Biến đổi khí hậu toàn cầu
và nguy cơ chủ nghĩa thực dân mới

Mặc dù được đề cập nhiều trên các diễn đàn quốc tế từ vài chục năm nay nhưng câu chuyện biến đổi khí hậu (BĐKH) vẫn là đề tài khá “tế nhị” đối với lãnh đạo các nước giàu và các nước có nền kinh tế mới nổi. Một số các nước lớn vẫn chưa phê chuẩn Nghị định thư Kyoto (sắp hết hạn vào năm 2012) và còn “làm lơ” trước ảnh hưởng của BĐKH toàn cầu. Trong khi nhiều nước nghèo là nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nhất của BĐKH toàn cầu thì các nước giàu vẫn cứ “bình chân như vại”. Phải chăng đó là cách để xuất hiện một loại hình chủ nghĩa thực dân mới, chủ nghĩa thực dân trong phát thải?

Tác động toàn cầu nhưng lợi ích quốc gia
BĐKH toàn cầu là vấn đề được đề cập đến trên các diễn đàn quốc tế từ ít nhất vài thập kỷ qua và sự nóng lên của khí hậu là biểu hiện được nói đến nhiều nhất. Tuy nhiên, lần đầu tiên, trong báo cáo 2007, Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) mới thừa nhận sự nóng lên của khí hậu là vấn đề không còn phải nghi ngờ (unequivocal) gì nữa. Mặc dù vậy, cũng chưa có báo cáo nào của IPCC cho rằng BĐKH toàn cầu là hệ quả tất yếu của sự phát triển kinh tế thời hậu hiện đại, giai đoạn mà sự phân dị giàu nghèo cũng như sự phân dị về lượng khí nhà kính phát thải giữa các quốc gia đang gia tăng.
Trong khi các diễn đàn về phát triển bền vững lại luôn nói về mô hình “cùng thắng” (win-win) thì cũng chưa thấy IPCC nói về nguy cơ phân dị được-mất giữa các quốc gia công nghiệp phát triển và các quốc gia đang phát triển trong giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực để giảm thiểu tác động của BĐKH toàn cầu và UNFCCC (Chương trình khung về BĐKH của Liên Hợp Quốc), có hiệu lực từ tháng 3 năm 1994, là một biểu hiện. IPCC đã trở thành diễn đàn toàn cầu quan trọng trong đánh giá, ứng phó và thích nghi với tác động của BĐKH toàn cầu. Tuy nhiên, Báo cáo của Nhóm công tác III thuộc IPCC, 2007 cũng thừa nhận, với các chính sách giảm thiểu tác động của BĐKH hiện nay và với các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững thì khí nhà kính sẽ còn tiếp tục tăng trong vài thập kỷ tới. Nghị định thư Kyoto được phê chuẩn năm 1997, có hiệu lực năm 2005 và đã sắp hết hiệu lực nhưng vẫn còn tồn tại hàng loạt bất đồng giữa các quốc gia, đặc baiệt là giữa các quốc gia có nền công nghiệp phát triển và quốc gia đang phát triển.
Tính đến tháng giêng 2007 đã có 168 quốc gia và Cộng đồng kinh tế châu Âu đã ký vào Nghị định thư này. Theo IPCC, ¾  lượng CO2 phát thải vào khí quyển là do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phần còn lại là do việc chặt phá rừng. Theo Nghị định thư Kyoto, đến 2012, lượng khí nhà kính phát thải vào khí quyển phải giảm đi 5,2% so với mức phát thải năm 1990. Trên thực tế, chỉ riêng Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc Cộng đồng châu Âu, với dân số chiếm 10% dân số toàn cầu, đã thải vào khí quyển 45% tổng lượng CO2 toàn cầu (Heidi Bachram, Climate Fraud and Carbon Colonialism: The New Trade in Greenhouse Gases. Capitalism Nature Socialism, Vol 15, No. 12/ 2004).
Theo quan điểm của IPCC (Báo cáo 2007) sức mạnh của Nghị định thư nằm ở điều khoản về cơ chế thị trường trong thương mại phát thải khí nhà kính. Chính cơ chế mang tính khích lệ sự tái phân bố chỉ tiêu (quota) phát thải này lại hàm chứa nhiều thách thức và một trong số đó là nhiều nền kinh tế phát thải khí nhà kính lớn nhất vẫn chưa phê chuẩn Nghị định thư Kyoto (Báo cáo của Nhóm công tác III IPCC). Với bối cảnh như vậy liệu có nên hiểu là đối với từng quốc gia biến đổi khí hậu thì mang tính toàn cầu nhưng lợi ích thì lại vẫn mang tính quốc gia.

Nước nghèo luôn bị thiệt thòi?
Và có một câu hỏi cần được đặt ra: Liệu có nguy cơ xuất hiện chủ nghĩa thực dân mới trong việc giảm thiểu lượng khí nhà kính do con người thải vào khí quyển? Hãy xem xét một vài khía cạnh của các nỗ lực giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia.

Nhiều nước nghèo sẽ chịu nhiều tác động của BĐKH, đặc biệt là việc nước biển dâng cao gây lụt lội. Minh họa của em bé 11 tuổi người Bangladesh

Khía cạnh thứ nhất: Thông qua cơ chế phát triển sạch CDM (Clean Development Mechanism). Chương trình CDM, các nước có lượng khí nhà kính giảm thiểu sẽ được cấp Chứng chỉ xác nhận giảm phát thải (Certified Emission Reduction CER) hay còn được gọi là Chứng chỉ carbon. Một khi có được CER, nước này có thể chuyển nhượng quyền phát thải cho các nước khác để nhận được một hệ quả kép. Đó là có thu nhập từ việc chuyển nhượng CER và thực hiện được Phát triển sạch, phần nào đồng nghĩa với Phát triển bền vững.
Có thể thấy ngay quyền phát thải đã trở thành một loại hình tài nguyên mới, hàm chứa nhiều ý nghĩa xã hội hơn bất cứ tài nguyên nào. Để tăng nguồn tài chính của mình, các nước kém phát triển sẽ phải bán tài nguyên này cho các nước phát triển hơn. Các nước tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới như Mỹ (20,6 triệu thùng/ngày), Trung Quốc (7,6 triệu thùng/ngày) và Nhật Bản (5,2 triệu thùng/ngày) chắc chắn thuộc nhóm phát thải lớn nhất và họ có nhu cầu mua tài nguyên phát thải của các nước khác, đặc biệt từ các nước có nền công nghiệp kém phát triển. Câu hỏi đặt ra là: Bao giờ thì tài nguyên đặc biệt này ở các nước nghèo sẽ cạn kiệt trước khi họ đạt được mục tiêu phát triển bền vững?
Khía cạnh thứ hai: Đó là khuynh hướng xuất khẩu công nghệ “kém sạch”, thậm chí công nghệ ô nhiễm sang các nước nghèo và nhập khẩu sản phẩm tiêu dùng được sản xuất tại các nước đang phát triển. Rất nhiều nước đang phát triển lấy xuất khẩu làm động lực kinh tế trong giai đoạn đầu. Hiện tượng tràn ngập hàng Trung Quốc trên thế giới là một minh chứng. Các nước đang phát triển thì lại có nhu cầu nhập khẩu công nghệ từ các nước giàu không loại trừ công nghệ gây ô nhiễm như dây chuyền lắp ráp xe hơi với chuẩn phát thải đã lỗi thời, như các công nghệ khai khoáng đã ngừng sử dụng ở các nước giàu v.v… Xuất khẩu rác thải từ các nước giàu sang các nước đang phát triển cũng là một khuynh hướng mà cộng đồng quốc tế đã cảnh báo.
Khía cạnh thứ ba: Khuynh hướng phát triển nhiên liệu sinh học (biofuel) là loại nhiên liệu sử dụng ngũ cốc làm nguyên liệu. Các nước giàu, đi đầu là Mỹ, đang nỗ lực tìm cách thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh học. Chỉ riêng năm 2007, diện tích ngô ở Mỹ đã đạt trên 37 triệu ha, tăng 19% so với 2006. Tuy nhiên, lại xuất phát từ lợi ích kinh tế, lượng ethanol sản xuất từ ngũ cốc của Mỹ được dùng để xuất khẩu sang châu Âu là chính, nơi có giá cao hơn ở Mỹ. Mặt khác của vấn đề ở chỗ là tại nhiều quốc gia nghèo, đặc biệt ở châu Phi, nạn đói vẫn đang hoành hành, thì ngũ cốc ở các nước giàu có thể lại được dùng để sản xuất ethanol chạy xe hơi. Trong khi đó, vài thập kỷ trở lại đây chưa bao giờ quan sát thấy xu hướng giảm giá của lương thực và trên các diễn đàn về biến đổi toàn cầu người ta nói rất nhiều đến tác động của biến đổi khí hậu đến nguy cơ nghèo đói hoặc tái nghèo của nhiều quốc gia nghèo. Liên Hợp Quốc còn quan ngại là Mục tiêu thiên niên kỷ sẽ không đạt được do tác động của biến đổi khí hậu. Câu hỏi đặt ra là: Trong nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính của toàn thế giới thì nỗ lực sản xuất nhiên liệu sạch ở các nước giàu và nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở các quốc gia nghèo liệu có thể song hành được với nhau không?
Trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, IPCC cũng nêu nguyên tắc đồng phát triển (co-development) như một trong các giải pháp nhằm đạt sự cân bằng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển để đảm bảo phát triển bền vững (Payne Anthony. 2005, The Global Politics of Unequal Development, New York, Palgrave Macmillan). Tuy nhiên, trên thực tế, để đạt được trình độ phát triển như ngày nay, các nước phát triển đã trải qua ba giai đoạn: 1) Nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 là giai đoạn cách mạng công nghiệp với sự tăng trưởng hoang dã (wild growth), 2) Từ những năm 70 đến nay là giai đoạn thiết lập phúc lợi và 3) Từ những năm 70 trở lại đây là giai đoạn tăng sự quan tâm đến môi trường. Có điều gì đảm bảo để giảm thiểu sự khác biệt về phát triển giữa hai nhóm quốc gia: Nhóm phụ lục I và Nhóm phụ lục II của Nghị định thư Kyoto khi mà lịch sử phát triển kinh tế của hai Nhóm phụ lục này là rất khác nhau.
Ý tưởng cho rằng việc biến đổi toàn cầu bao gồm toàn cầu hóa kinh tế và biến đổi khí hậu đang tạo ra “người thắng” (winners) “kẻ thua” (losers) là lẽ tự nhiên và không tránh khỏi đang được chấp nhận rộng rãi. Theo Kaye (Kaye, H. L. 1997. The social meaning of modern biology. New, Brunswick, NJ: Transaction Publishers), Mác là người đầu tiên cho rằng thuyết tiến hóa của Darwin phản ánh mạnh mẽ quan hệ cạnh tranh tư sản vào tự nhiên. Cũng theo Kaye trong tài liệu đã dẫn, Mác cũng phê phán những người theo thuyết Darwin xã hội (Social Darwinism) đã sử dụng học thuyết tiến hóa của Darwin như trụ cột về tư tưởng học để bao biện cho sự cạnh tranh tồn tại trong chủ nghĩa tư bản. Có những người khác cũng cho rằng sự hình thành “người thắng”, “kẻ thua” có nguồn gốc xã hội và chính trị và là hệ quả tiến hóa hoặc của các quá trình tự nhiên, hoặc của bàn tay vô hình trong thị trường tự do (Karen L. O’Brien  and Robin M. Leichenko, Annals of the Association of American Geographers, Volume 93, Issue 1 March 2003, pages 89 – 103). Liệu sự phê phán của Mác như đã nói ở trên có còn giá trị trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay không? Liệu với những gì đang diễn ra trong cuộc vận động giảm thiểu phát thải khí nhà kính vào khí quyển thì sự sử dụng sức mạnh kinh tế để giảm thiểu ô nhiễm cho quốc gia của mình, thôn tính quyền phát thải của các nước nghèo hơn có thể sẽ làm xuất hiện Chủ nghĩa thực dân mới trong phát thải hay không?
—————–
* Trung tâm Quốc tế nghiên cứu biến đổi toàn cầu. Đại học Quốc gia, Hà Nội

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)