Ảnh Mặt Trăng thật hay giả?

Tiếp sau Mỹ, Liên Xô (Nga), EU và Nhật, Trung Quốc đã phóng vệ tinh Hằng Nga-1 lên quỹ đạo của Mặt trăng (MT). Báo chí TQ đánh giá đây là sự kiện lớn nhất năm 2007 của nước họ. Những bức ảnh đầu tiên do Hàng Nga-1 gửi về dấy lên một cuộc tranh luận: Ảnh Mặt trăng thật hay giả?


Chụp và làm ảnh MT

HN-1 chụp ảnh MT và gửi số liệu về Trái Đất để xử lý làm thành ảnh. Khi xử lý, TQ đã tham khảo số liệu ảnh ở vị trí tương ứng trong kho ảnh của Clementine Base Map (vệ tinh Clementine của Mỹ chụp năm 1994) làm ảnh gốc để định vị, vì thế ảnh của TQ giống ảnh của Mỹ. Máy chụp ảnh 3 chiều của HN-1 thu hình theo kiểu quét, mỗi lần chụp trải theo vệt ứng. Bức ảnh đầu tiên ghép bởi 19 vệt ảnh; vệ tinh bay hết 19 vòng quanh MT mới chụp xong một ảnh với tổng thời gian gần 48h. Ảnh chụp dưới ánh sáng Mặt Trời, trong khi HN-1 bay từ Nam lên Bắc.  Nhận xong số liệu ảnh đầu tiên và sau đó ghép xong ảnh 2D, độ phân giải đạt 120 m, tức cao hơn ảnh của Clementine (150m). Đích thân Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo công bố bức ảnh MT đầu tiên của HN-1 (hình 1).

Tấm ảnh ghép đầu tiên chỉ lấy phần ảnh của vùng cao địa gần Nam Cực, phía Trái Đất có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Một vụ bịp bợm khoa học chăng ?

Ngay sau đó, một số cư dân mạng TQ tung ra nhận xét: bức ảnh MT đầu tiên giống hệt ảnh MT do vệ tinh Mỹ chụp đã công bố năm 2005. Do đó họ ngờ đây là bản copy ảnh của Mỹ; nói khác đi nghĩa là TQ chưa hề phóng HN-1 và chụp được ảnh MT.


 

Một vụ bịp bợm khoa học nữa chăng? Thực ra, ảnh chụp cùng một vùng của MT thì phải giống hệt nhau, bởi MT hầu như không có biến đổi, vì trên đó không có không khí, nước và sinh vật. Lẽ ra giải thích như thế là đủ. Khi bác bỏ tin đồn ảnh MTTQ là ảnh giả, nhà khoa học đầu ngành của CTMTTQ, viện sĩ Âu Dương Tự Viễn, lại dựa vào phát hiện “ảnh MTTQ có thêm một hố thiên thạch (crater) nhỏ” (hình 2, chỗ có khuyên đỏ) để chứng minh ảnh này khác với ảnh của Mỹ, và nói sự khác biệt này có thể là do ảnh Mỹ có độ phân giải thấp, hoặc do từ 1994-2007 có một thiên thạch rơi xuống MT tạo ra hố này.  Lập tức, tin “HN-1 phát hiện hố crater mới” khiến các nhà khoa học nước ngoài quan tâm.

Phát hiện “ảnh MTTQ có thêm 1 crater” do Liu Jun (người Canada gốc Hoa) đưa ra, nhằm chứng minh ảnh MTTQ là ảnh thật. Tại Diễn đàn trên mạng do Đài Thiên văn Thượng Hải tổ chức, một cư dân mạng có biệt hiệu Mắt Đẹp cho biết 2 hố crater ấy thực ra chỉ là 1 nhưng do sai sót xử lý số liệu nên xuất hiện 2 lần! Còn trên Weblog cuả Planetary Society (Hội khoa học hành tinh) xuất hiện bài viết của nhà thiên văn Mỹ Emily Lakdawalla, đưa ra lập luận chứng minh ảnh MTTQ không phải là ảnh giả; đồng thời khẳng định HN-1 không phát hiện thêm crater nào cả. (hình 3: một hố rộng 4 km trên ảnh của Mỹ bên trái lại trở thành 2 hố trên ảnh TQ bên phải – xem www.planetary.org/blog/article). Phát hiện quan trọng của Mắt Đẹp và Emily khẳng định làm chuyển hướng cuộc tranh cãi và đòi hỏi cải chính tin “HN-1 phát hiện được một hố thiên thạch mới”.

Sai do đâu ?

Hai tác giả trên đã so sánh ảnh MTTQ với ảnh trong một trang web lấy nguồn từ 44 nghìn ảnh MT do vệ tinh Clementine của Mỹ chụp năm 1994 được NASA công bố. Mắt Đẹp dựa vào đặc trưng địa hình mà phát hiện 2 hố trong ảnh MTTQ thực ra là 1 hố trong ảnh của Google Moon, ngoài ra còn có thể thấy các hố nhỏ hơn xung quanh hố nói trên cũng có khác nhau rõ rệt. Emily Lakdawalla dựa vào sự khác nhau về góc chiếu của ánh nắng Mặt trời trong hai ảnh để chứng minh hai ảnh này khác nhau. Một số nhà khoa học khác cũng đồng tình với ý kiến này. Một số cư dân mạng còn phát hiện: ghép ảnh không chỉ sai một điểm mà sai cả một đường ghép; có chỗ hiệu chỉnh rất đạt, có chỗ lại xảy ra ảnh chồng lên nhau. Khi đối chiếu với ảnh lập thể một vùng MT do HN-1 chụp, TQ công bố hôm 2-12 (hình 4), cũng thấy cùng vị trí đó lại chỉ có một hố. Nói cách aSang/wp-content/uploads/old/Portals/0/VietTotal.Articles/KhoahocCongnkhác, bức ảnh MTTQ công bố lần đầu đúng có sai sót về xử lý số liệu.

 

Tổng thiết kế sư Công trình HN-1, Lý Xuân Lai, cho biết: ảnh của mỗi vòng bay có chiều rộng 60 km, và khoảng cách giữa các vòng kề nhau thì nhỏ hơn 60 km, cho nên có khu vực mười mấy km bị chồng lên nhau, khi xử lý ảnh cần xóa phần trùng lặp ấy. Một nhà khoa học TQ cho biết: khi ghép ảnh vệ tinh Trái Đất chụp ảnh mặt đất cũng thường hay xuất hiện sự trệch vị trí, vì vệ tinh không thể lúc nào cũng giữ nguyên một tư thế; chỉ có tiến hành hiệu chỉnh hậu kỳ thì mới giải quyết được vấn đề trùng lặp. Lượng thông tin của ảnh chụp 19 vòng quay rất lớn, ít nhất cần một tuần lễ mới xử lý được tương đối tốt. Nhưng người TQ đã làm trong có 3 ngày !

Tóm lại, xảy ra sai sót là do thiếu thời gian xử lý số liệu ảnh; phải chăng đó là hậu quả của sự nóng vội ?

Giải thích lòng vòng

Việc cư dân mạng (chứ không phải các nhà khoa học) phát hiện ảnh MTTQ có khác với ảnh MT Mỹ một mặt đã bác bỏ tin đồn đây là ảnh giả, mặt khác cũng cho thấy ảnh MTTQ có những sai sót đáng tiếc, từ đó gây ra một cuộc tranh cãi không có lợi cho viện sỹ Âu Dương và đồng nghiệp. Có lẽ là do không chịu một sức ép nào nên cư dân mạng (có thể có các nhà thiên văn) đã nghiên cứu ảnh MTTQ một cách tỷ mỷ, phát hiện các chi tiết người trong cuộc không nhận thấy, từ đó họ đưa ra lắm chất vấn hóc búa, khiến cho ông Lý Xuân Lai “không thể chịu nổi” và không muốn giải thích gì thêm với họ (theo Tuần báo Nhân vật phương Nam TQ).

 

Cái gọi là “hố mới thêm” trong ảnh MTTQ có đường kính khoảng 3 km; từ lý thuyết, có thể tính ra thiên thạch tạo nên hố ấy có đường kính cỡ 60 m, rơi với vận tốc 17 km/sec. Một vụ va chạm lớn như thế thì các đài thiên văn nhất định phải biết. Nhưng thời gian qua chưa có thiên thạch nào rơi xuống địa điểm đó. Nói cách khác, giải thích của viện sỹ Âu Dương thiếu thuyết phục.  Và sau đó Viện sỹ Âu Dương lại phát biểu: chỉ nên bàn chuyện ảnh thật hay giả, các chi tiết khác không đáng bàn; gần đây vẫn có tin đồn Chương trình Apollo là đại bịp nhưng NASA coi là không đáng để bác bỏ; thật giả là vấn đề nguyên tắc, không được nói bừa; nói ảnh MTTQ giả là xỉ nhục quốc gia và phủ nhận thành quả lao động của 17 nghìn cán bộ TQ; Mỹ hiệu chỉnh ảnh MT suốt 10 năm, TQ chỉ có 3 ngày, vả lại ảnh của TQ cũng chưa định hình cuối cùng; số liệu mới là quan trọng chứ không phải là ảnh. Không thấy ông nói gì về ý kiến thứ 2 của bà Emily.

Lãnh đạo chương trình thăm dò Mặt Trăng TQ  nói gì?

Ông Loan Ân Kiệt Tổng chỉ huy Công trình thăm dò bay vòng MT nói: tấm ảnh này là thành quả làm việc 4 năm của hơn 17000 người, mong rằng những người TQ chính trực phải biết tôn trọng lao động của họ. Nếu nói người Mỹ làm nhiều lần mới có được ảnh MT, thì câu nói ấy là sự biểu dương chúng ta: ảnh MT đầu tiên của TQ giống hệt ảnh của Mỹ. Bởi lẽ bản thể lấy ảnh là cùng một thiên thể. Nếu nói hai bức ảnh này có một hai điểm khác nhau gì đó, thì việc ấy cần được nghiên cứu. Từ số liệu của vệ tinh biến thành ảnh phải qua một quá trình phản diễn. Điều quan trọng với ta không phải là xem ảnh, mà là từ số liệu nhận được ta sẽ hiểu MT sâu sắc hơn.

Viện sĩ Tôn Gia Đống Tổng Thiết kế sư Công trình nói: tin đồn nhảm “copy ảnh MT” không đáng để phản bác. Trước khi phóng HN-1 đã công bố tất cả các tư liệu của vệ tinh. Trên vệ tinh thực sự có lắp chiếc máy ảnh do Viện Máy quang học Tây An chế tạo. Sau khi vệ tinh lên trời, đã hoàn toàn công khai quỹ đạo của nó. Ảnh này chụp vào thời gian, địa điểm nào đều có số liệu khoa học thực tế rõ ràng. Tất cả chứng tỏ đây là một việc không thể tranh cãi. 

Nguyễn Hải Hoành

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)