Bí ẩn thời kỳ thoái trào của người Neandertal
Các nhà cổ nhân chủng học biết nhiều về người Neandertal hơn bất cứ loài người đã bị tuyệt diệt nào khác.Tuy nhiên, câu hỏi tại sao người Neandertal biến mất hiện vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải, khiến nhiều người không khỏi tò mò.
Vào khoảng 28.000 năm về trước, tại khu vực giờ là Gibraltar (Anh Quốc), một nhóm người Neandertal đã cố gắng duy trì cuộc sống tại khu vực bờ biển đầy đá này. Họ rất có thể là những người Neandertal cuối cùng tồn tại trên Trái đất. Ở những khu vực khác thuộc châu Âu và Tây Á, người Neandertal thực ra đã biến mất từ hàng chục nghìn năm trước đó. Nhưng thời gian mà họ hiện diện trên Trái đất cũng kéo dài tới hơn 200.000 năm. Bán đảo Iberia (khu vực hiện là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay), nơi có khí hậu ôn hòa và đầy các loài thú vật, cây cỏ dường như là thành trì cuối cùng của người Neandertal. Sau đó ít lâu, người Neandertal ở Gilbratal cũng lần lượt chết đi, để lại cho hậu thế những võ đoán về những dụng cụ bằng đá, cũng như những tàn tích cháy thành than còn sót lại.
Trước khi hóa thạch đầu tiên của người Neandertal được tìm thấy vào năm 1856, các nhà khoa học chưa từng tranh luận về vị trí của họ trên cây phả hệ của loài người, cũng như là nghiên cứu xem họ xuất hiện từ đâu. Trong nhiều thập kỷ đã tồn tại hai thuyết trái ngược nhau về người Neandertal. Một thuyết cho rằng người Neandertal là một biến thể cổ của người Homo sapiens (người thông minh), loài người đã tạo ra chúng ta hiện nay. Họ người này dường như có liên quan hoặc bị đồng hóa bởi tổ tiên của người châu Âu hiện đại. Thuyết thứ hai cho rằng Neandertal là một loài người riêng rẽ, với cái tên H. neanderthalensis và bị loài người hiện đại nhanh chóng tuyệt diệt sau khi xâm lăng lãnh thổ.
Trong thập kỷ trước, hai phát hiện quan trọng đã chuyển những cuộc tranh luận về người Neandertal sang hướng khác, không còn ở việc họ là tổ tiên hay kẻ thù của loài người hiện đại nữa. Phát hiện thứ nhất, dựa trên việc phân tích ADN đã làm sáng tỏ những dấu hiệu về sự giao thoa giữa người Neandertal và người hiện đại, đây là câu trả lời mà nhiều nhà nghiên cứu thực sự muốn có nếu người Neandertal đã hòa huyết với tổ tiên của loài người hiện đại. Phát hiện thứ hai, dựa vào việc sử dụng những tiến bộ trong các phương pháp xác định niên đại cho thấy thay vì việc họ biến mất ngay lập tức sau khi người hiện đại xâm chiếm châu Âu, bắt đầu từ khoảng 40.000 năm trước đây, người Neandertal đã tiếp tục sống trong một thời kỳ khá dài, khoảng 15.000 năm sau đó.
Những phát hiện mới này đã làm gián đoạn công việc của nhiều nhà nghiên cứu, bởi giờ đây họ cần phải thận trọng hơn tới các yếu tố có thể cho rằng là nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt diệt của người Neandertal. Những khám phá cho thấy rằng câu trả lời thực sự liên quan tới một tiến trình rất phức tạp.
Tác động của thời tiết thay đổi
Một trong những nguồn thông tin có thể chứa những bằng chứng về sự tuyệt diệt của người Neandertal chính là các dữ liệu thời tiết thời cổ đại. Các học giả giờ đã biết được rằng người Neandertal đã từng sống cả ở thời kỳ băng giá lẫn thời kỳ khí hậu ôn hòa giữa các đợt băng giá. Những năm gần đây, phân tích các chất đồng vị còn sót lại trong băng từ thời kỳ nguyên thủy, các trầm tích ở đại dương và phấn hoa ở những khu vực như Greenland, Venezuela hay Italia cho phép các nhà khoa học dựng lại được bức tranh khá rõ nét về tình hình khí hậu ở giai đoạn mà người ta gọi là Oxygen Isotope Stage 3 (OIS-3), hay tạm gọi là giai đoạn đồng vị oxy 3.
Trải dài trong giai đoạn từ khoảng 65.000 tới 25.000 năm trước đây, giai đoạn OIS-3 bắt đầu với điều kiện khí hậu ôn hòa nhưng lại thay đổi đến mức cực điểm khi các lớp băng bắt đầu bao phủ khu vực Bắc Âu.
Cứ cho là người Neandertal là họ người duy nhất sống ở châu Âu vào lúc bắt đầu thời kỳ OIS-3 và người hiện đại là họ người duy nhất sống vào cuối thời kỳ này, các chuyên gia đang tự hỏi liệu phải chăng chính thời tiết là nguyên nhân đã khiến người Neandertal đi đến tuyệt diệt, đơn giản bởi họ không thể tìm đủ nguồn thức ăn và không có đủ điều kiện để sưởi ấm cơ thể. Nhưng dù cái kịch bản này có được chứng minh là đúng thì nó lại dẫn tới một câu hỏi quan trọng khác: trước đó, người Neandertal cũng đã từng phải đối mặt với điều kiện sống cực kỳ lạnh giá mà tại sao họ vẫn tiếp tục duy trì được cuộc sống và tồn tại?
Trên thực tế, nhiều dấu hiệu về mặt sinh học và hành vi cho thấy người Neandertal hoàn toàn phù hợp với điều kiện sống ở thời tiết lạnh. Những bộ ngực tròn và các chi rắn chắc ở họ dường như được làm ra để có thể giữ được nhiệt trong cơ thể. Đấy là chưa kể tới việc có thể đã tạo được ra “quần áo” làm bằng da lông của các con thú để phòng ngừa giá lạnh. Và các chi rắn chắc của họ hoàn toàn phù hợp với lối săn bắt bằng cách rình mồi, đặc biệt đối các động vật hay hoạt động đơn lẻ, thí dụ như tê giác lông mịn từng sống ở khu vực Bắc và Trung Âu trong những giai đoạn giá rét. (Những đặc tính khác của người Neandertal như trán lồi, có thể được hình thành từ di truyền chứ không phải từ quá trình chọn lọc tự nhiên).
Nhưng những dữ liệu đồng vị cho thấy thời tiết không hoàn toàn chuyển từ giai đoạn ôn hòa sang giai đoạn khắc nghiệt, lúc đầu thời tiết trở nên không ổn định và tiến tới thời kỳ lạnh nhất, rồi bất ngờ chuyển sang giai đoạn khắc nghiệt. Xu hướng này đã khiến hệ sinh thái thay đổi hoàn toàn: những rừng cỏ thay thế cho rừng cây, loài tuần lộc sinh sôi nảy nở thay thế cho những con tê giác. Những thay đổi này diễn ra nhanh chóng và tác động đến cuộc sống của con người: những loài thú và thực vật mà họ quen thuộc nhanh chóng bị thay thế bởi những loài thú và thực vật hoàn toàn xa lạ. Không chỉ có thế, chẳng bao lâu môi trường lại thay đổi ngược trở lại.
Phải chăng chính điều kiện môi trường này-chứ không phải chỉ là bản thân giá lạnh-đã dần đẩy người Neandertal tới con đường cụt? Đây chính là kịch bản được nhiều chuyên gia đưa ra, trong đó có nhà sinh học tiến hóa Clive Finlayson thuộc Bảo tàng Gibraltar, người thực hiện các cuộc khai quật khảo cổ tại một số hang động ở Gibraltar. Chính sự thăng trầm này khiến người Neandertal đã phải thích nghi một cách thức sống mới trong một thời gian rất ngắn. Thí dụ như việc các cánh đồng cỏ thay thế cho những rừng cây khiến cách săn thú bằng rình mồi không còn phù hợp, bởi đâu còn cây to để nấp nữa, Finlayton cho biết. Để tồn tại, người Neandertal đã phải bỏ cách săn bằng việc rình mồi.
Một số người Neandertal nhanh chóng thích nghi với đời sống mới, bằng chứng là họ đã thay đổi dụng cụ và mồi săn. Nhưng rất nhiều người khác đã chết vì không thích nghi nổi với những biến động liên tục về thời tiết, để lại sau lưng họ những khoảng trống về mặt dân cư. Dưới những điều kiện bình thường, những người cổ này có thể quay lại thời kỳ trước đó mà họ sinh sống, vốn ít bị thay đổi và những thay đổi cũng có chu kỳ cách nhau xa hơn. Nhưng lần này, sự thay đổi quá nhanh về môi trường khiến họ không còn đủ thời gian để hồi phục lại được. Finlayson cũng cho rằng rất có thể chính sự thay đổi thời tiết liên tục này khiến dân số Neandertal ngày một ít đi khiến họ không còn khả năng đảm bảo thay thế số dân của chính mình nữa.
Kết quả của một nghiên cứu về di truyền được Virginie Fabre và cộng sự của bà (Đại học Địa Trung Hải, Marseille) công bố vào tháng 4 năm ngoái trên PLoS One đã củng cố cho ý kiến rằng dân cư Neandertal đã bị xé lẻ, Finlayson cho biết. Phân tích ADN của người Neandertal cho thấy người Neandertal chia ra thành 3 chi nhỏ: một chi sống ở phía Tây Âu, chi kia ở Nam Âu và chi cuối cùng ở Đông Á. Qui mô dân số ở các chi này cũng suy tàn hay phát triển tùy theo khu vực khác nhau.
Những kẻ xâm lăng
Đối với nhiều nhà nghiên cứu khác thì việc người Neandertal hoàn toàn biến mất sau khi người hiện đại tiến vào châu Âu chứng tỏ một cách rõ ràng rằng những kẻ xâm lăng đã góp bàn tay vào sự tuyệt diệt những người đến trước, dù những kẻ đến sau không giết ngay lập tức toàn bộ những người định cư trước đó. Theo những người suy nghĩ theo hướng này, người Neandertal đã cạnh tranh với những kẻ mới đến để có được thức ăn nhưng họ luôn là kẻ thua cuộc. Nhưng điều gì đã khiến những kẻ mới đến chiến thắng trong những cuộc chiến này thì vẫn còn là điều tranh cãi.
Cũng có thêm một khả năng là những người hiện đại vốn không phải là những kẻ khó tính trong ăn uống. Khi phân tích thành phần hóa học trong sọ của người Neandertal, Hervé Bocherens (ĐH Tubingen, Đức) cho rằng một số người Neandertal lại chuyên ăn thịt thú lớn kiểu như tê giác lông mịn. Khổ thay, loài thú này lại rất hiếm hoi. Còn loài người hiện đại lứa đầu thì lại ăn đủ mọi thứ, bất kể loài động vật hay thực vật nào. Do vậy, khi người hiện đại đến khu vực của người Neandertal sinh sống, và bắt đầu hạ một số thú lớn để ăn thì lượng thức ăn dự trữ trong thiên nhiên của người Neandertal rõ ràng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Trong khi đó, dù thiếu thịt thú lớn, người hiện đại vẫn có thể sống sót với việc giết những loài thú nhỏ hơn hoặc sử dụng các loại thực vật làm lương thực. “Người Neandertal có cách sử dụng lương thực riêng của mình và điều này hoàn toàn ổn thỏa vào thời kỳ trước khi có người hiện đại xuất hiện, bởi họ không phải cạnh tranh thức ăn với những kẻ mới đến”, nhà khảo cổ học Curtis W. Marean (ĐH bang Arizona) nhận xét. Ngược lại, Marean cũng cho biết người hiện đại, vốn đã từng sống trong những điều kiện khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt ở châu Phi có khả năng thích nghi rất nhanh với môi trường khí hậu mới, vốn ôn hòa hơn và nhanh chóng tạo ra những cách thức sống phù hợp với điều kiện sống mà họ mới gặp. “Khác biệt nằm ở chỗ người Neandertal không có nhận thức cao như người hiện đại”, nhà khoa học này nói.
Không chỉ có Marean suy nghĩ theo cách này, nhiều nhà khoa học khác cho rằng người hiện đại hơn người Neandertal ở nhiều điểm, không chỉ ở công nghệ săn bắt cao hơn, với kỹ năng sống tốt hơn mà họ còn có khả năng thông tin với nhau tốt hơn, và điều này tạo ra cho họ các hệ thống xã hội rộng lớn và mạnh hơn. Còn người chậm tiến Neandertal, nếu nhìn theo hướng này thì rõ ràng có ít cơ hội để đối đầu với những kẻ mới đến. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy người Neandertal thực sự thông minh hơn là người ta tưởng. Trên thực tế, họ đã có nhiều nhận thức hành động mà nhiều người tưởng chỉ có ở người hiện đại. Theo nhà cổ sinh vật học Christopher B. Stringer thuộc Bảo tàng Tự nhiên London, “ranh giới giữa người Neandertal và người hiện đại rất mờ nhạt”.
Những phát hiện mới tại các khu vực khảo cổ ở Gibraltar cho thấy sự mù mờ về ranh giới giữa hai nhóm người này. Vào tháng 9 năm 2008, Stringer và các cộng sự của ông công bố tìm thấy bằng chứng về người Neandertal tại khu vực hang động Gorham cũng như khu hang động Vanguard ngay gần đó. Người Neandertal ở đây sống bằng việc săn bắt cá heo, hải cẩu và thu lượm các động vật có vỏ (trai, sò, vẹm, cua…). Một số nghiên cứu chưa công bố còn cho rằng người Neandertal còn ăn cả chim, thỏ nữa. Những khám phá ở Gibraltar cùng những phát hiện ở những khu vực khác đã lật ngược lại quan niệm có từ trước cho rằng người hiện đại là những người đầu tiên biết khai thác các nguồn lợi từ biển và săn thú nhỏ.
Nhiều bằng chứng khác nữa cũng làm lu mờ đi ranh giới về nhận thức giữa người Neandertal và người hiện đại. Thí dụ như những gì người ta thấy ở khu vực khảo cổ Hohle Fels ở Tây Nam nước Đức. Ở đó, nhà cổ sinh vật học Bruce Hardy (ĐH Kenyon) đã so sánh các dụng cụ của người Neandertal, vốn sống trong các hang động trong khoảng thời gian 36.000 tới 40.000 năm trước đây với các dụng cụ của người hiện đại sống trong khoảng 33.000 tới 36.000 năm trước đây với cùng một điều kiện khí hậu và môi trường giống nhau. Trong một bản báo cáo trước Hội Cổ sinh vật học Chicago vào tháng 4 năm ngoái, Hardy thông báo qua việc phân tích các thành phần bám bên ngoài các dụng cụ của hai nhóm người này, ông nhận thấy dù người hiện đại “sáng chế” ra nhiều dụng cụ săn bắt hơn người Neandertal nhưng tựu trung lại, hoạt động của hai nhóm người là gần như giống nhau, hệt như ở khu vực khảo cổ Hohle Fels.
Những hoạt động này bao gồm cả những cách thức tinh vi như sử dụng nhựa cây để dán gỗ vào chỗ tay cầm của các dụng cụ săn bắt, sử dụng các viên đá có đầu nhọn để đâm thú vật, hay dùng cho các dụng cụ ném từ xa, làm ra các vật dụng săn bằng xương hoặc gỗ. Lý giải tại sao các dụng cụ săn bắt thú của người Neandertal lại ít phong phú hơn người hiện đại, Hardy cho rằng với người Neandertal, chừng ấy dụng cụ săn bắt có lẽ đã đủ.
Những khám phá khảo cổ gần đây cho thấy cũng chưa đủ bằng chứng khẳng định rằng người Neandertal chưa từng sử dụng ngôn ngữ. Các nhà nghiên cứu dù gì cũng biết chắc chắn được rằng người Neandertal có khả năng trang trí cơ thể của họ bằng đồ trang sức hoặc có thể cả phẩm màu. Những dấu hiệu về hành vi cơ thể này thường là chỉ ra dấu để diễn đạt một loại hình ngôn ngữ nào đó. Trong năm 2007, nhóm các nhà nghiên cứu do Johanes Krause (Viện Nhân chủng học tiến hóa Leipzig, thuộc Viện Max Planck, Đức) dẫn đầu cho biết qua phân tích ADN của người Neandertal, họ phát hiện ra nhóm người này cũng mang trong người phiên bản gene FOXP2, loại gene cho phép phát âm ở người hiện đại.
Hình vẽ mô phỏng lại hoạt động của người Neandertal
Mặc dù đã chế tạo được các dụng cụ săn bắt thú, nhưng so với người hiện đại, số lượng dụng cụ săn bắt thú của người Neandertal ít hơn nhiều.
Một nhà khoa học thuộc Viện Nhân chủng học tiến hóa Leipzig (Đức) bên cạnh địa điểm khảo cổ di tích người Neandertal ở Pháp
Vẫn cần nhiều nghiên cứu
Khi khoảng cách về hành vi giữa người Neandertal và người hiện đại thu hẹp lại, nhiều nhà nghiên cứu giờ chuyển hướng nghiên cứu xem đâu là những khác biệt về văn hóa và sinh học để lý giải về nguyên nhân thực sự khiến người Neandertal biến mất. “Điều kiện khí hậu tồi tệ và hay thay đổi có thể đã khiến sự cạnh tranh giữa những nhóm người ngày càng ác liệt”, nhà nhân chủng học Katerinna Havarti, cũng thuộc Viện Max Planck phỏng đoán. Theo bà, trong bối cảnh như vậy, những ưu việt dù chỉ rất nhỏ cũng tạo ra sự khác biệt lớn cho cuộc chiến sinh tồn.
Stringer, về phần mình thì cho rằng chính khả năng thích nghi lớn hơn đối với thực vật đã khiến người hiện đại có lợi thế hơn trong những giai đoạn khí hậu khó khăn. Thí dụ, những loại lá hình kim tìm được ở những khu vực người hiện đại tiền sử từng ở đã cho thấy họ biết cách sử dụng các loại lá kim để làm “quần áo” che thân, hay làm các lán cư trú, nhằm tránh rét khi có giá lạnh. Còn đối với người Neandertal thì cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy bất cứ dấu vết gì về sự “khâu vá” và một số nhà nghiên cứu cho rằng họ tỏ ra vụng về hơn người hiện đại trong việc “chế tạo quần áo” hay lán, trại che thân.
Người Neandertal và người hiện đại cũng có những khác biệt trong việc phân chia công việc cho các thành viên trong mỗi nhóm. Trong một bài báo công bố trên tờ Current Anthropology (Nhân chủng học ngày nay) xuất bản năm 2006, các nhà khảo cổ Steven L. Kuhn và Mary C. Stiner (ĐH Arizona) đã đưa ra giả thiết rằng chế độ ăn đa dạng của những người châu Âu cổ đại đầu tiên cho thấy dường như đã có sự phân công lao động vào thời đó. Người đàn ông đi săn thú lớn, còn phụ nữ thì làm các công việc đơn giản hơn như thu lượm hạt, quả và trái cây. Ngược lại, người Neandertal thì khi đi săn thú lớn dường như có cả sự tham gia của phụ nữ và trẻ nhỏ. Những người này làm công việc xua đuổi thú vật vào nơi mà những người đàn ông đang rình sẵn. Nhờ tạo ra hệ thống phân phối thức ăn tin cậy hơn, và đặc biệt là có được môi trường an toàn hơn cho việc nuôi trẻ nhỏ, việc phân chia công việc đã khiến dân cư của người hiện đại phát triển nhanh hơn, trong khi người Neandertal lại trả giá bằng sinh mạng mình cho những sai lầm.
Hơn thế nữa, dù có kiếm được thức ăn thì người Neandertal lại cần nhiều thức ăn hơn nữa cho nhu cầu của mình. Nhiều nghiên cứu về trao đổi chất cho thấy người Neandertal, do thân hình vạm vỡ của mình cần nhiều năng lượng hơn người hiện đại, kẻ cạnh tranh với họ. Thí dụ, chuyên gia về năng lượng Karen Steudel-Numbers thuộc ĐH Wiscosin-Medison đã xác định rằng chi phí năng lượng ở người Neandertal cao hơn người hiện đại tới 32%, chủ yếu do thân hình của họ người này lực lưỡng hơn trong khi xương ống chân của họ lại ngắn, đòi hỏi phải bước đi nhiều hơn. Nếu tính lượng calorie tiêu thụ hằng ngày, người Neandertal đòi hỏi nhiều hơn người hiện đại mỗi ngày khoảng 100-350 calorie, cho dù hai họ người này đều sống ở cùng một khu vực, với điều kiện khí hậu như nhau. Đây là phương pháp tính được Andrew W. Froehle (ĐH California) và Steven E. Churchill (ĐH Duke) xây dựng lên. Như vậy, có vẻ như là người hiện đại đã vượt lên trong cuộc đua sinh tồn với người Neandertal chính là nhờ khả năng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn: việc sử dụng ít năng lượng hơn cho các chức năng cơ bản giúp cho người hiện đại dành năng lượng khác để đảm bảo việc sinh đẻ và nuôi nấng con cái.
Nghiên cứu của Rachel Caspari (ĐH miền Trung Michigan) cho thấy cách đây khoảng 30.000 năm, lượng người hiện đại sống đến tuổi làm ông, bà đột ngột tăng lên rất nhanh. Điều gì đã khiến tuổi thọ của họ tăng lên hiện vẫn là một bí ẩn, nhưng điều này đã dẫn đến hai hệ quả quan trọng. Trước hết, những người sống lâu hơn đồng nghĩa với việc họ có thời gian sinh sản lâu hơn, tức là khả năng sinh nhiều con lớn hơn. Thứ hai, họ có nhiều thời gian hơn để tích lũy kinh nghiệm, từ đó có được nhiều “kiến thức” hơn để truyền lại cho đời sau, thí dụ như cách tìm được nguồn nước khi xảy ra hạn hán. “Thời gian sống lâu hơn giúp họ tạo ra được một hệ thống xã hội lớn hơn và tích lũy được nhiều kiến thức tốt hơn”, Stringer nhận xét. Trong khi đó, do tuổi đời của người Neandertal ngắn do vậy nhiều khi kiến thức tích lũy được bị rơi rụng khi họ chết đi, chưa kịp truyền lại cho đời sau.
Những phát hiện chính yếu để xác định lý do tại sao người Neandertal thực sự biến mất có lẽ phải đợi đến lúc phân tích kết quả giải mã gene họ người này (để giải mã toàn bộ gene thì cần mất khoảng 1 năm). Nhưng những bí ẩn cũng đã dần dần sáng tỏ khi một phần gene của người Neandertal đã được giải mã. Điều quan trọng nhất đối với các nhà khoa học là trả lời câu hỏi: liệu thực sự đã có sự giao phối giữa người Neandertal và người hiện đại và sự hòa huyết này thực sự là bao nhiêu? Một phần của câu trả lời đã được thực hiện với phát hiện mới nhất của các nhà khoa học tại Viện Nhân chủng học tiến hóa Leipzig, thuộc Viện Max Planck, Đức (xem phần đóng khung). Tuy nhiên, để giải mã toàn bộ bí ẩn, công việc phía trước của các nhà nghiên cứu xem ra còn rất nhiều.
Chúng ta phải chăng là hậu duệ của người Neandertal? |