Ảnh hưởng của Darwin đối với lối suy nghĩ hiện đại
Con người của thế kỷ 21 tất nhiên là có cái nhìn khác xa so với con người của thế kỷ 19. Sự biến chuyển này có nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do sự phát triển chóng mặt của công nghệ. Nhưng có một phần quan trọng của sự biến chuyển này được bắt nguồn từ những ý tưởng của Darwin.
Thứ nhất, thuyết Darwin đã gạt bỏ tất cả những hiện tượng siêu nhiên. Thuyết tiến hoá bằng chọn lọc tự nhiên giải thích sự thích nghi và đa dạng của giới sinh vật chỉ theo chủ nghĩa duy vật. Nó không đòi hỏi Thượng đế như một đấng sáng tạo hay một nhà thiết kế nữa (mặc dù, nếu chấp nhận thuyết tiến hoá, chắc chắn là người ta tự do tin vào Thượng đế). Darwin đã chỉ ra rằng, sự sáng tạo đó như được mô tả trong Kinh thánh và trong thần thoại của các nền văn hoá khác bị mâu thuẫn với hầu hết các khía cạnh của giới tự nhiên. Việc tách Thượng đế ra khỏi khoa học đã tạo điều kiện cho sự giải thích một cách chặt chẽ các hiện tượng tự nhiên; mở đường cho chủ nghĩa thực chứng cũng như một cuộc cách mạng trí tuệ và tâm linh mạnh mẽ.
Thứ hai, Darwin đã chống lại khoa học kiểu hình (typology). Từ thời Pythagore và Plato, khái niệm tổng quát về sự đa dạng của thế giới đã nhấn mạnh sự bất biến và ổn định của nó. Quan điểm này được gọi là khoa học kiểu hình hay bản chất luận. Ngược lại, sự biến đổi là ngẫu nhiên và phi bản thể luận. Khoa học kiểu hình không có khả năng đem lại sự biến đổi cho nên nó đã dẫn đến một định kiến sai lệch về các dân tộc. Đối với các nhà kiểu hình học, những người Cáp-ca (da trắng), châu Phi, châu Á hay Eskimo là có nguồn gốc khác nhau, xuất phát từ những nhóm dân tộc khác nhau. Lối suy nghĩ này dẫn đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Darwin đã hoàn toàn gạt bỏ tư duy kiểu hình và đưa vào một khái niệm hoàn toàn khác được gọi là tư duy quần thể (population thinking). Tất cả các nhóm cơ thể sống, kể cả loài người là những quần thể bao gồm những cá thể và mỗi cá thể đều có sự khác biệt nhất định so với các cá thể còn lại. Chẳng hạn, trong số 6 tỷ người, không thể có hai người giống nhau hoàn toàn. Các quần thể biến đổi không phải do bản chất của chúng mà là do những sự khác nhau mang tính thống kê. Bằng việc gạt bỏ sự bất biến của quần thể Darwin đã thúc đẩy sự phát triển của một phương pháp diễn giải mới trong khoa học.
Thứ ba, lý thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin đã khiến thuyết cứu cánh (teology, hay mục đích luận: cho rằng mọi sự vật đều có mục đích nội tại) trở nên không cần thiết. Kể từ thời Hy Lạp, đã có một niềm tin phổ biến về sự tồn tại của một nguyên nhân chi phối sự diễn biến của toàn thế giới. Cái “nguyên nhân cuối cùng” này là một trong những nguyên nhân được chỉ ra bởi Aristote. Sau khi không thành công khi cố gắng giải thích các hiện tượng sinh học, Kant cũng đã phải nhờ đến cái “nguyên nhân” của thuyết cứu cánh này. Thậm chí sau năm 1859, những giải thích dựa trên thuyết cứu cánh cũng vẫn tiếp tục được sử dụng khá phổ biến trong sinh học tiến hóa.
Thứ tư, Darwin đã thực sự tránh xa thuyết tiền định. Laplace đã nghĩ rằng, nếu có một sự hiểu biết hoàn toàn về thế giới hiện nay cũng như các quá trình của nó thì ông có thể tiên đoán được tương lai tới vô cùng. Trong khi đó, Darwin tin vào tính phổ quát của sự ngẫu nhiên và may rủi qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Việc sự may rủi đóng một vai trò quan trọng trong những quá trình tự nhiên đã là một suy nghĩ khó chịu đối với nhiều nhà vật lý. Mọi người vẫn biết câu nói phản đối của Einstein: “Thượng đế không chơi xúc sắc”. Dĩ nhiên, như đã nói từ trước, chỉ bước đầu tiên trong chọn lọc tự nhiên, sự tạo ra các biến đổi mới là vấn đề của sự ngẫu nhiên. Còn sang bước thứ hai, sự chọn lọc thực tế lại là có tính định hướng. Nhiều nhà sinh học và triết học đã chối bỏ sự tồn tại của các định luật phổ quát trong sinh học và đề xuất rằng, tất cả những hiện tượng mang tính quy luật nên được phát biểu theo các thuật ngữ xác suất.
Thứ năm, Darwin đã phát triển một cái nhìn mới về loài người. Trong tất cả các đề xuất của Darwin, điều làm những người cùng thời với ông khó chấp nhận nhất chính là lý thuyết nguồn gốc chung được áp dụng cho cả Con Người. Đối với các nhà thần học và nhiều nhà triết học, Con Người là một sinh vật ở trên và tách hẳn ra khỏi những sinh vật khác. Aristote, Descartes và Kant đều đồng tình với quan niệm này. Nhưng các nhà sinh học Thomas Huxley và Ernst Haeckel, qua nghiên cứu kỹ lưỡng về giải phẫu đã thấy rằng, loài người và loài vượn rõ ràng là có chung tổ tiên. Nhận định này đã từng là một vấn đề nghiêm trọng chưa từng có trong khoa học.
Nói một cách chặt chẽ, cho dù như vậy nhưng những sự kiện này đã không dẫn đến sự kết thúc của luận thuyết coi con người là trung tâm (anthropocentrism). Nghiên cứu đã cho thấy rằng, bất kể vấn đề nguồn gốc thì con người vẫn là độc tôn trong giới hữu cơ. Trí thông minh của con người không hề nối kết với trí thông minh của bất cứ sinh vật nào khác. Con người là những sinh vật duy nhất có ngôn ngữ thực sự, bao gồm ngữ pháp và cú pháp. Chỉ có con người, như Darwin đã nhấn mạnh, mới phát triển được những hệ thống đạo đức thực sự và xây dựng được một nền văn hóa phong phú.
Thứ sáu, Darwin đã đặt ra một nền tảng khoa học về đạo đức. Một câu hỏi thường xuyên được đặt ra và thường xuyên bị tránh né là liệu sự tiến hóa có giải thích một cách xác đáng những đạo đức lành mạnh của con người hay không. Nhiều người băn khoăn là, nếu sự chọn lọc đem đến nhiều hơn cho một cá nhân khả năng tồn tại và phát triển thì sự ích kỷ thuần túy như vậy có dẫn đến bất cứ thứ đạo đức lành mạnh nào không. Có một học thuyết xã hội được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 bởi Spencer đã cố gắng sử dụng sự chọn lọc tự nhiên nhưng vì đó là sự áp dụng không đến nơi đến chốn nên nó không đúng với thực tế và cũng không ăn nhập với sự phát triển của đạo đức.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta biết được rằng, trong một loài có tổ chức xã hội thì không phải chỉ một cá nhân mà là toàn bộ nhóm xã hội cũng được xét đến như mục tiêu của sự chọn lọc. Darwin đã áp dụng sự giải thích này cho loài người trong tác phẩm Nguồn gốc loài Người (1871). Sự tồn tại và thịnh vượng của một nhóm xã hội phụ thuộc vào mức độ sự liên kết hòa hợp của các thành viên trong nhóm và đặc tính này phải được dựa trên chủ nghĩa vị tha (altruism). Với sự tồn tại và phát triển thịnh vượng của nhóm, chủ nghĩa vị tha đó cũng gián tiếp tạo ra sự thích nghi phù hợp của các thành viên trong nhóm.
Trong những năm gần đây, những sự chọn lọc dựa trên chủ nghĩa vị tha như vậy đã được minh họa ở nhiều loài động vật có tổ chức xã hội. Có lẽ chúng ta có thể nói gọn lại về mối quan hệ giữa đạo đức và tiến hoá: một thiên hướng vị tha và sự gắn kết hoà hợp trong những tổ chức xã hội chính là tiêu chí của chọn lọc tự nhiên.
Ảnh 2
Những lối suy nghĩ mới đã và đang phát triển. Hầu như mọi thành tố trong hệ thống niềm tin của con người hiện đại, ở mức độ nào đó, đều chịu ảnh hưởng từ những nguyên lý Darwin.