Biến nước thành nhiên liệu
Nước chiếm ba phần tư bề mặt trái đất, nếu có cách nào đó biến nước thành nhiên liệu thì thế giới sẽ không còn tình trạng vì tranh cướp nhiên liệu mà xảy ra biết bao cuộc xung đột, thậm chí chiến tranh, giữa các nước khát năng lượng.
Mơ ước này sẽ có khả năng biến thành hiện thực, vì mới đây, một công ty Đức là Sunfire GmbH đã đưa ra phương án giải quyết vấn đề trên. Phương án không có gì bí ẩn mà rất đơn giản. Họ sử dụng phương pháp chế tạo nhiên liệu tổng hợp từ nước và CO2 – hai thứ có nhiều nhất trên thế giới – làm ra nhiên liệu hydrocarbon. Họ gọi nó là công nghệ Power–to–Liguid và nói nó có thể chế tạo ra các loại nhiên liệu như xăng, dầu diesel và dầu hỏa.
Phương án này dựa trên nguyên lý của công nghệ tổng hợp Fischer-Tropsch (Fischer-Tropsch synthesis), một trong các công nghệ gián tiếp hóa lỏng than, còn gọi là phản ứng FT. Nó dùng khí tổng hợp (CO và H2) làm nguyên liệu, chịu tác dụng của chất xúc tác và dưới điều kiện phản ứng thích hợp, tổng hợp thành nhiên liệu ở thể lỏng. Công nghệ này do Franz Fischer và Hans Tropsch sáng chế năm 1923.
Năng lượng mặt trời và gió là những nguồn năng lượng sạch nhưng lại rất không ổn định. Công ty Sunfire dùng điện mặt trời và điện gió để điện phân hơi nước, tách ra hydrogen và oxygien. Sau đó cho hydrogen và CO2 phản ứng với nhau, qua đấy thu được nhiên liệu chất lượng cao. Thực chất quá trình này là dùng phương pháp ổn định và hiệu suất cao để tồn trữ nguồn năng lượng kém ổn định (lả điện mặt trời và điện gió), mà nước là môi chất cực tốt trong quá trình đó. Nhiệt lượng dư thừa sinh ra trong quá trình này được dùng để làm ra hơi nước.
Thiết bị mẫu của Sunfire có giá thành khoảng 1 triệu Euro, hiện nay mỗi ngày sản xuất được 1 thùng nhiên liệu; đạt hiệu suất chuyển đổi 50% nhưng công ty cho biết trong tương lai sẽ có thể nâng lên 70%. Nếu giảm được giá thành thì phương pháp nói trên có thể sản xuất với quy mô công nghiệp.