất cho cả Sài Gòn.

Tuy nhiên, trong đời Yersin, như chúng ta đã biết, bất ngờ luôn xuất hiện vào lúc không chờ đợi nhất. Chính sách đột ngột thay đổi khi cái ghế Toàn quyền Đông Dương thuộc về người mới Paul Bert, thay thế Paul Doumer trở về Pháp tiếp tục đời chính trị (cuộc đời ấy lên tới đỉnh cao khi trúng cử Tổng thống Pháp vào tháng 5/1931 nhưng khép lại bi thảm bằng một phát súng vào năm 1932). Và chính sách của Paul Bert đi ngược với kế hoạch phát triển trường y của Yersin. Vì vậy sau hai năm rưỡi, ngày 9/7/1904, Yersin chia tay Hà Nội, từ bỏ ước mơ xây dựng một trường y chính quy, hiện đại ở Đông Dương và có quy chế tương tự ĐH Y Paris.

Nhưng có một nơi ông rồi sẽ vĩnh viễn không rời xa, hơn thế, ngày một vun đắp cho nó trở nên đẹp đẽ, Nha Trang với Xóm Cồn, Suối Giao và thêm một địa danh mới là Hòn Bà trong tương lai.

Quản lý các Viện Pasteur ở Đông dương

Yersin là một con người mâu thuẫn kỳ lạ. Trong suốt cuộc đời, một mặt ông luôn giữ được sự say mê, tò mò trước cái mới – ông học hỏi rất nhiều lĩnh vực khác nhau như vật lý, cơ khí, điện tín, thiên văn và hiểu biết ấy có đất dụng võ khi ông đứng trên bục giảng trường Y ở Hà Nội và những cơ hội thú vị khác ở tương lai; mặt khác, dẫu thích dịch chuyển thì trong ông vẫn luôn tồn tại một sự gắn bó kỳ lạ với Nha Trang, thời gian chỉ làm nó thêm sâu sắc. Đó là lý do dù đi bất cứ nơi đâu, chốn duy nhất ông muốn lui về vẫn là Xóm Cồn, Nha Trang.

Lần này, chuyến trở về của Yersin, sau hai năm lao động cật lực ở Hà Nội, là để ông củng cố về mặt tổ chức và vận hành ở Nha Trang. Trước đó, ông đã bắt đầu tuyển lựa, đào tạo được một số nghiên cứu viên người bản xứ với sự hỗ trợ của một số bác sĩ Pháp, và hình thành một ‘tập đoàn’ những người bản xứ khai hoang và cần cù lao động trong cái chốn Utopia độc đáo của ông ở Suối Giao. 

Những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Yersin.

Cũng vào chính năm 1904, phòng thí nghiệm Nha Trang của ông được đổi tên thành Viện Pasteur Nha Trang và được sát nhập vào Viện mẹ Pasteur. Theo tư liệu của Bảo tàng Yersin, chính phủ thuộc địa đã nâng cấp cơ sở vật chất ở Nha Trang với các phòng thí nghiệm, phòng bào chế thuốc, nhà giải phẫu, chuồng nuôi súc vật, lầu chứa nước, nhà máy nước đá… để Yersin có thể dẫn dắt viện trở thành nơi sản xuất thuốc, đào tạo nhân lực song song với hoạt động nghiên cứu về bệnh sốt rét và các loại vi trùng, ký sinh trùng gây bệnh cho người, súc vật và cây cối. 

“Kiến trong miệng chén có bò đi đâu”, Yersin trở thành ủy viên Viện Pasteur Paris, thực hiện được một nửa mong ước của mẹ, nửa còn lại là phần tự do của ông, khi lựa chọn một điểm ngoài Pháp. Dĩ nhiên, Yersin là người phụ trách cả cơ sở Nha Trang và Sài Gòn, sau khi ông bạn Albert Calmette bị bệnh nặng và phải về Pháp từ năm 1893, và hợp nhất cả hai cơ sở dưới cái tên chung Viện Pasteur Đông Dương (Instituts Pasteur d’Indochine). Đáng chú ý là một hợp đồng được ký với hiệu lực trong 30 năm nhằm đảm bảo sự tồn tại của Viện Pasteur Đông Dương, với cả chữ ký của Viện Pasteur Paris và Toàn quyền Đông Dương, trong đó có nội dung đảm bảo nguồn tài chính cho viện: Toàn quyền Đông Dương, chính quyền Nam Kỳ, Viện Pasteur Paris, tuy nhiên một số hoạt động khác thì Viện Pasteur Đông Dương phải tự xoay xở qua việc bán huyết thanh, vaccine… Nhìn chung, Viện Pasteur Paris sẽ giám sát hoạt động khoa học của các viện ở Đông Dương trong khi phần nhiều nguồn tài chính hoạt động thuộc về trách nhiệm của Toàn quyền Đông Dương. Dĩ nhiên là Yersin cũng có chút thuận lợi khi kể từ năm 1904, ông bạn Émile Roux trở thành Giám đốc Viện Pasteur Paris. Roux thực thi một chính sách không khoan nhượng là dành hết mọi tiền bạc đầu tư cho khoa học, kể cả tiền có được từ giải thưởng “Nếu anh có cái thứ gì đó muốn cho đi, hãy mang nó đến Viện Pasteur; theo cách đó anh có thể có được công cụ để cứu nhiều cuộc đời”. Roux đã quyên được nhiều tiền từ các nhà hảo tâm và tìm kiếm mọi hỗ trợ có thể từ chính phủ để hỗ trợ cho các viện Pasteur trên khắp toàn cầu, trong đó có Đông Dương.

Yersin sẽ đảm trách vai trò Viện trưởng Viện Pasteur Đông Dương từ năm 1905 đến năm 1923. Ông không chăm chút riêng cho Nha Trang mà còn lên kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất cho cả Sài Gòn. Các phòng thí nghiệm nghiên cứu về mầm bệnh trên người tiếp tục được thiết lập vào năm 1905, trong khuôn viên của một chủng viện cũ. Dẫu chức năng ban đầu của các tòa nhà không phải là dành để cho nghiên cứu nhưng dưới sự bố trí và hoạch định của Yersin, cuối cùng một xây dựng cổ xưa cũng thích nghi với chức năng mới của viện. Năm 1920, ngân sách của miền Nam đã chi trả cho việc tái thiết toàn bộ cơ sở, trải dài trong nhiều năm, hai phần ba trong số đó sẽ được hoàn thành vào cuối năm 1922.

Yersin sẽ còn giữ vị trí Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho đến năm 1927, tập hợp quanh mình những cộng sự xuất sắc theo cách Pasteur đã từng làm, quy tụ cả người Pháp lẫn người bản xứ, để theo đuổi nhiều hướng đi khác nhau

Không có nỗ lực và tâm huyết nào mà con người phi thường này bỏ ra lại không được đền đáp. Theo Bảo tàng Yersin, kể từ năm 1914, Nha Trang bắt đầu sản xuất được vaccine chống bệnh dịch hạch và từ năm 1917 là vaccine tả. Cũng như các viện khác của Viện Pasteur Paris, sản phẩm của Nha Trang chủ yếu dựa trên nền tảng miễn dịch học cổ điển, nghĩa là đưa kháng nguyên, ở đây là các vi khuẩn đã được bất hoạt, vào cơ thể để các tế bào chữ T của lympo bào trong hệ miễn dịch tham gia phản ứng miễn dịch, tạo ra kháng thể đặc hiệu và hình thành trí nhớ miễn dịch. Đó cũng là nguyên tắc cơ bản của việc tiêm chủng. 

Sản xuất được vaccine tả là một thành công quan trọng của Nha Trang. Đây là công nghệ được chuyển giao từ Viện mẹ Pasteur: vaccine tả đầu tiên trên thế giới do Pasteur phát triển và thử nghiệm trên gà vào năm 1877. Để hiểu về sự nguy hiểm của bệnh tả, loại bệnh mà ngày nay chúng ta có thể coi thường nhưng vào giai đoạn đó thì thật nguy hiểm. Chúng ta có thể tham khảo một vài thông số trong tư liệu của WHO: vào năm 1922, ở Nam Kỳ ghi nhận 984 người mắc bệnh tả và 632 người chết; tình trạng lên đến đỉnh điểm vào bốn năm sau khi có 5.035 người mắc và 3.979 người chết. 

Một mình Nha Trang không thể tả xung hữu đột với các loại dịch bệnh ở Đông Dương, vì vậy Yersin đã thành lập một trung tâm đào tạo y sĩ thú y và người bào chế vaccine cho cả Đông Dương. Lúc này, Nha Trang đã có những nhân viên kỹ thuật từ Viện Pasteur Paris, các bác sĩ thú y, đa phần nhân viên trong Bộ Y tế thuộc địa, Y tế Hàng hải… Không chỉ những người trẻ ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Lào, Campuchia tìm thấy ở đây tất cả những gì họ cần như kiểm tra nhiệt độ, lấy mẫu, băng bó, đại phẫu, tiểu phẫu, tiêm chủng, các khóa học cơ bản trong phẫu thuật, bệnh lý, ngoại khoa, vi sinh vật và mầm bệnh, vệ sinh, kỹ thuật thú y, kiểm tra lò giết mổ… mà các bác sĩ, các nhà vi trùng học từ ĐH Y Paris, Viện mẹ Pasteur cũng thấy Nha Trang và Sài Gòn là nơi thực hành cần thiết cho mình. Một không khí học thuật và thực hành ở nhiều cấp độ đã sôi nổi diễn ra tại những nơi này.  

Yersin điều phối mọi hoạt động, và mỗi năm một lần ông trở về Viện mẹ ở Paris để họp hành, bàn thảo kế hoạch. Ông sẽ đảm trách vị trí này rồi tìm cách rút lui dần: đến năm 1919, trao quyền cho nhà vi sinh vật Noël Bernard làm Viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn và từ năm 1923 đến 1935 trở thành Viện trưởng Viện Pasteur Đông Dương. Không chỉ là người kế nhiệm Yersin, Noël Bernard sẽ còn là người đầu tiên viết tiểu sử Yersin, cuốn Yersin. Pionnier – Savant – Explorateur 1863-1943 (Yersin. Nhà tiên phong – học giả – nhà khám phá 1863-1943), ra mắt vào năm 1955. Theo tuần tự, vào năm 1925, Viện Pasteur Hà Nội ra đời (nay là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) và năm 1936 là Viện Pasteur Đà Lạt. Còn Yersin sẽ được trao một vị trí mang tính chất tưởng thưởng, giám đốc danh dự của Viện mẹ Pasteur.

Nhưng đó là chuyện của tương lai. Yersin sẽ còn giữ vị trí Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho đến năm 1927, tập hợp quanh mình những cộng sự xuất sắc theo cách Pasteur đã từng làm, quy tụ cả người Pháp lẫn người bản xứ, để theo đuổi nhiều hướng đi khác nhau. Dường như cái ham thích khám phá những điều mới mẻ ở Yersin đã chuyển từ việc khám phá những vùng địa lý còn chưa được ghi trên bản đồ xứ An Nam và cả xứ Đông Dương, sang mở đường cho những lĩnh vực mới phát triển: y học, thú y, di thực thực vật (cao su, canh-ki-na…). 

Nhìn cả hành trình của ông, từ một ngự lâm quân của Pasteur ở Paris đến việc gây dựng cả một di sản lớn lao ở Việt Nam, tất cả cho thấy một điều: không thành công nào đến một cách dễ dàng, ngay cả với người xuất chúng. Khó có câu nói nào về ông một cách chính xác hơn câu nói của Elbert Hubbard – một nhà văn, nhà xuất bản Mỹ cùng thời với Yersin, “Thiên tài là gì nếu không phải là nghệ thuật chịu đựng sự khó nhọc. Tất cả những thành công lớn lao có được đều phải được thành hình trên cái cẩn trọng cực độ và sự cần cù vô hạn, thậm chí đến từng chi tiết nhỏ”.

Đó là lý do vì sao, ngày nay, những chùm tia rạng rỡ vẫn không ngừng tỏa ra từ cuộc đời phi thường của Yersin. 

(Còn tiếp)
———–
Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký quyết định bổ nhiệm Yersin vào vị trí Hiệu trưởng Trường Y khoa Đông Dương (École de Médecine de l’Indochine) vào ngày 8/1/1902. Trong quyết định có ghi rõ những điều liên quan đến sứ mệnh và cung cách vận hành của trường: xây dựng tại Hà Nội một trường Y khoa trực thuộc Toàn quyền Đông Dương và phụ thuộc vào Nha Nội Chính về mặt hạch toán (theo tư liệu của Trường ĐH Y Hà Nội, ở năm đầu tiên, ngân sách dành cho thư viện và sách giáo khoa của trường là 2.000 đồng); trường có nhiệm vụ đào tạo các thầy thuốc người châu Á có khả năng đảm nhiệm, cùng với các thầy thuốc người Pháp và dưới sự chỉ đạo của họ, công tác y tế ở Đông Dương và các chức vụ ở bên ngoài, đồng thời góp phần nghiên cứu khoa học về căn nguyên và điều trị các bệnh của người Âu và người bản xứ ở Viễn Đông. 

———————-

Tài liệu tham khảo:

Kỷ yếu hội thảo “Alexandre Yersin (1863- 1943): Nửa thế kỷ ở Việt Nam”. Tháng 3/1991. Thư viện Lâm Đồng

“Lịch sử Viện Pasteur Nha Trang từ năm 1895 đến năm 1975”. Bảo tàng Yersin Nha Trang. 

 “Lịch sử hình thành và phát triển trường ĐH Y Hà Nội”. Ban Lịch sử ĐH Y Hà Nội. Năm 2003.

“Trường Đại học Y Đông Dương: Một thập kỉ khởi đầu bấp bênh”. Lê Xuân Phán. Tia Sáng. Năm 2021.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)