Băng cháy – nguồn năng lượng mới của thế giới

Nhiều người tin rằng băng cháy của châu Á sẽ gây ra cuộc cách mạng năng lượng sắp tới.

Mạng “Học giả Ngoại giao” của Nhật hôm 17/5/2013 đăng bài “Thu hoạch mới: cuộc Cách mạng Băng Cháy của châu Á”. Bài báo viết: Cách đây không lâu, dư luận bàn rất nhiều về dầu khí lấy từ đá phiến (diệp nham, shale), một nguồn năng lượng mới có thể làm thay đổi lớn bản đồ địa chính trị toàn cầu. Nhưng thông tin đó nay đã lỗi thời. Giờ đây nhiều người tin rằng băng cháy của châu Á sẽ gây ra cuộc cách mạng năng lượng sắp tới.

Tháng Ba năm nay, Cơ quan Dầu mỏ, Khí đốt và Kim loại Nhật Bản (JOGMEC – Japan Oil, Gas and Metals National Corporation, một cơ quan hành chính độc lập của nhà nước) đã khai thác được băng cháy ở dưới đáy biển gần Nhật. Loại tài nguyên năng lượng mới này sẽ làm thay đổi tình hình của các nước xưa nay nghèo năng lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc và có khả năng làm suy yếu vị thế vốn có của một số nước lớn dầu mỏ. Trước đây khi khí đá phiến (shale gas) tham gia thị trường đã làm giá khí đốt giảm, vị thế của các nước đó đã bị đe dọa. Theo kế hoạch của JOGMEC, nước Nhật đã xác định đến năm 2018 sẽ thực hiện mục tiêu hùng vĩ là đưa việc sản xuất băng cháy tiến sang giai đoạn thương mại hóa.

Băng cháy, còn gọi là Methane Hydrate (tiếng Anh: Natural Gas Hydrate hoặc gọi tắt là Gas Hydrate), là một loại băng (nước đá) hình thành bởi khí metan dưới tác dụng của nhiệt độ 0 độ C và áp suất 30 atmosphere, thường tồn tại dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu hoặc ta-luy (mặt dốc) của rìa đại lục, nói chung nằm ở đáy biển có độ sâu quá 500 mét. Băng cháy khi được làm nóng hoặc giảm áp lực sẽ phân giải thành khí đốt và nước: 1m3 băng cháy khi phân giải cho ra 164m3 khí metan và 0,8m3 nước.

Bài báo viết, công nghệ khai thác băng cháy hiện nay chưa đạt tới trình độ khả thi về thương mại, giá thành khai thác còn quá cao do đó thiếu sức cạnh tranh. Ngoài ra, kỹ thuật chuyển hóa Methane Hydrate tồn tại trong vật chất dạng băng thành chất khí dễ khai thác đang gặp nhiều khó khăn.

Thế nhưng công nghệ đang dần dần được cái tiến, việc khai thác quặng băng cháy dưới đáy biển sâu đang nhanh chóng trở thành mặt trận mới trong khai thác khoáng sản và Methane Hydrate. Băng cháy sẽ có thể trở thành nguồn năng lượng mới cực kỳ quý giá cho nhiều nước châu Á và đem lại cho họ sự an ninh tài nguyên lâu nay đang tìm kiếm.

Trung Quốc đánh giá trữ lượng băng cháy ở biển Nam Hải (ta gọi là Biển Đông) tương đương 70 tỷ tấn dầu mỏ, bằng khoảng một nửa tổng số nguồn năng lượng dầu mỏ và khí đốt trên đại lục Trung Hoa.

Theo một ước tính, tổng trữ lượng băng cháy trên toàn thế giới có thể cung cấp năng lượng cho loài người dùng trong 1.000 năm. Hiện nay mới có bốn nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Trung Quốc có kế hoạch khai thác băng cháy ở cấp quốc gia.

NHH theo tài liệu trên mạng

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)