Bất bình đẳng về cơ hội lựa chọn nghề của lao động trẻ

Những người trẻ trong xã hội có bình đẳng trong lựa chọn nghề nghiệp? Khi đi tìm câu trả lời về cơ hội lựa chọn nghề nghiệp này và công bố trên "Children and Youth Services Review" *, nhóm nghiên cứu của TS. Trần Quang Tuyến (ĐH Kinh tế, ĐHQH Hà Nội) đã phát hiện ra một vấn đề thú vị: nghề của cha ảnh hưởng lớn đến khả năng, cơ hội chọn nghề của con.

Vấn đề việc làm của con cái luôn là mối bận tâm của cha mẹ. Họ lo lắng cũng phải bởi hiện tại, tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 15-24 (7.3%) cao gấp ba lần so với tỉ lệ thất nghiệp trung bình trong cả nước (2.1%). Những con số thống kê khác cũng khiến người ta phải suy nghĩ: cứ 10 thanh niên trên thị trường lao động thì có 8 người làm những công việc không chính thức và một nửa trong số đó có việc làm không thường xuyên (hợp đồng tạm thời hoặc tự làm); cứ 10 thanh niên lại có 3 người có trình độ cao hơn yêu cầu của công việc, điều đó khiến thu nhập của họ thấp hơn mức có thể được hưởng và không thể tận dụng toàn bộ tiềm năng lao động của mình. Điều này phản ánh sự bất bình đẳng về cơ hội và nhiều khó khăn của lao động trẻ khi gia nhập thị trường lao động1.

Trước bối cảnh đó, TS. Trần Quang Tuyến đã thực hiện một nghiên cứu với mục tiêu xác định chính xác mức độ bất bình đẳng về cơ hội trong lựa chọn nghề nghiệp và những yếu tố nào có thể tác động tới cơ hội việc làm của lao động trẻ, từ đó có những khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy cơ hội việc làm cho lao động trẻ. Anh và cộng sự đã tìm hiểu sự tác động của các yếu tố: Đặc điểm gia đình; Đặc điểm cá nhân; Mặt bằng mức sống dân cư ở địa phương; Chất lượng đào tạo nghề ở địa phương; Mật độ doanh nghiệp ở cấp huyện tới cơ hội việc làm của lao động trẻ. “Trong đó chúng tôi đặc biệt quan tâm chất lượng đào tạo nghề ở cấp tỉnh, muốn đo lường xem liệu lao động trẻ ở những tỉnh có đào tạo nghề tốt hơn thì có khả năng kiếm được công việc tốt hơn hay không?”, TS. Trần Quang Tuyến nói.

Để có thể so sánh cơ hội chọn nghề của thanh niên, nghiên cứu này đã phân loại lao động thành bốn nhóm: 1) lao động trực tiếp không có kỹ năng (chỉ tốt nghiệp tiểu học và làm các công việc “tay chân” trong nông lâm nghiệp – thủy sản), 2) lao động trực tiếp có kỹ năng (công nhân làm việc trong các nhà máy hoặc trong ngành nông lâm nghiệp – thủy sản nhưng cần có kỹ năng), 3) lao động gián tiếp kỹ năng thấp (người làm trong các ngành dịch vụ), 4) lao động gián tiếp kỹ năng cao (từ kỹ thuật viên trở lên, người làm các công việc có chuyên môn cao hoặc làm quản lý). Trên cơ sở dữ liệu của cuộc điều tra quốc gia “Chuyển tiếp từ trường học tới việc làm” (Shool-to-work transition surveys) do Tổ chức lao động quốc tế (ILO) phối hợp với Tổng cục Thống kê tiến hành năm 2015, chỉ số thành phần về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2014, chỉ số về mật độ doanh nghiệp cấp huyện được tính từ dữ liệu tổng điều tra doanh nghiệp năm 2014, họ đã phân tích mô hình kinh tế lượng để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình chọn nghề của lao động trẻ (trong đó, nhóm lao động trực tiếp không có kỹ năng được sử dụng làm nhóm so sánh).

Nghề cha ảnh hưởng nghề con

Câu ca dao quen thuộc “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa” thường được dùng để nói đến mức độ ảnh hưởng của nghề nghiệp của cha mẹ cũng như hoàn cảnh gia đình tới nghề nghiệp của con cái. Quan niệm của dân gian này cũng trùng khớp với nhiều nhận định nghiên cứu trước đây: nền tảng kinh tế gia đình có ảnh hưởng tới công việc của người con, nhưng đều là suy đoán cảm tính. Tuy nhiên, theo TS. Trần Quang Tuyến, “chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra mối quan hệ trực tiếp giữa nghề của cha và nghề của con, nghiên cứu này lần đầu tiên có bằng chứng để khẳng định cho những nhận định đó”.


Bảng 1: Nghề của cha có ảnh hưởng rất lớn tới cơ hội chọn nghề của con. Nguồn: Số liệu từ nghiên cứu của nhóm tác giả.

Nhóm nghiên cứu phân tích mô hình kinh tế lượng trong trường hợp những lao động trẻ có trình độ học vấn như nhau, được đặt trong bối cảnh địa phương như nhau nhưng chỉ có nghề của cha khác, thì lựa chọn nghề nghiệp rất khác nhau. Cụ thể, khả năng chọn được công việc là lao động trực tiếp có kỹ năng của những người lao động có bố là lao động gián tiếp cao hơn 2,6 lần so với nhóm có bố là lao động trực tiếp. Tương tự, người lao động có bố là lao động gián tiếp sẽ có cơ hội lựa chọn công việc gián tiếp có kỹ năng thấp cao hơn khoảng 11 lần và công việc gián tiếp kỹ năng cao hơn khoảng 17 lần so với nhóm có bố là lao động trực tiếp. Ví dụ dễ hình dung là người lao động trẻ có bố mẹ làm quản lý sẽ có cơ hội làm quản lý hoặc ít nhất là nhân viên văn phòng cao hơn hàng chục lần so với người lao động trẻ có bố mẹ làm công việc chân tay như nông dân hoặc ngư dân.

Như vậy những người sinh ra trong gia đình có nền tảng thấp sẽ vào đời với ít cơ hội hơn và chu kỳ này lại càng được củng cố và tiếp diễn ở giai đoạn sau trong cuộc đời họ cũng như thế hệ con cái họ. Nhưng liệu có thể thay đổi được số phận? Nhóm nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu mối quan hệ của các yếu tố Chất lượng đào tạo nghề cấp tỉnh; Mật độ tập trung doanh nghiệp ở cấp huyện nơi người lao động sinh sống, Chất lượng sống (được đo bằng GDP bình quân đầu người) có tác động gì tới cơ hội công việc của người lao động trẻ. Kết quả cho thấy, các tỉnh có mức GDP bình quân đầu người càng cao thì càng đem lại cơ hội việc làm tốt hơn cho người trẻ. Đồng thời, lao động trẻ ở những nơi có mức độ tập trung doanh nghiệp cao đều có cơ hội tốt hơn trong việc tìm kiếm công việc gián tiếp. Hơn nữa, người lao động trẻ sinh sống ở thành thị cũng có cơ hội tìm công việc gián tiếp kỹ năng thấp cao hơn 3,47 lần và gián tiếp kỹ năng cao 1,78 lần so với người lao động ở nông thôn có các điều kiện tương đồng nhau về mặt bằng cấp, điều kiện gia đình, giới tính. Điều này cũng lý giải cho nguyên nhân tại sao lao động trẻ lại di cư đến các thành phố có mức sống cao hơn.


Bảng 2: So sánh cơ hội tìm kiếm việc làm giữa nông thôn và thành thị. Nguồn: Số liệu từ nghiên cứu của nhóm tác giả.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra,với các đặc điểm cá nhân, điều kiện gia đình và bối cảnh nơi sinh sống (GDP của tỉnh, mật động doanh nghiệp) như nhau thì lao động nữ có cơ hội cao hơn nam trong việc lựa chọn những công việc thuộc nhóm nghề trực tiếp có kỹ năng và nghề gián tiếp kỹ năng cao (cao hơn lần lượt tương ứng là 1,89 lần và 1,93 lần). Điều này cũng đã được lý giải phần nào qua các nghiên cứu về kỹ năng lao động của nữ, cho thấy nữ kiên trì và nhẫn nại hơn, phù hợp với công việc lao động trực tiếp có kỹ năng và gián tiếp có kỹ năng hơn nam giới. Tuy vậy, cơ hội thăng tiến vào các vị trí quản lý của lao động nữ lại không bằng nam, điều này đã được đề cập tới trong các nghiên cứu trước, tỉ lệ nam làm quản lý ở các cơ quan lớn cao hơn nữ tới 10 lần (ISDS, 2015).

Khi nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố chất lượng đào tạo nghề cấp tỉnh tới khả năng chọn nghề của thanh niên, nhóm tác giả nhận thấy một tín hiệu đáng mừng là “lao động trẻ ở những tỉnh có chất lượng đào tạo nghề tốt hơn thì có khả năng chọn công việc lao động gián tiếp (bao gồm cả kỹ năng thấp và cao) tốt hơn các tỉnh còn lại. “Do vậy, từ những phát hiện của nghiên cứu này, chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị: một mặt chính quyền địa phương phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đồng thời liên tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư để tăng mật độ tập trung doanh nghiệp thì mới mang lại cơ hội công bằng hơn cho giới trẻ trong việc chọn nghề”, TS. Trần Quang Tuyến nói.
—-
Chú thích:

* https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0190740917310241?via%3Dihub
1 Báo cáo điều tra quốc gia chuyển tiếp từ trường học tới việc làm (school-to-work transition survey) của ILO. Nguồn: http://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/WCMS_219594/lang—vi/index.htm

 

Các cuộc điều tra mức sống dân cư Việt Nam (VHLSS) do Tổng cục thống kê tiến hành cũng cho thấy, điều kiện kinh tế và trình độ học vấn của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến tiếp cận giáo dục của con cái, và mối tương quan này ngày càng tăng theo thời gian. Tỷ lệ con cái của nhóm giàu nhất tốt nghiệp cao đẳng và đại học (CĐ-ĐH) cao hơn rõ rệt so với các nhóm còn lại trong xã hội. Trình độ học vấn của bố mẹ có vai trò quan trọng đối với trình độ học vấn của con cái. Trong số những người bố chưa tốt nghiệp tiểu học năm 2014, chỉ có 15,5% và 2,2% con cái có trình độ học vấn THPT và CĐ-ĐH. Trong khi đó, trong số những người bố đã tốt nghiệp CĐ-ĐH, có đến 47,5% con cái có trình độ học vấn CĐ-ĐH. Xu hướng này ngày càng rõ ở năm 2014 so với năm 2004, và đây không phải là xu hướng có lợi cho nhóm nghèo.

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)