Apollo và cuộc chạy đua vào vũ trụ
Ngày 20/7/1969, lần đầu tiên trong lịch sử con người đặt chân lên Mặt trăng. Đây là thành quả của chương trình không gian Apollo, sản phẩm của một thời kỳ khi người Mỹ còn đầy lạc quan và táo bạo, rất khác biệt với ngày nay, theo quan điểm của André Balogh.
Bước chân khổng lồ của nhân loại mà Neil Armstrong thực hiện đánh dấu thành công cho một chương trình không gian khổng lồ đầy tốn kém do Tổng thống John F. Kenedy phát động vào đầu thập niên 1960, và sau này kết thúc với chuyến bay Apollo 17 rời Mặt trăng ngày 14/12/1972. Trong vòng chưa đầy ba năm rưỡi tính từ khoảnh khắc lịch sử của Armstrong, đã có tất cả 12 phi hành gia người Mỹ đặt chân lên Mặt trăng. Hình ảnh của họ đi lại và lái những cỗ xe thám hiểm đã đem lại sự phấn khích cho mọi người xem qua TV ở khắp nơi trên Trái đất, nơi cách xa Mặt trăng 236 nghìn dặm.
Bối cảnh
Chương trình Apollo được sinh ra do Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô đặt Mỹ trước một thử thách về công nghệ với việc phóng Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái đất, vào tháng 10 năm 1957. Apollo là câu trả lời từ Mỹ, một quốc gia có nền công nghệ đang phát triển rất nhanh, đầy tự tin, cùng một nguồn tài lực to lớn. Apollo cũng có thể coi là biểu tượng của một tâm thế lạc quan, tự tin, không e ngại thử thách, như tuyên bố của Tổng thống Kennedy: “Chúng ta quyết định sẽ đến Mặt trăng ngay trong thập kỷ này bên cạnh những việc làm khác, không phải vì chúng là việc dễ dàng, mà vì chúng đầy khó khăn”.
6 tuần sau chuyến bay của Gagarin, Tổng thống Kennedy đọc bài diễn văn trước lưỡng viện Mỹ, tuyên bố khởi động chương trình Apollo |
Việc Liên Xô đặt chân lên vũ trụ trước đã khiến nước Mỹ hốt hoảng vì nhận thức rằng mình đang “thua kém về [công nghệ] tên lửa”. Sự kiện Sputnik đã khai hỏa cho một cuộc chạy đua lên vũ trụ, khiến hai siêu cường bắt tay vào chế tạo và phóng thử nhiều loại tên lửa khác nhau với chức năng kép là có thể trở thành Tên lửa Đạn đạo Liên lục địa (ICBM). Nói là phóng thử vì trong giai đoạn sơ khai này tên lửa của hai nước vẫn chưa đạt được sự ổn định. Mỹ gặp phải những vụ trục trặc tai tiếng ngay tại bệ phóng hoặc không lâu sau khi tên lửa cất cánh từ sân bay vũ trụ Cape Kennedy, Florida (tới năm 1973 đổi về tên cũ là Cape Canaveral). Về phía Liên Xô, công chúng không biết nhiều về những trục trặc của chương trình không gian, do những gì xảy ra tại khu liên hợp vũ trụ Baikonur (ngày nay thuộc Kazakhstan) không được tiết lộ ra ngoài.
Nhưng không lâu sau các nhà khoa học Soviet đã đủ tự tin để đưa Yuri Gagarin vào vũ trụ, với một vòng quỹ đạo duy nhất bay quanh Trái đất trong phi thuyền Vostok vào ngày 12 tháng 4, 1961. Sự kiện này đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chạy đua vào không gian. Nó không chỉ thể hiện sự tự tin của Liên Xô mà còn đem đến sức hấp dẫn mạnh mẽ với công chúng trong việc đưa người lên không gian. Đối với NASA, cơ quan chủ trì chương trình không gian của Mỹ, khi đó vẫn còn đầy sức trẻ và tham vọng, trong nỗ lực tìm cách ghi điểm để cân bằng với chiến công của Gagarin đã thấy rõ rằng nước Mỹ chỉ có thể khẳng định sức mạnh của mình bằng một thành công lớn hơn cả về mặt định tính lẫn định lượng. Chỉ 6 tuần sau chuyến bay của Gagarin, Tổng thống Kennedy tuyên bố khởi động chương trình Apollo nhằm đưa người lên Mặt trăng, với mục tiêu nhằm vượt mặt thành công của Liên Xô.
Diễn văn của Kennedy trước đồng thời cả Thượng viện và Hạ viện, vốn luôn là một dịp trang trọng, đã khẳng định: “Thứ nhất, tôi tin rằng đất nước này cần cam kết đạt được thành công trước khi kết thúc thập kỷ, trong việc đưa người lên Mặt trăng và đem anh ta an toàn trở về Trái đất. Trong giai đoạn này, sẽ không có dự án vũ trụ nào gây ấn tượng đáng nể hơn cho loài người, hoặc có tầm quan trọng lớn hơn cho tương lai lâu dài của ngành thám hiểm vũ trụ; và cũng sẽ không có thử thách nào có thể coi là khó khăn hơn hoặc tốn kém hơn”.
Vào thời điểm này, Kennedy đã nhận ra rằng động lực quan trọng nhất, có sức ảnh hưởng lớn nhất tới chính trường quốc tế chính là ấn tượng về sự ưu việt. Một vòng quỹ đạo quanh Trái đất của Gagarin đã gây được ấn tượng vì nó thể hiện sự tự tin của nền công nghệ Soviet vào độ ổn định trong công nghệ tên lửa của họ. Điều đó cũng chắc chắn gây ấn tượng với người dân các nước phương Tây, làm gia tăng sự e sợ dành cho tiềm lực tên lửa của Liên Xô. Lợi thế này ngay lập tức được các lãnh đạo Liên Xô đem ra tận dụng vào năm sau, tạo ra thách thức cho nước Mỹ với sự kiện Liên Xô đặt tên lửa của họ tại Cuba.
Thử thách chưa từng có
Tuyên bố của Kennedy, rằng người Mỹ sẽ tới Mặt trăng và trở về, đã đặt ra cho nước Mỹ một nhiệm vụ đòi hỏi tiềm lực công nghệ to lớn hơn, trên diện rộng hơn so với những gì Liên Xô đã thể hiện qua chuyến bay đưa Gagarin lên vũ trụ. Việc đưa người lên Mặt trăng có thể coi là giới hạn cao nhất về công nghệ khi ấy trong lĩnh vực đưa người đi thám hiểm không gian. Kennedy đã khẳng định đây là mục tiêu khó khăn, một thử thách kỹ thuật lớn chưa từng có đối với loài người. Khi ông ta đưa ra tuyên bố này, NASA đã và đang làm việc cật lực để vượt qua những thử thách kỹ thuật trên diện rộng, nhằm xây dựng một chương trình không gian khả thi bắt đầu từ con số không chỉ trong vòng 3 năm.
Tàu vũ trụ Sao Thổ V có chiều dài lớn hơn tượng Nữ thần Tự do, biểu tượng của nước Mỹ |
Đây là một thử thách lớn với nhiều công việc phức tạp khác nhau, như việc nghiên cứu và chế tạo các loại tên lửa khác nhau, từ những tên lửa loại nhỏ có khả năng đưa thiết bị khoa học đến rìa không gian nhưng chưa vào tới quỹ đạo, tới một số tên lửa cỡ trung có khả năng bay vào quỹ đạo Trái đất, và cuối cùng là tên lửa loại lớn có tên gọi Sao Thổ 1 được thiết kế dưới sự chỉ đạo của Werner von Braun, một trong những cựu lãnh đạo chương trình tên lửa V2 của Đức Quốc xã. Cũng trong giai đoạn này, những con tàu vũ trụ đã bắt đầu thám hiểm môi trường không gian của Trái đất, dẫn tới việc khám phá ra vành đai bức xạ mang tên nhà khoa học James van Allen, hay khám phá ra từ quyển, chiếc bong bóng từ trường bao bọc quanh hành tinh của chúng ta và bảo vệ nó khỏi những tác động trực tiếp từ gió Mặt trời. Những khám phá sơ khai này nhìn chung được hình thành song song từ cả phía các nhà khoa học Liên Xô cũng như phía các nhà khoa học Mỹ. Nhưng những khám phá từ các chuyên gia Mỹ thường được quốc tế biết đến nhiều hơn so với kết quả của những nhà khoa học Liên Xô do họ thường làm việc trong một hệ thống bí mật.
NASA bắt đầu tập trung vào việc tìm kiếm những giải pháp kỹ thuật cho nhiệm vụ đưa người lên Mặt trăng và đưa trở về một cách an toàn. Có một số phương án khác nhau được đặt ra nhưng phương án cuối cùng được lựa chọn đòi hỏi một bệ phóng khổng lồ chưa từng có vào thời kỳ đầu dự án, với mục tiêu là đưa được tất cả mọi thiết bị cần thiết tới Mặt trăng, trong đó một phần thiết bị sẽ được hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng, sau đó được phóng lên tập kết trên quỹ đạo Mặt trăng trước khi đưa các nhà du hành trở về trong một khoang chứa, và hạ cánh an toàn xuống mặt biển của Trái đất. Phương án này có một rủi ro rất lớn là đòi hỏi các nhà du hành phải tập kết trên quỹ đạo Mặt trăng. Phương thức này khi ấy còn rất mới mẻ, thậm chí còn chưa từng được thử nghiệm trên quỹ đạo Trái đất. Tuy nhiên, những chuyên gia của NASA đã đúng khi cho rằng đây là phương án kỹ thuật duy nhất có thể khả thi trong thời hạn được giao.
Vậy là toàn bộ sức mạnh kỹ thuật của nước Mỹ được đưa vào guồng quay nhằm thiết kế, thử nghiệm, và triển khai dự án. Dựa trên thiết kế tên lửa Sao Thổ 1A, tên lửa Sao Thổ V được chế tạo, trở thành một tượng đài cho thành tựu công nghệ của loài người với chiều cao tương đương Thánh đường St. Paul1 của nước Anh. Module chỉ huy và module đổ bộ, hai thiết bị sẽ được phóng lên không gian cho các nhiệm vụ Apollo, được chế tạo và thử nghiệm từ cuối năm 1961, theo một lịch trình vô cùng khẩn trương. Đã có những bi kịch xảy ra trong quá trình thực hiện dự án, như tai nạn liên quan đến module chỉ huy của Apollo 1 xảy ra trong một thử nghiệm trước khi bay vào ngày 27 tháng 1, 1967, làm chết ba nhà du hành: Gus Grissom, Ed White (người Mỹ đầu tiên bước ra ngoài không gian) và Roger Chaffee. Sự kiện nay khiến người ta phải thay đổi thiết kế, và đến Giáng sinh năm 1968, nhiệm vụ Apollo 8 đã đưa được một con tàu bay vòng quanh Mặt trăng trước khi trở về Trái đất. Mặt dù chuyến bay này chưa cho hạ cánh thiết bị xuống Mặt trăng nhưng đã giúp thử nghiệm được nhiều khía cạnh cho chuyến bay chính thức mang tính quyết định sau này. Ba nhà du hành tham gia vào Apollo 8 đã bay trên quỹ đạo Mặt trăng đúng vào ngày Giáng sinh, đưa ra những thông điệp chào mừng đầy cảm xúc được phát qua sóng truyền hình tại Trái đất.
Phi hành đoàn Apollo 11, từ trái qua: Neil Armstrong, Michael Collins, Edwin E. Aldrin |
Apollo 9 được thực hiện vào tháng 3 năm 1969 là chuyến bay đầu tiên đưa trọn gói trang thiết bị lên quỹ đạo Trái đất để thử nghiệm tất cả mọi chi tiết của chuyến bay chính thức, chỉ ngoại trừ việc hạ cánh xuống Mặt trăng. Tiếp theo đó là chuyến bay Apollo 10 vào tháng 5, 1969, có thể coi là một cuộc diễn tập hoàn chỉnh. Module đổ bộ được cho phép bay thử nghiệm xuống cách bề mặt Mặt trăng khoảng 15 km, sau đó quay về tập kết với module chỉ huy trên quỹ đạo Mặt trăng trước khi bay về Trái đất. Hai nhà du hành có cơ hội tới sát bề mặt Mặt trăng lần này là Thomas Stafford – sau này là người chỉ huy phi hành đoàn trong chuyến bay lịch sử Apollo – Soyuz2, một cuộc thử nghiệm phối hợp giữa Mỹ và Liên Xô – và Ed Cernan, người sau này chỉ huy chuyến bay Apollo 17, cũng là “con người cuối cùng có mặt trên Mặt trăng”. Hai phi hành gia này trong chuyến bay Apollo 10 trên quỹ đạo Mặt trăng đã chụp được bức ảnh mang tính biểu tượng lịch sử, ghi lại hình ảnh Trái đất mọc lên từ đường chân trời của Mặt trăng.
Apollo 11 được phóng lên vào ngày 16 tháng 7, 1969, cùng với ba nhà du hành, Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins, là phi hành đoàn đầu tiên có người đổ bộ xuống Mặt trăng. Armstrong và Aldrin đã đặt chân xuống và cắm cờ Mỹ lên lớp bề mặt regolith (lớp bề mặt trên cùng, bao gồm các vụn đá và bụi) của Mặt trăng. Apollo 11 chỉ mang theo một số ít dụng cụ khoa học, trong đó có tấm giấy nhôm dùng để thu thập các mẩu vụn từ gió Mặt Trời. Các nhà du hành sau đó đã tập kết thành công trên quỹ đạo Mặt trăng và trở về Trái đất an toàn. Tâm nguyện của Kennedy cuối cùng đã được hoàn thành.
Ý nghĩa và phí tổn
Có tất cả 6 lần hạ cánh thành công xuống Mặt trăng, trong đó lần sau thành công hơn lần trước, với chất lượng hình ảnh truyền qua vô tuyến được gia tăng, với các đoạn phim tài liệu không ngắt quãng quay lại cảnh những cỗ xe thám hiểm do người lái chạy trên bề mặt Mặt trăng. Thậm chí chuyến bay Apollo 13, được biết đến với trục trặc kỹ thuật cùng lời kêu cứu từ không gian “Houston, chúng tôi gặp phải một vấn đề”, cũng có thể được coi là một thành công đáng kể giúp khắc phục một tai nạn kỹ thuật trong một tình huống khẩn cấp, kịch tính như một bộ phim Hollywood, và thực tế là sau này đã được điện ảnh hóa thành một bộ phim cùng tên.
Tuy toàn bộ chương trình Apollo xuất phát từ những tính toán chiến lược mang tính chính trị nhưng những cuộc đổ bộ xuống Mặt trăng đã mang lại những kết quả khoa học quan trọng thông qua những quan sát trực tiếp từ bề mặt Mặt trăng, với tổng cộng khoảng 368 kg mẫu vật từ Mặt trăng. Từ những mẫu vật này mà các nhà khoa học bắt đầu hiểu được lịch sử quá khứ của Mặt trăng với những tri thức hoàn toàn chưa được biết đến trước đó, được khám phá bằng cách đo tuổi những mẫu vật thu được từ các miệng núi lửa và biển trên bề mặt của Mặt trăng.
Điều mà con người từng làm được trong thập kỷ 1960, do một thế hệ có trình độ công nghệ thấp hơn thực hiện, dường như lại trở thành quá sức cho những thế hệ của hôm nay và trong tương lai, đơn giản vì con người đã có những thay đổi trong thái độ và các mối ưu tiên. Những ngưỡng rủi ro trước kia được coi là chấp nhận được, thì ngày nay được coi là quá mạo hiểm. |
Nhưng mức chi phí của Apollo thì sao? Kennedy không đưa ra con số cụ thể về chi phí khi tuyến bố về chương trình (có lẽ nó sẽ làm hỏng bài diễn văn của ông) nhưng cũng đã khẳng định rằng sẽ không có chương trình không gian nào khác “đắt đỏ tương đương”. Chi phí đúng là rất lớn: Ngân sách của NASA cho thấy mức chi phí hàng năm cao nhất là vào 1966, lên tới 4,5 tỷ USD (quy đổi ra đồng USD năm 1969), và những năm khác con số cũng cao ở mức gần tương đương, trong đó hai phần ba là dành riêng cho chương trình Apollo. Con số chính thức được công bố cho thấy tổng chi phí dự trù cho Apollo là 23 tỷ USD, và thực chi trong khoảng 20 – 25 tỷ USD. Việc giải ngân gần sát với dự trù này có lẽ là một thành công đáng kể nếu xét đến tính chất khổng lồ, phức tạp, và mạo hiểm của dự án. (mức chi phí của Apollo nếu tính theo giá trị đồng USD hiện nay sẽ vào khoảng hơn 160 tỷ USD3). Có một số khó khăn cho việc đánh giá đúng con số tổng chi phí cuối cùng, do có ba chuyến bay Apollo bị hủy, và các trung tâm điều hành trong NASA đã được mở rộng cơ sở hạ tầng trong thập kỷ 1960 nhằm phục vụ không chỉ nhu cầu của Apollo mà cả những chương trình khác sau này. Nỗ lực tài chính dành cho Apollo như vậy là rất lớn, nếu xét rằng ở thời điểm ấy Mỹ đang phải dồn tiền cho những mục tiêu trọng điểm khác, trong đó có cuộc chiến tại Đông Nam Á với lượng quân ngũ lên tới gần nửa triệu người.
Chương trình Apollo đã hoàn thành mục tiêu cơ bản mà Mỹ đặt ra: chứng tỏ sức mạnh của Mỹ trong ngành khoa học không gian, một lĩnh vực mà những tiến bộ về công nghệ có thể trực tiếp chuyển hóa thành sức mạnh vũ trang. Khả năng dễ dàng gánh vác những phí tổn to lớn cho chương trình Apollo, trong bối cảnh mức thu nhập của người Mỹ đạt tới đỉnh cao chưa từng có, hẳn đã gây được ấn tượng với Liên Xô cùng các đồng minh. Như vậy, dưới góc độ là một công cụ trong Chiến tranh Lạnh, Apollo là một thành công, thể hiện được sự vượt trội về tiềm lực của Mỹ. Có thể nói rằng cuộc chạy đua tới Mặt trăng (mà Liên Xô chưa bao giờ thực sự nghiêm túc theo đuổi) đã hầu như được định đoạt.
Thám hiểm vũ trụ thời kỳ hậu Apollo
Tới thời kỳ của chuyến bay Apollo 17, chuyến bay cuối cùng, được phóng ngày 7 tháng 12/1972, thì tầm quan trọng của công cuộc chinh phục vũ trụ trong vai trò là một mặt trận trong Chiến tranh Lạnh đã không còn đáng kể. Nhìn chung, các bên đều thấy rằng lượng đầu đạn hạt nhân mà mỗi bên sở hữu, cả Đông lẫn Tây, đều đủ sức hủy diệt thế giới tới vài lần, và chẳng quan trọng việc bên nào khai hỏa trước. Chương trình không gian “Chiến tranh giữa các vì sao” mà Tổng thống Reagan khởi động trong thập kỷ 1980 được giữ trong vòng bí mật thay vì mang tính phô trương ngoạn mục [nếu so với Apollo], thuần túy mang tính chất nghiên cứu công nghệ nhằm giúp Mỹ tiếp tục tiến lên trong cuộc chạy đua vũ trang. Ngân sách của NASA vì vậy bắt đầu bị thắt chặt lại, trong khi những chương trình khác – như chương trình Tàu Con thoi – đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, và hệ quả là ba nhiệm vụ Apollo 18, 19, 20 bị hủy bỏ.
Aldrin đặt chân xuống Mặt Trăng sau Neil Armstrong 15 phút, ảnh do Armstrong chụp. Trong khi bước xuống, Aldrin bảo, “tôi chỉ khép hờ cửa lại thôi, đề phòng nó khóa sập lại khi tôi đang xuống.” “Đó là ý hay”, Armstrong trả lời. |
Một trong những tên lửa thế hệ Sao Thổ V sau này được dùng lại để đưa trạm vũ trụ đầu tiên, Skylab, lên không gian, theo đó là phi hành đoàn cùng rất nhiều trang thiết bị khoa học. Thành công này không nhỏ chút nào, nhưng chủ yếu thuộc về lĩnh vực khoa học. Nhờ vào chiếc kính thiên văn trên Skylab, con người đã khám phá thấy rằng những biến động tại các khu vực sẫm màu trong khí quyển Mặt trời gây ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu tại Trái đất.
Mặc dù chương trình Tàu Con thoi tiến triển chậm hơn và đắt đỏ hơn so với dự kiến, nhưng hoạt động ngoài không gian của Mỹ đã suy giảm dần. Không còn những nhiệm vụ đưa người đi thám hiểm vũ trụ, và càng không thể có những chương trình lớn tầm cỡ như Apollo. Ngay cả sự xuất hiện lần đầu tiên của Tàu Con thoi vào đầu thập kỷ 1980 cũng thiếu vắng những đón nhận hào hứng. Các thành tựu khoa học vũ trụ ngày càng có xu hướng ổn định hơn, liên quan tới một cộng đồng rộng lớn hơn của các nhà khoa học trên thế giới, trong đó có phần đóng góp đáng kể của module European Spacelab, một sản phẩm của châu Âu được Tàu Con thoi đưa lên không gian.
Sự kiện thảm kịch cho con tàu Challenger ngày 28/01/1986 đã khiến NASA phải xem lại chiến lược của mình, qua đó loại bỏ chức năng phóng vệ tinh của Tàu Con thoi. Tai nạn này cũng giúp con người nhận ra một thực tế rằng rủi ro cho những con Tàu Con thoi là cao hơn so với những gì người ta quảng bá trước đây tới công chúng và giới truyền thông, và thậm chí từng được một số lãnh đạo của NASA yên tâm tin tưởng, đặc biệt là ở những người không có chuyên môn sâu về khoa học hoặc kỹ thuật. (Nhận thức về nguy cơ rủi ro này càng được củng cố hơn sau thảm họa tháng 2 năm 2003, khi Tàu Con thoi Columbia bị nổ khi quay trở lại khí quyển Trái đất.)
Những chương trình đưa người lên không gian gần đây thì sao? Sự thành công một cách khá ổn định của Nga trong việc vận hành trạm không gian Mir, ngoại trừ một vài lần gặp sự cố, trong suốt 15 năm kể từ khi phóng lên không gian năm 1986, cho tới lúc quay trở về Trái đất vào 2001, đã đem lại cho con người những kinh nghiệm quý giá về các nhiệm vụ dài hạn ngoài không gian. Trạm Không gian Quốc tế (ISS), hiện nay đang trên quỹ đạo, là phiên bản cao cấp hơn của trạm không gian Mir, với những phòng thí nghiệm rộng lớn cùng đầy đủ các trang thiết bị đắt tiền giúp khám phá ảnh hưởng của trọng lực tới những hiện tượng tự nhiên, như ảnh hưởng tới dòng chảy của máu, hay những nỗ lực nuôi trồng tinh thể protein trong không gian, đã dẫn tới những khám phá quan trọng, bổ sung cho hiểu biết của con người về các cấu trúc phân tử sinh học phức tạp.
Nhưng người ta đã phải tốn nhiều thời gian hơn so với dự kiến ban đầu trong việc phát triển ISS. Hoạt động của nó cũng bị hạn chế đáng kể do số lượng Tàu Con thoi của Mỹ bị giảm đi sau tai nạn với tàu Columbia, đồng thời mật độ hoạt động của ba con tàu còn lại (Discovery, Atlantis, và Endeavor) cũng bị cắt giảm. Nếu như không có sự hỗ trợ, hợp tác từ những tàu Soyuz của Nga thì con người không thể nào tiếp tục duy trì ISS. Thế giới ngày nay đã thực sự thay đổi nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thời kỳ của Apollo và cuộc chạy đua vào không gian.
Sau khi hạm đội Tàu Con thoi của Mỹ ngừng hoạt động, ISS hoàn toàn phụ thuộc vào những con tàu Soyuz của Nga, hay ATV của châu Âu, trong việc vận chuyển người và hàng hóa qua lại giữa trạm và Trái đất. Điều này làm hạn chế năng lực của ISS, đặc biệt là do hạn chế về số lượng người có thể được vận chuyển. Chi phí để duy trì ISS là rất lớn, trong khi tính hữu dụng vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục. Nhiều khả năng chương trình này (có chi phí tương đương với Apollo) không lâu nữa sẽ phải ngừng lại. Vậy thì, điều gì sẽ đến tiếp theo?
Thế giới đã đổi thay
Liệu con người có quay lại Mặt trăng? Vốn từ lâu bị xao nhãng do người ta quan tâm nhiều hơn tới Sao hỏa, việc quay trở lại Mặt trăng nhiều khả năng không thể sớm hơn trong vòng một hoặc hai thập kỷ tới. Mỹ đã có những nghiên cứu khả thi cho một chương trình mới, với những thiết kế mới cho tàu phóng và tàu chở phi hành đoàn. Người ta cũng đã nghĩ đến việc đổ bộ xuống Sao hỏa, hoặc quay trở lại Mặt trăng với những kế hoạch đồn trú lâu dài hơn trước đây. Tuy nhiên, những kế hoạch dài hơi như vậy phụ thuộc rất nhiều vào ý chí và ưu tiên chính trị của các chính phủ, cũng như các điều kiện chính trị, kinh tế toàn cầu.
Ngoài nước Mỹ trên thế giới đang có những quốc gia tham vọng khác. Nước Nga có kinh nghiệm phong phú trong quá khứ cùng một tiềm lực dồi dào. Trung Quốc, Nhật Bản, và Ấn Độ, đều đang lên kế hoạch cho những dự án đưa tàu vũ trụ không mang theo người đến Mặt trăng. Có lẽ, những dự án đưa robot đổ bộ lên làm thí nghiệm và thu thập mẫu vật sẽ khả thi hơn là những nhiệm vụ trực tiếp mang theo người như chương trình Apollo.
Nhà du hành Ed Cernans và cỗ xe thám hiểm Mặt Trăng trong chuyến thám hiểm Apollo 17, chuyến thám hiểm cuối cùng của chương trình Apollo |
Vậy khả năng con người chinh phục Sao Hỏa thì sao? Điều này thật khó xảy ra. Cho dù những nhân vật tầm cỡ như Neil Armstrong từng được trích dẫn nói rằng thách thức chinh phục Sao Hỏa ngày nay không khó khăn như những thử thách mà các nhà tiên phong thời Apollo phải đối diện, nhưng một nhiệm vụ đưa người lên Sao Hỏa vào lúc này đòi hỏi những công nghệ quá đắt đỏ, vượt quá ý chí chính trị của những chính phủ thời nay.
Điều mà con người từng làm được trong thập kỷ 1960, do một thế hệ có trình độ công nghệ thấp hơn thực hiện, dường như lại trở thành quá sức cho những thế hệ của hôm nay và trong tương lai, đơn giản vì con người đã có những thay đổi trong thái độ và các mối ưu tiên. Những ngưỡng rủi ro trước kia được coi là chấp nhận được, thì ngày nay được coi là quá mạo hiểm.
Đây chính là vấn đề mà chương trình Apollo xưa kia không gặp phải. Apollo không thể được tái hiện trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21, đơn giản vì thế giới mà chúng ta đang sống đã hoàn toàn khác so với thời kỳ 40 – 50 năm trước; con người đặt tầm ngắm thấp hơn, vì sự e sợ lớn hơn.
Nhưng dù sao thì con người cũng đã làm được Apollo, đã thực sự đi bộ trên Mặt trăng, và lái những cỗ xe thám hiểm trên bề mặt tinh cầu này. Sau 4 thập kỷ, ngày nay chúng ta vẫn phải ghi nhận một thành tựu vinh quang, kết quả của những nỗ lực được cam kết thực thi trong một thế giới rất khác với ngày nay. Nó vẫn tiếp tục là niềm cảm hứng cho con người.
Thanh Xuân lược dịch theo History Today, các tít phụ được bổ sung theo ý người dịch
http://www.historytoday.com/andr%C3%A9-balogh/above-and-beyond-apollo-space-race-moon
———
*André Balogh là Giáo sư Danh dự ngành Vật lý Vũ trụ của trường Imperial College London, và là Giám đốc Viện Khoa học Vũ trụ Quốc tế tại Bern, Thụy Sĩ.
1 Thánh đường St. Paul là một công trình kiến trúc lịch sử của Anh, có chiều cao 111 m; tên lửa Sao Thổ V của Mỹ có chiều cao 110,6 m.
2 Chuyến bay được thực hiện vào tháng 7, 1975, là chuyến bay vào không gian lần đầu tiên có sự phối hợp giữa Mỹ và Liên Xô, một biểu tượng cho sự kết thúc cuộc chạy đua vào không gian giữa hai cường quốc.
3 Nguyên văn trong bài báo là 150 tỷ USD, nhưng bài báo được viết vào năm 2009 nên người dịch đã quy đổi lại theo giá trị đồng USD hiện hành trong năm 2012