Biến đổi khí hậu và dịch bệnh: Vượt thoát một chu trình rủi ro? 

Nếu không có một tâm thế sẵn sàng ứng phó, liệu Việt Nam có thể vượt thoát khỏi tác động kép của biến đổi khí hậu và dịch bệnh?

Lũ lụt ở TPHCM vào ngày 18/10/2016.

Có lẽ, ngay từ những tháng đầu năm 2024, cái căng thẳng về hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đi kèm nắng nóng xuất hiện bất thường trên cả ba miền khiến mọi người đều cảm thấy căng thẳng và lo ngại. Vào cuối tháng 4/2024, ông Phùng Tiến Dũng, Trung tâm Dự báo KTTVQG, được tạp chí KTTV dẫn lời, cho rằng tình trạng khô hạn, hạn hán sẽ lan rộng ra tất cả các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên do các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi thiếu hụt từ 30-35% so với trung bình nhiều năm, khu vực Bình Định đến Tây Nguyên thiếu hụt từ 35-45%, có sông thiếu hụt trên 65% như sông La Ngà1

Trong cái nỗi khốn khổ phải hứng chịu về nắng nóng và hạn hán, ai nấy đều nghĩ ngay đến nguồn cơn của nó là do biến đổi khí hậu. Bản thân cụm từ biến đổi khí hậu giờ không còn xa lạ, nó không chỉ là chủ đề quan tâm của không chỉ giới học thuật hay các nhà hoạch định chính sách mà cả người dân nữa. Họ cũng bắt đầu cảm nhận được tác động của một chế độ khí tượng khí hậu đang dần một thay đổi với chính cuộc sống hằng ngày của mình. Giờ thì ai cũng hiểu, biến đổi khí hậu nghĩa là những cơn lụt lội có thể diễn ra thường xuyên hơn, mùa đông có thể đến muộn hơn, ấm áp hơn hay tần suất xuất hiện nắng nóng dày hơn, khốc liệt hơn… Và nghĩa là phải mở ví nhiều hơn, ví dụ các hộ dân sống ở Hà Nội và TPHCM đều chia sẻ là hóa đơn tiền điện của họ vào tháng 4 và tháng 5 tăng phi mã do thời gian sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát khác ở nhà đều gia tăng2.

Tác động của biến đổi khí hậu lên con người không chỉ có thế. Vượt ra ngoài những ảnh hưởng trực tiếp và dễ thấy nhất, biến đổi khí hậu còn ẩn chứa những tác động dài hạn mà không ai có thể mường tượng hết. Một phần của câu chuyện đó sẽ là sức khỏe trong mối quan hệ với dịch bệnh, vấn đề mà chúng ta buộc phải quan tâm nhưng lại dễ bị bỏ qua hoặc dễ bị hoài nghi nhất, bởi sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể chứng thực được nó.

Một chế độ khí hậu ngày càng bất định 

“Mặc dù biến đổi khí hậu nói chung xuất hiện từ khi Trái đất được hình thành tuy nhiên thời kỳ Tiền công nghiệp được coi là cột mốc mà con người tác động đến hệ thống khí hậu này và dẫn đến biến đổi khí hậu hiện đại (Anthropogenic climate change)”, giáo sư Phan Văn Tân, một nhà nghiên cứu về khí tượng/khí hậu ở ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, giải thích. “Những hoạt động khai thác tự nhiên, sản xuất trên quy mô lớn của con người đã tạo ra nhiều phát thải và trở thành động lực chính làm thay đổi thành phần khí quyển, dẫn đến sự gia tăng hiệu ứng nhà kính. Con người là một thực thể nằm bên trong hệ thống khí hậu nhưng hoạt động của con người, được cho là nhân tố bên ngoài, lại phá vỡ sự cân bằng của hệ thống khí hậu”. 

Các sự kiện thời tiết cực đoan (sự kiện thời tiết hiếm có xảy ra ở một địa điểm và thời gian cụ thể của năm) và sự kiện khí hậu cực đoan (sự lặp đi lặp lại của thời tiết cực đoan kéo dài trong một khoảng thời gian đủ dài) 3 mà chúng ta trải nghiệm ngày một nhiều hơn. Các mô hình tính toán với dữ liệu thực ghi đo được cho thấy tần suất và cường độ của những sự kiện đó là do biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, dấu vết của biến đổi khí hậu ngày một đậm nét khi thường xuyên phải đối mặt với những sự kiện thời tiết cực đoan như nhiệt độ cao, mưa lớn, bão…, trong đó bão có thể là nguyên nhân dẫn đến những hệ quả kết hợp của nhiều hiện tượng như mưa lớn, gió mạnh, nước dâng, dẫn đến kích hoạt những mối nguy hiểm khác như lụt lội, trượt lở đất4. Đơn cử từ ngày 6 đến 28/10/2020, miền Trung đã hứng chịu sáu cơn bão nhiệt đới, lượng mưa lớn đã kích hoạt những yếu tố sẵn có, như trầm tích tại địa điểm trượt lở chủ yếu bao gồm đất sét, đất bột xen lẫn các đá vụn và khu vực trượt lở được hình thành từ đá phiến phong hóa, đá granit và colluvium không cố kết, gây ra những vụ trượt lở và lụt lội thảm khốc ở Quảng Trị, TT-Huế và Quảng Nam5

Các điều kiện kinh tế xã hội đã gia nhiệt thêm cho biến đổi khí hậu để cùng tái định hình động lực và phân bố bệnh truyền nhiễm trên quy mô lớn.

Trong quá trình phát triển, nếu đường bờ biển dài được coi là một lợi thế đặc biệt của Việt Nam với các lĩnh vực du lịch, khai thác các nguồn lợi hải sản… thì hằng năm, vùng duyên hải cũng là nơi có gần 70% cư dân phải đối diện với bão và lũ lụt6. Một công bố trên Nature Hazards của các nhà nghiên cứu ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) và ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) đã nhận diện được các nguy hiểm khí tượng liên quan đến nhiệt độ cao, mưa lớn và bão nhiệt đới ở vùng duyên hải từ Thái Bình đến Cà Mau trong gần bốn thập niên, từ năm 1980 đến 2018. Kết quả cho thấy, vào đầu mùa hè, con người phải hứng chịu các mức nhiệt độ cao ở mức nguy hiểm trong khi về cuối năm, các hiện tượng thời tiết cực đoan là lượng mưa lớn và bão nhiệt đới. Hơn thế, phần lớn các khu vực ở vùng duyên hải đều phải đối diện với xu hướng ngày một gia tăng chung là số lượng các sự kiện thời tiết cực đoan phức hợp, nghĩa là một dạng sự kiện đa thiên tai liên quan đến thời tiết với sự xuất hiện của nhiều yếu tố nguy hiểm như lượng mưa lớn, cường độ gió cực đoan và bão gia tăng, ví dụ như các trận bão nhiệt đới kèm mưa lớn. Xu hướng này đáng chú ý ở các vùng như Quảng Ngãi, Phan Thiết, Vũng Tàu. Bên cạnh đó, số lượng các hiểm họa do nhiệt độ cao cũng gia tăng và là nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng các sự kiện thời tiết cực đoan phức hợp. “Có một điểm đáng chú ý là khi các mức nhiệt độ trên khắp thế giới đang tăng lên do sự ấm lên toàn cầu, dự kiến sẽ có sự gia tăng về số lượng của mối nguy hiểm về nhiệt độ. Hệ quả của nó là làm tăng xác suất xuất hiện của các sự kiện thời tiết nguy hiểm, dẫn đến tần suất ngày một tăng của các sự kiện thời tiết nguy hiểm phức hợp trong tương lai”, các tác giả viết trong công bố.

Bão có thể góp phần kích hoạt những mối nguy hiểm khác như lụt lội, trượt lở đất. Ảnh: Trượt lở ở Yên Bái vào năm 2023. Ảnh: Thu Quỳnh

Việc các sự kiện thời tiết cực đoan ngày một khó lường cũng khiến cho người ta cảm thấy bối rối và lo lắng. Trước đây, tình trạng lụt lội chỉ diễn ra ở vùng đồng bằng, ven biển nhưng nay vùng cao, miền núi cũng có nguy cơ rơi vào lụt lội, điều bắt đầu xảy ra ở một vài năm gần đây ở Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, Đà Lạt… Có thể chắc chắn một điều là cơ sở hạ tầng ở các địa phương này chưa được thiết kế để đối phó với những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão kèm mưa lớn hoặc mưa lớn dồn dập trong thời gian ngắn. Còn trong tương lai? Các phân tích sâu hơn về lượng mưa cực đoan cho thấy trong tương lai, lượng mưa và cường độ mưa theo ngày sẽ tăng lên ở miền Bắc và Tây Nguyên nhưng giảm ở miền Trung. Đây sẽ là một rủi ro tiềm năng về mưa lớn kèm với lũ chớp nhoáng ở vùng núi cao dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhất là khi lượng mưa tích tụ trong năm ngày ở vùng núi cao phía Bắc được dự tính sẽ tăng tới 20%7.

Sự bất định của khí hậu khiến nhiều khi, chúng ta không kịp ứng phó trước sự xuất hiện với tần suất và cường độ ngày một gia tăng của các sự kiện thời tiết cực đoan. Hạn hán xuất hiện ở nhiều vùng miền trên cả nước, đỉnh điểm là hạn hán kéo dài hơn 90 ngày trong mùa khô 2015-2016, “cơn khát nước ngọt nặng nề nhất trong 100 năm qua ở ĐBSCL”, và hạn hán trong mùa khô 2019–2020 xuất hiện sớm hơn, xâm nhập mặn sâu hơn, cường độ mặn cao hơn và thời gian kéo dài hơn cả năm 2015- 2016, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT8. UNDP ước tính, hạn hán mùa khô 2015-2016 ảnh hưởng đến hơn 275.260 ha trồng lúa trong số 4 triệu ha trồng lúa ở ĐBSCL và ảnh hưởng gần 189.880 ha trồng cây ăn quả ở 18 tỉnh thành; hạn hán mùa khô 2019–2020, xâm nhập mặn diễn ra ở 10 tỉnh thành, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt của hơn 200.000 hộ gia đình, làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu về sinh hoạt, đi lại… của hơn 685.000 người9

Nhưng rút cục, biến đổi khí hậu thì liên quan gì đến dịch bệnh?

Trong một thế giới mà nguy cơ bệnh dịch ngày càng trở nên trầm trọng hơn vì biến đổi khí hậu và 70% bệnh dịch trên người là từ động vật lan truyền thì sức khỏe con người và sức khỏe của hệ sinh thái nên được tích hợp trong một hệ giám sát ở một phạm vi khác trước.

Nguy cơ bệnh dịch do khí hậu

Thông thường, những ảnh hưởng và tổn thất do biến đổi khí hậu làm người ta liên hệ ngay tới những thiệt hại kinh tế mà ít nghĩ tới dịch bệnh. Tuy nhiên, những thay đổi của hệ thống khí hậu trên Trái đất diễn ra ngày một nhanh chóng và đột ngột khiến cho con người và hệ sinh thái không kịp làm quen để có thể đáp ứng những thay đổi đó. Các điều kiện kinh tế xã hội đã gia nhiệt thêm cho biến đổi khí hậu để cùng tái định hình động lực và phân bố bệnh truyền nhiễm trên quy mô lớn. Biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm hơn một nửa các dịch bệnh gây ra ở người: 58% bệnh truyền nhiễm, tức là 218 trong số 375 bệnh và có 1.006 các con đường dẫn đến các bệnh truyền nhiễm thông qua các dạng lây nhiễm khác nhau10

Khí hậu ngày một mang con người tới gần hơn với mầm bệnh và các mầm bệnh được khí hậu gia thêm sức tấn công con người. Điều này không chỉ khiến cho sức khỏe của con người thêm rủi ro hơn mà còn khiến cho các loại virus, vi khuẩn và ký sinh trùng có thể lan truyền nhanh hơn và xuất hiện ở những nơi chúng chưa từng tồn tại trước đây, ví dụ đầu năm 2023, WHO cảnh báo bệnh sốt xuất huyết và chikungunya đã tràn ra ngoài vùng địa lý quen thuộc của nó và một nửa dân số thế giới đang đối mặt với rủi ro của các căn bệnh do muỗi truyền này11. Việc tăng lượng mưa, lũ lụt hay hạn hán cũng dẫn đến tạo ra những diện tích nước tù đọng hoặc nước bị ô nhiễm để các vector truyền bệnh có thêm điều kiện sinh sôi, phát tán. 

Bên cạnh đó, các sự kiện khí hậu cực đoan có thể làm ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và các hệ thống y tế, càng làm cho nhiều người dễ bị rủi ro sức khỏe vì bệnh truyền nhiễm. Các yếu tố khác như di cư, đô thị hóa, phá rừng và suy thoái rừng… cũng có thể tác động đến sự lan truyền của bệnh truyền nhiễm12.

Phun thuốc tiêu độc, khử trùng trên đàn gia cầm là giải pháp phòng ngừa dịch bệnh lây từ gia cầm sang người. Ảnh: Sở Y tế Cà Mau.

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia thường xuyên bị ngập lụt. Những tác động đến sức khỏe nhiều nhất của lụt lội, ngoài việc dẫn đến tai nạn và nguy cơ rủi ro đến tính mạng là phát tán các bệnh dễ lan truyền qua nước, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da cũng như các nguy cơ nhập viện khác. Ví dụ năm 2011, một đợt lũ lụt cực đoan ở ĐBSCL làm gia tăng số ca nhập viện không nguyên nhân, các bệnh truyền nhiễm và bệnh hô hấp lần lượt 7,2%, 16,4% và 25,5%. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, nguy cơ nhập viện gia tăng cùng với độ khắc nghiệt của lũ lụt. Thậm chí, có nghiên cứu cho thấy hệ lụy lên trẻ em của mưa lớn, bao gồm thiếu cân, chỉ số chiều cao theo tuổi thấp hơn và tình trạng sức khỏe tổng thể thấp hơn. 

Dẫu vậy, những tác động lên sức khỏe của hạn hán cũng không kém, đó là tăng nguy cơ nhập viện, điều kiện sức khỏe giảm, tăng chi tiêu cho sức khỏe… Ví dụ một nghiên cứu ở hai tỉnh ĐSBCL cho thấy, hạn hán làm tăng nguy cơ nhập viện do mọi nguyên nhân, bệnh về hô hấp và bệnh thận và làm tăng chi phí lên hơn 360.300 USD, giai đoạn 1995 – 2014. 

Tuy nhiên, đáng lo lắng hơn cả là nhóm các bệnh truyền nhiễm có độ nhạy cao với nhiệt. Khí hậu ấm hơn ở Việt Nam đang có nguy cơ kích hoạt rất nhiều bệnh dạng này, trong đó có thể tập trung vào bốn nhóm: các bệnh do muỗi lan truyền (sốt xuất huyết, sốt rét…); các bệnh lây truyền qua đường nước (tả, lỵ, thương hàn, Salmonella, E. coli, viêm gan A…); các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp (cúm mùa, cúm A, COVID, lao…); và một số mô hình lan truyền bệnh khác (bệnh tay chân miệng…)13

Nhìn chung, những bệnh truyền nhiễm nhạy cảm với nhiệt phổ biến ở Việt Nam là sốt xuất huyết, tiêu chảy, cúm. Đặc biệt, cúm mùa là một gánh nặng bệnh tật với Việt Nam với hơn 26,1 triệu ca mắc trong giai đoạn từ năm 1997 đến 2016 (trung bình 1,3 triệu ca mỗi năm). Tuy tỉ lệ mắc cúm mùa có giảm đi trong những năm gần đây nhưng theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hằng năm ở Việt Nam trung bình có trên 800.000 người mắc cúm14. Thường tỉ lệ mắc và do cúm mùa tăng cao vào tháng 9 và tháng 10 nhưng tỉ lệ tử vong cao lại vào những tháng mùa đông.

Cách tiếp cận Một sức khỏe có thể đem lại – góp phần giữ sự cân bằng mối quan hệ giữa con người, động vật, môi trường mà vẫn có thể giảm thiểu tác động lên bệnh dịch của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, sốt xuất huyết cũng là vấn đề y tế công cộng lớn của Việt Nam với tỉ lệ người mắc cao nhất Đông Nam Á. Dựa trên bộ dữ liệu 23 năm (từ năm 1998 đến năm 2020), các nhà nghiên cứu Việt Nam và Anh đã vẽ ra một bức tranh phức tạp về căn bệnh này, bao gồm các nhân tố cơ sở hạ tầng đô thị (tình trạng vệ sinh, cung cấp nước, sự tăng trưởng đô thị dài hạn) liên quan đến mẫu hình không gian mắc sốt xuất huyết, nhiệt độ định hình sự phân bố và động lực lan truyền của bệnh, cộng thêm sự di chuyển của con người đã làm mở rộng sự lan truyền khắp Việt Nam, xuất hiện các điểm nóng về bệnh mới (Hà Nội và các vùng phía Bắc). Các yếu tố khí tượng như lượng mưa lớn trong thời gian ngắn, hạn hán kéo dài làm tăng nguy cơ rủi ro. Do đó, tổng số ca mắc là hơn hai triệu người, số ca mắc trung bình mỗi tháng gần 175.000 người từ tháng 5/1998 đến tháng 4/2021; số ca mắc nhiều nhất là vào năm 2018 và 2019.15

Vậy cách nào để chúng ta vượt qua những thách thức không để đảo ngược đó?

Năng lực ứng phó xuyên quy mô và xuyên các lĩnh vực?

Sự tương tác giữa biến đổi khí hậu và bệnh dịch khiến câu chuyện ứng phó ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, trở nên khác trước. Đại dịch COVID-19 đã đặt ra một lằn ranh phân định giữa cách tiếp cận cũ và mới trong ứng phó. “Bây giờ chúng ta cần phải dự báo mối nguy ở đâu chứ không phải dự báo bệnh. Vì khi COVID xảy ra, chúng ta không biết tác nhân gây bệnh ở đâu, ở động vật hoang dã hay môi trường, hay từ phòng thí nghiệm, hay từ yếu tố nào khác”, TS. Phạm Đức Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD), trao đổi trong seminar khởi động dự án “Media for One Health” (Truyền thông cho Một sức khỏe), do Cơ quan truyền thông của Bộ Ngoại giao Pháp (CFI) tổ chức vào ngày 20/5/2024 tại Hà Nội, đồng thời chỉ ra một lý do mà không thể áp dụng cách tiếp cận cũ “Việc ngành y tế chỉ ứng phó khi xảy ra vấn đề thì đã muộn”. 

Trong một thế giới mà nguy cơ bệnh dịch ngày càng trở nên trầm trọng hơn vì biến đổi khí hậu và 70% bệnh dịch trên người là từ động vật lan truyền thì sức khỏe con người và sức khỏe của hệ sinh thái nên được tích hợp trong một hệ giám sát ở một phạm vi khác trước. “Nếu chúng ta muốn sẵn sàng ứng phó thì chúng ta phải dự báo được, bằng thông tin khoa học, bằng trao đổi giữa các ngành với nhau. Và tất cả đều cần dữ liệu, số liệu kịp thời, đúng thời gian, nếu không chúng ta sẽ bị trễ trong dự báo, dự báo sẽ sai”, TS. Phạm Đức Phúc nói. “Để có biện pháp ngăn chặn sớm nhất, chúng ta cũng phải hiểu rõ các tác nhân gây bệnh, mối nguy, đặc tính, sự lây truyền, địa điểm… Và chúng ta cũng cần phải biết đâu là điểm nóng của dịch, nhóm nào có nguy cơ nhiễm cao. Tất cả những điều này đều có sự tương tác rất chặt chẽ giữa con người, động vật, môi trường”. 

Nhiều nghiên cứu cho biết, với các quốc gia có cơ sở hạ tầng yếu kém, mức độ nghèo đói và bất bình đẳng cao cũng như phải đối diện với các thách thức y tế công cộng đáng kể thì những tác động của biến đổi khí hậu sẽ góp phần làm giới hạn các nguồn lực, thậm chí còn đẩy nhiều nhóm vào đói nghèo và phân hóa nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, cách tiếp cận Một sức khỏe có thể tích hợp các nguồn lực chính sách, chi phí, know-how của nhiều lĩnh vực để giải quyết vấn đề sức khỏe ở quy mô địa phương, vùng, quốc gia, liên quốc gia. Việc tích hợp nguồn lực như vậy là phần quan trọng nhất mà cách tiếp cận Một sức khỏe có thể đem lại – góp phần giữ sự cân bằng mối quan hệ giữa con người, động vật, môi trường mà vẫn có thể giảm thiểu tác động lên bệnh dịch của biến đổi khí hậu. Những giá trị tăng thêm để cứu được mạng sống của con người và động vật, giảm thiểu chi phí và dịch vụ xã hội mà vẫn giữ được sự cân bằng môi trường một cách thực tế nhất chỉ đạt được khi gắn kết chặt chẽ sức khỏe của con người và động vật cũng như nhiều lĩnh vực khác16

Ở Việt Nam, mặc dù Bộ Y tế đã ghi nhận được sự cần thiết của các chính sách thích ứng và kế hoạch hành động để tăng cường hệ thống sức khỏe, nâng cao sức khỏe người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhưng năng lực thích ứng của hệ thống sức khỏe, đặc biệt ở cấp cơ sở vẫn còn rất yếu và giữa các lĩnh vực chưa thực sự gắn kết. “Mặc dù chúng ta tiếp cận được khái niệm One Health từ hơn 10 năm rồi  nhưng việc triển khai thực hiện còn rất nhiều vấn đề”, TS. Phạm Đức Phúc chỉ ra những hạn chế lớn. “Chúng ta thiếu kinh phí, chúng ta thiếu các cơ chế để có thể hợp tác với nhau, chia sẻ nguồn lực và chia sẻ tài chính. Rất khó để làm”. 

Trên thực tế thì việc gắn kết rất nhiều bên lại với nhau là một điều không dễ, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển. “Thật không may, các hệ thống giám sát sức khỏe công cộng và sức khỏe động vật thường thất bại trong việc truyền đạt, kết nối với nhau”, Jakob Zinsstag nhận xét như vậy trong công bố “Climate change and One Health” (Biến đổi khí hậu và Một sức khỏe) trên FEMS Microbiol Lett khi đề cập đến những trường hợp bùng phát dịch sốt thung lũng Rift ở Mauritania nhưng bị ngành y nhầm lẫn là sốt vàng da và mọi chuyện chỉ được vãn hồi khi rất lâu sau đó, các nhà thú y quan sát thấy hiện tượng sảy thai trên gia súc do nhiễm bệnh sốt thung lũng Rift. TS. Phạm Đức Phúc cho biết ở Việt Nam, ngay cả “giữa hai ngành, đôi khi không cùng kiến thức chuyên môn thì rất khó để chia sẻ thông tin, chuyển tải thông điệp của ngành. Văn hóa ngành khác nhau nên rất khó làm tốt được điều này”.

Một hệ quả của việc thiếu cơ chế và nguồn lực cũng như gắn kết chặt chẽ với nhau trong thực thi các kế hoạch ứng phó theo cách tiếp cận Một sức khỏe là cuối cùng “khó tạo được ảnh hưởng của chính sách và gắn kết các bên và cả cộng đồng trong một tiến trình chung. Chúng ta nói rất nhiều nhưng nếu không gắn kết được với các bên và cộng đồng thì chúng ta sẽ thất bại, chúng ta chỉ dừng ở lý thuyết”, anh nhận xét. 

Đó sẽ là điều mà các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh cần phải tính đến. Dẫu ở thời điểm hiện tại, COVID-19 đã qua đi và chưa ai có thể đưa ra được một xác quyết về nguồn gốc của virus gây căn bệnh này nhưng có một điều ai cũng nhận ra là, một khi đến một ngưỡng nào đó, tự nhiên nổi giận, tạo ra cơ hội cho virus phát triển đột biến theo cách ngày một chết chóc hơn và tạo ra những điều kiện để xảy ra hiện tượng nhảy loài (spillover) thì con người không thể chống trả nổi tổn thất.

Không thể có một giải pháp, một cách tiếp cận nào giải quyết được tất cả mọi vấn đề cùng một lúc nhưng trong một bối cảnh không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu và những hệ lụy không thể tránh khỏi của bệnh dịch, có lẽ, One Health sẽ là cơ hội để góp phần giúp chúng ta gắn kết và sắp xếp lại trật tự. Bởi con người là một thực thể nằm bên trong hệ thống khí hậu và con người vẫn có thể hợp nhất với động vật, môi trường trong một hệ sinh thái lớn hơn, Trái đất.□

———-

Chú thích

1. http://vmha.gov.vn/du-bao-107/tinh-trang-han-han-thieu-hut-nguon-nuoc-tiep-tuc-xay-ra-16768.html

2. https://laodong.vn/giai-dap-phap-luat/hoa-don-tien-dien-tang-gap-doi-1336407.ldo

https://laodong.vn/ban-doc/vi-sao-hoa-don-tien-dien-thang-42024-cua-nhieu-ho-dan-o-tphcm-tang-cao-1335326.ldo

3. https://www.ipcc.ch/report/ar6/wg1/chapter/chapter-11/

4. Tung Nguyen-Du et al. “Identification and trend analysis of compound meteorological hazards along Vietnam’s coastline”. Natural Hazards.

5. Pham Van Tien et al. “Rainfall-induced catastrophic landslide in Quang Tri Province: the deadliest single landslide event in Vietnam in 2020”. Landslides.

6. https://reliefweb.int/report/viet-nam/disaster-management-reference-handbook-vietnam-december-2021

7.  S.V. Raghavan. “Ensemble climate projections of mean and extreme rainfall over Vietnam”. Global and Planetary Change.

8. https://www.mard.gov.vn/Pages/hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-phong-chong-han-han-thieu-nuoc-xam-nhap-man-mua-kho-nam-2019-2020.aspx

9. UNDP. “Viet Nam: Drought and Saltwater Intrusion in the Mekong Delta”. 

10. Camilo Mora et al. “Over half of known human pathogenic diseases can be aggravated by climate change”. Nature Climate Change.

11. GAVI. “The deadly diseases that are spiking because of climate change”.

12. UNISDR. “What is the link between climate change and infectious disease”?

12. Nu Quy Linh Tran et al. “Climate change and human health in Vietnam: a systematic review and additional analyses on current impacts, future risk, and adaptation”, The Lancet Regional Health – Western Pacific.

13.  https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-nguoi-lon-tuoi-can-tiem-vaccine-cum-hang-nam-169231113103425742.htm

14.  Rory Gibb. “Interactions between climate change, urban infrastructure and mobility are driving dengue emergence in Vietnam”. Nature Communications. 

15. Tran Thi Tuyet Hanh et al. “Vietnam Climate Change and Health Vulnerability and Adaptation Assessment, 2018”. Sage Journals.

16. Jakob Zinsstag. “Climate change and One Health”. FEMS Microbiol Lett.

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)