Bài học về quản lý Nhà nước từ Khu CNC Hòa Lạc

Qua Hội nghị tổng kết năm 2008 của Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (QL.KCNC) vừa qua (6/1/09), chúng ta thấy được một số kết quả đã đạt được trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Nhưng để trở thành một thành phố khoa học như mục tiêu của dự án thì còn rất nhiều khó khăn đòi hỏi những đổi mới cấp thiết và triệt để trong tư duy và biện pháp điều hành của nhiều cấp lãnh đạo, kể từ Chính phủ tới các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương.

Các kết quả đã đạt được
Năm 2008 Ban QL.KCNC Hòa Lạc đã phối hợp với tổ chức JICA Nhật Bản và Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn để hoàn thiện việc điều chỉnh lại quy hoạch chung Khu CNC Hòa Lạc. Ban quản lý cũng đã chỉ đạo triển khai quy hoạch chi tiết các khu chức năng quan trọng: khu công nghiệp CNC, khu Giáo dục đào tạo, khu Trung tâm, …
Diện tích giải phóng mặt bằng trong năm 2008 là 161 ha, đưa tổng số diện tích đất đã giải phóng lên 826,5 ha (52%). Ngoài khu tái định cư đầu tiên tại phía Bắc đường 84 với diện tích 7,8 ha đã hoàn thành vào năm 2005, hiện nay đang triển khai khu tái định cư thứ hai, về cơ bản đã giải phóng mặt bằng, san nền xong được 27/36,4 ha, đang tổ chức đấu thầu hạ tầng kỹ thuật. Khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành trên công trường đạt 215,93 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch giao. Dự án xử lý nước thải đang trong giai đoạn hoàn thành (nhà máy đang chạy thử để nghiệm thu). Ban quản lý tiếp tục triển khai thi công các tuyến đường trục chính của giao thông nội khu và hệ thống xử lý nước thải, rà phá bom mìn. Về cơ bản đã có hệ thống trục đường vào các khu chức năng để có thể triển khai đầu tư và xây dựng trong từng khu.
Hiện đã có dịch vụ hải quan ngay tại khuôn viên KCNC. Đây là bước đi không thể thiếu, giúp tiết kiệm chi phí cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, trung tâm đào tạo (VITEC) trực thuộc Ban QL KCNC Hòa Lạc là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phối hợp với các cơ quan hợp tác Nhật Bản, tiến hành xây dựng chuẩn kỹ năng kỹ sư CNTT được công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản. Năm 2008 đã sát hạch 673 thí sinh, tỉ lệ đạt 13,2%. Đây là nguồn nhân lực tuy còn hạn chế nhưng rất cần thiết cho hoạt động của Ban quản lý và các doanh nghiệp đang và sẽ đầu tư vào KCNC. 

Những khó khăn không mới

Lãnh đạo Ban quản lý giới thiệu mô hình Khu CNC Hòa Lạc với đồng chí Trương Tấn Sang

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đón dự án 100% vốn nước ngoài đầu tiên vào tháng 10 năm 2005, nhưng tới nay mới có 49,25 ha được tận dụng trong tổng số 549,5 ha quỹ đất của Khu dành cho công nghệ cao. Diện tích các khu Phần mềm, Nghiên cứu & Triển khai, Giáo dục & Đào tạo, và Dịch vụ, tới nay vẫn hầu như chưa được tận dụng, trước hết là do:
Công tác quản lý hành chính Nhà nước thiếu sự đồng bộ gây ra chậm trễ trong thủ tục, làm lãng phí thời gian và cơ hội của các nhà đầu tư. Vấn đề này càng trầm trọng khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội. Ông Cấn Hoàng Tung, Trưởng ban quản lý các cụm điểm tiểu thủ công nghiệp Hà Nội, cho biết:  “Những thủ tục, lẽ ra cơ chế một cửa chỉ mất 5 ngày lấy được văn bản nhưng đây cứ đóng khung đúng 30 ngày mới cho kết quả. Còn ông Đào Đức Bảy, Giám đốc của Vinaconex thì bức xúc về sự không thống nhất giữa đường lối trên và dưới trong công tác giải phóng mặt bằng: “Tướng thì đồng ý, tá không! Chịu, tôi cũng chả hiểu! Tôi cho quân ra thì úy ra đuổi”.
Sự chậm trễ triển khai các dự án còn do thiếu vốn Nhà nước cho đền bù đất để giải phóng mặt bằng. Nếu theo đúng đơn giá của Hà Nội là 1,5 tỉ/ha thì theo kế hoạch trong năm 2009, để đền bù cho 300 ha phải mất 450 tỉ (đất chứ chưa tính tài sản nhà cửa).  Đây là số tiền không nhỏ; đồng thời thời gian thu hồi vốn rất lâu nếu chỉ đầu tư phát triển CNC. Vì vậy nên chăng nghiên cứu ra một hướng đi, trong đó Nhà nước khoán cho các doanh nghiệp thực hiện chức năng đền bù để đổi lại một số quyền lợi thích hợp nhất định.
Khó khăn nhất đối với khu CNC Hòa Lạc hiện nay là cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Không thể hình dung một khu công nghệ cao lại có thể thiếu điện. Vậy mà trong năm 2008 khu công nghệ cao Hòa Lạc nhiều lần bị cắt điện, trong đó chỉ có một lần được báo trước. Đại diện công ty Noble của Nhật Bản phàn nàn: “Năm 2007 họ cũng cắt điện nhưng dù sao họ cũng thường báo trước, còn năm nay thì không, gây cho chúng tôi nhiều thiệt hại“. Ngoài ra còn phải kể đến đường giao thông chưa thật tốt, khiến cho khu CNC Hòa Lạc bị cô lập khỏi các đô thị và cảng hàng không, cảng biển.

Trở ngại từ quản lý Nhà nước
Những bức xúc của Ban QL.KCNC, các nhà đầu tư cho thấy chưa có sự phối hợp thật nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành, sự tùy tiện trong công việc của một số công chức.
Đại diện công ty Noble cho biết: “Khi bị mất điện chúng tôi phải lên tận công ty Điện lực Hà Tây, bên điện lực giải thích là đang thiếu điện nên phải chọn lựa giữa cắt điện bên khu công nghệ cao, không thì phải cắt của trạm thông tin bên quốc phòng. Tôi cũng nói là, thế thì ông cắt điện của bên quốc phòng đi. Họ cấp điện lại cho khu CNC Hòa Lạc 30 phút. Chúng tôi chỉ vừa kịp quay về công ty thì điện lại bị mất. Nhưng điều rất lạ là khi khu công nghệ mất điện thì xung quanh nhà dân vẫn có điện hết”. Hành xử của trạm điện địa phương có thể là lạ lùng với các nhà đầu tư Nhật Bản, nhưng lại rất quen thuộc trong xã hội chúng ta. Sự thiếu quy chuẩn rạch ròi và tính không đồng bộ trong công việc của cơ quan Nhà nước dẫn đến lối hành xử mang tính đối phó, lảng tránh trách nhiệm. Chính vì thế mà đại diện công ty Oe-Tek của Đài Loan đòi hỏi: “Xin đừng bao giờ nói đây không phải việc của tôi (please do not say it is not my business). Việc của doanh nghiệp cũng chính là việc của cơ quan công quyền”.
Vì những tồn tại và khó khăn, mà gốc rễ ở sự quản lý Nhà nước đã khiến không ít nhà đầu tư Nhà nước đến tìm hiểu khu CNC Hòa Lạc nhưng không quyết định ở lại.

Phát triển theo hướng đa dạng hóa
Có thể so sánh khu CNC Hòa Lạc với hình ảnh một cao ốc cho thuê mà điện – nước không đều đặn, thang máy thì còn chưa xây lắp, nhưng tất cả những vướng mắc này người chủ cao ốc (tức Ban QL.KCNC) đều không có thẩm quyền xử lý. Như vậy mà lại tự trói buộc vào mục tiêu chỉ làm ăn với khách thật sang (doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao) thì thật không chút nào khả thi. Vì vậy cần phát triển khu CNC theo hướng đa dạng, phù hợp với những điều kiện khách quan, không thể đốt cháy giai đoạn, tự đóng khung mình vào mục tiêu phát triển công nghệ cao bằng mọi giá…  
Trên tinh thần đó, chúng tôi cho rằng để đẩy mạnh phát triển khu CNC Hòa Lạc:
– Nên dành một số diện tích của khu công nghệ cho các doanh nghiệp (không nhất thiết là sử dụng công nghệ cao) đấu thầu quản lý và điều hành. Như vậy thì sự sinh sôi tự nhiên trong sản xuất và kinh doanh sẽ thúc đẩy nhu cầu và tạo ra lợi nhuận cho các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng và công ty cung cấp điện, nước. Nguồn thu của Nhà nước và ban quản lý khu CN từ các doanh nghiệp này sẽ giúp bổ sung cho chi tiêu vào công tác đền bù phát triển cơ sở hạ tầng (chưa kể trong điều kiện phù hợp thì các doanh nghiệp khi đầu tư kinh doanh ở khu CN sẽ tự mình đầu tư cải thiện về hạ tầng trên địa bàn).
– Ban quản lý khu CNC cũng cần được Nhà nước cấp cho những thẩm quyền cần thiết để thực thi hiệu quả trách nhiệm mang tính chiến lược tất yếu đối với tiến trình phát triển đất nước. Do vậy rất cần Chính phủ tạo cơ sở pháp lý để các ban Quản lý khu CNC có quyền được ký hợp đồng chặt chẽ, ràng buộc với các cơ quan, tổ chức hữu quan (công ty Nhà nước cung cấp điện, nước, viễn thông,…). Trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 10/2000/QĐ-TTg ngày 18/01/2000 có yêu cầu Ban quản lý “chủ trì” và “phối hợp” với các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, phát triển, vận hành khu CNC. Đây là những khái niệm mới mang giá trị tinh thần chứ chưa có cơ sở rõ ràng để xác định thẩm quyền cho Ban quản lý. Điều đó khiến tình thế của Ban quản lý như vậy giống một người chủ muốn làm một khu cao ốc cho thuê mà chỉ được thỏa thuận bằng lời nói chứ không được phép ký hợp đồng chặt chẽ đối với các dịch vụ căn bản (điện – nước – xây dựng)..
– Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) hiện đang thoái vốn Nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp. Hình thức đấu thầu PPP (Public-Private Partnership – kết hợp Nhà nước – Tư nhân) cũng đang được nghiên cứu để sớm triển khai để tận dụng tối đa sức mạnh của thị trường, giúp Nhà nước tập trung hơn nữa các nguồn lực vào công tác xây dựng pháp lý, quản lý hành chính, quy hoạch chiến lược, và giám định chất lượng phát triển trong xã hội. Nên chăng Ban QL.KCNC Hòa Lạc nghiên cứu đưa định hướng này vào thực thi, một mặt giúp tăng thêm nguồn lực cho mình, đồng thời thúc đẩy quá trình phát triển không chỉ của một khu công nghệ mà cả các địa phương lân cận.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)