Biến đổi khí hậu nghiêm trọng, giới chính trị hành động “như rùa”
Vừa qua, tại thủ đô nước Kênia, 6000 đại diện các chính phủ, các tổ chức kinh tế và bảo vệ môi trường, kể cả nhiều nhà khoa học, nhà báo từ mọi miền của hành tinh xanh đã đến dự Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thay đổi Khí hậu. Hội nghị này bao gồm mít tinh thứ 12 của 189 nước ký kết Hiệp định khung về Khí hậu (COP 12), phiên họp thứ hai của các bên tham gia Nghị định thư Kyôtô (COP/MOP 2) và nhiều phiên họp khác của các ủy ban phụ trách việc tư vấn khoa học kỹ thuật, việc ứng dụng các điều khoản của hiệp định vào thực tế v.v.
Từ mấy thập kỷ nay, nhiệt độ trung bình trên trái đất tăng lên, mang lại nhiều hậu quả hết sức tai hại: bão lụt, hạn hán xảy xa thường xuyên, các vùng khí hậu cũng như các mùa trong năm bị xô lệch, gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp và đa dạng sinh học. Đại đa số các nhà khoa học đều nhất trí rằng các hiện tượng ấy có nguyên nhân là hiệu ứng nhà kính: khí cacbônic do con người thải ra ngày càng nhiều đã trở thành một lớp bao phủ trái đất; quang nhiệt khi đến mặt đất, bị lớp khí ấy giữ lại như trong nhà kính, không thể phản xạ trở lại vũ trụ, nên nhiệt độ không ngừng tăng trên phạm vi toàn cầu. Trước hiểm họa đối với môi trường và sự phát triển của loài người, năm 1992 đại diện các chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ đã họp hội nghị do Liên Hiệp Quốc (LHQ) triệu tập tại Rio de Janeiro để bàn luận phương cách phòng chống. Hội nghị đã thông qua một hiệp định khung và Chương trình Nghị sự 21 với các mục tiêu phát triển bền vững, nghĩa là có hiệu quả kinh tế lâu dài, bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Hiệp định khung của LHQ về Thay đổi Khí hậu (UNFCCC) nêu mục tiêu: “ổn định nồng độ các khí gây hiệu ứng nhà kính ở mức […] các hệ thống sinh thái có thể thích ứng với những thay đổi khí hậu một cách tự nhiên, sản xuất lương thực không bị đe dọa và kinh tế có thể tiếp tục phát triển theo phương hướng bền vững”. Chương trình Nghị sự 21 bao gồm 2.500 khuyến nghị hành động trong thế kỷ mới.
Những năm sau đó, thêm chín hội nghị khí hậu diễn ra với những cuộc thương lượng dai dẵng để cụ thể hóa hiệp định khung, qui định số lượng khí cacbônic (CO2) phải giảm cho từng quốc gia, từng vùng cũng như các biện pháp và phương thức giảm thải. Quan trọng nhất là hội nghị Kyôtô năm 1997. Theo Nghị định thư Kyôtô, tới năm 2012, có 35 nước công nghiệp phải hạ tổng cộng 5,2% lượng khí CO2 do họ thải ra so với năm 1990. Trong ba cơ chế của Nghị định thư, đặc biệt có Cơ chế Sản xuất sạch (Clean Development Mechanism, CDM) cho phép các doanh nghiệp ở các nước công nghiệp cân đối lượng khí thải phải giảm của mình bằng cách đầu tư vào các dự án phát triển bền vững của những nước nghèo. Điều kiện để Nghị định thư có hiệu lực không dễ đáp ứng vì Mỹ là nước thải nhiều C02 nhất (khoảng 24% tổng số lượng của toàn thế giới) lại không chịu thông qua, mặc dù chính quyền họ đã ký. Nga mặc cả kỳ kèo mãi tới tháng 11 năm 2004 mới phê chuẩn. Nhờ vậy, Nghị định thư Kyôtô bắt đầu có hiệu lực vào ngày 16/2/2005.
Nếu Hiệp định khung Rio với các khuyến nghị hành động chỉ có tính cách chính trị, Nghị định thư Kyôtô có thêm ràng buộc nói trên đối với 35 nước công nghiệp. Nhưng việc bảo vệ khí hậu sẽ ra sao sau khi Nghị định thư hết hiệu lực vào năm 2012? Liệu mức giảm khí CO2 do nó qui định trong khoảng thời gian tương đối ngắn ấy có làm cho khí hậu trái đất ổn định hơn chút nào hay không?
Thời gian sau đó, nhiều biến động thời tiết với cường độ chưa từng thấy đã xảy ra. Ngay cả ở vùng ôn đới, trong những năm gần đây, lũ lụt, bão tố cũng gây nên những thiệt hại vô cùng to lớn. Điển hình là cơn bão Katrina cuối tháng 8 năm 2005 đã tàn phá các bang New Orleans, Mississipi và Alabama, gây tổn thất nặng nề nhất từ trước đến nay trong lịch sử Hoa Kỳ: hơn 1.800 người thiệt mạng và thiệt hại vật chất lên tới 84 tỉ đô la Mỹ. Băng giá ở các vùng cực tan nhanh, đe dọa nhận chìm nhiều đảo Thái Bình Dương và các khu vực thấp ven biển. Đồng thời, một số công trình nghiên cứu, báo cáo khoa học về môi trường, nhất là báo cáo thứ ba của Ủy ban liên chính phủ về Thay đổi khí hậu (IPCC) công bố năm 2001 đã cung cấp những bằng chứng về tác động nguy hiểm của hiệu ứng nhà kính do con người gây nên. Tại nước ta, hình như chưa có nghiên cứu đáng kể nào về thay đổi khí hậu, nhưng các trận lũ lụt năm 1999 ở miền Trung và năm 2000 ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như các cơn bão năm 2003 và vừa mới đây (lại ở miền Trung!) có thể được xem là những hậu quả hiển nhiên.
Rõ ràng hệ thống khí hậu đã thay đổi nhanh hơn như người ta thường nghĩ trước đây. Vì vậy, thế giới cần nhiều hơn nhiều so với những gì đạt được qua Nghị định thư Kyôtô.
Tháng 12 năm 2005, sau cuộc thương thảo gay go kéo dài hai tuần lễ, 157 nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh ở Montreal đã ra nghị quyết tiếp tục ứng dụng Nghị định thư Kyôtô trong giai đoạn sau năm 2012 (giai đoạn 2) và mở những cuộc thương lượng mới trong năm 2006 nhằm xác định các mục tiêu bảo vệ khí hậu trong tương lai. Hội nghị cũng nhất trí sẽ lập quĩ dành cho những biện pháp thích ứng, chẳng hạn như xây đắp đê phòng hộ, để giúp đỡ các nước phát triển khắc phục thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Tuy nhiên, các nước đang phát triển không chịu cam kết giảm bớt lượng khí CO2 của họ, bởi vì theo Nghị định thư Kyôtô, “phần lớn lượng khí gây hiệu ứng nhà kính thải ra trong quá khứ cũng như trong hiện tại có nguồn gốc từ các nước phát triển, lượng khí thải tính theo đầu người ở các nước đang phát triển còn tương đối thấp và phần khí thải của các nước đang phát triển sẽ được tăng lên để đáp ứng các yêu cầu phát triển và xã hội của họ”. Còn Hoa Kỳ từ chối trách nhiệm giảm khí thải, vì theo quan điểm của họ, việc ấy có hại cho nền kinh tế, nhất là khi các nước đang phát triển cũng không cam kết giảm. Thật đúng là anh trọc phú lại so bì với bần cố nông! Dư luận cho rằng thái độ tiêu cực của Mỹ có liên quan đến một bộ phận lãnh đạo của họ vốn xuất thân từ ngành dầu khí. Ngược lại, Liên minh Châu Âu (LMCA) đã đưa ra nhiều sáng kiến đáng được thảo luận, chẳng hạn như đề nghị giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình trên thế giới dưới hai độ so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp (thế kỷ 19).
Những kẻ thừa cơ nước đục thả câu
Do hiểu biết về nguyên nhân của những hiện tượng thời tiết thái quá, người ta ngày càng thấy cần phải giảm thải các khí gây hiệu ứng nhà kính hơn, nhất là khí cacbônic. Khí này chủ yếu phát sinh từ quá trình sử dụng các nguồn nguyên liệu hóa thạch như dầu lửa, khí đốt, than đá cho việc vận chuyển, sản xuất điện và các hoạt động công nghiệp. Nguyên liệu hóa thạch lại sẽ cạn kiệt trong vòng 50-70 năm nữa. Lợi dụng tình trạng ấy, từ năm 2004 đến nay, ngành năng lượng nguyên tử cùng với các nhóm vận động đầy thế lực đã mở chiến dịch rộng khắp thế giới hầu khôi phục lại vị thế điện hạt nhân sau một thời gian trầm xuống. Cốt lõi của chiến dịch ấy là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Ngay cả tại Hội nghị Montreal, người ta cũng viện lý do bảo vệ khí hậu để đưa năng lượng hạt nhân vào cuộc thảo luận. Và mới đây, vài ngày trước Hội nghị Nairôbi, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhân dịp phát hành cuốn “Triển vọng Năng lượng Thế giới 2006” đã tuyên bố rằng năng lượng nguyên tử có tiềm năng góp phần cơ bản vào việc bảo vệ khí hậu. Như vậy, trong bối cảnh khí hậu trái đất bắt đầu thay đổi, điện hạt nhân không những rẻ, an toàn mà còn sạch và có khả năng giải quyết vấn đề năng lượng nữa! Những điều sai sự thật đó đã bị phản bác bởi các chuyên gia hàng đầu trong ngành điện như Phạm Duy Hiển, Nguyễn Khắc Nhẫn hay chuyên gia môi trường Hermann Scheer và nhiều nhà khoa học khác.
Về lâu về dài, chúng ta chỉ có thể giải quyết vấn đề năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng các nguồn năng lượng tái tạo (còn gọi là năng lượng hoàn nguyên) kết hợp với việc sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Theo những người ủng hộ điện nguyên tử, năng lượng tái tạo không đủ để dùng, hoặc tốn kém quá, hoặc quá trình xây dựng dài quá. Những lời khẳng định ấy đều không đúng, nhưng tôi sẽ đào sâu ở một bài khác. Trong phạm vi bài này, chỉ xin lưu ý: cả trong lĩnh vực năng lượng hoàn nguyên cũng có chuyện vàng thau lẫn lộn. Chẳng hạn như công ty năng lượng khổng lồ RWE và một số nhà máy điện ở Châu Âu với các dự án sản xuất điện bằng diesel chế biến từ dầu cọ. Ai cũng biết rằng dầu cọ chủ yếu được nhập từ Malaixia và Inđônêxia, và cho tới nay, gần năm triệu hecta rừng nguyên sinh ở hai đảo Sumatra và Borneo đã bị thiêu hủy để trở thành những đồn điền trồng cọ khổng lồ. Không kể đến việc di dời hàng ngàn người dân bản địa và triệt tiêu đa dạng sinh học, những đồn điền độc canh như thế chỉ có sức hấp thụ CO2 bằng khoảng 1% sức hấp thụ của rừng nhiệt đới. Diesel qua quá trình sản xuất đó không được phép dán nhãn hiệu “diesel sinh học”. Ngược lại, là diesel chế biến từ dầu ăn cũ do nhà hàng và các hộ tư nhân thải ra.
Trong kho tàng sử thi của các dân tộc Tây Nguyên có chuyện anh hùng Đam San đi bắt nữ thần mặt trời để trở thành người tù trưởng giàu có. Tôi ước mong trong thời đại mới, ở nước ta sẽ xuất hiện nhiều Đam San có tâm hồn trẻ trung, trong sáng và tài ba, dùng khoa học kỹ thuật hiện đại “bắt” gió, mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và sinh khối làm giàu cho bản thân và cho quê hương mình. Những dự án như chiếc xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời do nhóm sinh viên khoa Cơ khí Đại học Cần Thơ chế tạo gần đây cho tôi niềm hy vọng mơ ước ấy sẽ có lúc trở thành hiện thực.
Diễn tiến tại Hội nghị Nairôbi
Trước thềm hội nghị, cố vấn chính phủ Anh Nicolas Stern, nguyên là chuyên gia kinh tế chính của Ngân hàng Thế giới, đã gây tiếng vang khi thông báo kết quả nghiên cứu của mình về phí tổn phải chi cho những thiệt hại do sự biến đổi khí hậu gây nên: trong vòng 10-15 năm nữa, nếu con người vẫn bó tay thụ động, khoảng 20% thành quả kinh tế toàn cầu sẽ tiêu tan, hơn cả thiệt hại do khủng hoảng kinh tế cuối những năm 20 của thế kỷ trước gây nên. Ngược lại, chỉ cần chi 1% tổng sản phẩm xã hội cho việc bảo vệ khí hậu, thế giới đã có thể tránh được điều xấu nhất. Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng đánh giá của Stern còn quá thấp. Tuy nhiên, tỉ lệ giữa hai con số ấy đủ để bác bỏ luận điệu của chính quyền Bush, đồng thời khuyến cáo các nước công nghiệp hỗ trợ cho các nước nghèo trong việc phòng chống thiên tai và thích ứng với thực tế khí hậu đã bắt đầu thay đổi. Theo Ban Thư ký UNFCCC, các nước phát triển cần phải có năng lực thể chế và tiền viện trợ cần thiết để có thể tham gia vào việc bảo vệ khí hậu toàn cầu được.
Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Chủ tịch Kivutha Kibwana, Bộ trưởng Bộ Môi trường Kênia, tuyên bố: “Sự thay đổi khí hậu đang nhanh chóng trở thành một trong những đe dọa nghiêm trọng nhất mà loài người đối đầu từ trước đến nay. […] Những thắng lợi gần đây trong việc giảm nghèo sẽ bị đảo ngược trong những thập kỷ sắp tới, nhất là đối với các cộng đồng nghèo nhất ở châu Phi”. Chủ tịch Kibwana kêu gọi các bên tham dự hội nghị cộng tác với nhau để bảo đảm có được hành động thật sự trong việc thích ứng với những thay đổi của khí hậu.
Nhiều sáng kiến, gợi ý được đưa ra thảo luận tại hội nghị. Đặc biệt có đề nghị đánh thuế cacbônic trên toàn cầu của cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan. “Bằng cách ấy, chúng ta có thể giảm bớt sự bất công: những người cho tới nay ít góp phần làm biến đổi khí hậu nhất lại đang phải gánh chịu hậu quả nhiều nhất”. Ông Annan cũng phê bình sự thiếu tận tâm của nhiều nhà chính trị và nhắc nhở các chính phủ đã đến lúc phải nghiêm túc trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Ông nói: “Sự thay đổi khí hậu trên toàn thế giới là một trong những thử thách lớn nhất ở thời đại của chúng ta.[…] Nếu chúng ta thất bại, con cháu chúng ta sẽ phải trả giá cho việc ấy”. Các đại biểu cũng đánh giá cao ý tưởng trồng một tỉ cây của bà Wangari Maathai, người đoạt giải Nobel Hòa bình 2004, và ý tưởng ấy đã được Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) biến thành cuộc vận động sâu rộng.
Cho tới giờ phút cuối, các đại biểu đã tranh luận gay gắt về những chi tiết ít nhiều quan trọng. Chẳng hạn như phải thẩm tra hiệu quả của Nghị định thư như thế nào, cho đến bao giờ thì kết thúc… Cũng như trong những hội nghị trước, các nước đang phát triển khước từ mọi cam kết giảm thải khí CO2. Thái độ ấy có thể hiểu được vì các nước công nghiệp phải chịu trách nhiệm cao nhất về hiệu ứng nhà kính chủ yếu do họ gây ra. Trong khi đó lại khó có thể đạt được thành quả đáng kể nào trong việc bảo vệ khí hậu nếu không có sự tham gia của Mỹ, nước đã thải gần một phần tư lượng cacbônic của cả thể giới. Sự thiếu đoàn kết ấy thật đáng tiếc vì biến đổi khí hậu đang đe doạ mọi quốc gia nên lẽ ra tất cả các nước đều phải góp phần đối phó theo khả năng của mình.
Cuối cùng, hội nghị Nairôbi đã đạt được các thành quả chính sau đây:
– Các đại biểu thống nhất ý kiến về một số bước đi dẫn đến một hiệp định nối tiếp Nghị định thư Kyôtô, với mục tiêu giảm phân nửa lượng khí thải so với năm 1990 nhưng chưa qui định rõ thời hạn để thực hiện mục tiêu ấy.
– Hội nghị thông qua đề nghị rà soát lại Nghị định thư và kết thúc việc này vào năm 2008.
– Nguồn lệ phí thu từ các dự án CDM sẽ được dùng cho Quỹ Thích ứng (khoảng 300 triệu Euro cho tới năm 2012). Tuy nhiên, hội nghị chưa quyết định cơ quan nào sẽ quản lý quỹ ấy.
– Hai cơ quan UNEP (Chương trình Môi trường LHQ) và UNDP (Chương trình Phát triển LHQ) sẵn sàng tư vấn miễn phí cho các nước nghèo, nhất là các nước Châu Phi (tới nay chỉ có vài dự án trong số 375 dự án CDM được đăng ký) trong việc tham gia chương trình Cơ chế Sản xuất sạch.
– Trong ngày cuối của Hội nghị Thượng đỉnh, Liên Minh Châu Âu đã lập thêm quỹ mới để giúp các nước châu Phi thực hiện những dự án bền vững, chẳng hạn như điện khí hoá những làng chưa có lưới điện hay cung cấp tín dụng vi mô cho các nhà doanh nghiệp châu Phi hoạt động trong ngành năng lượng tái tạo.
Như vậy, mục tiêu chính của hội nghị là lập thời gian biểu và xác định các chỉ tiêu giảm thải cho giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyôtô chưa thực hiện được. Các nước phát triển chưa tham gia vào việc giảm khí thải, còn chờ xem các nước công nghiệp có đạt được chỉ tiêu của mình hay không. Đa số các nhà bảo vệ môi trường tỏ ra thất vọng về kết quả của hội nghị. Họ cho là giới chính trị hành động chậm như rùa trong khi mối đe dọa của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, theo tôi, thành quả đạt được đã là một bước tiến theo đường hướng đúng. Và có lẽ mọi người đều hy vọng rằng: năm 2007, mọi sự sẽ tốt đẹp hơn tại hội nghị thượng đỉnh ở Inđônêxia.