Bão có xu hướng mạnh hơn, di chuyển chậm và đi xa hơn

Những xu hướng toàn cầu cho thấy các cơn bão đang mạnh dần lên, di chuyển chậm hơn trên đất liền và lệch xa hơn về phía bắc và phía nam đường xích đạo.

Hình ảnh vệ tinh cơn bão Katia, Irma và Jose vào tháng 9/2017. Nguồn: UW-Madison CIMSS

Với những thay đổi này, các đợt gió trở nên mạnh hơn, lũ lụt gia tăng và gây rủi ro cho những thành phố trước đây chưa từng phải hứng chịu những loại bão này.

Bão nhiệt đới, hay còn gọi là xoáy thuận nhiệt đới là hệ thống áp thấp nhiệt đới được hình thành trên mặt nước ấm của đại dương và có thể đạt tới kích thước khổng lồ, mang theo mưa lớn, gió giật dữ dội và bão dâng. Thậm chí, chúng có thể sinh ra lốc xoáy. James Kossin là một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm thông tin môi trường quốc gia của Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ. Công bố PNAS của ông dựa trên dữ liệu vệ tinh thời tiết về bão trong vòng hơn 40 năm từ 1979-2017, cho thấy xu hướng gia tăng sức gió tối đa trong các trận bão, nghĩa là các cơn bão đã mạnh dần lên. Kossin nói: “Trên toàn cầu, chúng tôi thấy mức thay đổi khoảng 6% mỗi thập kỷ. Những cơn bão hiện nay có nhiều khả năng có cường độ lớn hơn so với những cơn bão ở các thập kỷ trước”

Bão bắt đầu vòng đời của chúng dưới dạng áp thấp nhiệt đới nhỏ nhưng không được phân loại là bão lớn cho đến khi tốc độ gió vượt quá 111 dặm/giờ (tức trên 178km/h). Số lượng cơn bão trên toàn cầu hiện có khả năng đạt hoặc vượt qua ngưỡng tốc độ gió tối đa này tăng 25% so với 40 năm về trước.

Nghiên cứu về cường độ bão của Kossin bổ sung vào hệ thống các nghiên cứu ngày càng tăng về việc Trái đất ấm lên đã ảnh hưởng đến các thuộc tính của bão, như bão di chuyển chậm lại và xuất hiện ở các địa điểm mới. Trong khi gió lớn gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho các thành phố và cư dân, thì lũ lụt do bão gây ra lại là tác động chết người lớn nhất của chúng.

Trong một bài báo liên quan được xuất bản trên Nature năm 2018, Kossin đã so sánh dữ liệu theo dõi đường đi và cường độ bão trên toàn thế giới trong 68 năm (1949-2016). Đây được xem là dữ liệu theo dõi tốt nhất từ NOOA và các cơ quan khác để xác định những thay đổi về tốc độ di chuyển của bão. Kossin nhận thấy rằng, trên toàn thế giới, tốc độ di chuyển của bão đã chậm lại trung bình 10%. Kossin nói: “Chỉ cần giảm 10% tốc độ dịch chuyển của bão có thể tạo ra tổng lượng mưa gấp đôi so với khi nóng lên toàn cầu tăng thêm 1oC.”

Bão chậm lại có thể do hệ thống áp suất cao và áp suất thấp trở nên cân bằng hơn. Hành tinh ấm dần lên sẽ làm giảm bớt khác biệt giữa 2 hệ thống áp suất, dẫn đến ít động lực cần thiết để đẩy bão đi. Thêm vào đó, bầu khí quyển ấm hơn sẽ giữ nhiều hơi ẩm hơn, tạo điều kiện cho bão mang thêm hơi nước để trút xuống đất liền. Nói chung, chênh lệch 1oC trong khí quyển dẫn đến độ ẩm trong không khí nhiều hơn 7%.

Tuy nhiên, tốc độ di chuyển bão không giảm giống nhau ở mọi nơi. Có bốn vùng bão riêng biệt trên toàn cầu và mỗi vùng có tốc độ chậm lại khác nhau. Trong 68 năm qua, khu vực Bắc Đại Tây Dương đã chứng kiến ​​sự suy giảm 6%, trong khi khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương (gồm Đông Nam Á) bão đã giảm 20% tốc độ. Khu vực gần Australia giảm khoảng 15% và khu vực Hoa kỳ đã chứng kiến ​​mức giảm 17% kể từ năm 1900.

Di chuyển về hai cực

Hầu hết các cơn bão hình thành và duy trì ở vùng biển ấm 80–89 độ F (tức 26,6 – 31,6oC). Những vùng nhiệt độ ấm áp này thường thấy ở khu vực phía bắc và phía nam đường xích đạo. Một nghiên cứu của Kossin được công bố trên Nature năm 2014 đã chỉ ra xu hướng những cơn bão đang vượt ra ngoài phạm vi thông thường, tiến xa hơn về phía bắc và phía nam.

Được gọi là hiện tượng di cư cực, phân tích này dựa trên dữ liệu bão trong 30 năm và xem xét nơi các cơn bão đạt sức gió duy trì tối đa. Kossin xác định rằng cứ mỗi thập kỷ, các cơn bão lại dịch chuyển thêm 32 dặm ở bán cầu bắc và 38 dặm ở bán cầu nam (tức lần lượt 51km và 61km). Nghiên cứu tiếp tục phân tích các khu vực bão cụ thể như Bắc Đại Tây Dương và Tây Bắc Thái Bình Dương. Kossin cho biết: “Điều này có thể gây ra những tác động lớn đến các thành phố không quen với việc ​​những cơn bão kiểu này đổ bộ. Kể từ khi nghiên cứu được đưa ra vào năm 2014, chúng tôi tiếp tục xem xét các xu hướng và giờ đây hoàn toàn tin rằng cuộc di cư vùng cực ở Tây Bắc Thái Bình Dương có dấu ấn của con người.”

Điều này nghĩa là biến đổi khí hậu do tác động của con người đã đóng góp phần khiến những cơn bão vượt ra khỏi ranh giới truyền thống của chúng, ít nhất là tại một số vùng đại dương. Trái đất ấm lên cũng ảnh hưởng đến những mô hình gió toàn cầu. Khi một cơn bão di chuyển xa hơn về phía bắc và nam so với vùng nhiệt đới, nó gặp phải sức cắt gió thẳng đứng mạnh hơn, có thể làm biến dạng cơn bão và khiến chúng suy yếu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang làm giảm sức cắt của gió ở các vĩ độ, tạo điều kiện cho bão dịch chuyển về phía cực.

Việc tiếp tục đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới bão là công cụ để bảo vệ các cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề do bão. Với dữ liệu mới về bão mỗi năm, Kossin có thể quan sát nhiều hơn để nghiên cứu và vạch ra các xu hướng — cho dù đó là cường độ hay chuyển động của bão theo thời gian. Đến nay, kết quả nghiên cứu của ông làm dấy lên nhiều lo ngại. Kossin nhận xét: “Hành vi của bão trên toàn cầu ngày càng thay đổi rõ ràng theo những hướng rất nguy hiểm khi hành tinh ấm lên”.

Ngô Hà dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2020-10-trends-hurricane-behavior-stronger-slower.html

 

Tác giả

(Visited 482 times, 2 visits today)