Bao giờ có vacxin cúm gia cầm cho người?

Các thông tin về dịch cúm ngày càng trở nên nóng bỏng. Hàng ngày, hàng giờ đều có thêm thông tin mới về dịch bệnh. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm liên tục đưa ra những lời cảnh báo. Một đại dịch có thể giết chết hàng triệu người trên toàn thế giới dường như sẽ ào đến vào mùa đông này. Không có cách nào để kiểm soát những con chim di cư – nguồn gốc của sự phát tán virut H5N1 trên toàn thế giới - người ta đành cố gắng kiểm soát dịch ở đàn gia cầm và nhanh chóng sản xuất vacxin H5N1 cho người. Tuy nhiên, vacxin cho người mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm trên người hoặc được sản xuất với số lượng rất hạn chế

Tại hội nghị Ottawa diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Y tế nhiều nước kêu gọi các nước có kho dự trữ vacxin chia sẻ cho các nước nghèo từ  5–10%. Tuy nhiên, khả năng này là rất mong manh vì kho dự trữ này không nhiều và ngay nước Mỹ vào thời điểm đó cũng chỉ có 2 triệu liều dự trữ.

Ở Việt Nam, từ tháng 4 năm 2004, một nhóm các nhà khoa học ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương do GS Hoàng Thủy Nguyên, nguyên Viện trưởng Viện này đứng đầu đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo vacxin H5N1. Tháng 4 năm 2005, PGS Nguyễn Thu Vân, Giám đốc Công ty Vacxin và sinh phẩm 1, thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết kết quả thử nghiệm trên khỉ, loài động vật gần với người nhất đã cho kết quả rất tốt và nhóm nghiên cứu hy vọng tháng 9 sẽ thử nghiệm trên nhóm nhỏ (20 – 30) người tình nguyện. Nếu diễn tiến đúng như mong đợi, vào cuối năm 2005, Việt Nam sẽ có vacxin H5N1. Tuy nhiên, đến tháng 11 vừa qua, thử nghiệm thực địa lâm sàng vẫn chưa được tiến hành.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhóm các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trong điều kiện không đảm bảo đúng theo quy định của WHO về sản xuất vacxin. WHO cho rằng chủng vi rút do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sử dụng để sản xuất và việc sử dụng tế bào thận khỉ nguyên phát để nuôi cấy chủng vi rút không đảm bảo an toàn.

Trước tình hình đó, một cuộc họp giữa Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Y tế đã được tiến hành vào ngày 26/10. Thứ trưởng của hai Bộ đã thảo luận xung quanh khả năng sản xuất vacxin H5N1 của Việt Nam. “Chúng tôi kỳ vọng cuộc họp sẽ thúc đẩy tiến trình sản xuất vacxin H5N1 nhưng kết quả không như mong đợi. Chúng tôi vẫn tiếp tục phải chờ” – PGS Nguyễn Thu Vân nói. Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ đang chuẩn bị đệ trình lên Hội đồng khoa học của Bộ KH&CN, Bộ Y tế hồ sơ và các trình tự thủ tục về việc tiến hành thử nghiệm vacxin phòng cúm H5N1 trên người.
Theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học trên thì virut H5N1 hết độc lực sẽ được nuôi trên tế bào thận khỉ bởi vậy đảm bảo nguồn khỉ sạch (không có virut tiềm tàng) là rất quan trọng. Đề án nâng cấp đảo Rều (Quảng Ninh) để chăn nuôi khỉ sạch phục vụ công tác nghiên cứu đã được phê duyệt. Những khâu đầu tiên của dự án đang được tiến hành. Trước đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ phê duyệt việc xây dựng hai phòng thí nghiệm an toàn cấp độ III đặt tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh với sự giúp đỡ của Nhật Bản. Nhưng theo dự kiến thì đến cuối năm 2006 việc xây dựng mới hoàn tất. Giả sử nhóm nghiên cứu được phép tiến hành thử nghiệm thực địa và thử nghiệm thành công thì cũng còn rất nhiều việc phải làm như xây dựng dự án, đầu tư thiết bị, cơ sở…

Vấn đề quan trọng nhất, như Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo, là Việt Nam phải sớm có vacxin H5N1 cho người để chủ động đối phó với dịch cúm gia cầm.
Nguyễn Văn Vạn

Nguyễn Văn Vạn 

Nguồn tin: Tia Sáng

   

Tác giả