Bí ẩn loài động vật để lại vết chân giống chim trước khi loài chim xuất hiện

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phát hiện vết chân hóa thạch của các loài động vật bò sát hơn 210 triệu năm trước, điều đặc biệt là vết chân này chỉ có ba ngón giống như chân chim.

Vết chân hóa thạch của Trisauropodiscus (trái) và vết chân của loài chim hiện đại (phải). Nguồn: Abrahams

Những vết chân này được tìm thấy tại một số địa điểm ở miền Nam châu Phi, xuất hiện trước cả những hóa thạch xương sớm nhất của các loài chim khoảng 60 triệu năm.

“Xét theo niên đại, đây có thể là vết chân khủng long”, TS. Miengah Abrahams, giảng viên khoa học địa chất tại Đại học Cape Town (Nam Phi), tác giả chính của nghiên cứu mới công bố trên PLOS One, cho biết.

Nhóm khủng long chân thú, gồm khủng long bạo chúa, là nhóm khủng long ăn thịt đi bằng hai chân, bàn chân có ba ngón. Nhưng trong số vết chân khủng long mới kiểm tra, có một số vết khác với vết chân của nhóm khủng long chân thú điển hình. Chẳng hạn phần chìa ra của ngón giữa ngắn hơn, phần bàn chân rộng hơn và các ngón chân hẹp hơn, nhìn giống như vết chân chim.

Tuy nhiên, do không biết loài động vật nào tạo ra vết chân như thế, nên ta chưa rõ mối quan hệ của chúng với loài chim. Dấu vết này có thể là manh mối còn thiếu về quá trình tiến hóa của loài chim, hoặc chúng thuộc về các loài bò sát không gần với dòng chim, nhưng độc lập tiến hóa đôi chân như loài chim.

Những vết chân này được nhà cổ sinh vật học người Pháp Paul Ellenberger phát hiện vào giữa thế kỷ 20 và đặt tên khoa học là Trisauropodiscus. Cái tên này thuộc chi dấu chân, một chi dựa trên những dấu vết con vật để lại, chứ không phải hóa thạch cơ thể nó. 

Các nhà khoa học cho rằng có bảy loài hóa thạch dấu vết liên quan tới vết chân của Trisauropodiscus, và qua hàng thập niên các nhà cổ sinh vật học đã tranh cãi về mối quan hệ của nhóm này với loài chim. Ellenberger khiến mọi chuyện phức tạp hơn khi gán cho nhiều dấu vết có hình dạng khác nhau vào chi dấu chân, “và không phải tất cả chúng đều giống chim”, Abrahams nói.

Hơn nữa, hình dạng vết chân có thể khác nhau rất nhiều, tùy thuộc vào loại vật liệu mà động vật giẫm lên. Điều này khiến việc xác định những đặc điểm cơ thể của động vật tuyệt chủng khó khăn hơn, khi vết chân hóa thạch là manh mối duy nhất chúng để lại.

Vào thời điểm Trisauropodiscus giẫm chân xuống bùn, nhóm thằn lằn chúa đang bùng nổ thích nghi tiến hóa – nhóm bò sát cổ đại này gồm khủng long, thằn lằn bay và cá sấu – vì thế, thật thú vị khi tìm thấy bằng chứng về bàn chân giống chim ở một loài chưa biết thuộc nhóm này.

Trong chuyến đi tới Maphutseng, một địa điểm hóa thạch ở Lesotho, họ tìm thấy một số vết giống chân chim từ Kỷ Triassic. Để tìm hiểu thêm, họ đã tới các địa điểm hóa thạch; phân tích ảnh lưu trữ, bản phác thảo và phôi; và tạo ra các mô hình 3D dấu chân. 

Họ xem xét 163 dấu chân và chia chúng thành hai loại (hoặc kiểu hình thái) theo hình dạng. Vết chân thuộc kiểu hình thái I được gắn thẻ là không phải chân chim. Chúng dài hơn một chút so với chiều rộng, ngón chân tròn hơn, khỏe hơn và gần nhau; có “phần gót” rõ rệt tạo ra từ phần đệm của ngón thứ ba và thứ tư.

So với nó, các vết chân thuộc kiểu hình thái II nhỏ hơn. Chúng rộng hơn so với chiều dài, các ngón chân mảnh khảnh hơn. Về hình dạng và độ xòe rộng của các ngón, nhóm thứ hai này gần giống với vết chân chim từ Kỷ Phấn trắng (145 triệu – 66 triệu năm trước): loài chim lội nước Gruipeda, một chi dấu chân khác chỉ biết tới qua vết chân. Về tổng thể, dấu vết của kiểu hình thái II gần giống với loài chim hiện đại.

Bằng chứng hóa thạch lâu đời nhất về chi khủng long Paraves – nhóm khủng long gồm các loài chim sớm nhất và họ hàng gần nhất của chúng – xuất hiện vào khoảng giữa Kỷ Jura (201,3 triệu – 145 triệu năm trước); dấu vết Trisauropodiscus trong kiểu hình thái II, có niên đại ít nhất 210 triệu năm, gợi ý dấu chân giống chim thậm chí còn cổ xưa hơn.

Abrahams cho biết cuộc điều tra này góp phần nâng cao hiểu biết chung của chúng ta về quá trình tiến hóa của khủng long và chim. □

Phương Anh dịch

Nguồn: https://edition.cnn.com/2023/11/29/world/birdlike-footprints-triassic-mystery-fossils-scn/index.html

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)